Ý định quay lại du lịch cộng đồng: vai trò của hình ảnh điểm đến và tương tác du khách – người dân  

TS. Lưu Thị Thùy Dương
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu tập trung xem xét vai trò ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp và điều tiết của yếu tố tương tác du khách – người dân trong mối quan hệ đối với hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của du khách. Dữ liệu khảo sát được thực hiện trên 550 khách hàng đã trải nghiệm du lịch cộng đồng được phân tích bằng kỹ thuật phân tích bình phương tối thiểu từng phần (PLS-SEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy, ý định quay lại của du khách chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của sự tương tác du khách – người dân và hình ảnh điểm đến; đồng thời, khẳng định vai trò điều tiết của yếu tố tương tác du khách – người dân trong mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của họ. Một số hàm ý quản trị cho các bên liên quan nhằm thúc đẩy ý định quay trở lại của du khách đối với các điểm du lịch cộng đồng. 

Từ khoá: Ý định quay lại; hình ảnh điểm đến; tương tác du khách – người dân; du lịch cộng đồng.

1. Đặt vấn đề

Ngành Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với 17,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 20231. Tuy nhiên, để duy trì sự bền vững thì hoạt động làm gia tăng ý định quay trở lại trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Ý định quay trở lại du lịch không chỉ là một khía cạnh thể hiện lòng trung thành của du khách mà còn là thước đo tiềm năng phát triển của dịch vụ du lịch trong tương lai2

Đã có nhiều nghiên cứu trước đây về chủ đề các yếu tố ảnh hưởng đến ý định quay trở lại của du khách, trong đó khám phá một số yếu tố trọng yếu, bao gồm: chất lượng trải nghiệm3, hình ảnh điểm đến4, giá trị cảm nhận5. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu, cách tiếp cận không đồng nhất và chưa có tính cá biệt với từng loại hình du lịch6. Đặc biệt, gắn với một số loại hình du lịch có tính đặc thù như du lịch cộng đồng thì việc khám phá thêm các khoảng trống nghiên cứu và xác định các yếu tố tác động đến ý định quay trở lại của du khác là chủ đề cần được tiếp tục làm rõ.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được sở hữu, khởi xướng bởi một cộng đồng địa phương, có sự liên kết với doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hoá để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế7. Trên cơ sở đó, nghiên cứu này hướng tới kiểm định mối quan hệ tác động giữa hình ảnh điểm đến, tương tác giữa du khách – người dân và ý định quay trở lại của khách du lịch đối với loại hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, một số khuyến nghị với các cơ quan hữu quan được đưa ra nhằm phát triển hình thức du lịch cộng đồng theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết 

Du lịch cộng đồng:

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch trao quyền cho cộng đồng quản lý sự tăng trưởng của hoạt động du lịch, đạt được những khát vọng về sự thịnh vượng của cộng đồng, bảo đảm được sự pháttriển bền vững về kinh tế – xã hội và môi trường. Du lịch cộng đồng là những hoạt động du lịch mà cộng đồng sở hữu, vận hành và quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng. Các hoạt động này đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng thông qua hỗ trợ các sinh kế bền vững và bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa – xã hội và bảo tồn các tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên”8.

Ý định quay lại:

Ý định quay lại đề cập đến khả năng du khách lặp lại một hoạt động hoặc quay lại một điểm đến, được xác định như là mức độ khách du lịch có ý định tham quan lại cùng một điểm đến hoặc muốn dành nhiều thời gian hơn tại điểm đến đó trong tương lai. Một số yếu tố có thể tác động đến ý định quay lại của khách hàng có thể kể đến, như: sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng, chất lượng dịch vụ, hình ảnh công ty và trải nghiệm cảm xúc9.

Lý thuyết kích thích – Chủ thể – Phản ứng (SOR):

Mehrabian và Russell (1974)10 đã đề xuất mô hình SOR (Stimulus- Organism – Response) như một tác nhân kích thích ảnh hưởng đến một tập hợp các yếu tố trung gian nhằm xác định phản ứng hành vi làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các kích thích (S), nhận thức và cảm xúc của chủ thể nhận kích thích (O) và các hành vi phản ứng của họ (R). Nói cách khác, các kích thích môi trường khách quan có thể tác động đến nhận thức và trạng thái cảm xúc của cá nhân, dẫn đến các hành vi phản ứng tương ứng. Nghiên cứu này mở rộng tài liệu về ý định quay lại các điểm đến du lịch cộng đồng bằng cách khẳng định tương tác giữa du khách và người dân là tác nhân kích thích làm tăng cường hình ảnh điểm đến du lịch cộng đồng, cuối cùng quyết định hành vi phản ứng là ý định quay lại của khách du lịch.

