ThS. Nguyễn Vương Thành Long
Trường Kinh tế tài chính, Trường Đại học Thủ Dầu Một
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững là quan điểm, đường lối xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Bài viết làm rõ vai trò của việc phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam thời gian vừa qua; từ đó, đề xuất một số biện pháp cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khoá: Phát triển kinh tế – xã hội; bền vững; kỷ nguyên mới.
1. Mở đầu
Mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển đều hướng đến bền vững trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế – xã hội. Bởi đây là hai lĩnh vực quan trọng chủ yếu của đời sống xã hội con người, là thước đo đánh giá trình độ quản lý phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, trong quá trình dựng xây, kiến thiết đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Đảng khẳng định: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; trong đó, phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”1.
2. Vai trò của việc phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam hiện nay
Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thông qua phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài vào Việt Nam, tạo thế và lực mới cho nền kinh tế – xã hội của nước ta phát triển theo chiều hướng tích cực.
Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững sẽ tạo ra lực lượng lao động dồi dào, đánh thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh vốn là lợi thế của đất nước để người lao động, nhất là lao động chất lượng cao phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh cho việc khai thác, sử dụng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nước ta có nhiều lợi thể bảo đảm cho sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, như: đất, nước, khí hậu, khoáng sản, nguồn lực con người, truyền thống văn hoá dân tộc… khi những nguồn tài nguyên đó được khai thác, sử dụng có mục đích, có tái tạo sẽ tạo ra nguồn dự chữ, bổ sung dồi dào cho các thế hệ mai sau, không bị cạn kiệt, khai thác một cách quá mức, bừa bãi dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng về mặt xã hội. Do đó, phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên chính là để cung ứng cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, giảm thiểu đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm môi trường, hình thành các mô hình, lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, thân thiện với thiên nhiên, cuộc sống con người, từ đó, góp phần tái sản xuất sức lao động của con người.
Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thời thiểm khó khăn, phức tạp của thị trường lao động nước ngoài, vẫn đủ sức duy trì khả năng điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra bình thường, ổn định kinh tế vĩ mô; gia tăng khả năng cung ứng các sản phẩm hàng hoà, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đáp ứng nguồn cung cho thị trườnglao động trong và ngoài nước, không bị ngắt quãng, gián đoạn, ngừng trệ vì ảnh hưởng tiêu cực của những nhân tố bên ngoài. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường”2. Chính vì vậy, việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hướng đến phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, bảo đảm sự cân đối, hài hoà giữa kinh tế – xã hội không chỉ đáp ứng ở thời gian ngắn hạn mà còn mang tầm chiến lược dâu dài, xây dựng chiến lược thể để nền kinh tế – xã hội đất nước thích ứng với mọi biến động của thị trường.
Thông qua phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững mà niềm tin, uy tín của Đảng với Nhân dân ngày càng tăng, tạo ra nguồn ngân sách ổn định để giải quyết, xử lý các vấn đề xã hội, nhất là trong chăm sóc sức khoẻ, nâng cao trình độ dân trí của Nhân dân ở các vùng, miền khác nhau. Kinh tế phát triển ổn định, tạo ra nguồn ngân sách để sẵn sàng cung ứng cho các dịch vụ xã hội, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, hạn hán, lũ lụt; bảo đảm quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường… tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực; tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”3.
Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững còn góp phần đấu tranh phản bác lại quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, bảo vệ quan điểm, đường lối phát triển kinh tế – xã hội đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới4. Phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững là động lực để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam trên các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của đời sống xã hội; từ đó, tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nghị quyết Hội nghị Trung ương (khoá XIII) của Đảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới.
3. Một số số kết quả đạt được phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở Việt Nam thời gian vừa qua
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Mặc dù, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới, khu vực, song với sự hành động mạnh mẽ, quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm cao “chỉ bàn làm, không bàn lùi” phát triển kinh tế – xã hội của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng bền vững; đã gắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không có sự tách bạch, riêng rẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với từng khu vực, địa bàn, địa phương; có sự tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý, phù hợp với năng lực quản lý của các cấp, các ngành triển khai tổ chức thực hiện. Các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm chấp hành pháp luật, quy định địa phương; xây dựng các nhà máy, xí nghiệp phát triển kinh tế – xã hội không ảnh hưởng đến môi trường, không gian sống của người dân, các công trình văn hoá; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chấp hành không nghiêm quy định của pháp luật trong phát triển kinh tế – xã hội, như: khai thác, sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất ở khu vực đông dân, không có hệ thống xử lý môi trường, gây tiếng ồn; xả những chất thải ra bên ngoài ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân địa phương…
Tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2024 đạt 7,09%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%. Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%5.
Lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của các tầng lớp Nhân dân không ngừng được nâng cao, thoả mãn ngày càng lớn nhu cầu về đời sống tinh thần, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu nhập của người dân được nâng lên. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,06%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 7,7 triệu đồng/người. Tệ nạn xã hội giảm dần, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề bất ổn trong xã hội, bảo đảm trật tự, kỷ cương phép nước, giữ vững môi trường hoà bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được việc phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững ở nước ta còn có một số hạn chế, đó là: có thời điểm, giai đoạn phát triển kinh tế chưa gắn với phát triển xã hội; trong nội bộ một số ngành kinh tế chưa chú trọng đến phát triển bền vững, chạy theo lợi nhuận, chưa xây dựng hệ thống xử lý, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; khai thác, sử dụng bừa bãi tài nguyên thiên nhiên; tính cạnh tranh của nền kinh tế ở một số thời điểm, giai đoạn chưa cao, còn lệ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Khả năng tích luỹ của kinh tế chưa nhiều; nhiều vấn đề xã hội phát sinh chưa được xử lý, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, như giá cả leo thang, cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều, các tệ nạn xã hội vẫn hiện hữu ở một số địa bàn, khu vực phức tạp ở vùng biên giới.
Tình hình sản xuất – kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường phục hồi chậm, chưa rõ nét. Việc triển khai một số dự án kết cấu hạ tầng còn vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu… Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chưa được cải thiện nhiều; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn còn chậm6.
4. Một số biện pháp phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Trong suốt quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc phát triển bền vững, chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã xác định hệ thống quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, người dân, doanh nghiệp quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quy định của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội bền vững; tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên nắm chắc những chủ trương, đường lối đó; xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, không vì lợi nhuận kinh tế bỏ vấn đề xã hội.
Rà soát, đánh giá các công trình, lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội có gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến xã hội không để xử lý, giải quyết dứt điểm; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên hết, trước hết; chú trọng đến quyền và lợi ích của Nhân dân, của đất nước trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham mưu, đề xuất các mục tiêu, nội dung phát triển kinh tế – xã hội; mở rộng hay thu hẹp các nhà máy, xí nghiệp phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội không phù hợp, không đem lại nhu cầu thiết thân cho địa phương, cho Nhân dân; từng chủ thể, lực lượng cùng với chính quyền các cấp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững; những tổ chức, cá nhân có mô hình phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững phải khuyến khích, tạo môi trường hành lang pháp lý thông thoáng, tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế để khai thông các nguồn lực, ổn định tình hình sản xuất – kinh doanh của địa phương; đồng thời, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội.
Hai là, tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Mô hình phát triển kinh tế – xã hội tổng quát ở Việt Nam Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Theo đó, trong mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội hướng đến bền vững, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Cấp uỷ, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững thành những chỉ tiêu, nội dung sát đúng với yêu cầu, tình hình của địa phương; tránh dập khuân, máy móc, thụ động, trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào sự định hướng, giúp đỡ của Trung ương.
Đổi mới cách thức, phương pháp quản lý, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu, nội dung phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của địa phương; thường xuyên, đánh giá các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở các sở, ban, ngành địa phương, chấp hành nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán các dự án, công trình trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội địa phương; khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế cùng tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các sở, ban, ngành trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Rà soát, đánh giá hệ thống thể chế pháp luật có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, phức tạp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, xem đây là “chiếc gậy vàng” để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Người dân và doanh nghiệp là một bộ phận hợp thành của nền kinh tế đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Với tinh thần này, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần xây dựng môi trương kinh doanh dân chủ, khoa học, đổi mới và phát triển; mọi người dân, doanh nghiệp đều có trách nhiệm, nghĩa vụ phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không hạn chế, giới hạn người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh mà trái lại, khuyến khích, tạo điều kiện về mọi mặt để người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường lao động sản xuất hàng hoá phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn; bảo đảm môi trường sinh thái, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế – xã hội đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của sự phát triển.
Xây dựng văn hoá đạo đức trong kinh doanh phát triển. Mỗi người dân, doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với Đảng, Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xây dựng ý thức chính trị, nghĩa tình đồng bào, tinh thần dân tộc cao trong mỗi người dân, doanh nghiệp, gạt bỏ lợi ích cá nhân để hướng đến mục tiêu chung, sự phát triển ổn định, bền vững, lâu dài, tạo thành thương hiệu trong thị trường sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội mỗi người dân, doanh nghiệp phát huy tính tích cực, chủ động, bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho mình và cho người dân. Người dân giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, là tai mắt của chính quyền các cấp, cần có những biện pháp khuyến khích bảo vệ người dân mạnh dạn tố cáo những sai phạm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và có biện pháp bảo vệ người dân an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
5. Kết luận
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; việc phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững là chủ trương đúng, trúng, phù hợp thực tiễn. Do đó, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững cần phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh đưa nền kinh tế của nước ta phát triển, đủ sức chống chịu với mọi tác động từ bên ngoài, góp phần xây dựng xã hội phát triển lành mạnh, ổn định các vấn đề, tạo thế và lực mới trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Chú thích:
1. 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 33 – 34, 114, 25.
2. Nguyễn Phú Trọng (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 21.
5. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý IV năm 2024. https://www.gso.gov.vn ngày 06/01/2025.
6. Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. https://baochinhphu.vn/doi-moi-sang-tao-tang-toc-but-pha-dua-dat-nuoc-vung-buoc-tien-vao-ky-nguyen-vuon-minh-phat-trien-giau-manh-van-minh-thinh-vuong-cua-dan-toc-102250101011544952.htm.