Nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường tiêu thụ nội địa giày dép Việt Nam

ThS. Phạm Thị Hồng Hạnh
Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính

(Quanlynhanuoc.vn) –  Với quy mô dân số trên 100 triệu người và xu hướng tiêu dùng ngày càng hiện đại, thị trường nội địa giày dép đang được đánh giá là khu vực tiềm năng, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác đúng mức do nhiều rào cản đến từ phía cung, phía cầu và môi trường thể chế. Thông qua phân tích 3 nhóm nhân tố: từ phía cung (năng lực sản xuất, công nghệ, đổi mới sản phẩm), phía cầu (hành vi người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng, ảnh hưởng thương mại điện tử) và nhân tố môi trường (chính sách, cạnh tranh, hội nhập quốc tế), bài viết đưa ra các nhóm giải pháp khuyến nghị mang tính chiến lược cho cả doanh nghiệp, Nhà nước và tổ chức ngành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị phần hàng Việt trong thị trường nội địa.

Từ khóa: Nhân tố ảnh hưởng, thị trường nội địa, giày dép, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép với kim ngạch năm 2024 đạt 27,4 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2024)1. Tuy nhiên, điều nghịch lý là thị phần tiêu thụ nội địa của giày dép sản xuất trong nước lại chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng sản xuất. Phần lớn thị phần còn lại là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và một số thương hiệu nước ngoài có hệ thống phân phối mạnh trong nước (LEFASO, 2022). Trong khi đó, với dân số trên 100 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thị trường tiêu dùng nội địa được đánh giá là đầy tiềm năng, có quy mô tiêu thụ khoảng 150 – 160 triệu đôi giày mỗi năm, tương đương khoảng 3,5 – 4 tỷ USD giá trị hàng hóa2 (LEFASO, 2022).

Tuy nhiên, việc khai thác thị trường nội địa hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn tập trung vào gia công (OEM), chưa đầu tư mạnh vào xây dựng thương hiệu (OBM), chưa có chiến lược marketing, phân phối bài bản phù hợp với thị hiếu và hành vi tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, khả năng đổi mới công nghệ và xây dựng hệ thống phân phối hiện đại còn yếu. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt ngày càng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm thời trang theo mùa, yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính thẩm mỹ và thương hiệu. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp nội địa phải thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển từ tập trung vào sản xuất sang lấy khách hàng làm trung tâm (customer-centric model).

Không chỉ vậy, yếu tố cạnh tranh từ hàng ngoại nhập, đặc biệt từ Trung Quốc, đang là một thách thức lớn. Hàng nhập khẩu thường có giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, như: Shopee, TikTok Shop, khiến hàng nội địa gặp khó khăn ngay trên “sân nhà”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước còn gặp rào cản về năng lực tài chính, khả năng quản trị chuỗi cung ứng, và đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ đồng bộ từ hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ – vốn là nền tảng để giảm giá thành và tăng tính linh hoạt trong sản xuất.

Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường tiêu thụ nội địa giày dép Việt Nam là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn lớn. Nghiên cứu này không chỉ giúp nhận diện rõ ràng các nhân tố ảnh hưởng mà còn đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm phát triển thị trường tiêu thụ nội địa giày dép của Việt Nam.

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển thị trường tiêu thụ giày dép ở Việt Nam

2.1. Nhân tố từ phía cung

Thứ nhất, về năng lực sản xuất. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, với gần 1,5 triệu lao động, chiếm khoảng 8% tổng lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước (LEFASO, 2024). Ngành có hệ thống sản xuất tương đối hoàn chỉnh từ thiết kế mẫu mã, cắt, may, hoàn thiện đến đóng gói, đủ khả năng đáp ứng quy mô lớn cho cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất chủ yếu vẫn phục vụ cho mô hình gia công xuất khẩu (OEM), với tỷ lệ làm hàng theo đơn đặt hàng nước ngoài chiếm tới 70 – 80% tổng năng lực. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước chưa chủ động điều tiết sản lượng, mẫu mã, nhãn hiệu theo nhu cầu nội địa. Năng lực sản xuất hiện tại chủ yếu được thiết kế theo chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến thiếu linh hoạt khi chuyển hướng sang phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Thứ hai, về trình độ công nghệ. Thực trạng máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ được sử dụng trong ngành da giày chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); chỉ có một số ít ở các công đoạn là xuất xứ từ Ý, Đức.

