PGS.TS. Hoàng Mai
Học viện Hành chính và Quản trị công
PGS.TS Dương Thị Liễu
Viện Văn hóa kinh doanh
(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các địa phương. Để nâng cao chất lượng quản trị địa phương của Thủ đô, đòi hỏi phải có những giải pháp, cách thức và bước đi phù hợp. Xây dựng và triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đo lường, đánh giá và theo dõi hiệu suất quản lý và giúp hỗ trợ ra quyết định chính sách của chính quyền thành phố Hà Nội; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện thực trạng quản trị địa phương trên địa bàn, giúp chính quyền thành phố thấy được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương của Thủ đô.
Từ khóa: Hà Nội, quản trị địa phương, chính quyền địa phương, áp dụng bộ tiêu chí.
1. Đặt vấn đề
Quản trị địa phương là một trong ba cấp độ của quản trị, đó là quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị địa phương. Trải qua nhiều thập kỷ, các vấn đề về quản trị địa phương luôn là một trong những chủ đề trung tâm của nhiều cuộc cải cách quản trị quốc gia ở hầu hết các nước trên thế giới. Tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, quản trị địa phương (Local Governance) là hoạt động quản trị nhà nước ở địa phương, phản ánh phương thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, gắn với các công việc của địa phương và lợi ích của nhân dân địa phương.
Quản trị địa phương là việc quản trị ở cấp địa phương không chỉ thuộc về bộ máy chính quyền mà còn thuộc về cả cộng đồng nói chung và những tương tác giữa cộng đồng với các cơ quan công quyền ở địa phương (May, 2000). Quản trị địa phương là khái niệm dùng để chỉ phương thức, cách thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trong đó có sự tham gia quản trị của cộng đồng dân cư địa phương, bao gồm: các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ… và công dân đang sinh sống, hoạt động tại lãnh thổ địa phương”.
Theo nghĩa hẹp, quản trị địa phương “là sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách công nhằm hướng tới sự đồng thuận, trách nhiệm giải trình của chính quyền, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiệu năng, công bằng đối với tất cả các đối tượng trong việc tuân thủ pháp luật”1. Nội dung của quản trị địa phương rất rộng, bao gồm những nội dung chính sau: xây dựng, ban hành thể chế, chính sách để quản trị địa phương; phân tích, đánh giá các nguồn lực của địa phương; xác định tầm nhìn, quyết định chủ trương, giải pháp, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; quản lý các công việc của địa phương; an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ, duy trì và phát triển các nguồn lực để phát triển địa phương nhanh, bền vững; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Bối cảnh đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương ở Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các địa phương. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang còn có những hạn chế, bất cập.
Quá trình đổi mới quản trị địa phương diễn ra chậm. Quyết định quản lý có lúc có nơi còn thiếu sự sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhạy trước những tác động của môi trường quốc tế. Nhân sự quản trị địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của quản lý địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phân cấp, phân quyền trong quản trị địa phương còn khá chừng mực, chưa tạo ra sự chủ động cần thiết cho các cấp chính quyền địa phương khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế. Sự phối hợp giữa chính quyền thành phố với các chủ thể quản trị địa phương khác chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản trị địa phương trên một số lĩnh vực, như: tài nguyên, đất đai, quy hoạch, đầu tư công còn có những hạn chế, bất cập. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố chưa thật thuyết phục. Sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội vào quản trị địa phương chưa cao, một số nơi còn mang nặng tính hình thức… Vì thế, cần phải tìmra các giải pháp, cách thức hữu hiệu để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị địa phương của Thủ đô.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này và đánh giá hiệu quả, chất lượng thực sự của công tác quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần có một bộ công cụ đo lường và đánh giá. Việc xây dựng, áp dụng và triển khai bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn Hà Nội vừa để xác định vai trò của quản trị địa phương, vừa thể hiện nhận thức, ý thức và hành động của các chủ thể quản trị địa phương trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội là cơ sở để các chủ thể quản trị địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách; hình thành các chuẩn mực, thước đo để đưa ra những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện về quản trị địa phương.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tạo cơ sở pháp lý để đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện thực trạng quản trị địa phương trên địa bàn, giúp thành phố thấy được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị địa phương, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.
2. Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề cấp bách nhưng việc xây dựng bộ tiêu chí này đầy đủ, khoa học không phải là nhiệm vụ đơn giản và gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, chưa có thành phố nào ở Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương cho địa phương mình. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương chưa có nhiều để thành phố Hà Nội nghiên cứu học tập.
Ở nước ta hiện nay, để đánh giá chất lượng quản trị địa phương cấp tỉnh, các địa phương thường sử dụng các bộ tiêu chí đánh giá sau: Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính công (PAR Index); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Việc sử dụng các bộ tiêu chí đánh giá trên khá phức tạp, nhưng lại thiếu các tiêu chí đánh giá về yêu cầu và nội dung của quản trị địa phương, như: bảo đảm tính pháp quyền, dân chủ trong quản trị địa phương; phân cấp, phân quyền trong quản trị địa phương; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào quản trị địa phương; huy động và sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản trị của chính quyền địa phương; đóng góp của chính quyền địa phương cho sự phát triển chung của đất nước.
