PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân
Học viện Hành chính và Quản trị công
TS. Trần Thị Hương Huế
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu các đặc trưng của mô hình quản trị số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trên cơ sở làm rõ các giá trị cốt lõi của quản trị quốc gia trong môi trường số, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị trong việc áp dụng mô hình quản trị số của OECD ở Việt Nam hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Từ khóa: Quản trị quốc gia; quản trị số; chính phủ số; phát triển xanh, bền vững; OECD.
1. Các đặc trưng của mô hình quản trị số của OECD
Mô hình quản trị số của OECD là một công cụ chính sách để giúp các chính phủ xác định các yếu tố quyết định chính cho việc thiết kế và thực hiện hiệu quả các phương pháp tiếp cận chiến lược nhằm chuyển đổi hướng tới mức độ trưởng thành kỹ thuật số cao hơn trong các khu vực công. Mô hình này được xây dựng dựa trên các quy định của Khuyến nghị OECD năm 2014 của Hội đồng Chiến lược Chính phủ Kỹ thuật số và hỗ trợ đánh giá định tính, định lượng của Ban Thư ký giữa các quốc gia và các dự án riêng lẻ.
Mô hình gồm có 6 hướng tiếp cận1, cụ thể:
Một là, nền quản trị số theo thiết kế. Quản trị số theo thiết kế là “nhúng” hay đưa công nghệ kỹ thuật số vào các khâu của quy trình hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ, là nỗ lực của các chính phủ để cho phép cung cấp dịch vụ đa kênh, bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp; đồng thời có các đặc trưng sau: (1) Bảo đảm đưa kỹ thuật số vào toàn bộ quy trình chính sách nhằm mục đích là đơn giản hóa các thủ tục, đổi mới các dịch vụ công, mở ra nhiều kênh giao tiếp và gắn kết với khu vực công và tư nhân và công chúng. (2) Có sự dẫn dắt và điều phối quá trình chuyển đổi, sự lãnh đạo rõ ràng và cơ chế phối hợp hiệu quả với các chiến lược, công cụ quản lý và quy định để bảo đảm “kỹ thuật số” được coi không chỉ đơn thuần là một chủ đề kỹ thuật mà còn là một yếu tố chuyển đổi bắt buộc được đưa vào trong suốt quá trình thiết kế và chính sách dịch vụ. (3) Nền quản trị giúp khu vực công có cơ hội chuyển đổi các thủ tục, đơn giản hóa hoạt động quản trị, cải tiến quy trình làm việc và hình dung lại toàn bộ dịch vụ dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu của người dùng cũng như xem xét sự phụ thuộc giữa các ngành và cấp chính quyền khác nhau. (4) Bảo đảm tính toàn diện với phương pháp tiếp cận đa kênh, cho phép các dịch vụ trực tuyến cùng tồn tại với việc cung cấp dịch vụ trực tiếp, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công được hỗ trợ kỹ thuật số trên tất cả các kênh, trực tiếp và trực tuyến trên các phương tiện.
Hai là, nền quản trị lấy dữ liệu làm trung tâm. Nền quản trị công nhận dữ liệu là tài sản chiến lược và là yếu tố cơ bản để khu vực công làm việc cùng nhau, thông qua việc áp dụng dữ liệu vào việc lập kế hoạch, cung cấp và giám sát các chính sách công, đồng thời áp dụng các quy tắc và nguyên tắc đạo đức để nền quản trị này được sử dụng lại một cách đáng tin cậy và an toàn. Dựa trên nghiên cứu trước đây của OECD về vai trò của dữ liệu trong xã hội và nền kinh tế, trong báo cáo của OECD về con đường trở thành khu vực công theo hướng dữ liệu đã đề xuất một mô hình để hiểu một “chính phủ dựa trên dữ liệu” có thể tối đa hóa các cơ hội do thế kỷ XXI mang lại. Theo mô hình này, một chính phủ thực sự dựa trên dữ liệu phải có những đặc điểm sau: (1) Công nhận và quản lý dữ liệu như một tài sản chiến lược quan trọng, xác định giá trị của nó, đo lường tác động của nó và phản ánh những nỗ lực tích cực nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc quản lý, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu; (2) Áp dụng dữ liệu để chuyển đổi thiết kế, phân phối và giám sát các chính sách và dịch vụ công; (3) Coi trọng nỗ lực công bố dữ liệu một cách công khai và việc sử dụng dữ liệu giữa và trong các tổ chức khu vực công; (4) Hiểu các quyền dữ liệu của công dân về các hành vi đạo đức, tính minh bạch của việc sử dụng, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu.