Thứ ba, về đầu tư cho đổi mới công nghệ. Mặc dù trình độ công nghệ của ngành công nghiệp hỗ trợ da giày được các doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình khá, nhưng nhìn chung mức đầu tư/doanh thu cho đổi mới công nghệ còn chưa thực sự cao, tốc độ đổi mới còn diễn ra chậm, chưa đồng bộ giữa các khâu, các công đoạn nên năng lực sản xuất còn hạn chế. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ còn thiếu đồng bộ, không cân đối giữa các công đoạn sản xuất nên mới chỉ khai thác được khoảng 60% năng lực sản xuất; điều này làm ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

2.2. Nhân tố từ phía cầu

(1) Nhu cầu thị hiếu, thu nhập của người dân ngày càng tăng

Với dân số hơn 100 triệu người, thị trường trong nước hằng năm có lượng tiêu thụ sản phẩm giày dép đạt khoảng 155 triệu đôi, mới chiếm khoảng gần 40% thị phần, số còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác3 (Lefaso, 2022). Điều này cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp nội địa để nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, cố gắng thay thế giày dép nhập khẩu và mở rộng thị phần.

Nhu cầu tiêu dùng giày dép tại Việt Nam đang gia tăng ổn định trong những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển của tầng lớp trung lưu, gia tăng thu nhập bình quân đầu người và mức sống cải thiện rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê năm 2023, chi tiêu bình quân đầu người ở khu vực đô thị đạt gần 4,5 triệu đồng/tháng, trong đó chi cho hàng may mặc và giày dép chiếm từ 5 – 7% tổng chi tiêu cá nhân, tùy theo vùng miền và độ tuổi4.

Cùng với nhu cầu cơ bản về độ bền, tính tiện dụng và giá cả hợp lý, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ, thời trang, thương hiệu và trải nghiệm cá nhân hóa trong sản phẩm giày dép. Một khảo sát của Nielsen (2022), chỉ ra rằng: 67% người tiêu dùng Việt Nam trẻ tuổi (từ 18 – 35 tuổi)5 có xu hướng lựa chọn giày dép dựa trên mẫu mã và phong cách thiết kế, thay vì chỉ quan tâm đến giá cả như các thế hệ trước. Điều này đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải đổi mới mẫu mã liên tục và có khả năng bắt kịp xu hướng thời trang nhanh (fast fashion).

(2) Nhận thức và thái độ với sản phẩm nội

Theo báo cáo khảo sát người tiêu dùng do Vietnam Report (2023) công bố, có đến 48% người được hỏi cho rằng giày dép Việt Nam chưa có sự đột phá về thiết kế và thương hiệu, và chỉ 35% sẵn sàng ưu tiên chọn mua hàng Việt6 nếu chất lượng tương đương hàng ngoại. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng lại niềm tin đối với thương hiệu nội địa, không chỉ thông qua truyền thông mà cần từ chất lượng thực tế sản phẩm và trải nghiệm người dùng.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là xu hướng “người Việt dùng hàng Việt” đang dần tăng lên, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả hàng nhập khẩu tăng cao và làn sóng tiêu dùng bền vững, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện môi trường và ủng hộ doanh nghiệp nội địa. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giày dép nội địa đầu tư nghiêm túc vào hình ảnh thương hiệu, truyền thông giá trị văn hóa và tính “bản địa hóa” trong sản phẩm.

(3) Tác động của thương mại điện tử và bán lẻ hiện đại

Sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây đang làm thay đổi sâu sắc hành vi tiêu dùng giày dép tại Việt Nam. Theo iPrice (2023), có đến 54% người Việt mua sắm giày dép trực tuyến ít nhất một lần trong năm, trong đó nhóm tuổi dưới 35 là khách hàng chính7. Sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop đã trở thành kênh phân phối quan trọng, bên cạnh hệ thống cửa hàng truyền thống.

