ThS. Đỗ Ngọc Huy
Hội Nông dân tỉnh Bình Dương
(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy Đồng Nai, công tác phát triển đảng nói chung và công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Bài viết làm rõ thực trạng công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Đồng Nai; trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Từ khóa: Đồng Nai, doanh nghiệp, ngoài khu vực nhà nước, phát triển tổ chức Đảng.
1. Đặt vấn đề
Thời gian qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã quán triệt, bám sát Nghị định số 98/2014/NĐ ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trên cơ sở đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đã có những bước đột phá, đổi mới nội dung và hình thức phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng. Tỉnh ủy đã bám sát nguyên tắc: “Tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ Đảng, Điều lệ các tổ chức chính trị – xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp”1; trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Đồng Nai lãnh đạo nghiên cứu, xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
2. Thực trạng công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Đồng Nai
Để tăng cường công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nhiều hướng dẫn, quyết định, kế hoạch, như: Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU ngày 23/8/2021 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Kế hoạch số 216-KH/TU ngày 30/12/2022 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Quy định số 25-QĐ/TU ngày 13/02/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng tháng; Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU ngày 23/8/2021 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Hướng dẫn số 13-HD/TU ngày 28/4/2023 của Tỉnh uỷ về thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”; Quyết định số 1421-QĐ/TU ngày 23/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế phối hợp mẫu giữa cấp ủy, chi bộ cơ sở (nơi không có chi ủy) và chủ doanh nghiệp tư nhân…
Tính đến tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 294 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, gồm 127 tổ chức cơ sở đảng (17 đảng bộ cơ sở và 110 chi bộ cơ sở) và 167 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (gồm 101 chi bộ trực thuộc Đảng ủy các Doanh nghiệp ngoài nhà nước, 8 chi bộ trực thuộc Đảng ủy Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, 31 chi bộ trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp huyện Trảng Bom, 27 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn) với 5.955 đảng viên2.
Công tác kết nạp đảng viên luôn được các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, bảo đảm thủ tục theo quy định. Tính đến ngày 30/6/2024, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai đã kết nạp được 79 đảng viên mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã mở 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có 212 học viên tham gia (trong đó 1 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng trung kiên ở các tổ chức của đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)3. Mặt khác, các cấp ủy, tổ chức đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhất là vận động, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước kết nạp được 480 đảng viên, trong đó có 16 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Số lượng đảng viên kết nạp tăng nhanh qua các năm: năm 2020 là 66 đảng viên; năm 2021 là 100 đảng viên; năm 2022 là 127 đảng viên và năm 2023 là 187 đảng viên4.
Các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai đã chủ động cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phù hợp với đặc điểm tình hình của đảng bộ và các tổ chức đảng trực thuộc. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục luôn được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và ban chỉ đạo, tổ công tác cấp huyện quan tâm, phát huy hiệu quả. Các cơ quan truyền thông của tỉnh luôn chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trong giai đoạn từ 01/2020 đến 6/2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai đã thực hiện 213 phóng sự và 628 tin, bài về công tác xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh5.
Thời gian qua, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; phối hợp tham gia giải quyết bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động, các tranh chấp, khiếu nại; tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động…
Các cấp ủy, chi bộ, đảng bộ luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nội quy, quy định của doanh nghiệp. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo Ban Xây dựng Đảng tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các đảng ủy trực thuộc, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong các loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Một số tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa phát huy tốt vai trò của mình. Một số đảng viên chưa phát huy tính tiên phong, gương mẫu, chưa là tấm gương cho quần chúng, người lao động noi theo. Tại một số doanh nghiệp chưa có sự phối hợp giữa cấp ủy (tổ chức đảng) với chủ doanh nghiệp, ban quản lý, điều hành, dẫn tới tình trạng bất cập, giảm hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành. Một số chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận mà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động.
Công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong một số doanh nghiệp còn hạn chế, chậm đổi mới về nội dung, phương pháp. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở một số doanh nghiệp chưa sâu sát, chưa kịp thời. Một số cấp ủy, tổ chức chính trị – xã hội chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phát triển, xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội. Công tác phối hợp theo dõi, nắm bắt số liệu về các loại hình doanh nghiệp, số lượng người lao động trong các doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bảo đảm sự liên thông, thống nhất dữ liệu này giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh.
Một số doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc giải thể, số lượng người lao động nghỉ việc ngày càng tăng, dẫn đến công tác vận động, phát triển đảng trong các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ở một số doanh nghiệp, tuy lực lượng lao động khá lớn nhưng chủ yếu là lao động thời vụ, không có tính ổn định nên việc tạo nguồn, phát triển tổ chức đảng còn hạn chế.
3. Giải pháp tăng cường phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở tỉnh Đồng Nai
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chủ doanh nghiệp, các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác phát triển tổ chức đảng.
Theo đó, cần tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức của cấp ủy, chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp.
Vì vậy, Tỉnh uỷ cần lãnh đạo cấp uỷ các cấp, chủ doanh nghiệp, các cấp, các ngành tăng cường tính chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trên cơ sở đó, chủ doanh nghiệp hiểu rõ chủ trương và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đạt hiệu quả cao. Tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy cơ sở trong việc củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Thứ hai, thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa có tổ chức đảng.
Trước hết, cần quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới; Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW ngày 27/9/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng; Quy định 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới…
Để làm tốt công tác này, Tỉnh ủy Đồng Nai cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch ban hành các văn bản, nghị quyết, quyết định phù hợp về công tác thành lập và duy trì hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tỉnh uỷ cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng, ban hành phương án, giải pháp phù hợp để thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa có tổ chức đảng. Trong đó, chú trọng phương pháp thực hiện phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt là ở những doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa có tổ chức đảng. Cấp ủy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Thứ ba, nghiên cứu, hoàn thiện quy chuẩn công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phù hợp với hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp.
