Trịnh Thị Hường
NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng đạo đức người cán bộ cách mạng, đặc biệt là đạo đức cách mạng về giữ chữ Tín với Nhân dân. Người cán bộ trong mối quan hệ với Nhân dân chữ Tín không chỉ là phẩm chất đạo đức cá nhân mà còn là nền tảng để tạo dựng niềm tin giữa Nhân dân với đảng cầm quyền. Để mất chữ Tín là mất tất cả, mất tiền của có thể lấy lại được nhưng mất niềm tin thì nguy cơ dẫn đến mất cả một chế độ.
Từ khóa: Đạo đức cách mạng, về giữ chữ Tín, đội ngũ cán bộ, tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Chữ Tín trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi vào phân tích câu chữ mà người vận dụng sáng tạo những tinh hoa văn hóa của nhân loại, cùng với văn hóa dân tộc vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Hồ Chí Minh vận dụng chữ Tín vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để xây dựng đạo đức cán bộ trên tinh thần nói thật, sống thật, nói đi đôi với làm, trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư với mục đích phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin, yêu và ủng hộ cách mạng.
Thứ nhất, chữ Tín là phẩm chất cốt lõi của người cán bộ cách mạng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chữ Tín là giá trị đạo đức cốt lõi của người cán bộ cách mạng. Người không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Tín trong đời sống cá nhân, mà còn coi đó là nền tảng trong quan hệ giữa người với người, giữa Đảng với dân, và trong công việc lãnh đạo, quản lý. Bởi vì “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, cán bộ giữ được chữ Tín mới được dân tin. Cán bộ là cầu nối Nhân dân với Đảng, cán bộ giữ được chữ tín thì Nhân dân mới tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, khi ấy mọi chủ trương, đường lối của Đảng mới được Nhân dân hết lòng ủng hộ, cán bộ để mất chữ Tín nghĩa là đã đánh mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Hồ Chí Minh coi Đảng như toàn bộ bộ máy thì “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”2.
Đạo đức của người cán bộ là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong các phẩm chất đạo đức ấy thì chữ Tín luôn song hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam”3.
Người có chữ Tín là người nói đi đôi với làm, giữ lời hứa, và làm tròn trách nhiệm với Đảng, với dân. Đạo đức của người cán bộ cách mạng là “nói thì phải làm”4. Người cán bộ phải được dân tin, dân yêu, dân nghe thì mới lãnh đạo được Nhân dân, muốn làm cho nhân dân tin vào chủ trương, đường lối của Đảng thì người cán bộ “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”5.
Thứ hai, giữ chữ tín là biểu hiện của lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm. Người giữ chữ Tín là luôn luôn trung thực với tổ chức, không che giấu khuyết điểm, không báo cáo sai sự thật. Là cán bộ cách mạng phải tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tận trung với nước nghĩa là trung thành với sự nghiệp của đất nước, trung thực trong thi hành công vụ, không tham ô, lãng phí, không gian dối, vụ lợi cá nhân; tận hiếu với dân là luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, có tinh thần trách nhiệm với Nhân dân. “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Ðảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”6, để giữ niềm tin với nhân dân, khi thực hiện những công việc của dân phải tận tụy, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không được làm ẩu, làm vội, làm cho xong, “làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm”7, làm không đạt hiệu quả.
Từ cán bộ cấp cơ sở cho đến cán bộ trung ương hay “bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”8. Cán bộ giữ chữ Tín với nhân dân là phải thực hiện đúng, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng. Bởi, “những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân”9. Đạo đức người cán bộ cách mạng được Nhân dân tin yêu là khi gặp “bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”10.
Thứ ba, giữ chữ Tín là xây dựng niềm tin và sức mạnh của tình đoàn kết. Muốn đoàn kết được Nhân dân thì tất cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải giữ chữ Tín. Nhân dân chỉ theo Đảng làm cách mạng khi Nhân dân đặt niềm tin vào Đảng. Bởi vì, niềm tin là sức mạnh của sự đoàn kết, Nhân dân tin vào Đảng cầm quyền thì Đảng mới đoàn kết được Nhân dân làm cách cách mạng, khi ấy sẽ tạo ra một sức mạnh vô địch. Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”11.