Bên cạnh thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng chuyên dụng cũng là kênh tiêu thụ quan trọng, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy vậy, chi phí thuê mặt bằng cao, yêu cầu về trưng bày, quản lý tồn kho và logistics khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể mở rộng hệ thống phân phối hiện đại.

Để thành công trong thị trường nội địa, doanh nghiệp cần không chỉ hiện diện đa kênh (omni-channel), mà còn phải đầu tư nghiêm túc vào công nghệ số, logistics nội địa và quản trị dữ liệu khách hàng (CRM) nhằm cá nhân hóa trải nghiệm, cải thiện dịch vụ và gia tăng độ trung thành với thương hiệu.

2.3. Nhân tố môi trường

Môi trường kinh tế vĩ mô, chính sách của Nhà nước, mức độ cạnh tranh ngành và tiến trình hội nhập quốc tế là những nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả năng lực sản xuất lẫn mức độ tiêu thụ sản phẩm giày dép tại thị trường nội địa. Trong đó, 3 yếu tố chính cần phân tích, gồm: hệ thống chính sách hỗ trợ; áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước; và tác động từ hội nhập kinh tế quốc tế.

(1) Chính sách hỗ trợ phát triển ngành giày dép và thị trường nội địa

Chính phủ đã xác định rõ ngành da giày là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, được ưu tiên phát triển trong các chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành dệt may – da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035, mục tiêu đặt ra là không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu mà còn phát triển thị trường nội địa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và khả năng thiết kế, xây dựng thương hiệu trong nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa sát với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp ngành da giày nội địa. Nhiều thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp; doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong ngành hiện vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ do thiếu thông tin hoặc năng lực quản trị yếu.

Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại nội địa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào nhận diện thương hiệu, quảng bá trên nền tảng số, các doanh nghiệp nội địa lại thiếu ngân sách và chiến lược truyền thông hiệu quả.

(2) Mức độ cạnh tranh trong ngành và áp lực từ hàng nhập khẩu

Thị trường giày dép nội địa Việt Nam hiện đang chịu sức ép lớn từ sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc, Thái Lan và các nước ASEAN. Với lợi thế về quy mô sản xuất lớn, chuỗi cung ứng tích hợp và chiến lược bán phá giá, hàng ngoại nhập đang chiếm ưu thế trên cả kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử.

Theo báo cáo của LEFASO (2022), hơn 60% lượng giày dép tiêu dùng tại Việt Nam là hàng nhập khẩu8, trong đó Trung Quốc chiếm gần 50%. Các sản phẩm này có giá rẻ, mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh, đặc biệt trên các nền tảng, như: Shopee, Lazada, TikTok Shop, tạo sức ép cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa.

Ở cấp độ trong nước, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, cũng làm giảm sức cạnh tranh. Trong khi các tập đoàn lớn nước ngoài thường có mô hình tích hợp theo chuỗi (từ sản xuất đến bán lẻ), thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn rời rạc, thiếu quy mô, thiếu hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI trong ngành da giày cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và tiêu thụ nội địa, tạo nên áp lực cạnh tranh không chỉ về sản phẩm mà còn về nguồn nhân lực, mặt bằng và kênh phân phối. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nội phải nâng cấp quản trị, tăng năng suất và định vị thương hiệu rõ ràng nếu muốn tồn tại và phát triển trong thị trường nội địa.

(3) Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế

Việt Nam hiện đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh mới ngay tại thị trường nội địa. Việc mở cửa thị trường, giảm thuế nhập khẩu và mở rộng quyền tiếp cận kênh phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến hàng ngoại dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt với mức giá cạnh tranh hơn.

Mặt khác, hội nhập quốc tế cũng mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước nếu biết tận dụng các điều khoản về xuất xứ, quy chuẩn chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ, EVFTA quy định mức thuế suất 0% đối với nhiều sản phẩm giày dép khi đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ Việt Nam – đây cũng có thể là động lực để doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa, phục vụ cả xuất khẩu và thị trường trong nước.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là năng lực nội tại của doanh nghiệp trong việc thích ứng với những chuẩn mực cao hơn về lao động, môi trường và truy xuất nguồn gốc – những yếu tố ngày càng quan trọng trong cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa (khi người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với các tiêu chuẩn xanh, sản phẩm có trách nhiệm xã hội).

