Giải pháp tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng thích ứng với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

ThS. Nguyễn Thị Hồng Nhung
Ủy ban Kiểm tra Trung ương

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính và chính quyền địa phương theo tinh thần Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, việc tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra Đảng cần có các giải pháp chiến lược. Trên cơ sở nhận diện những yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ cán bộ kiểm tra, bài viết đề xuất các định hướng đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp, hình thức và cơ chế phối hợp trong công tác bồi dưỡng. Nhấn mạnh vai trò của công nghệ số, quản trị dữ liệu và phân tầng nội dung theo đặc thù tổ chức, đối tượng học. Công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra không chỉ là giải pháp nâng cao năng lực mà còn là chiến lược nhằm thích ứng hiệu quả với mô hình tổ chức mới và bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị.

Từ khóaCông tác bồi dưỡng, cán bộ kiểm tra của Đảng, cán bộ kiểm tra của Đảng, sắp xếp, tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện các chủ trương lớn về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương, yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ kiểm tra của Đảng nói riêng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc bồi dưỡng cán bộ kiểm tra không chỉ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn phải hướng đến xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, khả năng thích ứng và năng lực xử lý tình huống trong một hệ thống chính trị đang vận hành theo hướng hiện đại hóa và chuyển đổi mạnh mẽ.

Việc đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng trong bối cảnh mới, gắn với yêu cầu từ việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức hành chính, chính quyền địa phương không chỉ kế thừa những kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn gần đây mà còn định hướng phát triển công tác bồi dưỡng theo hướng hiện đại, phù hợp với các mục tiêu cải cách và chiến lược cán bộ của Đảng đến năm 2045.

2. Bối cảnh mới và những yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra

Công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được Đảng và Nhà nước triển khai mạnh mẽ với tinh thần kiên quyết, nhất quán, liên tục từ Trung ương đến cơ sở. Mục tiêu xuyên suốt của quá trình này là xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có cơ chế vận hành thông suốt, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả quản trị và năng lực hành động của bộ máy nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Hai văn bản quan trọng gần đây của Bộ Chính trị là Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 đã tiếp tục khẳng định rõ định hướng, phương pháp và lộ trình thực hiện.

Kết luận 126-KL/TW nhấn mạnh rõ yêu cầu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có việc đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; giảm đầu mối trung gian; xây dựng mô hình tổ chức thí điểm có tính chất đột phá. Tiếp đó, Kết luận 127-KL/TW mở rộng yêu cầu này bằng việc giao nhiệm vụ cho các cấp ủy tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy phù hợp với bối cảnh phát triển mới, có tính chiến lược dài hạn và chú trọng yếu tố kế thừa, phát triển, đổi mới trên nền tảng các mô hình đã triển khai trước đó.

Chủ trương của Đảng tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Sự chuyển động sâu rộng từ cấp tổ chức trung ương đến cơ sở không chỉ làm thay đổi phương thức hoạt động của các cơ quan Đảng và chính quyền, mà còn kéo theo yêu cầu phải tái cấu trúc lại chức năng, nhiệm vụ và quy trình phối hợp công tác giữa các bộ phận trong nội bộ hệ thống chính trị. Ngành Kiểm tra của Đảng, với vai trò là một bộ phận đặc biệt trong hệ thống chính trị, tất yếu phải chịu tác động trực tiếp và sâu sắc. Không chỉ là sự điều chỉnh về tổ chức bộ máy hành chính, các cấp ủy và ủy ban kiểm tra cũng buộc phải rà soát lại phương thức triển khai kiểm tra, giám sát, xác định rõ chức trách và phương pháp phù hợp với cấu trúc mới.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ kiểm tra phải thích ứng nhanh chóng với mô hình tổ chức mới, nơi mà chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan thường xuyên thay đổi, tính liên thông trong xử lý công việc ngày càng cao, quy trình kiểm tra đòi hỏi sự linh hoạt, chính xác, khoa học và có chiều sâu pháp lý, nghiệp vụ. Cán bộ kiểm tra không chỉ làm việc trong hệ thống quản lý hành chính phân tầng rõ ràng, mà phải xử lý vụ việc trong bối cảnh đa chiều, nơi chức năng quản lý có thể giao thoa giữa các đơn vị hành chính mới được hợp nhất, phân cấp hoặc chuyển đổi mô hình. Đồng nghĩa, cán bộ kiểm tra cần được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để thích ứng với mô hình tổ chức mới, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh tổ chức bộ máy đang được sắp xếp, tinh gọn.​ 