Xây dựng khối đại đoàn kết là làm cho mọi người, mọi tổ chức, mọi tầng lớp tin tưởng nhau, không có sự nghi kỵ lẫn nhau. Do vậy, tất cả cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị luôn phải giữ niềm tin ở nhau, giữ niềm tin với Nhân dân, thật thà, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước dân mỗi khi mắc sai lầm, biết tự phê bình và phê bình. Xét cho cùng mấu chốt của đoàn kết là sự tin tưởng lẫn nhau. Giữ chữ Tín không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề uy tín của cả tổ chức, của Đảng. Khi cán bộ có uy tín, dân tin, thì việc gì cũng thành, đoàn kết cũng từ đó mà nên. “Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình… Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ… Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ”12.
Xây dựng chữ Tín phải thường xuyên. Bởi một sự không tín thì vạn sự không tin. Một cá nhân, một đảng, một tổ chức bất luận lúc nào cũng phải luôn luôn giữ chữ Tín, coi chữ Tín như sinh mệnh của chính mình. Theo Hồ Chí Minh: được dân tin thì làm việc gì cũng dễ, dân không tin thì làm việc gì cũng khó. Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
3. Thực trạng giữ chữ “Tín” của cán bộ hiện nay
Đối với xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ chữ Tín có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ quyết định đến sự thành bại của mỗi cán bộ mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng đến niềm tin của Nhân dân đối với hệ thống chính trị.
Trong giai đoạn hiện nay, chữ Tín trong xây dựng đạo đức cán bộ lại càng trở nên cấp bách đối với vấn đề cải cách hành chính, tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy cán bộ. Hưởng ứng phong trào “đốt lò” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và người kế tục phong trào ấy là Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đã và đang xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đội ngũ này không chỉ giúp đất nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước trên con đường hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ không tự rèn luyện đạo đức của bản thân, đặc biệt việc giữ chữ Tín với nhân dân, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thất hứa trong nhiều lĩnh vực đang gây bức xúc trong dư luận.
Gần đây các kỳ họp của Ủy Ban kiểm tra Trung ương từ 49 – 51 đều đưa ra kết luận xử lý cán bộ chủ yếu là cán bộ không giữ chữ Tín, “vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương”13. Tại kỳ họp thứ 51 của Ủy Ban kiểm tra Trung ương khi xử lý một số cán bộ cũng đưa ra kết luận tương tự “vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương”14.
Những cán bộ bị kỷ luật đều là những thành phần “thất tín”, “bội tín” phụ lại lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng, hối lộ, lãng phí, lợi ích nhóm tiêu cực. Đối với bản thân, họ là người “tha hóa” về đạo đức làm mất uy tín của bản thân; đối với Đảng, Nhà nước, họ làm mất niềm tin, phụ lại công lao của Đảng, Nhà nước đã đào tạo, bồi dưỡng họ; đối với Nhân dân thì nghiêm trọng hơn, họ không chỉ đánh mất lòng tin của Nhân dân đối với bản thân họ mà họ còn làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hành động của một bộ phận cán bộ “bội tín” là không giữ được “liêm sỉ” của người cán bộ.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa thấy được việc giữ chữ Tín như giữ sinh mạng chính trị của bản thân, vì lợi ích sẵn sàng bán rẻ danh dự của mình, đánh đổi uy tín chạy theo lợi ích cá nhân, dối trên, lừa dưới. Trong những năm gần đây pháp luật đã xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn liên quan đến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý hầu hết là cán bộ không giữ được chữ Tín, để mất uy tín, một số cán bộ không những để mất uy tín của bản thân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những vị “tiền bối” và những người đã sinh ra họ, bồi dưỡng họ… Một bộ phận cán bộ chẳng những không phát huy được vai trò, trách nhiệm nêu gương mà còn giảm sút ý chí phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, phai nhạt đạo đức cách mạng, mưu cầu quyền lợi cá nhân, xem nhẹ lợi ích tập thể, xa rời quần chúng nhân dân, để lại dư luận xấu, hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong xã hội vi phạm những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng tiêu cực đến cả hình ảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính. Nguy hiểm hơn, chính những cán bộ suy thoái về đạo đức đã trở thành tác nhân cổ súy cho những thành phần “bất đắc trí” phản bội lại Tổ quốc, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng cầm quyền.