Đặc biệt, một chính phủ dựa trên dữ liệu tập trung vào việc áp dụng dữ liệu để tạo ra giá trị công cộng thông qua: (1) Dự đoán và lập kế hoạch – sử dụng dữ liệu trong việc thiết kế chính sách, lập kế hoạch can thiệp, dự đoán thay đổi có thể xảy ra và dự báo nhu cầu. (2) Cung cấp – sử dụng dữ liệu để cung cấp thông tin và cải thiện việc thực hiện chính sách, khả năng đáp ứng của các chính phủ và việc cung cấp các dịch vụ công. (3) Đánh giá và giám sát – sử dụng dữ liệu để đo lường tác động, quyết định kiểm toán và giám sát hoạt động.
Ba là, nền quản trị lấy chính phủ như một nền tảng đồng tạo giá trị công. Xuất phát điểm của ý tưởng Chính phủ nền tảng là của Tim O’Reilly, vào năm 2010, người sáng lập và Giám đốc điều hành của O’Reilly Media, Inc dựa trên tiềm năng dân chủ hóa của Internet để khai thác kiến thức và kinh nghiệm của người dân nhằm giải quyết những thách thức mà xã hội phải đối mặt. Theo đó, từ chính phủ với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ đến chính phủ như một nền tảng để đồng tạo ra giá trị công, chẳng hạn nhưcác chính phủ xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ nhằm hỗ trợ và trang bị cho công chức để thiết kế chính sách hiệu quả và cung cấp dịch vụ chất lượng. Hệ sinh thái đó cho phép sự hợp tác giữa các công dân, doanh nghiệp, xã hội dân sự và những người khác để khai thác khả năng sáng tạo, kiến thức và kỹ năng của họ trong việc giải quyết những thách thức mà một quốc gia đang đối mặt.
Bốn là, nền quản trị với chính phủ mở theo mặc định. Được hiểu là từ các quy trình và dữ liệu đóng sang mở theo mặc định, theo đó, chính phủ cam kết tiết lộ dữ liệu ở định dạng mở, cộng tác trên các ranh giới của tổ chức và liên quan đến những người bên ngoài chính phủ, phù hợp với các nguyên tắc minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia làm nền tảng cho các phương thức kỹ thuật số. Từ một chính phủ do chính phủ lãnh đạo sang một nền hành chính dựa vào người dùng (nghĩa là một nền hành chính tập trung vào nhu cầu của người dùng và kỳ vọng của người dân). Thiết kế để cung cấp các cách thức để người dân, doanh nghiệp bày tỏ nhu cầu cũng như để chính phủ tính đến và xây dựng các chính sách đối với dịch vụ công.
Các đặc trưng của chính phủ mở theo mặc định: (1) Chính phủ chuyển từ quy trình ra quyết định từ trên xuống, tập trung và khép kín sang hướng tiếp cận chủ động hơn, tập trung vào sự cởi mở, hợp tác, trí tuệ tập thể và đổi mới. (2) Chính phủ cởi mở giao tiếp, cung cấp thông tin, tư vấn và tham gia với các tác nhân bên ngoài và bên trong để cùng tạo ra giá trị công cộng. (3) Chính phủ bảo đảm được tính toàn diện khi có khả năng giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các chính sách và dịch vụ công bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của những người quan tâm đến việc tham gia các quyết định của chính phủ, đồng thời, mang lại quan điểm mới cho đời sống chính sách và chu trình cung cấp dịch vụ công; đặc biệt, giúp dân chủ hóa việc ra quyết định và cho phép nhiều tiếng nói được lắng nghe, làm cho các quy trình cốt lõi của chính phủ trở nên toàn diện hơn, linh hoạt hơn và có trách nhiệm giải trình.
Năm là, Chính phủ hướng tới người dùng. Đó là chính phủ trao vai trò trung tâm đối với nhu cầu và sự thuận tiện của người dân trong việc định hình các quy trình, dịch vụ và chính sách và bằng cách áp dụng các cơ chế phối hợp để thực hiện. Phương pháp tiếp cận dựa trên người dùng mô tả các hành động của chính phủ cho phép công dân và doanh nghiệp nêu ra nhu cầu của chính họ, đồng thời định hướng cho việc thiết kế các chính sách và dịch vụ công của chính phủ.
Các phương pháp tiếp cận hướng vào người dùng dựa trên giá trị của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số để thúc đẩy các sáng kiến hiện đại hóa thông qua việc tích hợp công nghệ vào thiết kế và cung cấp dịch vụ cũng như định hình các kết quả chính sách công; đồng thời, mở đường cho các chính phủ đạt được hiệu quả và tăng năng suất thông qua các hình thức đối tác mới với khu vực tư nhân và khu vực thứ ba hoặc thu hút các ý tưởng từ bên trong chính quyền của họ và xã hội nói chung.
Sáu là, các yếu tố chính của phương pháp tiếp cận hướng đến người dùng. Nhu cầu của người dùng phải là cơ sở của việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số. Để có được các dịch vụ công được chuyển đổi kỹ thuật số, người dân và doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu, cho phép các nhà thiết kế dịch vụ phản ánh quan điểm, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Người dùng phải có mặt trong toàn bộ vòng đời dịch vụ thông qua thiết kế, phát triển, thực hiện, phân phối, giám sát và tái thiết kế dịch vụ để cho phép đồng sáng tạo giữa người dùng và chính phủ.
Để hướng đến việc học tập, nghiên cứu người dùng và thiết kế dịch vụ là những công cụ mạnh mẽ giúp khám phá cách cân bằng nhu cầu của người dùng với thực tế nhu cầu của chính phủ để đạt hiệu quả cao hơn. Cách tiếp cận này gồm: (1) Nâng cao nhận thức về các quy trình thiết kế dịch vụ công; (2) Khuyến khích những người khác làm điều tương tự – các doanh nghiệp, các chính phủ khác và các cơ quan phi chính phủ – để thúc đẩy sự hợp tác; (3) Khuyến khích các vòng lặp phản hồi cho phép có thêm thông tin chi tiết về người dùng và dẫn đến thiết kế và cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Bên cạnh đó, đối với khả năng tiếp cận và hòa nhập, các phương pháp tiếp cận hướng đến người dùng có thể giúp hiểu được thực tế về nhu cầu của người dùng, động cơ và mong đợi của họ. Các công chức cần hiểu cách tiến hành và sử dụng nghiên cứu người dùng. Lãnh đạo cũng sẽ cần ủy quyền, khuyến khích và nuôi dưỡng một tư duy khác biệt. Làm việc cởi mở, hợp tác và minh bạch hơn, là điều cốt yếu để bảo đảm rằng các kênh giao tiếp hai chiều hoạt động hiệu quả. Về mặt chính trị, các chính phủ sẽ cần phải chấp nhận sự thay đổi cán cân quyền lực. Các công dân tham gia vào các phương pháp tiếp cận do người dùng định hướng sẽ có nhiều quyền lực hơn để tạo ra sự thay đổi và kết quả là họ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với các chính phủ thông qua sự tham gia và tích hợp của họ vào các quy trình hoạch định chính sách cũng như chu trình thiết kế và cung cấp dịch vụ.
Đối với dịch vụ thiết kế và giao hàng, các phương pháp tiếp cận cung cấp dịch vụ của chính phủ, với các trang web khu vực công đa ngành và nhiều lĩnh vực và cung cấp dịch vụ phân tán, phản ánh cấu trúc thể chế nội bộ. Điều này cho thấy sẽ không tương thích với việc cung cấp các dịch vụ đơn giản. Người dùng ngày càng mong đợi các dịch vụ liền mạch, tích hợp và có thể truy cập qua nhiều kênh cũng như có thể tùy chỉnh. Mô hình phân phối các dịch vụ của chính phủ nên cho phép người dùng dễ dàng xác định các dịch vụ họ cần thông qua kênh mà họ thấy thuận tiện nhất.
Sáu là, tính chủ động của chính phủ. Thể hiện khả năng của các chính phủ và công chức trong việc dự đoán nhu cầu của người dân và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đó, để người dùng không phải tham gia vào quá trình cung cấp dữ liệu và dịch vụ rườm rà. Thông qua việc tái sử dụng dữ liệu thông minh và thông tin do công dân tạo ra hoặc cung cấp trước đó, các chính phủ có thể chuyển từ các phương pháp cung cấp dịch vụ mang tính phản ứng (công dân có trách nhiệm khởi tạo nhu cầu dịch vụ, xác định bản thân và cung cấp thông tin cần thiết) sang các phương pháp chủ động (chính phủ biết công dân của mình, hiểu điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu hiện tại, cung cấp cơ sở để người dân nêu lên các yêu cầu và sở thích của họ, đồng thời có thể cung cấp dịch vụ trước khi yêu cầu được đưa ra).
Đặc trưng của chính phủ chủ động là: (1) Khả năng của các chính phủ trong việc thu thập thông tin chi tiết theo thời gian thực về nhu cầu và sở thích của người dùng, để chủ động yêu cầu phản hồi từ người dùng và kết hợp vào cơ chế “vòng phản hồi”, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thời gian, thông tin về cung cấp dịch vụ (ví dụ: thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh và trang tổng quan) để tương tác với họ. (2) Chính phủ chủ động được coi như một cách thức để nâng cao lòng tin của công chúng. Các dịch vụ công là mối liên hệ trực tiếp và tức thì nhất mà công dân có với chính phủ của họ. Cung cấp cho người dùng trải nghiệm hài lòng và liền mạch khi sử dụng dịch vụ; đồng thời, bảo đảm nhu cầu của họ đã được dự đoán và giải quyết một cách thích hợp.
2. Nhận xét chung về mô hình quản trị số của OECD
Mô hình quản trị số trên của OECD đã đặt ra nhiều kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hướng đến phát triển xanh, bền vững, xây dựng chính phủ số. Theo đó, từ những kinh nghiệm tốt của OECD, Việt Nam có thể áp dụng như sau:
Với đặc trưng thứ nhất là quản trị số theo thiết kế – là cách tiếp cận đưa công nghệ số vào tất cả các khâu của quy trình hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công. Đặc trưng này phản ánh việc tư duy của cả hệ thống nhà nước về việc phải đặt tất cả các công việc của nhà nước trong môi trường số. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) xác định: “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025”. Đồng thời,chỉ ra 5 nhóm mục tiêu đến năm 2025, gồm: (1) Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; (2) Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; (3) Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; (4) Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế – xã hội; (5) Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở2. Chiến lược này cũng đã phản ánh tư duy đưa công nghệ số vào các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, tuy nhiên, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng sẵn sàng thay đổi để thiết lập và áp dụng kỹ thuật số vào hoạt động quản lý của mình.
Việc chuyển đổi từ nền quản trị lấy thông tin làm trung tâm sang lấy dữ liệu làm trung tâm là tất yếu xuất phát từ nền tảng công nghệ, nếu với chính phủ điện tử (E-Government) thì công nghệ thông tin và truyền thông (ICT- Information and Communications Technology), đặc biệt là Internet nền tảng. Còn với chính phủ số lại chuyển mọi hoạt động của chính phủ lên môi trường số, hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới. Do vậy, dữ liệu là chìa khóa, là nguyên liệu để xây dựng chính phủ số, tuy nhiên, việc có được dữ liệu có tính hệ thống để đồng bộ hóa hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Việt Nam đang có những trở ngại.
Với đặc trưng xây dựng Chính phủ như một nền tảng để đồng tạo ra giá trị công thì phản ánh đặc trưng của quản trị số là chính phủ được xác định là một nền tảng, vừa tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, công chức có thể quản lý hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào việc quản lý nhà nước. Đây cũng là một tư duy đổi mới rất quan trọng của chính phủ số, bởi khi kỹ thuật số cho phép khai thác, sử dụng được tối đa tiềm năng, trí tuệ của khách hàng, người dân, doanh nghiệp qua cơ sở dữ liệu thu thập được thì việc huy động sự tham gia của các chủ thể này vào việc xây dựng quy trình quản lý cũng như cung cấp dịch vụ có hiệu quả là điều rất quan trọng.
Việc có được chính phủ mở theo mặc định, theo đó, chính phủ cam kết tiết lộ dữ liệu ở định dạng mở, cộng tác trên các ranh giới tổ chức và liên quan đến những người bên ngoài chính phủ phù hợp với các nguyên tắc minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình và sự tham gia làm nền tảng cho các phương thức làm việc kỹ thuật số… Hoặc chính phủ hướng tới người dùng với phương châm lấy mong muốn, nhu cầu và sự thuận tiện của người dân là trung tâm trong việc định hình các quy trình, dịch vụ và chính sách. Đồng thời, chính phủ chủ động trong việc xác định nhu cầu của người dân… là những xu hướng của quản trị nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức không chỉ biết quan tâm, lắng nghe nhu cầu và mong muốn thật sự của người dân mà còn đặt mình ở vị trí của người dân để xác định những nhu cầu, mong muốn thực sự của người dân.
Phát triển xanh, bền vững là cách thức phát triển dựa trên cơ sở đồng bộ, phát triển cân bằng, hài hòacả kinh tế – xã hội và môi trường, do đó, việc tận dụng tối đa nguồn dữ liệu để thực hiện hoạt động quản trị nhà nước và phát huy hiệu quả nhất sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và xã hội vào hoạt động quản lý nhà nước trong mô hình quản trị số của OECD chính là hướng đến sự phát triển xanh, bền vững.
Các giá trị cốt lõi của mô hình quản trị số của OECD là những giá trị tốt mà các quốc gia nên học hỏi. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay khi mà tư duy về quản trị quốc gia còn khá mới, chưa trở thành nếp nghĩ, thói quen và văn hóa thì việc phổ biến các giá trị này là cần thiết. Do vậy, vấn đề đặt ra là giải pháp nào để có thể áp dụng được các giá trị của mô hình quản trị số của OECD trong bối cảnh xây dựng nền quản trị theo hướng hiện đại, hướng đến phát triển xanh bền vững và xây dựng chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.
