ThS. Hoàng Đình Hiệp
Đại học Hải Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Sau đại dịch Covid-19 sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm sáng và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tham gia thị trường khắc phục khó khăn, củng cố hoạt động sản xuất – kinh doanh dựa trên việc huy động nguồn vốn của nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới tham gia chắc chắn sẽ hứng chịu rất nhiều rủi ro khi thị trường “tăng nóng”. Mục tiêu bài viết giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dự định hoặc mới tham gia thị trường chứng khoán nắm được một số cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu. Trên cơ sở đó, có những quyết định đúng đắn trong việc ra quyết định đầu tư chứng khoán.
Từ khóa: Hiệu quả đầu tư cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam, tài khoản giao dịch.
1. Đặt vấn đề
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư mở mới trong năm 2024 là 2.003.231 tài khoản, gấp hơn 5 lần so với năm 2023 (392.617 tài khoản). Trong đó, số tài khoản tăng chủ yếu là tài khoản cá nhân. Đây là điều đáng mừng với thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự bền vững của thị trường. Số lượng tài khoản mở mới nhiều thể hiện sức hút dòng tiền vào kênh gọi vốn của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để dòng tiền này bền vững ở lại thị trường, đóng vai trò là kênh góp vốn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường thì đòi hỏi sự chuyên nghiệp, kiến thức tài chính kinh tế chắc chắn của các nhà đầu tư. Muốn làm được điều này đòi hỏi mỗi nhà đầu tư chứng khoán trước khi đưa ra quyết định cần phải có sự đánh giá hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu đầy đủ và rõ ràng. Một số nhà đầu tư hoàn toàn nghe theo sự phân tích của các môi giới chứng khoán mà không dựa trên sự hiểu biết và phân tích của bản thân cũng dễ dẫn đến việc thua lỗ do mục tiêu của người đầu tư và môi giới nhiều khi không giống nhau.
2. Đánh giá hiệu quả đầu tư cổ phiếu đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam
a. Thực trạng tăng trưởng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam những năm gần đây
Theo số liệu báo cáo của Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mở mới đã đạt và giữ vững ở mức cao đột biến giai đoạn 2022 – 2024. Năm 2024, số lượng tài khoản giao dịch mở mới tăng so với năm 2023 với giá trị tuyệt đối 2.005.627. Trong khi đó số lượng tài khoản giao dịch mở mới năm 2023 so với năm 2022 cũng tăng ở mức khá cao là 395.290. Số lượng tài khoản giao dịch trong nước là chủ yếu trong tổng lượng tài khoản giao dịch Việt Nam. Năm 2024, số lượng tài khoản giao dịch trong nước chiếm tỷ lệ 99,49%, tăng nhẹ so với năm 2023 và 2022 đều là 99,38%. Số lượng tài khoản giao dịch cá nhân chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối. Năm 2024 số lượng tài khoản giao dịch cá nhân chiếm tỷ trọng 99,75%, tăng nhẹ so với năm 2023 là 99,72% và năm 2022 là 99,73%.
b. Đánh giá hiệu quả đầu tư cổ phiếu
Đối với người đầu tư, cổ phiếu là một phương tiện đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng có thể gặp rủi ro lớn. Để ra được quyết định lựa chọn và đầu tư vào một loại cổ phiếu cụ thể đòi hỏi phải có sự đánh giá hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu. Việc đánh giá hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu hiện nay được xem xét trên nhiều mặt. Trong đó, cần sử dụng một số chỉ tiêu chủ yếu sau:
(1) Tỷ suất sinh lời kỳ hạn đầu tư.
Khi đầu tư vào cổ phiếu, thu nhập kỳ vọng của nhà đầu tư bao gồm hai bộ phận: cổ tức hàng năm và lãi (hay lỗ) về vốn.
Để đánh giá mức độ thu nhập từ đầu tư vào cổ phiếu, người ta thường sử dụng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời kỳ hạn đầu tư (tính cho 1 năm hoặc dưới 1 năm) và được xác định theo công thức sau:
REC | = | D1 + (P1 – P0) | (1) |
P0 |
Trong đó:
- REC: Tỷ suất sinh lời kỳ hạn đầu tư
- D1: Cổ tức nhận được trong năm
- P0: Giá cổ phiếu mua vào (hay ở đầu kỳ)
- P1: Giá cổ phiếu bán ra (hay ở cuối kỳ)
Từ công thức (1) còn có thể xác định:
REC | = | D1 | + | P1 – P0 | (2) |
P0 | P0 |
Như vậy:
Tỷ suất sinh lời Kỳ hạn đầu tư | = | Tỷ suất lợi tức cổ phần | + | Tỷ suất lãi vốn |
(2) Thu nhập của một cổ phần (EPS).
Chỉ tiêu này được xác định theo công thức sau:
Thu nhập một cổ phần (EPS) | = | Lợi nhuận sau thuế | – | Phần trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi (nếu có) |
Số cổ phần thường đang lưu hành |
Chỉ tiêu này phản ánh mỗi cổ phần trong năm có thể thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.
Đây là một chỉ tiêu quan trọng thường được các nhà đầu tư quan tâm.
(3) Hệ số giá trên thu nhập (P/E).