Các yêu cầu và nội dung quản trị địa phương rất quan trọng nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong các bộ chỉ số đánh giá PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS. Vì vậy, khi xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần xây dựng bộ tiêu chí bao quát được tất cả các yêu cầu, đặc điểm và nội dung của quản trị địa phương.
Trên cơ sở các tiêu chí của “quản trị quốc gia tốt”, kế thừa các các bộ chỉ số đánh giá PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS có liên quan đến quản trị địa phương và xuất phát từ đặc thù và nội dung của quản trị địa phương, nhóm tác giả đề xuất bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 5 tiêu chí và 28 tiêu chí thành phần như sau:
Tiêu chí | Tiêu chí thành phần |
Tiêu chí 1: Tính chủ động, tự chủ của các cấp chính quyền (thành phố, quận huyện, phường xã) trong quản trị địa phương. | 1. Chính quyền phản ứng chính sách (liên quan đến quản trị địa phương) từ trung ương nhanh chóng, kịp thời. |
2. Chính quyền chủ động ban hành các quyết định để phát triển kinh tế – xã hội địa phương. | |
3. Chính quyền linh hoạt trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương để đáp ứng các yêu cầu quản trị địa phương. | |
4. Chính quyền chủ động phối hợp, tương tác với người dân, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. | |
5. Chính quyền năng động sáng tạo trong phối hợp với người dân, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. | |
6. Thủ tục hành chính nhanh chóng; cung ứng dịch vụ hành chính công kịp thời, chất lượng. | |
Tiêu chí 2: Mức độ dân chủ, sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương. | 1. Người dân tham gia vào việc thực hiện các công việc của quản trị địa phương. |
2. Người dân tham gia thảo luận, góp ý kiến các công việc của quản trị địa phương. | |
3. Người dân tham gia phản biện và giám sát thực hiện quản trị địa phương của các cấp chính quyền thành phố. | |
4. Người dân tham gia theo dõi, đánh giá, chất vấn các quyết định và hành vi của cán bộ, công chức các cấp chính quyền thành phố. | |
5. Người dân tham gia phản biện và giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ công. | |
6. Người dân tham gia đóng góp tài chính, nhân lực cho các hoạt động của địa phương. | |
Tiêu chí 3: Sự minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình của chính quyền địa phương trong quản trị địa phương. | 1. Người dân được biết, được tiếp cận, sử dụng, chia sẻ các thông tin của chính quyền địa phương. |
2. Người dân giám sát và phản biện đối với những thông tin mà chính quyền địa phương công bố công khai. | |
3. Chính quyền địa phương trình bày, cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. | |
4. Chính quyền địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về trách nhiệm của mình đối với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. | |
5. Chính quyền địa phương xây dựng và thực thi cơ chế giải trình yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức chịu trách nhiệm diễn giải về quyết sách, hành động của mình trước các cá nhân, tổ chức. | |
6. Cán bộ, công chức cởi mở và minh bạch khi người dân thực hiện giám sát hay khi được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thanh, kiểm tra. | |
Tiêu chí 4: Sự phối hợp, tương tác giữa chính quyền địa phương và người dân trong quản trị địa phương. | 1. Chính quyền chủ động xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp và tương tác với người dân |
2. Chính quyền tổ chức thường xuyên các cuộc họp, gặp gỡ, giao lưu, hội nghị, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân. | |
3. Người dân chủ động tiếp xúc với chính quyền (qua đơn thư phản ánh, kiến nghị, báo cáo phản biện; qua khiếu nại và tố cáo; qua điện thoại “đường dây nóng”; qua hộp thư điện tử; qua hoạt động tiếp công dân ở cơ quan công quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân…). | |
4. Chính quyền tận dụng sự phát triển của công nghệ trong việc tạo ra các kênh tương tác nhanh chóng, hiệu quả với người dân. | |
5. Chính quyền phối hợp với các tổ chức đại diện của người dân trong cung ứng dịch vụ công, hoạt động tình nguyện và tự quản của người dân ở cơ sở. | |
6. Chính quyền địa phương hợp tác với các tổ chức đại diện của người dân trong giám sát các hoạt động quản trị địa phương. | |
Tiêu chí 5: Vai trò của chính quyền địa phương trong việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương | 1. Chính quyền tổ chức thực hiện tốt chính sách về tài nguyên đất đai ở địa phương. |
2. Chính quyền tổ chức thực hiện tốt chính sách về ngân sách/tài chính địa phương ở địa phương. | |
3. Chính quyền tổ chức thực hiện tốt chính sách về đầu tư công ở địa phương. | |
4. Chính quyền tổ chức thực hiện tốt chính sách về dịch vụ công ở địa phương. |
3. Đề xuất cách thức, lộ trình áp dụng, triển khai bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội
Cách thức, lộ trình áp dụng, triển khai bộ tiêu chí sẽ bao gồm các công việc được thực hiện theo trình tự 5 bước sau:
(1) Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bộ tiêu chí
Để góp phần triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, công việc đầu tiên Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cần làm là xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bộ tiêu chí. Các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội trên cơ sở kế hoạch này xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bộ tiêu chí cụ thể riêng cho đơn vị mình.
Kế hoạch triển khai thực hiện bộ tiêu chí nên được cấu trúc và bao gồm các nội dung sau: các căn cứ pháp lý về bộ tiêu chí (có thể là quyết định ban hành bộ tiêu chí của UBND thành phố Hà Nội); mục đích, yêu cầu của việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí; nội dung thực hiện; kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện (phân công nhiệm vụ cho các sở, UBND các xã phường, các cơ quan báo, đài thành phố, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội cùng tham gia).
(2) Triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về quản trị địa phương
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền của thành phố của cộng đồng xã hội (người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội) đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức về vị trí, vai trò, giá trị của quản trị địa phương trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội Thủ đô.
Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về bộ tiêu chí. Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của bộ tiêu chí bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Tùy theo đối tượng, địa bàn tổ chức sẽ có hình thức hoạt động phù hợp (xây dựng chuyên trang, chuyên mục, cổ động trực quan, không gian mạng, thông qua các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, in ấn và phát hành các tờ rơi…). Lồng ghép nội dung tuyên truyền triển khai bộ tiêu chí vào hoạt động truyền thông về cải cách bộ máy hành chính.
(3) Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện bộ tiêu chí.
Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện bộ tiêu chí, các đại biểu tập trung tham gia thảo luận đóng góp ý kiến vào các công việc, các giải pháp triển khai thực hiện bộ tiêu chí. Hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện bộ tiêu chí của UBND thành phố Hà Nội trong các hội nghị, hội thảo của cơ quan, các cuộc họp cộng đồng ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ từ thành phố đến cơ sở. Qua đó, vận động các cơ quan đăng ký thực hiện bộ tiêu chí.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai thực hiện bộ tiêu chí. Lồng ghép nội dung triển khai bộ tiêu chí trong chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị thực hiện cải cách hành chính và các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị.
(4) Tổ chức hướng dẫn đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chí.
Hướng dẫn triển khai bộ công cụ thực hiện bộ tiêu chí (bao gồm các mẫu phiếu đăng ký, đánh giá, tổng hợp, đề cương báo cáo…).
(5) Tổ chức biểu dương, khen thưởng.
Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện bộ tiêu chí.
(6) Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết.
Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai bộ tiêu chí lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát các công tác khác của đơn vị. Thực hiện báo cáo đánh giá công tác triển khai bộ tiêu chí hàng năm; sơ kết và tổng kết theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
4. Kết luận
Xây dựng và triển khai áp dụng bộ tiêu chí đánh giá quản trị địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động của chính quyền Thủ đô. Xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể là cần thiết để nhận thức đúng về tình trạng hiện tại, từ đó có cơ sở để nhận diện và thay đổi thái độ, hành vi cũng như phương thức quản lý điều hành của các cấp chính quyền của Thủ đô. Thông qua quá trình này, các cấp ủy Đảng và chính quyền Thủ đô có thể đề xuất các phương hướng giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản trị địa phương của Thủ đô
Chú thích:
1. May (2000). “Decentralization and Democratic Local Governance Program Handbook”. Technical Publication Series Office of Democracy and Governance Bureau for Democracy, Conflict, and Humanitarian Assistance U.S. Agency for International Development Washington, DC 20523 – 3100.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ (2017). Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017 về việc phê duyệt Đề án đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức với dịch vụ cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017 – 2020.
2. Bộ Nội vụ (2021). Báo cáo tình hình triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2012-2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp thành phố. “Quản trị địa phương ở thành phố Hà Nội – Thực trạng, giải pháp”. Mã số: CT 01/06 – 2023-3.
4. Nguyễn Thị Phượng (Chủ biên, 2018). Quản trị địa phương từ lý thuyết tới thực tiễn. H. NXB Khoa học xã hội, tr. 43.
5. Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2017). Quản trị tốt lý luận và thực tiễn. H. NXBChính trị quốc gia.
6. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, đo lường hiệu quả quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân xã. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/26/xay-dung-bo-tieu-chi-danh-gia-do-luong-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-cua-uy-ban-nhan-dan-xa/.
7. Tìm hiểu về các chỉ số đánh giá địa phương trong các lĩnh vực cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công. https://sonoivu.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/tim-hieu-ve-cac-chi-so-danh-gia-dia-phuong-trong-cac-linh-vuc-cai-cach-hanh-chinh-nang-luc-canh-tranh-hieu-qua-quan-tri-va-hanh-chinh-cong/8795388.
8. Tiếp cận các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương. https://vienktxh.bacninh.gov.vn/news/-/details/3565029/bac-ninh-chat-luong-luong-quan-tri-ia-phuong-nhung-goc-nhin-moi-tiep-theo-bai-2.
9. Alexandra Wilde, Shipra Narang, Marie Laberge, Luisa Moretto (2009). A Users’ Guide to Measuring Local Governance. UNDP Oslo Governance Centre.