3. Một số khuyến nghị trong việc áp dụng mô hình quản trị số của OECD ở Việt Nam
Quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng chính phủ số, hướng đến phát triển xanh, bền vững là một yêu cầu đổi mới của Đảng và Nhà nước hiện nay. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 nhấn mạnh đột phá chiến lược: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”3. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu tổng quát của việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền là phải đáp ứng được yêu cầu của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Điểm cốt yếu nhất trong quản trị quốc gia phải là khía cạnh bản chất của yếu tố quản trị, phải lấy quản trị làm nền tảng, điện tử hay số là phương thức để thực hiện mục đích của quản trị. Từ nghiên cứu các đặc trưng của mô hình quản trị số của OECD, một số khuyến nghị cho Việt Nam cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản trị số (bao gồm cả yếu tố quản trị và yếu tố số). Về mặt chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ cơ sở chính trị có tính nền tảng để các cơ quan nhà nước định hướng tổ chức hoạt động quản lý nhà nước theo lý thuyết quản trị. Về mặt thể chế, chính sách, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai thực hiện nền quản trị điện tử, hướng đến quản trị số đã có những nền móng ban đầu như việc xây dựng Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Giao dịch điện tử; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi sô quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg; Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030… Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để thực hiện chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số.
Tuy nhiên, để tạo ra một giá trị sinh thái của quản trị quốc gia, hướng đến quản trị điện tử và quản trị số cần được tiếp cận nhiều hơn từ góc độ quản trị, lấy nền tảng của quản trị làm gốc. Do đó, về mặt thể chế, chính sách, ngoài việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề cơ sở của chính phủ điện tử, chính phủ số, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện yếu tố nền tảng là quản trị quốc gia. Từ việc các quy trình xây dựng và ban hành chính sách, quyết định quản lý nhà nước cần triệt để tuân thủ nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, bảo đảm sự tham gia của các đối tượng trực tiếp vào quy trình xây dựng chính sách, đến việc cần có cơ chế để các chủ thể ngoài nhà nước tham gia chính thức vào việc cung cấp các dịch vụ công, thực hiện các hoạt động phục vụ xã hội, cộng đồng.
Thứ hai, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện quản trị số của đội ngũ cán bộ, công chức. Với một sự chuyển đổi lớn như vấn đề quản trị số, bao hàm cả 2 giá trị: (1) Chuyển đổi về cách thức quản trị theo hướng mở rộng, đề cao vai trò của các chủ thể ngoài nhà nước, Nhà nước không phải là chủ thể duy nhất tham gia quản lý nhà nước; (2) Chuyển đổi về nền tảng kỹ thuật số, thay thế cách thức quản lý, cách thức vận hành có thể dẫn đến vai trò của Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức không còn ở thế “độc tôn” cũng là một rào cản rất lớn. Do vậy, cần nâng cao năng lực của cán bộ, công chức về quản trị số. Một số kỹ năng cơ bản cần có của cán bộ, công chức trong chính phủ số, đó là: kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, an toàn, an ninh mạng, tư duy phát triển xanh, bền vững…
Thứ ba, cần tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của người dân trong việc hiểu biết về công nghệ thông tin, công nghệ số; đồng thời, còn cả về việc hiểu rõ vị thế, vai trò của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước. Chỉ khi người dân có am hiểu về công nghệ số, có hiểu biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc cùng tạo ra giá trị công, đồng lòng với việc phát triển xanh, bền vững thì mới có được chính phủ số thực sự. Để thực hiện tốt điều này cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội đặc biệt là Đoàn Thanh niên, lực lượng tự nguyện đi đến từng thôn, xóm, làng bản để hướng dẫn về kỹ năng số, về việc sử dụng các dịch vụ số do các cơ quan nhà nước cung cấp, qua đó, người dân có thể nhanh chóng tiếp cận và thích ứng với chính phủ số.
Chú thích:
1, 2. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025. http://egov.chinhphu.vn/chien-luoc-phat-trien-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-giai-doan-2021-2025-a-NewsDetails-37909-14-186.html
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 220.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Chính phủ (2015). Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị.
4. Chính phủ (2019). Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
5. Học viện Hành chính Quốc gia (2021). Tài liệu bồi dưỡng về chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức. H. NXB Bách Khoa Hà Nội.
6. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
7. Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
8. The OECD digital Goverment policy framework: six dimensions of digital goverment, OECD Public Governance Policy papers No.2. https://www.oecd.org/gov/digital-goverment.