Nâng cao chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong quân đội

Vũ Anh Ba 
NCS của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, rèn luyện và quản lý học viên, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội vẫn còn những hạn chế nhất định về trình độ, phương pháp công tác và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục – đào tạo trong các nhà trường quân đội, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Từ khóa: Nâng cao chất lượng; chính trị viên đại đội; trường sĩ quan; học viện; quân đội.

1. Đặt vấn đề

Chính trị viên đại đội trong các học viện, trường sĩ quan quân đội giữ vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng và đạo đức cho học viên. Họ không chỉ là người lãnh đạo, chỉ huy mà còn là tấm gương về bản lĩnh chính trị, đạo đức và tác phong quân nhân. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đội ngũ chính trị viên đại đội còn bộc lộ một số hạn chế về năng lực lãnh đạo, phương pháp giáo dục và khả năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bài viết phân tích thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan hiện nay.

2. Thực trạng chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong quân đội 

Chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam là người chủ trì về chính trị ở đại đội, có vai trò quan trọng giữ vững định hướng chính trị trên tất cả các nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, cả tổ chức và con người nhằm xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Nhìn chung, tuyệt đại đa số chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam có những nhiều ưu điểm nổi bật sau:

Một làphẩm chất chính trị vững vàng, bản lĩnh kiên định. Một trong những ưu điểm nổi bật của đội ngũ chính trị viên đại đội là bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Họ được tuyển chọn kỹ lưỡng, trải qua quá trình rèn luyện, bồi dưỡng bài bản, có nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Điều này giúp chính trị viên giữ vững vai trò nòng cốt trong định hướng tư tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên.

Hai là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Những năm qua, các học viện, trường sĩ quan đã tập trung nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ chính trị viên đại đội. Họ không chỉ được đào tạo bài bản về lý luận chính trị mà còn được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính trị, phương pháp quản lý, giáo dục bộ đội. Nhiều chính trị viên đã có trình độ sau đại học, có khả năng nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn, nắm vững các phương pháp giảng dạy, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị cho học viên.

Ba là, phong cách lãnh đạo dân chủ, gần gũi và gương mẫu. Chính trị viên đại đội không chỉ là người lãnh đạo về chính trị mà còn là người thầy, người anh, người đồng chí của học viên. Họ luôn phát huy tinh thần dân chủ, gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên để kịp thời động viên, uốn nắn. Đồng thời, họ luôn đi đầu trong mọi hoạt động, từ học tập, huấn luyện đến công tác, sinh hoạt, rèn luyện kỷ luật, trở thành tấm gương sáng để học viên noi theo.

Bốn là, kỹ năng tổ chức, quản lý và xử lý tình huống linh hoạt. Công tác quản lý học viên tại các học viện, trường sĩ quan đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt và quyết đoán. Đội ngũ chính trị viên đại đội đã thể hiện rõ bản lĩnh trong việc xử lý các tình huống nảy sinh, giữ vững kỷ luật, kỷ cương quân đội; đồng thời, bảo đảm môi trường học tập, rèn luyện tốt nhất cho học viên. Họ có khả năng tổ chức, điều hành các hoạt động phong trào, giáo dục chính trị, tư tưởng một cách sáng tạo, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan trong quân đội.

Năm là, tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với nhiệm vụ. Một ưu điểm quan trọng nữa của đội ngũ chính trị viên đại đội là tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ. Họ luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để đồng hành, hướng dẫn học viên trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt. Tinh thần “miệng nói, tay làm”, sự nghiêm túc, trách nhiệm của họ đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, nền nếp, chính quy, góp phần tạo ra những thế hệ sĩ quan quân đội vừa hồng, vừa chuyên.

Bên cạnh những ưu điểm, chất lượng đội ngũ chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong quân đội vẫn còn một số hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả giáo dục, rèn luyện tại các đơn vị.

Thứ nhất, hạn chế về trình độ, năng lực. Một số chính trị viên đại đội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về trình độ, nhất là năng lực vận dụng lý luận chính trị vào thực tiễn quản lý, giáo dục học viên. Bên cạnh đó, khả năng giảng dạy chính trị của một số chính trị viên chưa thực sự thu hút, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, khiến hiệu quả giáo dục chưa cao. Ngoài ra, kỹ năng quản lý, tổ chức hoạt động tập thể, công tác đoàn, hội trong đơn vị cũng chưa đồng đều. Một số chính trị viên còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động phù hợp với tâm lý, nhu cầu của học viên, dẫn đến hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Thứ hai, hạn chế trong nắm bắt và xử lý tình hình tư tưởng học viên. Công tác nắm bắt và quản lý tư tưởng học viên là nhiệm vụ quan trọng của chính trị viên đại đội, tuy nhiên, không phải chính trị viên nào cũng làm tốt nhiệm vụ này. Một số người chưa có phương pháp sâu sát, thiếu chủ động trong tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học viên dẫn đến việc chậm phát hiện những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng trong đơn vị. Bên cạnh đó, khả năng xử lý các tình huống tư tưởng phức tạp của một số chính trị viên còn hạn chế. Khi học viên gặp khó khăn về tâm lý, tư tưởng, không phải chính trị viên nào cũng có đủ kinh nghiệm, kỹ năng để tháo gỡ một cách thấu tình đạt lý. Điều này có thể khiến học viên cảm thấy chưa thực sự được chia sẻ, động viên kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung.