Khi hệ thống chính trị đang chuyển mình, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra không chỉ để “bổ khuyết năng lực” mà là để “định hình lại vai trò”, từ chỗ là người phát hiện sai phạm, thi hành kỷ luật, chuyển sang là người thiết kế, đồng hành, cảnh báo việc thực hiện đúng chức trach, đạo đức công vụ trong hệ thống tổ chức mới. Yêu cầu bồi dưỡng cán bộ kiểm tra của Đảng trong giai đoạn hiện nay cần phải “đi trước một bước”, để không còn đơn thuần là hoạt động thường kỳ, mà phải trở thành một phần trọng tâm trong chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng, qua bồi dưỡng không chỉ trang bị kiến thức lý thuyết mà còn nâng cao năng lực phản xạ, kỹ năng phân tích tình huống pháp lý – chính trị – hành chính trong bối cảnh tổ chức bộ máy đang được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, liên thông và đa chức năng. Đây chính là vai trò tiên phong, định hướng và chiến lược mà công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra cần vươn tới trong bối cảnh mới.

3. Giải pháp chiến lược tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống chính trị

Thứ nhất, đổi mới nhận thức và nâng cao quyết tâm chính trị về công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra trong giai đoạn tổ chức lại hệ thống. 

Trong điều kiện tổ chức bộ máy đang được tinh giản, việc nhận thức đúng vai trò của cán bộ kiểm tra và vai trò của công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra có ý nghĩa then chốt. Bồi dưỡng phải được coi là hoạt động mang tính chiến lược, gắn với định hướng nhân sự dài hạn của Đảng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm không chỉ đào tạo đủ số lượng mà còn bồi dưỡng đúng đối tượng, đúng nội dung cần thiết theo vùng, lĩnh vực, cấp độ kiểm tra. Việc nâng cao nhận thức cần được cụ thể hóa bằng nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hành động của cấp ủy các cấp về công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời, cần thiết lập cơ chế giám sát việc triển khai kế hoạch bồi dưỡng trong từng năm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ được phân công phụ trách.

Thứ hai, cơ cấu lại chương trình bồi dưỡng theo hướng tích hợp kiến thức đa ngành, tăng hàm lượng kỹ năng thực hành, bám sát yêu cầu tổ chức bộ máy mới.

Chương trình bồi dưỡng cán bộ kiểm tra cần được rà soát toàn diện theo hướng tích hợp các kiến thức liên quan đến pháp luật về tổ chức bộ máy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các nghị quyết về cải cách hành chính, phân cấp – phân quyền, Luật Thanh tra, Luật Tố cáo, các quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng… trong bối cảnh số hóa quy trình hành chính. Một nội dung quan trọng là bổ sung kỹ năng xử lý tình huống kiểm tra trong bối cảnh tổ chức bộ máy thay đổi. Ví dụ như khi một địa phương vừa hợp nhất các đơn vị hành chính, hoặc không còn cơ quan cấp huyện. Cần có chuyên đề mô phỏng tình huống thực tế để học viên thảo luận, từ đó hình thành phương pháp tiếp cận kiểm tra theo mô hình tổ chức mới. Ngoài ra, chương trình cũng cần lồng ghép kiến thức về việc số hóa quy trình làm việc trong chính quyền địa phương, kỹ năng sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu, truy xuất hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ kiểm tra, khai thác dữ liệu hành chính – vốn là những công cụ bổ trợ hiện đại mà cán bộ kiểm tra không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, phân tầng đối tượng, xây dựng mô hình bồi dưỡng linh hoạt thích ứng với sắp xếp tổ chức. 

Việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và đơn vị hành chính dẫn đến nhiều biến động về vị trí công tác, nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra, từ đó đặt ra yêu cầu phân tầng nội dung bồi dưỡng theo các nhóm đối tượng. Ví dụ: nhóm cán bộ kiểm tra đã có kinh nghiệm công tác cần cập nhập kiến thức, kỹ năng mới; cán bộ kiểm tra mới nhận nhiệm vụ mới sau sáp nhập, điều chỉnh địa giới; cán bộ lãnh đạo hoặc có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo triển khai công tác kiểm tra, giám sát theo mô hình tổ chức mới… Việc phân tầng sẽ giúp nội dung bồi dưỡng tập trung và tránh lãng phí, đồng thời, có thể triển khai các mô hình linh hoạt như bồi dưỡng tại chỗ, trực tuyến, học theo các nội dung chuyên đề chuyên biệt… phù hợp với điều kiện công tác của địa phương sau sắp xếp, giảm gánh nặng di chuyển, chi phí.

Thứ tư, tăng cường năng lực tổ chức bồi dưỡng thông qua phối hợp đa chiều giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị cần được nâng lên một tầm mới theo hướng phát huy tính chủ động, đa chiều, thường xuyên và theo hướng chia sẻ nguồn lực, nội dung, dữ liệu. Trong đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ, phối hợp để thiết kế khung chương trình, giáo trình theo quy chuẩn, chọn cử giảng viên, báo cáo viên, Ủy ban Kiểm tra cung cấp tài liệu, dữ liệu thực tiễn, các yêu cầu trong công tác chuyên môn, bài tập tình huống; chính quyền địa phương hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ học viên và đánh giá tác động, góp ý để nâng cao hiệu quả công tác. 

Thứ năm, ứng dụng chuyển đổi số vào toàn bộ quy trình bồi dưỡng, quản lý học tập và đánh giá năng lực kiểm tra thực tiễn. 

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước, công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra cũng phải chuyển đổi toàn diện từ tổ chức lớp học, xây dựng giáo trình, quản lý tiến trình học tập đến đánh giá, cấp chứng nhận. Hệ thống học tập trực tuyến, thư viện số, phần mềm mô phỏng tình huống kiểm tra, bảng điểm năng lực tương tác phải trở thành thành tố không thể thiếu trong mỗi khoá bồi dưỡng. Đặc biệt, cần có phần mềm theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, công tác tổ chức lớp để kịp thời hỗ trợ bổ sung hiệu quả công tác, thu thập dữ liệu khảo sát để điều chỉnh nội dung phù hợp.

4Kết luận

Công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính và đổi mới mô hình chính quyền địa phương đang tạo ra sự chuyển động lớn trong toàn hệ thống chính trị Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng không chỉ phải thích ứng với thay đổi mà còn phải đóng vai trò là lực lượng giữ vững kỷ cương, bảo vệ sự trong sạch của tổ chức Đảng, phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong hệ thống. Vì vậy, công tác bồi dưỡng cán bộ kiểm tra không thể tiếp cận theo cách cũ, mà phải trở thành chiến lược phát triển nhân lực gắn liền với thiết kế lại tổ chức bộ máy. Chỉ khi cán bộ kiểm tra có đủ kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh và đạo đức thì công tác kiểm tra của Đảng mới thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, phòng ngừa và bảo vệ uy tín của Đảng trong lòng Nhân dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Bộ Chính trị (2022). Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.
3. Bộ Chính trị (2025). Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 về nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
4. Bộ Chính trị (2025). Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2023). Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2023 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Văn phòng Trung ương Đảng.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia.
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023). Giáo trình Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. H. NXB Lý luận chính trị.
8. Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2022). Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 về thực hiện Kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị.
9. Vũ Văn Phúc (2022). Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 12/2022.
10. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức đảng góp phần xây dựng đảng vững mạnh toàn diện. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/03/08/tang-cuong-cong-tac-kiem-tra-to-chuc-dang-gop-phan-xay-dung-dang-vung-manh-toan-dien.
11. Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 (khoá XIII). https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/12/phat-bieu-be-mac-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-11-khoa-xiii.