Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã tỉnh Hưng Yên đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới

TS. Bùi Thị Thanh Thuý
Học viện Hành chính và Quản trị công
Lê Xuân Tiến
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp xã tỉnh Hưng Yên qua hai nhiệm kỳ 2016 – 2021 và 2021 – 2026, rút ra những kết quả, hạn chế, nguyên nhân. Từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng giám sát trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới1.

Từ khóa: Chất lượng giám sát, đại biểu Hội đồng Nhân dân, tỉnh Hưng Yên, kỷ nguyên mới.

1. Đặt vấn đề

Có thể khẳng định, việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong công tác kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung và chính quyền xã nói riêng; làm tốt hoạt động giám sát của HĐND cấp xã không chỉ góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, mà còn phát huy tốt vai trò làm chủ của Nhân dân, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện), vị trí vai trò, yêu cầu đối với đại biểu HĐND cấp xã sẽ thay đổi lớn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Để đáp ứng sứ mệnh, yêu cầu của Đảng, của Nhân dân, đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách toàn diện để đề xuất nâng cao chất lượng giám sát của đại biểu HĐND cấp xã nói chung và đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Hưng Yên nói riêng.

2. Khái quát kết quả hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Hưng Yên

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và đại biểu HĐND tỉnh (khóa XVII) nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức ngày 23/5/2021 đã bầu được 4.005 đại biểu; đến hết năm 2024 còn 3.857 đại biểu (do nghỉ hưu, chuyển công tác).

Về trình độ chuyên môn: trên đại học: 1,21% (49 người); đại học: 49,2% (1971 người); cao đẳng, trung cấp: 49,59% (1.985 người).

Về trình độ lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp: 1,7% (69 người); trung cấp: 42,21% (1691 người).

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không tổ chức Tổ đại biểu HĐND ở HĐND cấp xã. Do vậy, đại biểu HĐND cấp xã thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp xã. Với nguồn nhân lực như trên, từ năm 2016 đến nay, đại biểu HĐND cấp xã đã thực hiện hoạt động giám sát như sau:

(1) Thông qua hoạt động giám sát của HĐND cấp xã.

HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3.334 kỳ họp, ban hành 18.280 nghị quyết. Tại các kỳ họp HĐND, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp, quan trọng và rất hiệu quả, được HĐND các xã, phường, thị trấn quan tâm. Đại biểu HĐND cấp xã 2 nhiệm kỳ đã có 4.092 lượt chất vấn (nhiệm kỳ 2016 – 2021: 2.339 lượt, nhiệm kỳ 2021 – 2026: 1.753 lượt). Tại nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND cấp xã thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Kết quả ở cấp xã có 1.150/1.192 người được trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao, 4 người có phiếu tín nhiệm thấp.

HĐND cấp xã đã thực hiện tốt chức năng giám sát chuyên đề theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Việc giám sát chuyên đề đã được tập trung vào các vấn đề mà đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm. Sau giám sát đã kịp thời kiến nghị đề nghị các cơ quan khắc phục các tồn tại, hạn chế theo các nội dung giám sát. Theo tổng hợp từ báo cáo của HĐND các huyện, thị xã, thành phố; trong 2 nhiệm kỳ 2016 – 2021 và 2021 – 2026, HĐND cấp xã đã tiến hành 641 cuộc giám sát chuyên đề.

(2) Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND cấp xã.

Thường trực HĐND xã đã tổ chức được 1.965 cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào các vấn đề Nhân dân quan tâm (nhiệm kỳ 2016 – 2021: 940 cuộc, nhiệm kỳ 2021 – 2026: 1.025 cuộc).

(3) Thông qua hoạt động giám sát của các ban HĐND cấp xã.

Các ban của HĐND cấp xã cơ bản đã thực hiện chức năng giám sát thông qua việc xem xét các quyết định của Uỷ ban nhân dân (UBND). Thông qua hoạt động giám sát, các ban của HĐND đã kiến nghị UBND cấp xã sửa đổi, bổ sung các quyết định, quy chế để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, các ban của HĐND cấp xã thực hiện 3.093 cuộc giám sát (nhiệm kỳ 2016 – 2021: 1.697 cuộc, nhiệm kỳ 2021 – 2026: 1.396 cuộc).

Nhìn chung, trong những năm qua, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND cấp xã được nâng lên, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương. Có được kết quả như trên là do: Quốc hội và các cơ quan liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản quy định về hoạt động giám sát ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ UBTVQH15 ngày 12/9/2022, hướng dẫn hoạt động giám sát, từ đó mở ra nhiều phương thức, cách thức để HĐND và cử tri thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước, phát huy tính tích cực chính trị, quyền làm chủ của Nhân dân, hướng tới bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, xã hội, cá nhân, tổ chức.

Hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã luôn được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, của Đảng, Đoàn HĐND tỉnh đối với tổ chức, hoạt động của HĐND. Các đại biểu HĐND cấp xã đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của HĐND nên đã nỗ lực, phấn đấu, thường xuyên đổi mới, chủ động, sáng tạo đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan được thực hiện thường xuyên.

Việc cung cấp thông tin và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu HĐND cơ bản đúng, đủ, kịp thời theo quy định hiện hành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm. Công tác bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã được quan tâm từ đầu nhiệm kỳ và tổ chức thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. Các đại biểu HĐND cấp xã sau khi được bầu đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, những kỹ năng và phương pháp công tác của người đại biểu dân cử phục vụ cho hoạt động của đại biểu HĐND.

3. Một số hạn chế trong hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND cấp xã tuy đã có những đổi mới tích cực vẫn chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò đại biểu dân cử, đại diện của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của công dân đối với đại biểu chưa rõ nét. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND chủ yếu tập trung ở một số đại biểu, một số đại biểu HĐND hoạt động hiệu quả chưa cao, ít phát biểu ý kiến, ít chất vấn và ngại chất vấn tại các kỳ họp. Một số nội dung chất vấn chưa rõ ràng, khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi trả lời chất vấn. Việc chuẩn bị báo cáo của UBND xã, các bộ phận chuyên môn trình HĐND xã tại một số kỳ họp còn chậm, nội dung, số liệu có những báo cáo chưa bảo đảm, chưa logic, phải bổ sung chỉnh sửa nhiều lần.

Tính hình thức trong hoạt động giám sát thể hiện ngay từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch, phương thức giám sát đến quá trình tổ chức thực hiện việc giám sát; nội dung giám sát thì rộng nhưng lực lượng giám sát thì mỏng, chuyên môn về lĩnh vực giám sát của người giám sát còn hạn chế. Giám sát của các Ban HĐND cấp xã chủ yếu thông qua báo cáo, việc thẩm tra còn hình thức; việc theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND chưa tích cực, chưa mang tính hệ thống, hiệu quả chưa cao. Đối tượng giám sát và nội dung giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND cấp xã phạm vi hẹp, nội dung giám sát chưa có nhiều đổi mới; các cuộc giám sát chuyên đề thường hay bị chồng chéo về đối tượng; đối tượng giám sát chủ yếu là UBND và các khu dân cư. Các cuộc giám sát giám của HĐND có thể được triển khai cùng thời điểm với các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phân tán trong nhiều văn bản pháp luật, từ Hiến pháp đến các đạo luật, nghị định, thông tư hướng dẫn do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nên thiếu tính tập trung, thống nhất. Thực tế còn nhiều quy định pháp luật dưới dạng quy chế nên tính chất pháp lý thấp, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc đã lạc hậu và thiếu ổn định. Trong khi đó một số quy định trong văn bản luật chỉ dừng ở mức độ quy định những nguyên tắc chính trị – pháp lý chung, mang tính luật khung, thiếu các quy định cụ thể và tính quy phạm chưa cao. Một số nội dung quy định chưa hợp lý hoặc chưa đầy đủ cụ thể, như: quy định bộ phận tham mưu giúp việc cho hoạt động của HĐND cấp xã chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Trong thực tế, HĐND các cấp dù đều là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân nhưng cơ cấu tổ chức, năng lực đại biểu, nguồn lực hoạt động cũng rất khác nhau. Ở cấp xã, chỉ có Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ở những xã có điều kiện kinh tế – xã hội chưa phát triển, nguồn kinh phí hạn chế, phải ưu tiên cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội địa phương nên hầu như không có kinh phí cho hoạt động giám sát (mặc dù kinh phí cho hoạt động giám sát của HĐND được luật định là do Nhà nước bảo đảm theo khoản 1 Điều 90 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND).

Quy định về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị chịu sự giám sát chưa đầy đủ như: chưa có quy định về chế tài, biện pháp xử lý đối với các trường hợp chủ thể hoặc đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND. Chưa có quy định cụ thể nhằm đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND để biểu dương, khen thưởng đối với những đại biểu tích cực hoạt động, có nhiều đóng góp thiết thực hoặc nhắc nhở, xử lý kỷ luật đối với những đại biểu vi phạm quy định, quy chế hoạt động. Việc không thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã cũng gây khó khăn cho công tác tổ chức tiếp xúc cử tri ở địa phương và các hoạt động khác.

Trong nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND cấp xã được tập huấn thời gian ngắn, mới chỉ được trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về hoạt động của HĐND. Trong khi đó, nhiều nội dung giám sát chuyên sâu đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu, như: thu, chi ngân sách, đầu tư công…, thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các ban của HĐND. Do đó, hoạt động của đại biểu, thành viên các ban của HĐND chủ yếu dựa vào việc đại biểu tự tìm tòi nghiên cứu, trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân các đại biểu. Có tình trạng nhận thức hạn chế và đánh giá chưa đúng về vai trò, vị trí của HĐND, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND của một số cơ quan, đơn vị và cá nhân. Việc báo cáo, phối hợp giữa UBND, các bộ phận chuyên môn có lúc, có việc chưa kịp thời.