Để công tác này đạt hiệu quả cao, Tỉnh uỷ cần lãnh đạo các cấp ủy bám sát tình hình thực tế tại các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp. Trên cơ sở đó, chỉ đạo cấp ủy, chi bộ của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước xây dựng kế hoạch, hoàn thiện quy chuẩn công tác phát triển tổ chức đảng bám sát tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. Cấp ủy của mỗi doanh nghiệp cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong việc xây dựng chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong công tác phát triển tổ chức đảng.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát huy vai trò của tổ chức đảng, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác đảng trong các doanh nghiệp bám sát đặc điểm, tình hình của từng doanh nghiệp. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, tập trung nhiều hơn nữa cho công tác tạo nguồn phát triển đảng và nâng cao chất lượng ở các chi bộ. Thường xuyên rà soát để bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp nhằm bảo đảm công tác lãnh đạo các tổ chức đảng hoạt động bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng, phát hiện và tạo điều kiện để người lao động ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Cần hoàn thiện, đổi mới phương pháp theo hướng tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy với ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp. Bám sát tình hình thực tế trong mỗi doanh nghiệp, các cấp ủy, tổ chức đoàn thể tiến hành nghiên cứu, xây dựng chương trình, phát triển đảng viên định kỳ theo quý và hằng năm. Trong kế hoạch, chương trình sơ kết, tổng kết hằng năm các doanh nghiệp cần đưa tiêu chí về phát triển số lượng đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trở thành quy chuẩn để đối chiếu, đánh giá xếp loại tổ chức đảng.
Thứ tư, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác phát triển tổ chức đảng.
Thực tế cho thấy, tham gia xây dựng Đảng, phát triển tổ chức đảng là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và các đoàn thể chính trị – xã hội. Để làm tốt công tác này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy cần chú trọng xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ mối quan hệ lãnh đạo, quan hệ phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa tổ chức đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan liên quan. Phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc, định kỳ dự sinh hoạt Đảng với chi bộ doanh nghiệp, qua đó, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và người lao động, nắm bắt tình hình dư luận tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Xét về phương diện khi phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thì vai trò của tổ chức công đoàn càng cần được phát huy hơn bao giờ hết. Công đoàn với vai trò như là một “sợi dây truyền nối” giữa tổ chức đảng với người lao động cùng với việc thực thiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Vì vậy, cần kịp thời củng cố, kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị – xã hội đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị – xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào gắn với phong trào thi đua yêu nước, qua đó phát hiện, lựa chọn nhân tố tích cực trong cán bộ, đoàn viên, người lao động để tạo nguồn giới thiệu kết nạp Đảng.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng; nâng cao chất lượng cấp ủy đảng.
Để công tác này đạt hiệu quả cao, Tỉnh uỷ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung chỉ đạo cấp uỷ các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, nắm chắc số lượng đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng để tiến tới thành lập tổ chức đảng.
Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động khảo sát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng ưu tú để xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ và hằng năm. Giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy trực thuộc chỉ đạo xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên, nhất là chủ doanh nghiệp, ban quản lý và ban chấp hành các đoàn thể. Quan tâm tạo nguồn cán bộ là chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để có thể quy hoạch vào cấp ủy.
Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, cần phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm, phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên, khi có đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng. Tạo diễn đàn để các cấp ủy, tổ chức đảng chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng cấp ủy. Định kỳ tổ chức công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho bí thư, phó bí thư, cấp ủy các tổ chức đảng của doanh nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên về công tác phát triển tổ chức đảng.
Tỉnh uỷ Đồng Nai cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy theo hướng ngắn gọn, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, có tính đến các nguồn lực và điều kiện để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện. Tăng cường học tập nghị quyết theo hình thức trực tuyến giúp mang lại hiệu quả, giảm bớt thời gian, tiết kiệm kinh phí.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cần có trọng tâm, trọng điểm. Định kỳ, thường trực cấp ủy trực tiếp kiểm tra kết quả thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, qua đó kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác phát triển tổ chức đảng để kịp thời phát hiện, nhân rộng ưu điểm đạt được để xét khen thưởng; đồng thời, ghi nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng. Coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của cấp ủy về công tác phát triển tổ chức đảng ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn.
4. Kết luận
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, công tác phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng và phát triển các tổ chức đảng là công tác vô cùng quan trọng đối với mọi loại hình kinh tế trong xã hội. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đặt ra để tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát huy vai trò lãnh đạo đối với mọi đối tượng trong lao động sản xuất cũng như trong công tác tư tưởng, chính trị để thực sự trở thành hạt nhân chính trị ở cơ sở, vừa đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Đảng vững mạnh, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, cần quán triệt công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm củng cố, xây dựng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chú thích:
1. Chính phủ (2014). Nghị định số 98/2014/NĐ ngày 24/10/2014 quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
2, 4, 5. Tỉnh uỷ Đồng Nai (2024). Báo cáo số 456-BC/TU ngày 14/8/2024 công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay.
3. Ban Chỉ đạo 07 Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Tỉnh Đồng Nai. Báo cáo số 38-BC/BCĐ ngày 29/6/2024 về kết quả thực hiện công tác xây dựng tố chức Đảng, các tố chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 06 tháng đầu năm 2024.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương (2006). Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
2. Ban Bí thư (2010). Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới.
3. Ban Tổ chức Trung ương (2021). Hướng dẫn số 08-HD/BTCTW ngày 27/9/2021 về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Chủ trương đúng, trúng với yêu cầu thực tiễn. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 19/4/2023.