Đấu tranh chống biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trong chuyển đổi số ở các trường sĩ quan Quân đội

Đại úy, ThS. Phạm Đăng Hưng
Trường Đại học Nguyễn Huệ

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, bởi vì, văn hóa là hồn cốt tinh thần của dân tộc. Thấm nhuần quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò, giá trị của văn hóa. Tác giả tập trung luận giải quan niệm, tác hại của những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa xâm nhập vào lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội.

Từ khóa: Quan điểm; đấu tranh; chuyển đổi số; văn hóa; “sùng ngoại”; “lai căng”; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; quân đội; sĩ quan.

1. Đặt vấn đề

Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của mình, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Điều đó được hiện thực hóa thông qua những bài phát biểu, bài viết, bài nói chuyện được tổng kết trong cuốn sách: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, để phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa phải “bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”; đồng thời, “đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa…”1. Theo đó, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay là vấn đề quan trọng và cấp thiết.

2. Quan niệm và tác hại của biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghiệp 4.0 thì xu thế chuyển đổi số là tất yếu. Đây là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách sử dụng các công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing)… và các phần mềm công nghệ để thay đổi quy trình, phương thức quản lý, điều hành, làm việc, cách thức tổ chức. Theo đó, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước hiện nay. Ở lĩnh vực văn hóa, chuyển đổi số được xem là nội dung quan trọng để bảo tồn, gìn giữ, mở rộng giao lưu và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới. 

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và khẳng định: “Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng… chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc… nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển…”2. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự kết nối xuyên “biên giới” trên không gian mạng, việc giao lưu, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay vẫn còn những lệch lạc, biểu hiện ở hiện tượng “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”3, từ đó, tác động không nhỏ đến định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Biểu hiện “sùng ngoại” hoặc “sính ngoại” trong lĩnh vực văn hóa là thể hiện thái độ theo khuynh hướng quá đề cao hay sùng bái mù quáng về những sản phẩm, yếu tố, giá trị của nước ngoài. Từ đó dẫn đến tư tưởng, hành động “cuồng tín” cho rằng, những cái gì của nước ngoài đều có giá trị đẳng cấp cao hơn ở trong nước. Còn “lai căng” là sự pha trộn nhiều thứ có tính chất lai tạp, lố lăng, biểu hiện ở lĩnh vực văn hóa, đó là sự tiếp thu sản phẩm, giá trị văn hóa nước ngoài để pha trộn, gán ghép một cách gượng ép tùy tiện với các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước theo kiểu “tây không ra tây, ta không ra ta”, hay nói cách khác, đó là sự bắt chước nước ngoài không có chọn lọc, gây phản cảm. 

Những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay được diễn ra như hình với bóng, những “virus văn hóa độc hại” không ngừng lây lan ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong phương thức sống, cung cách, thói quen sinh hoạt hằng ngày của con người. Nó biểu hiện ở tư tưởng ca ngợi lối sống gấp, lối sống vì danh vị, tiền bạc, ích kỷ, hẹp hòi theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”; tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chỉ biết đến “cái tôi” mà quên đi đạo nghĩa, dần dần quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Ngoài ra, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, văn hóa số… đặc biệt, là thông qua các trang web, blog, Facebook, Twitter, tiktok… trên không gian mạng để tiến hành tiêm nhiễm những sản phẩm văn hóa xấu độc vào tâm hồn, tư tưởng, suy nghĩ của công chúng, nhất là, giới trẻ hiện nay với phương thức “mưa dầm thấm lâu” cùng với sự tác động mềm hết sức tinh vi hòng làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam dần bị nhạt phai và có thể dẫn tới nguy cơ mất gốc.

Trải qua 95 năm xây dựng, Đảng luôn coi trọng vai trò của văn hóa, xác định văn hóa là mặt trận cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, Đảng rất thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn tại nguy hiểm của môi trường văn hóa độc hại hay biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa đã làm ảnh hưởng, xói mòn đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội đã nhận định: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII, Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những nhận thức, hành vi phi giá trị, phản văn hóa (gọi chung là sản phẩm văn hóa xấu độc)”4.

Kế thừa những tinh hoa văn hóa của dân tộc và thời đại, quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn hàng nghìn năm văn hóa của dân tộc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc… văn hóa còn thì dân tộc còn…”5; văn hóa dân tộc “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy ngàn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với cha ông”6. Trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam…”; “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số… gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mĩ”7

3. Vận dụng quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa xâm nhập vào lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa và xây dựng lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội.