Hệ số giá trên thu nhập (hệ số P/E) là thước đo quan trọng đánh giá cổ phiếu của công ty và được xác định theo công thức sau:
Hệ số giá trên thu nhập | = | Giá thị trường của 1 cổ phần thường |
Thu nhập một cổ phần thường |
Hệ số này cho biết thị trường đã trả giá như thế nào cho thu nhập của công ty hay nói cách khác nhà đầu tư phải bỏ ra bao nhiêu tiền để có được một đồng thu nhập.
Nhìn chung, hệ số này của công ty tăng lên được coi là một dấu hiệu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ số này để xem xét quyết định đầu tư cần phải đánh giá phân tích thận trọng tình hình của công ty.
(4) Hệ số giá trên giá trị sổ sách.
Hệ số giá trên giá trị số sách (hệ số P/B) là chỉ số được dùng để so sánh giá cổ phiếu trên thị trường cao hay thấp gấp bao nhiêu lần so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp.
Hệ số giá trên giá trị sổ sách | = | Giá thị trường của một cổ phiếu |
Giá trị sổ sách của một cổ phiếu |
Trong đó:
Giá trị sổ sách của cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Nợ phải trả)/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
Giá thị trường của cổ phiếu là giá đóng cửa tại phiên gần nhất của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
(5) Cổ tức và tỷ suất lợi tức cổ phần.
+ Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế của công ty trả cho cổ đông và được xác định theo công thức sau:
Cổ tức một cổ phần | = | Phần lợi nhuận sau thuế dành trả cổ tức cho cổ đông thường trong năm |
Số cổ phần thường đang ưu lưu hành |
Cổ tức một cổ phần của Công ty phụ thuộc chủ yếu vào kết quả kinh doanh và chính sách cổ tức của công ty.
+ Tỷ suất lợi tức cổ phần còn được gọi là tỷ suất cổ tức, là một trong những thước đo mức độ hoàn vốn của cổ phiếu thường và được xác định bằng công thức sau:
Tỷ suất cổ tức | = | Cổ tức của một cổ phần thường |
Giá thị trường của một cổ phần thường |
Chỉ tiêu này phản ánh mỗi đồng đầu tư vào cổ phiếu thường thu được bao nhiêu đồng cổ tức.
c. Trường hợp Công ty cổ phần sửa Việt Nam (VNM) (Thông tin chốt ngày giao dịch ngày 14/3/2025)
Giá đóng cửa (nghìn đồng) : 62,1
EPS cơ bản (nghìn đồng) : 4,33
EPS pha loãng (nghìn đồng) : 4,33
P/E : 14,34
Giá trị sổ sách /cổ phiếu (nghìn đồng): 15,44
P/B : 3,59
Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên: 3,307,890
Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết : 2,089,955,445
Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành : 2,089,955,445
Vốn hóa thị trường (tỷ đồng) : 129,786.23
EPS cơ bản 4.330 đồng đối với cổ phiếu VNM thể hiện 1 cổ phần trong năm có thể nhận được 4.330 đồng lợi nhuận sau thuế. Mức EPS này là cao đối với mệnh giá một cổ phiếu VNM là 10.000 đồng.
P/E là 14,34 lần đối với cổ phiếu VNM thể hiện cổ đông khi sở hữu 1 cổ phần đã phải bỏ ra 14,34 đồng để có thể nhận được 1 đồng. Hệ số P/E của VNM là 14,34 thể hiện sự đánh giá cao của thị trường đối với sự tăng trưởng và hiệu quả của doanh nghiệp. Xét trên góc độ yếu tố ngành trong khu vực thì mức P/E như vậy là khá hấp dẫn và cổ phiếu này còn có dư địa tăng giá trong tương lai (xét đến yếu tố ngành trong khu vực do trong nước không có công ty sữa có quy mô tương đương Vinamilk).
Hệ số P/B là 3,59 đánh giá giá trị của một cổ phiếu so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Hệ số này lớn hơn 1 khá nhiều phản ánh kỳ vọng tăng trưởng dựa vào thương hiệu mạnh Vinamilk. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một phần cổ phiếu có dấu hiệu định giá quá mức.
Cổ tức một cổ phần VNM năm 2024 là 3.850 đồng/cổ phần (theo kế hoạch và thực tế chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ 38,5% VNM năm 2024).
Tỷ suất cổ tức = 3.850/62.100 = 6,2%. Đây là tỷ suất cổ tức hợp lý khi đem so sánh với mức lãi suất tiền gửi ngân hằng năm 2024.
3. Kết luận
Như vậy, việc đánh giá hiệu quả đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào trên sàn chứng khoán của các nhà đầu tư luôn được dựa trên hai góc độ chủ yếu là vấn đề cổ tức hằng năm và yếu tố thay đổi giá cổ phiếu trên thị trường. Tất nhiên, cổ tức ở đây là xét tại thời điểm nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư tại ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày chốt danh sách chi trả cổ tức cho người nắm giữ cổ phiếu). Trong quá trình đánh giá hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu thì chỉ số EPS luôn được đưa ra xem xét đầu tiên bởi nó thể hiện rõ nét hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong việc sử dụng đồng vốn huy động trên thị trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Minh Huệ (2019). Giáo trình Thị trường chứng khoán. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. https://cafef.vn/du-lieu/hose/vnm-cong-ty-co-phan-sua-viet-nam.chn, ngày 14/3/2025.
3. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. https://vsd.vn/vi/alc/84, ngày 14/3/2025.