3. Một số giải pháp nhằm phát triển thị trường tiêu thụ giày dép nội địa

Một là, cần định vị và nâng cấp thương hiệu nội địa.        

Doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu riêng hướng đến thị trường trong nước thay vì chỉ làm gia công xuất khẩu. Điều này đòi hỏi đầu tư vào thiết kế, truyền thông và trải nghiệm khách hàng. Một số thương hiệu như Biti’s, Ananas, Juno đã có bước đi đúng hướng khi định vị thương hiệu gắn với phong cách sống trẻ, hiện đại và “tự hào hàng Việt”. Việc khai thác yếu tố bản sắc văn hóa trong thiết kế sản phẩm, như họa tiết truyền thống, câu chuyện thương hiệu Việt, sẽ giúp tăng sự đồng cảm với người tiêu dùng nội địa.

Thị trường nội địa hiện nay có nhu cầu cao về giày thể thao, giày công sở, giày thời trang nhanh (fast fashion), giày học sinh – sinh viên và giày y tế. Doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu thị hiếu người tiêu dùng theo từng nhóm độ tuổi, giới tính và vùng miền để thiết kế dòng sản phẩm phù hợp. Việc áp dụng công nghệ thiết kế CAD/CAM, phát triển bộ sưu tập theo mùa hoặc cá nhân hóa sản phẩm theo đơn đặt hàng online sẽ là hướng đi chiến lược.

Các doanh nghiệp giày dép nội địa cần chuyển dịch mạnh sang mô hình bán hàng đa kênh (omni-channel), kết hợp hiệu quả giữa cửa hàng truyền thống và nền tảng trực tuyến. Đầu tư vào thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu sống còn để tiếp cận người tiêu dùng thế hệ trẻ. Việc tối ưu hóa công cụ quảng cáo số (Facebook Ads, TikTok, Google Shopping), hệ thống CRM, logistics giao hàng nhanh, tích hợp thanh toán điện tử sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh thực tế.

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, nâng cao tự động hóa và linh hoạt hóa quy trình sản xuất theo nhu cầu thị trường nội địa – vốn đòi hỏi thời gian giao hàng ngắn và mẫu mã thay đổi liên tục. Cần có chiến lược đầu tư chiều sâu vào máy móc mới, hệ thống quản trị chất lượng, kiểm soát tồn kho và phát triển nguyên phụ liệu nội địa để giảm giá thành.

Hai là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển thị trường tiêu dùng nội địa

Thị trường nội địa tuy tiềm năng lớn nhưng còn thiếu cơ chế chính sách đồng bộ và cụ thể nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt. Nhiều chương trình, nghị quyết, chiến lược được ban hành, nhưng chưa tạo được “hiệu ứng lan tỏa” thực sự đến hành vi tiêu dùng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội. Để phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, Nhà nước cần: tái thiết kế chính sách hỗ trợ tiêu dùng hàng Việt theo hướng thiết thực và định lượng được hiệu quả, thay vì chỉ dừng lại ở khuyến khích tuyên truyền. Ví dụ: hỗ trợ thuế VAT 5% cho sản phẩm nội địa đạt chứng nhận xanh, thân thiện môi trường; có chính sách ưu tiên đấu thầu công sản phẩm nội địa như giày dép học sinh, giày bảo hộ trong các dự án công. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi phân phối hiện đại, thông qua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuê mặt bằng tại siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống đang nâng cấp. Thiết lập mạng lưới hỗ trợ phát triển thị trường nội địa cấp vùng, giúp doanh nghiệp nội địa mở rộng hệ thống bán lẻ tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi vẫn còn tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác do thiếu kênh phân phối và logistics.