Thường trực HĐND, các ban HĐND một số đơn vị cấp xã chưa chủ động tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Việc ban hành Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của địa phương được ban hành từ kỳ họp giữa năm trước để thực hiện giám sát đối với năm sau dẫn tới một số nội dung mất đi tính thời sự, cấp thiết tại thời điểm tiến hành giám sát. Cơ cấu đại biểu HĐND cấp xã có mặt chưa đồng đều, mỗi đại biểu chỉ chuyên sâu trên một lĩnh vực nên quá trình hoạt động còn gặp những khó khăn nhất định. Các đại biểu HĐND tham gia theo nhiệm kỳ (thông qua bầu cử) nên không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp.

Mặt khác, xuất phát từ tính đại diện (đại biểu HĐND được phân bổ theo cơ cấu) nên năng lực, trình độ của các đại biểu không đồng đều, còn có đại biểu chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động giám sát. Một số đại biểu HĐND cấp xã chưa phát huy tốt vai trò đại biểu Nhân dân; chưa chủ động dành thời gian nghiên cứu tài liệu tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND.

Việc thực hiện giám sát trong cùng một cơ quan, đơn vị, thành viên đoàn giám sát cũng lại là cán bộ, công chức, hay cán bộ không chuyên trách kiêm nhiệm dẫn đến hoạt động giám sát còn có lúc, có việc e dè, nể nang, ngại va chạm, từ đó việc đôn đốc, kiểm tra sau giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; các kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được đơn vị, đối tượng chịu sự giám sát quan tâm giải quyết dứt điểm, nhất là việc thông tin phản hồi chưa đầy đủ, kịp thời.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh Hưng yên đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới

Việc sáp nhập cấp xã và bỏ chính quyền địa phương cấp huyện sẽ dẫn đến yêu cầu bức thiết của Nhân dân, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng giám sát của đại biểu HĐND cấp xã.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về nguồn lực. Đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách; tăng số lượng công chức giúp việc cho Thường trực, các ban của HĐND để khắc phục tình trạng các đại biểu kiêm nhiệm không tham gia thường xuyên hoạt động giám sát và thiếu công chức giúp việc. Nâng cao tiêu chí đại biểu HĐND cấp xã, giới thiệu đại biểu ứng cử là người có năng lực trình độ, uy tín và trách nhiệm khắc phục tình trạng theo cơ cấu chất lượng còn hạn chế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã về chuyên môn, kỹ năng giám sát. Tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát phù hợp với tình hình thực tế đạt hiệu quả cao; tăng mức phụ cấp đại biểu HĐND và quy định cụ thể về thời gian làm việc của đại biểu HĐND cấp xã.

Thứ hai, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Cần có văn bản thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn quy trình cụ thể cho đại biểu khi tham gia hoạt động và thực hiện giám sát; có quy định chi tiết về giám sát của đại biểu. Ban hành chương trình, kế hoạch giám sát bảo đảm đúng quy định. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa thường trực HĐND với UBND, các tổ chức, cá nhân và đơn vị có liên quan tới hoạt động giám sát. Cần có chế tài quy định cụ thể trong hoạt động giám sát và thực hiện giám sát, theo dõi, kiểm tra và xử lý sau giám sát. Phân công đại biểu HĐND cấp xã thực hiện giám sát nơi cư trú; giao chỉ tiêu cho đại biểu thực hiện giám sát định kỳ, hằng năm báo cáo kết quả giám sát và đề xuất nội dung giám sát do mình phụ trách. Có cơ chế khen thưởng, tăng cường theo dõi việc giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thứ ba, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa thường trực HĐND với UBND, các tổ chức, cá nhân và đơn vị có liên quan tới hoạt động giám sát. Duy trì việc đại biểu HĐND cấp xã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân trong từng khu vực, khu dân cư. Tập trung giám sát những vấn đề nóng, giám sát thực tế và sau giám sát phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kiểm tra kết quả kết luận giám sát, khắc phục những tồn tại sau giám sát. Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng về thời gian dành cho hoạt động đại biểu HĐND và tham gia hoạt động giám sát. Thông qua mạng xã hội để nắm bắt thông tin thường xuyên, kịp thời để theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Chú thích:
1. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu của đề tài khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên.
Tài liệu tham khảo:
1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên (2021). Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2016 – 2021.
2. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên (2023). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên (2024). Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên.
4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên (2023). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên.
5. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên (2024). Báo cáo tình hình đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hưng Yên (từ ngày 26/11/2024 đến ngày 25/12/2024).