Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến công tác nghiên cứu, giảng dạy Triết học hiện nay

TS. Đỗ Hồng Quảng 
Trường Đại học Trần Quốc Tuấn
ThS. Đỗ Thị Trang 
Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế – xã hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, phá bỏ một số cấu trúc, tư duy truyền thống, tác động lớn đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Theo đó, việc nghiên cứu, giảng dạy triết học hiện nay cần có cách tiếp cận mới nhằm bổ sung thực tiễn, phát triển lý luận để triết học tiếp tục đóng vai trò quan trọng giải đáp các câu hỏi cốt lõi của thời đại.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, triết học, nghiên cứu, tác động.

1. Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại sự thay đổi to lớn về phương thức sản xuất và cách thức quản lý, đã phá bỏ một số cấu trúc, tư duy truyền thống và có tác động lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Những biến đổi sâu sắc này không chỉ đặt ra thách thức đối với các lĩnh vực khoa học – công nghệ mà còn là những câu hỏi căn bản mang tính triết học về đạo đức, bản chất con người và tri thức. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu và giảng dạy triết học cần không ngừng đổi mới tư duy trong đánh giá thực tiễn để giải quyết những vấn đề mang tính thời đại. Vì vậy, cần tìm ra cách tiếp cận mới để triết học không chỉ giúp con người dự báo về xu hướng phát triển mà còn góp phần dẫn dắt, định hình các giá trị và tư duy cho thế hệ tương lai. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đào sâu, phân tích và phản biện tác động của công nghệ đối với con người cũng như vai trò của con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

2. Mối quan hệ biện chứng giữ khoa học triết học và cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thuật ngữ “Industrie 4.0” được sử dụng lần đầu tiên tại Hội chợ Hannover năm 2011 – Hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và công nghiệp ở Đức. Năm 2012, khái niệm này được đề cập trong kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao do Chính phủ Đức thông qua. Ngày 20/01/2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 được tổ chức tại Thụy Sĩ với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa hệ thống ảo và thực sẽ làm thay đổi căn bản cách thức con người sản xuất, chế tạo các sản phẩm, như: trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật (IoT), xe tự lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử… Những đột phá này tương tác thúc đẩy phát triển tạo ra một thế giới số hóa, tự động hóa ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn.

Thứ nhất, mỗi cuộc cách mạng xã hội để chuyển từ hình thái kinh tế – xã hội thấp lên hình thái kinh tế – xã hội cao hơn xuất hiện mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất đang ở trình độ cao với quan hệ sản xuất đã trở thành xiềng xích. Chẳng hạn, nhờ phát minh ra công cụ bằng sắt, chế độ cộng sản nguyên thủy đã chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ; nhờ phát minh ra cối xay quay bằng sức nước, xã hội chiếm hữu nô lệ đã được thay đổi bởi xã hội phong kiến; nhờ phát minh ra máy hơi nước, chủ nghĩa tư bản đã thay thế chế độ phong kiến… Chế độ tư bản chủ nghĩa đã phát minh ra nhiều loại máy móc hiện đại hơn máy hơi nước, như động cơ đốt trong, máy phát điện… có hiệu suất ngày càng cao hơn. Như vậy, có thể khẳng định, dấu hiệu để báo trước cuộc cách mạng xã hội để thay hình thái kinh tế – xã hội thấp hơn bằng hình thái kinh tế – xã hội cao hơn là sự xuất hiện của những công cụ sản xuất mang tính cách mạng về chất. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phát minh ra những công cụ có thể thay thế con người đó là những robot (ở Nhật Bản hiện có hai khách sạn mà nhân viên tiếp tân, phục vụ toàn là robot. Năm 2015, McDonald tuyên bố sẽ xây thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot, theo đó, từ 10 – 20 nhân viên của một nhà hàng truyền thống sẽ chỉ còn 2 – 3 người quản lý. Tháng 5/2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công để thay thế bằng robot 2); đồng thời, còn phát minh ra những công cụ có thể suy nghĩ thay con người nhờ áp dụng AI để tạo ra người máy thông minh (chẳng hạn, như: Sophia – robot đầu tiên trong lịch sử được nước Saui Arbia cấp quyền công dân như con người)3. Những người máy không những đã giải phóng được sức lao động của con người mà còn làm thay đổi lớn về phương thức sản xuất trong nhiều lĩnh vực, đây chính là những kết quả có ý nghĩa rất to lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khi lực lượng sản xuất phát triển cao đã tạo ra mâu thuẫn gay gắt với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, khiến quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành xiềng xích kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển, đây chính là điều kiện để tiến lên xã hội không còn bóc lột. C.Mác đã khẳng định: “Nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, đều thấy rằng, bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”4

Thực tế lịch sử đã chứng minh nhận định này là hoàn toàn chính xác, do đó, trong thế kỷ XXI, loài người sẽ có những bước tiến vĩ đại chưa từng có, bởi tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hình thái kinh tế – xã hội sau có thời gian tồn tại ngắn hơn hình thái kinh tế – xã hội trước. Chính vì vậy, đánh giá đúng trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là chìa khóa để giải quyết tất cả những vấn đề còn lại của chủ nghĩa duy vật lịch sử, một nhiệm vụ hàng đầu trong nghiên cứu triết học ở mọi giai đoạn lịch sử.

Thứ hai, Triết học cần trả lời rõ hơn câu hỏi thế giới là gì? Vị trí, vai trò của con người trong thế giới đó? Câu hỏi khiến con người phải suy nghĩ, bởi đó là câu hỏi ở tầng bản chất của sự tồn tại, trả lời rõ ràng câu hỏi này loài người mới có hạnh phúc và sự phát triển. Triết học thông qua việc thúc đẩy tư duy phản biện, khuyến khích con người không ngừng tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn và khám phá giá trị thực sự của cuộc sống.