Ba là, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và truyền thông hàng Việt

Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai hơn một thập kỷ nhưng đang dần mất hiệu quả truyền thông trong bối cảnh người tiêu dùng trẻ chịu tác động mạnh bởi truyền thông kỹ thuật số và xu hướng thời trang toàn cầu. Để tạo bước đột phá đối với chương trình này cần: Ứng dụng công nghệ số và truyền thông đa nền tảng để nâng tầm thương hiệu giày dép Việt. Các chiến dịch truyền thông nên được thiết kế theo hướng kể chuyện thương hiệu (brand storytelling), gắn với KOLs, Influencers và nội dung hướng đến giá trị bền vững, thân thiện môi trường, bản sắc văn hóa. Tổ chức các tuần lễ hàng Việt tại siêu thị, trường học, khu công nghiệp, kết hợp với ưu đãi giá, trải nghiệm thực tế sản phẩm để thay đổi nhận thức người tiêu dùng, đặc biệt ở nhóm sinh viên, công nhân và giới trẻ đô thị. Tăng cường vai trò của thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value), mở rộng đối tượng hưởng lợi từ chương trình này đến các doanh nghiệp nội địa trong ngành giày dép, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này tạo động lực nâng cao chất lượng sản phẩm và định vị rõ ràng hơn thương hiệu Việt trong tâm trí người tiêu dùng nội địa.

Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa

Ưu đãi tín dụng, vốn khởi nghiệp: thiết kế gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, có lịch sử xuất khẩu hoặc kinh doanh ổn định, có kế hoạch chuyển dịch về thị trường nội. Cho phép sử dụng hóa đơn bán hàng trên sàn thương mại điện tử như một hình thức chứng minh năng lực tài chính khi vay vốn. Hỗ trợ chuyển đổi số: Nhà nước cần có các chương trình đào tạo miễn phí hoặc đồng tài trợ về thương mại điện tử, marketing số, quản trị tồn kho, thanh toán điện tử, CRM… để nâng cao năng lực vận hành trong môi trường phân phối hiện đại. Thiết lập trung tâm hỗ trợ thiết kế, R&D và đổi mới sản phẩm ở cấp vùng/ngành, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ thiết kế mẫu mã, mô phỏng sản phẩm, cải tiến chất lượng theo thị hiếu nội địa mà không phải đầu tư riêng lẻ với chi phí lớn. Xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu nội địa với sự hỗ trợ về hạ tầng, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất da thuộc, đế giày, chỉ khâu, keo dán nội địa, từ đó giảm lệ thuộc nhập khẩu và hạ giá thành cho sản phẩm nội.

Năm là, tăng cường thể chế và liên kết vùng để hỗ trợ thị trường nội địa

Ngoài các chính sách chuyên ngành, cần cải thiện thể chế hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đồng bộ, minh bạch và dễ tiếp cận. Các thủ tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, ưu đãi tín dụng, đăng ký thương hiệu cần được tinh giản hóa, chuyển sang nền tảng số, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tạo “vùng tiêu dùng hàng Việt” có tính hệ thống thay vì phát triển đơn lẻ.

Sáu là, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và nền tảng kết nối thông tin

Hiện nay, ngành giày dép Việt Nam vẫn còn manh mún về dữ liệu: không có hệ thống cơ sở thông tin tập trung về chuỗi cung ứng nội địa, doanh nghiệp hội viên, nguồn nguyên phụ liệu, thiết kế sản phẩm, và đặc biệt là các sàn thương mại nội địa đáng tin cậy. LEFASO và các tổ chức hỗ trợ có thể:

Thiết lập nền tảng “Digital Footwear Vietnam” – một cổng thông tin số hóa toàn ngành – nơi cung cấp cơ sở dữ liệu mở và cập nhật thường xuyên về: Danh mục doanh nghiệp sản xuất theo vùng/loại sản phẩm; nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa; dữ liệu thiết kế, mẫu mã tiêu chuẩn hóa; danh sách sàn thương mại điện tử nội địa và hệ thống phân phối có uy tín; tin tức thị trường, chính sách ưu đãi theo ngành và cơ hội hợp tác B2B.