2.2. Mô hình và các giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên sự chỉ dẫn của lý thuyết kích thích – chủ thể – phản ứng, mô hình nghiên cứu đã được đề xuất (Hình 1), gồm 03 biến: Tương tác du khách – người dân (biến độc lập), hình ảnh điểm đến (biến trung gian) và ý định quay lại (biến phụ thuộc). Trong đó, tương tác du khách – người dân đóng vai trò là tác nhân trực tiếp giúp tăng cường hình ảnh điểm đến và thúc đẩy ý định quay lại của du khách, vừa đóng vai trò là biến điều tiết trong mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của du khách. Trên cơ sở này, các giả thuyết về mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp và điều tiết giữa 3 biến này được hình thành.

Hình ảnh điểm đến, tương tác du khách – người dân và ý định quay lại của du khách

Hình ảnh điểm đến được hiểu là sự hiểu biết của cá nhân hoặc tập thể về kiến thức, niềm tin tổng thể về điểm đến cụ thể nào đó11. Với bất kỳ một địa danh nào, hình ảnh của điểm đến luôn là nhân tố then chốt để thu hút sự chú ý của du khách. Các nhà quản trị điểm đến luôn quan tâm xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, mới lạ. Để gia tăng năng lực cạnh tranh điểm đến, ngành du lịch cần tạo được địa điểm khác biệt và hấp dẫn12. Có nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh hình ảnh của nơi đến có ảnh hưởng lớn tới ý định quay lại của du khách13. Hình ảnh điểm đến càng tích cực sẽ càng kích thích dukhách quay trở lại điểm đến. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết H1: Hình ảnh điểm đến có tác động cùng chiều tới ý định quay lại của du khách.

Eusébio và cộng sự (2018)14 xem tương tác du khách – người dân là cuộc gặp gỡ cá nhân diễn ra giữa khách du lịch và chủ nhà, bao gồm các hình thức giao tiếp, trao đổi và hoạt động khác nhau diễn ra giữa khách du lịch và cư dân của điểm đến. Trong du lịch, tương tác giữa du khách và người dân giúp cho sự phát triển xã hội và trải nghiệm cá nhân trở nên đáng nhớ, từ đó thúc đẩy ý định quay trở lại của họ15

Một số nghiên cứu chỉ ra, mối liên hệ tình cảm và tương tác xã hội của khách du lịch với người dân địa phương có hiệu quả đối với lòng trung thành của du khách đối với điểm đến16. Khaki và cộng sự (2024)17 cho thấy, mối tương quan tích cực giữa tương tác khách du lịch và người dân với ý định quay trở lại của du khách. Từ những bàn luận trên, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

Giả thuyết H2: Yếu tố tương tác du khách – người dân có tác động cùng chiều tới ý định quay lại của du khách.

Đặc điểm nổi bật của loại hình du lịch cộng đồng  đó là người dân sinh sống trong khu vực triển khai dịch vụ vừa là người sở hữu, vận hành, quản lý và thụ hưởng các kết quả thu được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ18. Người dân là chủ thể hiểu rõ nhất về tài nguyên du lịch của địa phương, khai thác và phát huy giá trị đó, tạo thành sản phẩm phục vụ du khách, đồng thời là người quảng bá văn hoá địa phương một cách chân thực qua thái đội chân thành trong giao tiếp19. Do đó, tương tác du khách – người dân góp phần thúc đẩy ý định quay trở lại của du khách đối với loại hình du lịch cộng đồng. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết H3: Yếu tố tương tác du khách – người dân có tác động cùng chiều tới hình ảnh điểm đến du lịch cộng đồng

Một số nghiên cứu trước đây cho rằng nhận thức và tình cảm góp phần tạo ra một hình ảnh tốt đẹp về điểm đến20. Hình ảnh điểm đến bao gồm các thành phần nhận thức, tình cảm và hành vi, trong đó sự tương tác du khách – người dân được coi là yếu tố tạo lập tình cảm và nhận thức. Điều này, ảnh hưởng đến trải nghiệm, hình thành các sự kiện đáng nhớ và có ảnh hưởng đến ý định quay trở lại của họ thông qua chất lượng mối quan hệ và chất lượng dịch vụ cảm nhận. Tuy nhiên, nghiên cứu của Choo & Petrick (2014)21 cho thấy, không có mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Từ đó, giả thuyết được đề xuất:

Giả thuyết H4: Yếu tố tương tác du khách – người dân có tác động cùng chiều tới ý định quay lại của du khách thông qua hình ảnh điểm đến

Tương tác du khách – người dân là sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa khách du lịch và cư dân địa phương, tương tác này trở thành một phần quan trọng trong trải nghiệm du lịch tổng thể của khách du lịch22. Dođó, khi trải nghiệm du lịch được tạo ra thông qua tham quan, ngắm nhìn, tìm hiểu về các thuộc tính của điểm đến đó và tận hưởng các hoạt động của điểm đến và sống khác biệt với cuộc sống thường ngày, được giao tiếp và chia sẻ về những nền văn hóa mới, thói quen mới sẽ được lưu trữ trong tâm trí khách hàng23. Đó trở thành thông tin quan trọng trước khi đưa ra quyết định tiếp tục đi du lịch, khi thông tin đáng tin cậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến hành vi trong tương lai24. Do đó, đề xuất giả thuyết nghiên cứu: 

Giả thuyết H5: Tương tác du khách – người dân đóng vai trò điều tiết trong mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của khách du lịch.

3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

(1) Thu thập dữ liệu. Phương pháp lấy mẫu thuận tiện đã được sử dụng để thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trực tuyến bằng bảng câu hỏi có cấu trúc được gửi tới đáp viên thông qua email, các động đồng, nhóm, diễn đàn về du lịch. Sau quá trình thu thập dữ liệu 717 phản hồi được ghi nhận từ các đáp viên, trong đó một số bị loại bỏ do thông tin bị bỏ trống hoặc trả lời giống nhau, không thỏa mãn điều kiện mẫu, còn lại 550 phản hồi phù hợp được đưa vào phân tích. 

Bảng 1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Chỉ tiêuSố lượngTỷ lệ (%)
Giới tính:
Nam28652,00
Nữ26448,00
Độ tuổi:
Dưới 22 tuổi5510,00
Từ 22 đến < 30 tuổi10118,36
Từ 30 đến < 40 tuổi19034,55
Từ 40 đến < 50 tuổi16129,27
Từ 50 tuổi trở lên437,82
Trình độ:
Tốt nghiệp THPT trở xuống397,09
Trung cấp, cao đẳng11320,55
Đại học29854,18
Sau đại học10018,18
Nghề nghiệp:
Học sinh, sinh viên437,82
Nhân viên khối văn phòng14927,09
Cán bộ, công chức15628,36
Kinh doanh16229,45
Khác407,27
Thu nhập/tháng:
Dưới 5 triệu 6612,00
Từ 5 triệu đến dưới 10 triệu 17531,82
Từ 10 triệu đến dưới 20 triệu18032,73
Trên 20 triệu12923,45
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu bằng SmartPLS 4.0

(2) Thang đo nghiên cứu. Kế thừa từ các nghiên cứu trước, nghiên cứu đề xuất 3 khái niệm nghiên cứu. bao gồm: hình ảnh điểm đến, tương tác du khách – người dân và ý định quay trở lại của du khách. Các thang đo nghiên cứu được điều chỉnh thông qua nghiên cứu định tính bằng phỏng vấn chuyên gia và tham khảo ý kiến của du khách. Sau quá trình khảo sát thử đối với một số du khách đã tham gia trải nghiệm du lịch cộng đồng bảng câu hỏi khảo sát đã được hiệu chỉnh cho phù hợp và dễ hiểu trước khi đưa vào khảo sát chính thức

(3) Phân tích dữ liệu. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và mô hình cấu trúc tuyến tính bình phương nhỏ nhất (PLS-SEM)25 với 2 bước phân tích như sau: (1) Đánh giá mô hình đo lường; (2) Đánh giá mô hình cấu trúc và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

3.2. Kết quả nghiên cứu

3.2.1. Đánh giá mô hình đo lường

Chất lượng biến quan sát được thể hiện qua hệ số tải ngoài Outer Loading. Theo Hair và cộng sự (2014), biến quan sát cần có hệ số tải ngoài ≥ 0,7; những biến quan sát có hệ số tải ngoài nằm trong khoảng 0,4 – 0,7 có thể cân nhắc trong việc xóa biến, nếu việc xóa bớt biến không làm tăng hệ số đo lường trên ngưỡng thì có thể giữ lại biến quan sát. Kết quả phân tích ở Bảng 2 cho thấy, các hệ số đều đạt yêu cầu ngoại trừ biến TTCK3=0.696 < 0.7 nhưng do mức độ chênh lệch giá trị ngưỡng không lớn nên được giữ lại.

Bảng 2. Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo

BiếnNguồnThang đoHệ số tải ngoàiCronbach’s alpha
Hình ảnh điểm đến Chen và Tsai (2007)HADD10,8100,841
HADD20,796
HADD30,752
HADD40,759
HADD50,792
Tương tác du khách – người dân Khaki và cộng sự (2024)TTCK10,7810,739
TTCK20,719
TTCK30,696
TTCK40,788
Ý định quay trở lại Isa và cộng sự (2020)YDQL10,8130,849
YDQL20,870
YDQL30,881
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu bằng SmartPLS 4.0

Kiểm tra độ tin cậy của thang đo. Kết quả ở Bảng 2 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của tất cả cácbiến đều lớn hơn 0.7; như vậy, độ tin cậy thang đo của tất cả các biến phù hợp. Ngoài ra, độ tin cậy tổng hợp mỗi cấu trúc đều lớn 0,7 và chỉ số AVE đều > 0,5 (Bảng 3) thỏa mãn các khuyến nghị của Hair và cộng sự (2014); như vậy có thể kết luận thang đo đã đạt được độ tin cậy. Henseler và cộng sự (2015)26đề xuất sử dụng tiêu chí HTMT để xác định giá trị phân biệt của các biến tiềm ẩn với mức giá trị HTMT đề xuất là nhỏ hơn 0.85. Các điều kiện như vậy đã được thỏa mãn. 

Bảng 3. Hệ số HTMT, CR và AVE

 HADDTTCKYDQL
TTCK0,424  
YDQL0,5900,591 
Độ tin cậy tổng hợp (CR) 0,8440,7520,854
Phương sai trích (AVE)0,6110,5580,768
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu bằng SmartPLS 4.0

3.2.2. Đánh giá mô hình cấu trúc

Kết quả bootstrapping trên cỡ mẫu 5.000 cho thấy, các giả thuyết nghiên cứu tác động trực tiếp trong mô hình đều được chấp nhận. Trong đó, các giả thuyết H1, H2, H3, H4 đều được ủng hộ bởi giá trị thống kê t>1,96 và p<0,05. Cụ thể, hình ảnh điểm đến có ảnh hưởng thuận chiều đến ý định quay lại (b = 0,403), điều này đồng thuận với kết quả nghiên cứu của Melon và cộng sự (2021), Zhang và cộng sự (2018). Tiếp đến,tương tác du khách – người dân có ảnh hưởng thuận chiều đến hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của du khách (b = 0,349, b = 0,353), đồng thời tương tác du khách – người dân tác động gián tiếp đến ý định quay lại của du khách thông qua hình ảnh điểm đến (b = 0,494); các kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2018) và đáp ứng lời kêu gọi của Tâm và cộng sự (2024). Cuối cùng, điểm mới của kết quả nghiên cứu này là yếu tố tương tác du khách – người dân đóng vai trò điều tiết làm gia tăng mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và ý định quay lại của du khách (b = 0,059, t=2.146, p=0,032)khẳng định giả thuyết H5 được chấp nhận.

Bảng 4. Kết quả kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Tác động trực tiếp:bKết quả
H1. HADD -> YDQL0,40310,1450,000Chấp nhận
H2. TTCK -> YDQL0,3538,1910,000Chấp nhận
H3. TTCK -> HADD0,3497,1710,000Chấp nhận
Tác động gián tiếp:bKết quả
TTCK -> YDQL0,1405,5570,000 
TTCK -> HADD->YDQL0,3538,1910,000 
H4. TTCK -> YDQL0,49411,7350,000Chấp nhận
Tác động điều tiết:bKết quả
H5. TTCK x HADD -> YDQL0,0592,1460,032Chấp nhận
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu bằng SmartPLS 4.0

4. Một số kiến nghị

Thứ nhất, các cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục định vị hình ảnh điểm đến du lịch cộng đồng thông qua các hoạt động đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho du khách tiếp cận điểm đến đồng thời, thuận lợi để liên kết các tour du lịch góp phần đa dạng hóasản phẩm du lịch. 

Thứ hai, đầu tư tu bổ, tôn tạo và nâng cấp một cách tổng thể các tài nguyên du lịch cộng đồng để tạo được ấn tượng về hình ảnh và thương hiệu điểm đến với khách du lịch. Việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa và thiên nhiên phải phù hợp cho việc phát triển du lịch, tạo tiền đề cho người dân tham gia vào công cuộc phát triển du lịch cộng đồng. 

Thứ ba, thực hiện củng cố sản phẩm du lịch cộng đồng có thế mạnh của địa phương thông qua địa phương hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch trở nên đa dạng, độc đáo và nâng cao chất lượng giúp cho hình ảnh du lịch được hấp dẫn và đa dạng màu sắc hơn nữa trong mắt dukhách.

Thứ tư, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân địa phương. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực hết mình của chính quyền trong các công tác tuyên truyền vận động đến người dân địa phương; tập huấn, đào tạo mô hình, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; khắc phục khó khăn trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với người nước ngoài. Cần phải phổ biến cho người dân những dự án, những chương trình được đầu tư xây dựng tại địa phương, và những thuận lợi để phát triển du lịch và lợi ích nhận được của người dân địa phương để họ nhận biết được tiềm năng du lịch tại địa phương và tích cực tham gia vào việc phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ năm, khuyến khích người dân địa phương giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong quá trình làm du lịch. Bản thân mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân người dân địa phương trở thành một yếu tố cấu thành điểm đến du lịch cần hướng đến lợi ích chung của cộng đồng mà sẵn sàng hỗ trợ, tham gia vào dịch vụ, từ đó làm gia tăng ấn tượng tốt về hình ảnh điểm đến đồng thời thúc đẩy ý định quay trở lại và góp phần tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Chú thích: 
1. 2024 – Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam. https://bvhttdl.gov.vn/2024-nam-khoi-sac-cua-du-lich-viet-nam-20250102081702859.htm
2. Baker, D. A., & Crompton, J. L. (2000). Quality, satisfaction and behavioral intention.Annals of Tourism Research, 27(3), 785–804, doi: 10.1016/s0160-7383(99)00108-5.
3. Guo, Q., Yang, X., & Xie, H. (2024). The impacts of mountain campsite attributes on tourists’ satisfaction and behavioral intentions: The mediating role of experience quality. Journal ofDestination Marketing & Management, 32, doi: 10.1016/j.jdmm.2024.100873.
4. Abbasi, G. A., Kumaravelu, J., Goh, Y.-N., & Dara Singh, K. S. (2021). Understanding theintention to revisit a destination by expanding the theory of planned behaviour (TPB).  Spanish Journal of Marketing – ESIC, 25(2), 282 – 311, doi: 10.1108/sjme-12-2019-0109.
5. Zhang, H., Wu, Y., & Buhalis, D. (2018). A model of perceived image, memorable tourismexperiences and revisit intention. Journal of Destination Marketing & Management, 8, 326 – 336, doi: 10.1016/j.jdmm.2017.06.004. 
6. Nguyễn Ngọc Tâm, Võ Thị Ngọc Thúy, Lê Văn Hòa (2024). Tổng quan tài liệu nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định quay trở lại điểm đến của khách du lịch. Tạp chí Khoa học Đại học Huế, 133, 51 – 73. 
7. Joppe, M. (1996). Sustainable community tourism development revisited. Tourism Management, 17 (7), 475 – 479.
8. ASEAN Secretariat (2016). ASEAN Community Based Tourism Standard. Public Outreach and Civil Society Division. 
9. Isa, S. M., Ariyanto, H. H., & Kiumarsi, S. (2020). The effect of place attachment on visitors’ revisit intentions: evidence from Batam. Tourism Geographies, 22 (1), 51- 82. https://doi.org/10.1080/14616688.2019.1618902.
10. Mehrabian, A., & Russell, J. (1974). An approach to environmental psychology. Cambridge, MA: MIT Press.
11. Mustafa Boz (2016). The effect of information sources, travel motivation and destination image to the perception of travel quality.  International Journal of Arts and Commerce Vol. 5 No. 6 August, 2016.
12. Dong Phong Nguyen, Nguyen Khanh Tung (2019). Research on solutions to improve destination competitivesness for tourism development in Can Tho city. Conference Proceeding: International Conference on business and Finance, Accounting, Business and Management, Aug 2019. 
13. Dương Quế Nhu, Nguyễn Tri Nam Khang, Lương Quỳnh Như (2013). Ảnh hưởng của hình ảnh điểm đến Việt Nam đến dự định quay trở lại. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ – Vol. 27, 2013. 
14. Eusébio, C., Vieira, A. L., & Lima, S. (2018). Place attachment, host – tourist interactions, and residents’ attitudes towards tourism development: the case of Boa Vista Island in Cape Verde.Journal of Sustainable Tourism, 26(6), 890 – 909, doi: 10.1080/09669582.2018.1425695. 
15. Tung, V. W. S., & Ritchie, J. R. B. (2011). Exploring the essence of memorable tourismexperiences. Annals of Tourism Research, 38 (4), 1367 – 1386, doi: 10.1016/j.annals.2011.03.009.
16. Stylidis, D., Woosnam, K. M., & Ivkov, M. (2020). Tourists’ emotional solidarity with residents: A segmentation analysis and its links to destination image and loyalty. Journal of DestinationMarketing & Management, 17, doi: 10.1016/j.jdmm.2020.100458. 
17. Khaki, A. A., Shaban, R., & Mir, M. A. (2024). Decoding Host-Tourist Interaction and Tourists’ Intention to Revisit: A Mediation Model of Place Attachment. African Journal of Hospitality,Tourism and Leisure, 13 (2), 262 -273, doi: 10.46222/ajhtl.19770720.506. 
18. Goodwin, H., Santilli, R. (2009). Community based tourism: a success? IRCT occasional paper 11, Vol.37, No.1. 
19. Eusébio, C., Vieira, A. L., & Lima, S. (2018). Place attachment, hos – tourist interactions, and residents’ attitudes towards tourism development: the case of Boa Vista Island in Cape Verde.Journal of Sustainable Tourism, 26 (6), 890 – 909, doi: 10.1080/09669582.2018.1425695. 
20. Manyangara, M. E., Makanyeza, C., & Muranda, Z. (2023). The effect of service quality onrevisit intention: The mediating role of destination image. Cogent Business & Management, 10 (3), doi: 10.1080/23311975.2023.2250264. 
21. Choo, H., & Petrick, J. F. (2014). Social interactions and intentions to revisit for agritourism service encounters. Tourism Management, 40, 372 – 381, doi: 10.1016/j.tourman.2013.07.011. 
22. Fan, D. X. F., Zhang, H. Q., Jenkins, C. L., & Lin, P. M. C. (2017). Does Tourist – Host Social Contact Reduce Perceived Cultural Distance? Journal of Travel Research, 56 (8), 998–1010, doi:10.1177/0047287517696979. 
23. Melón, M. P. A., Fandos-Herrera, C., & Sarasa, R. G. (2021). Analysis of antecedents andconsequences of memorable tourist experiences (MTEs): A Spanish case study. Journal of Vacation Marketing, 27 (3), 346 – 360, doi: 10.1177/1356766720987879. 
24. Chen, H., & Rahman, I. (2018). Cultural tourism: An analysis of engagement, cultural contact, memorable tourism experience and destination loyalty. Tourism Management Perspectives, 26,153 – 163, doi: 10.1016/j.tmp.2017.10.006. 
25. Hair J., Sarstedt M., Hopkins L. and Kuppelwieser V. (2014). Partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM). European Business Review, 26 (2), p.106 -121. https://doi.org/10.1108/EBR-10-2013-0128.
26. Henseler, J., Ringle, C. M., & Sarstedt, M. (2015). A new criterion for assessing discriminant validity in variance-based structural equation modeling. Journal of the academy of marketing science, 43, 115 – 135. 
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. https://bvhttdl.gov.vn/bo-vhttdl-phe-duyet-de-an-phat-trien-du-lich-cong-dong-tai-viet-nam-20241031141417137.htm.
2. Phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng. https://nhandan.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-dua-vao-cong-dong-post790415.html.
3. Ảnh hưởng của yếu tố thời gian đến sự lựa chọn điểm đến du lịch: nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/10/anh-huong-cua-yeu-to-thoi-gian-den-su-lua-chon-diem-den-du-lich-nghien-cuu-thuc-tien-tai-viet-nam.
4. Phát triển du lịch theo hướng bền vững. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/10/phat-trien-diem-den-du-lich-theo-huong-ben-vung.