Thứ ba, hạn chế trong kỹ năng giao tiếp, thuyết phục. Chính trị viên đại đội không chỉ là người định hướng tư tưởng mà còn là cầu nối giữa cấp trên với học viên, giữa chỉ huy với bộ đội. Tuy nhiên, một số chính trị viên chưa thực sự linh hoạt trong giao tiếp, thuyết phục. Cách truyền đạt còn cứng nhắc, thiếu mềm mỏng hoặc chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Ngoài ra, một số chính trị viên còn chưa thực sự tạo dựng được sự gần gũi, gắn kết với học viện khiến mối quan hệ giữa cán bộ với bộ đội chưa thực sự khăng khít. Điều này ảnh hưởng đến sự tin tưởng, chủ động chia sẻ của học viên, làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, giáo dục tư tưởng.

Thứ tư, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác giáo dục chính trị. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục chính trị là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, một số chính trị viên đại đội còn chưa khai thác tốt các nền tảng số, phương tiện truyền thông hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác. Việc giảng dạy chính trị vẫn chủ yếu dựa vào phương pháp truyền thống, chưa tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ, như: bài giảng điện tử, video tư liệu hay mạng xã hội quân sự. Ngoài ra, việc quản lý tư tưởng học viên trên môi trường mạng cũng còn hạn chế. Một số chính trị viên chưa theo kịp xu hướng, chưa nắm bắt kịp thời các vấn đề nổi cộm trên không gian mạng, dẫn đến khó khăn trong định hướng tư tưởng cho học viên trước những luồng thông tin trái chiều, tiêu cực.

3. Một số giải pháp 

Một là, nâng cao chất lượng tuyển chọn, quy hoạch đội ngũ chính trị viên đại đội. Chính trị viên đại đội trong các học viện, trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức và tư tưởng cho học viên. Để xây dựng đội ngũ chính trị viên đại đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc nâng cao chất lượng tuyển chọn, quy hoạch cán bộ có ý nghĩa quyết định. Công tác tuyển chọn chính trị viên đại đội cần được thực hiện một cách chặt chẽ, có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đối tượng được tuyển chọn phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn và kỹ năng quản lý, chỉ huy tốt. Việc đánh giá không chỉ dựa trên kết quả học tập, rèn luyện mà còn phải xem xét khả năng thực hành công tác Đảng, công tác chính trị cũng như sự phù hợp với môi trường quản lý học viên ở các nhà trường quân đội. 

Bên cạnh tuyển chọn, công tác quy hoạch chính trị viên đại đội cần được tiến hành đồng bộ, khoa học, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Quy hoạch phải dựa trên nhu cầu thực tiễn, gắn với lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, “bảo đảm đủ số lượng, bảo đảm chất lượng”1, “phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, giữ vững đoàn kết, có kế thừa và phát triển”2. Trong đó, cần ưu tiên những cán bộ trẻ, có triển vọng, có quá trình phấn đấu rõ ràng và được thử thách qua nhiều vị trí công tác khác nhau.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, giúp đội ngũ chính trị viên đại đội phát triển toàn diện về kiến thức và kỹ năng. Các nội dung đào tạo phải gắn với thực tiễn, tăng cường thực hành, diễn tập các tình huống công tác Đảng, công tác chính trị trong quản lý học viên. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho cán bộ trong diện quy hoạch được luân chuyển, cọ xát thực tế ở các đơn vị cơ sở, qua đó, nâng cao năng lực thực tiễn, bảo đảm khi bổ nhiệm chính thức có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc.

Hai là, nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực thực tiễn. Lý luận chính trị chính là kim chỉ nam cho hành động, giúp chính trị viên có phương pháp tư duy biện chứng, khoa học, từ đó vận dụng linh hoạt vào thực tiễn công tác. Để đạt được điều này, các học viện, trường sĩ quan cần tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, các hội thảo, tọa đàm giúp chính trị viên nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác thực tiễn.

Song song với việc nâng cao trình độ lý luận, chính trị viên đại đội cần rèn luyện năng lực thực tiễn, bởi vì “năng lực thực tiễn là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội”3. Do đó, “xây dựng đội ngũ cán bộ phải thông qua hoạt động thực tiễn”4. Năng lực thực tiễn của chính trị viên thể hiện qua khả năng lãnh đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Để nâng cao năng lực thực tiễn, các học viện, trường sĩ quan cần tạo điều kiện để chính trị viên tham gia thực tế tại các đơn vị chiến đấu, trực tiếp trải nghiệm, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, từ đó tích lũy kinh nghiệm, nâng cao bản lĩnh chính trị và khả năng xử lý tình huống.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đạo đức và lối sống của chính trị viên đại đội có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, hành động của học viên. Vì vậy, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc và gương mẫu trong lối sống là yêu cầu quan trọng. Các nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức quân nhân, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ, đoàn kết. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, bồi dưỡng với rèn luyện thực tiễn. Các học viện, trường sĩ quan cần tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn, như: hành quân dã ngoại, tham gia công tác dân vận, học tập thực tế tại các đơn vị, qua đó giúp chính trị viên đại đội rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất đạo đức và khả năng lãnh đạo, quản lý đơn vị. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên về đạo đức, lối sống của đội ngũ chính trị viên đại đội, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức.

Bốn là, nâng cao kỹ năng nắm, quản lý và định hướng tư tưởng bộ độiTrong môi trường quân đội, tư tưởng bộ đội đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”5. Do đó, chính trị viên đại đội với tư cách là người trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng cần có kỹ năng nắm, quản lý và định hướng tư tưởng bộ đội một cách khoa học, hiệu quả. Đây không chỉ là yêu cầu mang tính nguyên tắc mà còn là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục chính trị và xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị.

Chính trị viên đại đội cần rèn luyện kỹ năng nắm bắt tư tưởng học viên một cách sâu sát, toàn diện. Điều này đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của chính trị viên đối với đời sống vật chất, tinh thần cũng như những suy nghĩ, tâm tư của học viên. Các phương pháp hiệu quả bao gồm: tổ chức các buổi sinh hoạt tư tưởng, trao đổi cá nhân, sử dụng hệ thống báo cáo của các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đồng thời tận dụng mạng xã hội để theo dõi, đánh giá những biểu hiện tư tưởng của học viên. Việc nắm bắt kịp thời những chuyển biến trong nhận thức sẽ giúp chính trị viên đề ra biện pháp phù hợp nhằm định hướng tư tưởng cho học viên.

Bên cạnh đó, chính trị viên phải có phương pháp định hướng tư tưởng khoa học, phù hợp với từng đối tượng học viên. Việc giáo dục chính trị, tư tưởng không thể rập khuôn mà cần gắn với thực tiễn, kết hợp giữa lý luận và thực hành, giữa giảng dạy trên lớp và hoạt động thực tiễn. Chính trị viên cần khơi gợi niềm tự hào, trách nhiệm của học viên đối với Quân đội, với Tổ quốc, đồng thời trang bị cho họ bản lĩnh để đối diện với các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài.

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ chính trị viên trong tự học tập, rèn luyện. Chính trị viên cần có ý thức tự giác trong học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quân sự và khoa học xã hội. Việc nắm chắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng giúp chính trị viên có lập trường vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, từ đó định hướng đúng đắn tư tưởng cho học viên. Đồng thời, việc nghiên cứu sâu sắc các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế sẽ giúp chính trị viên có cái nhìn toàn diện, kịp thời giải quyết các tình huống tư tưởng phát sinh trong đơn vị. Ngoài ra, chính trị viên cần không ngừng tự bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học viên sẽ giúp nâng cao hiệu quả truyền đạt, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn trong các bài giảng chính trị. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, xử lý tình huống linh hoạt cũng là yêu cầu quan trọng để chính trị viên thực hiện tốt công tác tư tưởng trong đơn vị.

4. Kết luận

Đội ngũ chính trị viên đại đội tại các học viện, trường sĩ quan trong quân đội có vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng và đạo đức cho học viên. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này là nhiệm vụ cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao chất lượng tuyển chọn, quy hoạch đội ngũ chính trị viên đại đội; nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực thực tiễn. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao kỹ năng nắm, quản lý và định hướng tư tưởng bộ đội. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ chính trị viên không chỉ góp phần xây dựng môi trường giáo dục quân sự kỷ cương, nền nếp mà còn trực tiếp tạo nên lớp sĩ quan trẻ vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
2. Quân ủy Trung ương (2012). Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21/12/2012 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 – 2020 và những năm tiếp theo.
3. Bồi dưỡng năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay.https://lyluanchinhtri.vn/boi-duong-nang-luc-thuc-tien-cua-doi-ngu-can-bo-chinh-tri-trong-quan-doi-hien-nay-1159.html
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. H. NBX Chính trị quốc gia, tr. 7.
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 269.