Xây dựng nền tảng giới thiệu sản phẩm giày dép Việt chính thống, kết nối với chương trình “Thương hiệu quốc gia” và các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Điều này giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận sản phẩm nội, tăng khả năng “nhận diện thương hiệu Việt” trong một thị trường đang bị lấn át bởi sản phẩm giá rẻ ngoại nhập.

Bảy là, đào tạo nhân lực thiết kế, marketing, chuyển đổi số và hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Nguồn nhân lực chất lượng thấp – đặc biệt là trong các mảng thiết kế, quản trị thương hiệu và vận hành thương mại điện tử – là một điểm nghẽn lớn trong việc phát triển thị trường tiêu thụ nội địa. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu như không có đội ngũ thiết kế riêng, thiếu nhân sự biết vận hành gian hàng trực tuyến, và chưa từng thực hiện nghiên cứu thị trường. LEFASO và các viện/trường liên kết có thể triển khai:

(1) Chương trình đào tạo ngắn hạn chuyên ngành “giày dép số” với các nội dung thực tế: thiết kế mẫu mã ứng dụng CAD/CAM, làm thương hiệu giày nội địa, xây dựng chiến lược truyền thông số, quản lý bán hàng thương mại điện tử đa kênh (omni-channel).

(2) Kết nối doanh nghiệp với đội ngũ thiết kế trẻ, sinh viên trường mỹ thuật, thời trang thông qua các cuộc thi thiết kế sản phẩm Việt hoặc các chương trình thực tập kết hợp doanh nghiệp – trường học.

(3) Hỗ trợ pháp lý và tài chính cho việc đăng ký thương hiệu trong nước và quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn doanh nghiệp SME làm hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp thông qua cơ chế “dịch vụ công đồng hành”.

(4) Phối hợp với Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp nhỏ có cơ hội đưa sản phẩm vào các hội chợ hàng Việt, các tuần lễ hàng nội địa tại trung tâm thương mại lớn, từ đó thử nghiệm sản phẩm, thu hút người tiêu dùng và dần mở rộng quy mô.

4. Kết luận

Thị trường tiêu thụ nội địa giày dép Việt Nam đang đứng trước thời điểm chuyển mình quan trọng. Với quy mô dân số lớn, thu nhập ngày càng tăng và sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi tiêu dùng, đây là cơ hội chiến lược để các doanh nghiệp trong nước thoát khỏi lệ thuộc vào gia công xuất khẩu, hướng tới xây dựng thương hiệu Việt phục vụ người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, cần vượt qua hàng loạt thách thức như năng lực công nghệ còn hạn chế, thiếu đầu tư cho R&D và marketing, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, cũng như sức ép cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại nhập.

Trong thời gian tới, việc xây dựng một mô hình lý thuyết về phát triển thị trường nội địa ngành giày dép có thể là hướng đi nghiên cứu tiếp theo nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp có cơ sở khoa học trong việc định hình chiến lược dài hạn.

Chú thích:
1. Tăng trưởng và cơ hội trong công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày. https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/tang-truong-va-co-hoi-trong-cong-nghiep-ho-tro-nganh-det-may-va-da-giay.html, ngày 25/11/2024.
2, 3, 8. Báo cáo tổng kết xuất nhập khẩu của ngành gia dày và hoạt động của Hiệp hội Lefaso năm 2022. https://www.lefaso.org.vn/chi-tiet-tin-tuc/27328/bao-cao-tong-ket-xuat-nhap-khau-cua-nganh-da-giay-va–hoat-dong-cua-hiep-hoi-lefaso-nam-2022, ngày 06/01/2023.
4. Niên giám Thống kê 2023. https://www.gso.gov.vn/default/2024/06/nien-giam-thong-ke-2023.
5. Nielsen Vietnam (2022). Khảo sát xu hướng tiêu dùng thế hệ trẻ.
6. Vietnam Report (2023). Báo cáo người tiêu dùng Việt và thương hiệu nội địa.
7. iPrice (2023). Thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035.
2. Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với kinh tế Việt Nam. https://trungtamwto.vn/tin-tuc/12360-tac-dong-cua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-voi-kinh-te-viet-nam, ngày 04/01/2019.