Quán triệt, tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào xây dựng lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội hiện nay. Trước hết, đòi hỏi các chủ thể ở các trường sĩ quan quân đội phải tăng cường giáo dục, bồi đắp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và Nhà trường làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong xây dựng lối sống của học viên hiện nay. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần thực hiện tốt công tác quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”. 

Đồng thời, tổ chức tốt các phong trào thi đua quyết thắng, thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó, tiếp tục giáo dục lòng tự hào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp các giá trị văn hóa theo tiêu chuẩn “chân – thiện – mĩ”, phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phê phán, kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện thói hư, tật xấu, sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội trong chuyển đổi số hiện nay.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự thuận lợi để ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa xâm nhập vào lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội.

Đây là giải pháp quan trọng, thường xuyên tác động, chi phối đến mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa xâm nhập vào lối sống của học viên ở các trường sĩ quan quân đội. Môi trường văn hóa quân sự là nơi trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện lối sống của học viên. Do vậy, sự trong sạch, lành mạnh, mẫu mực, đồng thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để tạo dựng nguồn động lực mạnh mẽ bên trong để mỗi học viên xác định thái độ, động cơ, tình cảm, niềm tin, ý chí, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo đó, cần xây dựng môi trường văn hóa quân sự trở thành một “màng lọc” để có thể sàng lọc, loại bỏ những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa. Vì vậy đòi hỏi, các chủ thể ở các trường sĩ quan quân đội phải xây dựng lối sống văn hóa quân sự của học viên theo tiêu chí “chân – thiện – mĩ”, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa; đồng thời, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp ở nhà trường, như: “Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; cán bộ, giảng viên và học viên; quan hệ đồng chí, đồng đội với nhau’’… các mối quan hệ này phải được nâng lên một tầm cao mới với “lượng” và “chất” mới để trở thành văn hóa trong lãnh đạo, chỉ huy và ứng xử, giao tiếp hằng ngày của mọi quân nhân. Tiếp tục mở rộng không gian văn hóa giữa các đơn vị học viên với chính quyền, đoàn thể và quần chúng Nhân dân trên địa bàn đóng quân, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa hoạt động văn hóa với các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cơ bản, như: hoạt động giáo dục truyền thống, hoạt động tuyên truyền cổ động, hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhằm nâng cao nhận thức về lối sống văn hóa cho học viên.

Ba là, phát huy tính năng động của học viên trong ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, vì học viên là “người trong cuộc”, là nhân tố quyết định hiệu quả, chất lượng việc ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa. Vì vậy, học viên phải tự giác quán triệt, học tập, nhận thức rõ mối quan hệ giữa sự cần thiết, mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa; đồng thời, phải có thái độ đúng đắn, chính kiến rõ ràng, tránh tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám lên án, dựa dẫm vào tập thể, lười suy nghĩ, ngại đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bên cạnh đó, mỗi học viên cần phải tự tu dưỡng, rèn luyện và xây dựng cho mình một “sức đề kháng”, một vaccine khỏe mạnh, thực sự là “tấm khiên” vững chắc để ngăn chặn, đấu tranh với những sản phẩm văn hóa độc hại.

4. Kết luận

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ chuyển đổi số, hội nhập và toàn cầu hóa là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược, không chỉ đối với từng cá nhân mà còn đối với toàn xã hội. Việc kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa là cách để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và khẳng định giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, đối với học viên trong các trường sĩ quan quân đội, việc xây dựng ý thức, lòng tự hào dân tộc và lối sống lành mạnh không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn trở thành động lực quan trọng trong việc xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Chú thích:
1, 2, 3, 5, 6, 7. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 45, 40, 41, 29, 50, 45.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 262.
Tài liệu tham khảo:
1. Biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hoá trên không gian mạng – cần đấu tranh, bác bỏ. http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bieu-hien-sung-ngoai-lai-cang-van-hoa-tren-khong-gian-mang-can-dau-tranh-bac-bo/18923.html
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014). Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Văn phòng Trung ương Đảng.
4. Phòng, chống xâm lăng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/986302/phong%2C-chong-%E2%80%9Cxam-lang-van-hoa%E2%80%9D-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx