ThS. Ninh Thị Hồng Hạnh
Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện Quy định số 11- QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, thời gian qua, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh đã có kế hoạch chọn cử lãnh đạo khoa, phòng, giảng viên đi đào tạo sau đại học, cao cấp lý luận chính trị; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, quản lý nhằm hoàn thiện tiêu chí về xây dựng trường chính trị chuẩn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhất là về ngạch giảng viên cao cấp; trình độ chuyên môn bậc tiến sĩ chưa nhiều. Bài viết nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường chính trị Nguyễn Văn Linh trong thời gian tới.
Từ khóa: Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các trường chính trị cấp tỉnh, trong đó có Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên.
Thời gian qua, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm về mọi mặt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên; sự phối hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung, công tác tổ chức cán bộ nói riêng. Đội ngũ cán bộ, viên chức nhà trường có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng; đạo đức, lối sống trong sách, giản dị; có ý thức tổ chức kỷ luật; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh còn tồn tại, hạn chế nhất định về số lượng, cơ cấu, chất lượng… Vì vậy, rất cần được nâng cao chất lượng toàn diện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường chính trị Nguyễn Văn Linh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2. Thực hiện theo tâm nguyện và lời di huấn của Người, trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn coi cán bộ và công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy, Đảng ta thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa XIX), nhiệm kỳ 2020 – 2025, khẳng định: công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong ba khâu đột phá: “Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển giữa các cấp, các ngành; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội”3. Hằng năm, việc kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân lãnh đạo, quản lý là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chủ quan, nóng vội; giúp tổ chức đảng, đảng viên nhận rõ và khắc phục những khuyết điểm, sai phạm. Công tác đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt được quan tâm thường xuyên. Do đó, đã từng bước chuẩn hóa các tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ, góp phần bảo đảm đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, cũng như có kiến thức, kỹ năng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ.
Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy.
Trường có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở (xã, phường, thị trấn và tương đương); trưởng, phó phòng, ban của huyện, thành phố và sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cán bộ dự nguồn các chức danh trên về lý luận chính, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, về quản lý hành chính Nhà nước và về công tác vận động quần chúng; bồi dưỡng kiến thức cơ bản khác cho cán bộ (do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao); tham gia nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn ở địa phương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở, công tác dân vận và về nhiệm vụ kinh tế – xã hội ở địa phương. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của nhà trường, đòi hỏi cán bộ, giảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường nói riêng cần có phẩm chất đạo đức tốt; lối sống trong sạch, lành mạnh; có phong cách, lề lối làm việc; ý thức tổ chức, kỷ luật; trình độ mọi mặt cao; kỹ năng lãnh đạo, quản lý và thái độ đúng đắn với nghề nghiệp4.
Thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030; Kết luận số 479 KL/HVCTQG ngày 26/9/2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay”; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn… Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh đã triển khai thực hiện và hướng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, nhất thiết phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường. Bởi lẽ, đội ngũ này không những có nhiệm vụ chỉ đạo và tham mưu thực hiện các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng mà còn là những người trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị, truyền đạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường nói riêng đã được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trường đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trường có 1 đồng chí được phê duyệt chức danh hiệu trưởng giai đoạn 2020 – 2025; 6 đồng chí được phê duyệt quy hoạch chức danh phó hiệu trưởng, giai đoạn 2020 – 2025; 3 đồng chí được phê duyệt quy hoạch chức danh phó hiệu trưởng giai đoạn 2025 – 20305; 8 đồng chí được phê duyệt quy hoạch chức danh trưởng khoa, phòng giai đoạn 2020-2025, giai đoạn 2025-2030; 9 đồng chí được phê duyệt quy hoạch chức danh phó trưởng khoa, phòng giai đoạn 2020-2025; 8 đồng chí được phê duyệt quy hoạch chức danh phó trưởng khoa, phòng giai đoạn 2025-20306.
Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, năm 2024, Ban Giám hiệu trường đã đề xuất Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành quyết định cử 5 đồng chí lãnh đạo khoa, phòng tham gia đào tạo tiến sỹ; 1 đồng chí phó hiệu trưởng và 3 đồng chí lãnh đạo khoa, phòng tham gia lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp; 100% lãnh đạo trường; lãnh đạo khoa, phòng và giảng viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức7. Trường thường xuyên cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước.
Hiện nay, tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường là 12 đồng chí, trong đó, 12/12 đồng chí có trình độ thạc sĩ trở lên (chiếm 100%), 12/12 đồng chí là giảng viên chính và tương đương trở lên (chiếm 100%); 12/12 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương (chiếm 100%)8. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có năng lực, trình độ, có uy tín, bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, trung tâm đoàn kết và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo đảm chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Hầu hết các đồng chí trong Ban Giám hiệu trường và lãnh đạo khoa, phòng nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tỷ lệ lãnh đạo khoa, phòng tham gia và đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi, giảng viên dạy giỏi xuất sắc tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường và Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị cấp tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Trong số 12 đồng chí lãnh đạo quản lý, có 3 đồng chí trưởng khoa, phòng đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc tại Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương9. Các đồng chí trong Ban Giám hiệu và lãnh đạo khoa, phòng tạo được niềm tin và uy tín đối với đội ngũ giảng viên, học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng trong và ngoài trường bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và sự quy tụ đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh có trình độ tiến sĩ còn ít (1/12 đồng chí, chiếm 8,33%), số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là giảng viên cao cấp và tương đương còn ít (1/12 đồng chí, chiếm 8,33%); lãnh đạo Trường không tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; cơ cấu giới trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn chưa cân đối, trong số 12 đồng chí lãnh đạo có 4 đồng chí nam (chiếm 33,3%); cơ cấu độ tuổi còn chưa thật hợp lý, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường độ tuổi từ 35 đến dưới 45 gồm 5 đồng chí (41,7%); từ 45 đến 55 gồm 7 đồng chí (chiếm 58,3%); không có cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 35 tuổi10; vẫn còn có viên chức, giảng viên ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
3. Một số giải pháp
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động nói chung, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng.
Thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên giai đoạn mới tại Trường chính trị Nguyễn Văn Linh duy trì nền nếp, đạt kết quả cao hơn.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên của nhà trường bảo đảm các tiêu chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, đáp ứng yêu cầu trường chính trị đạt chuẩn mức độ 2 trong thời gian sớm nhất. Cụ thể: để đạt chuẩn mức 2, đối với lãnh đạo trường: Có trình độ tiến sĩ chuyên môn về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn; đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa, ít nhất 50% lãnh đạo khoa có trình độ tiến sĩ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn; đối với trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng phụ trách nghiên cứu khoa học của phòng quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học có trình độ tiến sĩ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn11. Bảo đảm bảo các chế độ, chính sách trong công tác tổ chức, cán bộ nhằm tạo động lực cho cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, cống hiến xây dựng trường ngày càng phát triển.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, viên chức.
Đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, được xem là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ… chính xác, phù hợp, giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 1071-QĐ/TU ngày 05/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về đánh giá, xếp loại chất lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên. Các tiêu chí đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức bám sát chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao trên các mặt công tác: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, phục vụ…; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức hằng tháng gắn với đánh giá chất lượng công việc cụ thể của viên chức, coi đây là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng cuối năm; đồng thời, là cơ sở để các khoa, phòng tiếp tục thực hiện việc đánh giá, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của từng giảng viên, viên chức, người lao động nhằm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Bốn là, thực hiện nghiêm túc các khâu trong công tác cán bộ gắn với đặc thù của trường chính trị cấp tỉnh. Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường. Theo đó, Bộ tiêu chí gồm những tiêu chuẩn cụ thể, như: phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; trình độ mọi mặt (trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tin học; ngoại ngữ…); kỹ năng lãnh đạo, quản lý; sự tín nhiệm của viên chức và học viên đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà trường.
Năm là, xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị cấp tỉnh, đề xuất Tỉnh ủy quan tâm đồng chí Hiệu trưởng nhà trường tham gia Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, góp phần nâng cao uy tín và vị thế cho nhà trường; các đồng chí trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét hoặc thi nâng ngạch lên giảng viên cao cấp và tương đương nhằm đáp ứng yêu cầu trường chính trị chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Cụ thể: đối với lãnh đạo trường: giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I); đối với trưởng khoa, phó trưởng khoa: giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I); đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng: giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từ hạng II) trở lên, trong đó người đứng đầu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I)12.
4. Kết luận:
Có thể khẳng định, với quyết tâm chính trị, niềm tin, tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống đoàn kết và thành tích vẻ vang của Nhà trường qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ viên chức nói chung, viên chức lãnh đạo, quản lý Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh nói riêng đã có những tiến bộ đáng kể, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nhà trường, cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong hệ thống chính trị của tỉnh Hưng Yên, xứng đáng là ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia. tr.309, 309.
3. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa XIX), nhiệm kỳ 2020 – 2025.
4. Tỉnh ủy Hưng Yên (2019). Quyết định số 1501-QĐ/TU ngày 13/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh.
5. Tỉnh ủy Hưng Yên (2024). Quyết định số 1185-QĐ/TU ngày 27/6/2024 về việc phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch, bổ sung quy hoạch chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030.
6. Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh (2024). Quyết định số 597-QĐ/TU ngày 09/4/2024 về việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo diện Trường quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030.
7, 8, 9, 10. Tỉnh ủy Hưng Yên. Quyết định số 423-QĐ/TU ngày 04/4/2022 về việc phê duyệt Đề án xây dựng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh đạt chuẩn giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030.
11, 12. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019). Kết luận số 479 KL/HVCTQG ngày 26/9/2019 về xây dựng trường chính trị chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học giai đoạn hiện nay.
3. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030.
4. Tỉnh ủy Hưng Yên (2024). Quy định số 1071-QĐ/TU ngày 05/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá, xếp loại chất lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên.
5. Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh (2024). Báo cáo số 78-BC/TCT ngày 05/01/2024 tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.