Trước đây, do trình độ của lực lượng sản xuất quá thấp kém mà môi trường tự nhiên quá rộng lớn nên con người nghĩ rằng, càng chinh phục được tự nhiên thì càng làm chủ tự nhiên, khi đạt đến một trình độ nhất định, con người đã nhận ra rằng, nếu chinh phục môi trường tự nhiên một cách thô bạo thì chính con người phải nhận những hậu quả nặng nề. Chính vì vậy, triết học đã giúp con người thấu hiểu mối quan hệ phức tạp giữa tự nhiên và nhân tạo, từ việc chỉ khai thác mà giờ đây con người đã dần học được cách hợp tác với tự nhiên để cân bằng lợi ích lâu dài; nhìn nhận vấn đề không chỉ từ góc độ lợi ích ngắn hạn mà còn từ lợi ích dài hạn của toàn thể nhân loại và hành tinh. Qua tư duy phản biện, triết học khuyến khích con người đặt câu hỏi và thách thức các hệ thống giá trị hiện có để tìm kiếm những con đường phát triển mới, cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo. Triết học chính là nguồn cảm hứng để con người tiếp tục hành trình khám phá ý nghĩa và giá trị sâu xa của cuộc sống.

3. Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Một làngười dạy và học Triết học cần có năng lực mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc dạy và học triết học không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt các khái niệm truyền thống mà còn phải thích nghi và phát triển những năng lực mới để đối mặt với các thách thức hiện đại. Người dạy triết học cần trang bị khả năng tích hợp các tiến bộ công nghệ vào giảng dạy, như: sử dụng AI, thực tế ảo hay học tập trực tuyến để làm phong phú thêm trải nghiệm học tập. Đồng thời, họ cần có tư duy liên ngành, kết nối triết học với các lĩnh vực khác, như: công nghệ, môi trường, kinh tế và xã hội để mang lại cái nhìn toàn diện hơn cho người học. Ngược lại, người học triết học không chỉ cần có tư duy phản biện và khả năng phân tích sắc bén mà còn phải hình thành năng lực tư duy sáng tạo và khả năng áp dụng triết học vào thực tiễn. Điều này giúp họ thấu hiểu và giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến đạo đức công nghệ, công bằng xã hội hay mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong thời đại số hóa.

Cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu giảng dạy triết học trở nên thông thái hơn để giữ vị thế của triết học trong các môn khoa học khác, vì vậy, người dạy triết học cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới để có những biện pháp đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy. Công thức chung để thành công trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể là: “IT + English + Good Brain = All (Every things)”5. Đồng thời, phải có năng lực sáng tạo và khả năng truyền cảm hứng đến người học, đó là sự khác biệt trong dạy và học hiện nay so với các giai đoạn trước. Vì vậy, cần trang bị những kỹ năng mới, như: kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, tư duy hệ thống và phải luôn có ý thức học tập suốt đời. Đặc biệt, cần xây dựng một thế giới quan tích cực giữ vững niềm tin trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, biến niềm tin thành động lực, hướng con người đến với các giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả.

Hai là, dạy và học Triết học cần thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, triết học nói riêng luôn được đặt ra trong mỗi giai đoạn. Do đó, cần phải thích nghi nhanh hơn nữa với sự phát triển của cách mạng này, tránh tình trạng nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng không hiểu rõ và không có những giải pháp để đón lấy cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Vì vậy, cần thực hiện quyết liệt hơn trong việc đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy và học triết học.

Sử dụng các nền tảng trực tuyến, học liệu số và công cụ hỗ trợ AI trong giảng dạy, như: các phần mềm tương tác có thể giúp minh họa các khái niệm triết học trừu tượng một cách trực quan hơn, nhất là kết hợp video, podcast hoặc các bài giảng trực tuyến làm phong phú trải nghiệm học tập phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác nghiên cứu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác nghiên cứu triết học vì không có giải pháp đột phá trong đào tạo thế hệ kế cận thì công tác nghiên cứu triết học sẽ có nguy cơ tụt hậu xa hơn so với sự phát triển của thế giới. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”6 mà triết học lại là hình thức cao nhất của tư duy lý luận đó. Vì vậy, cần đầu tư cho các dự án nghiên cứu về ứng dụng triết học trong công nghệ, xã hội và môi trường.

Tiếp tục tăng cường giao lưu và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế để cập nhật xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy triết học; đồng thời, xây dựng, kế hoạch chương trình tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm.

4. Kết luận

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, nghiên cứu và giảng dạy Triết học ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong việc định hình cách tiếp cận và ứng xử của con người với các tiến bộ công nghệ. Triết học không chỉ giúp phân tích sâu sắc các vấn đề về đạo đức, nhân tính và trách nhiệm xã hội liên quan đến công nghệ mà còn đặt nền móng cho những tư duy phản biện và sáng tạo trong việc sử dụng và quản lý công nghệ một cách bền vững. 

Quá trình nghiên cứu, giảng dạy Triết học, cần làm sáng tỏ những vấn đề của cách mạng công nghiệp lần thứ tư dưới góc độ ngành, góp phần thực hiện phương pháp luận có tính chất phân tích quy luật, giải nghĩa và mở đường của Triết học.

Chú thích:
1, 4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập (1993). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 15 – 16, 16.  
2. Võ Văn Thắng, Hồ Nhã Phong, Lê Hải Yến (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cơ hội và thách thức với quản lý giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước”. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 399.  
3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/48441/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-voi-viec-phat-trien-nguon-nhan-luc-quan-ly-giao-duc-o-viet-nam.aspx22:28
5. Hà Thị Thùy Dương (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước”. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 471. 
6. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập (1994). Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 489.