Một bộ phận cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình làm trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ, ban hành văn bản trái quy định để chiếm đoạt tài sản, làm sai lệch kết quả hoặc thông tin nào đó để trục lợi bất chính. Một bộ phận không thực hiện “chí công vô tư” thao túng công tác cán bộ, lạm dụng quyền hạn để tham nhũng trong công tác cán bộ, nhận tiền hối lộ thực hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, chạy vị trí việc làm, bổ nhiệm, đề bạt người thân, người nhà vào các vị trí, chức vụ được cho là nhạy cảm, “lợi ích nhiều”, nhận hối lộ, “chạy án”, “chạy tội”, “chạy dự án”.
Một bộ phận cán bộ lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhũng nhiễu, tiêu cực, làm giảm uy tín của các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Tình trạng người dân phải “lót tay”, “bôi trơn” để giải quyết các thủ tục hành chính diễn ra ở không ít các địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, tình trạng móc nối, tiếp tay của một bộ phận cán bộ ở một số cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi bất chính, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số cấp, ngành, lĩnh đến nay vẫn là vấn đề chưa khắc phục triệt để. Tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân thiếu trung thực diễn ra ở một số cấp, ngành, địa phương. Tình hình tội phạm tham nhũng ở một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng, chống tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tham nhũng diễn ra ở các cơ quan chống tham nhũng.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ ở một số cơ quan công quyền, trong đó có cả ở cơ quan Trung ương thông đồng, móc nối với doanh nghiệp thực hiện hành vi tham nhũng, vấn đề này Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật một số cán bộ cấp cao liên quan đến các vụ, như: vụ Việt Á, vụ Tập đoàn Thuận An, vụ Tập đoàn Phúc Sơn, vụ Vạn Thịnh Phát…
Một số cán bộ thông đồng với doanh nghiệp để thực hiện các hành vi gian dối, như: khai khống hóa đơn, rút ruột ngân sách, khai tăng chi phí các dự án, tạo dự án “ma” vẫn chưa được khắc phục, tạo dư luận xấu để mất niềm tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ.
Từ phân tích trên có thể thấy, thực trạng chữ Tín trong xây dựng đạo đức cán bộ không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với xây dựng đạo đức cán bộ mà còn góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh được Nhân dân tin yêu.
3. Một số giải pháp về giữ chữ Tín theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ nói thật, sống thật với người dân, nói đi đôi với làm. Tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị phải nói thật, sống “thật” với Nhân dân, thật sự cống hiến vì dân. Cán bộ nói thật, sống thật mới được Nhân dân nghe theo và ủng hộ. Nhân dân chỉ tin những cán bộ thật thà, Nhân dân không bao giờ dung thứ những cán bộ “lươn lẹo”, vi phạm lợi ích của Nhân dân, đất nước.
Nói phải đi đôi với làm, đối với đội ngũ cán bộ bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cần phải đem hết tinh thần và lực lượng để thực hiện; đồng thời, phải làm đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thành công, có tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững mọi nguyên tắc, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ với Nhân dân. Hứa với Nhân dân điều gì phải thực hiện bằng được, không được nói mà không làm, nói suông.
Khi được giao nhiệm vụ thực hiện công việc thì phải lập kế hoạch thực tế, bàn bạc bàn bạc với tổ chức, với quần chúng, hỏi han ý kiến quần chúng, nghe sáng kiến của quần chúng. Hoàn thành tốt công việc với sự đồng thuận của tổ chức, quần chúng, phát huy sức mạnh dân chủ, là có tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân. Trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, miệng nói tay làm để làm gương.
Thứ hai, giữ đúng lời thề, lời tuyên thệ, lời cam kết. Làm cán bộ, trước khi vào Đảng có lời thề, trước khi nhận trọng trách lớn có lời tuyên thệ, trước khi nhận việc có lời cam kết phải làm đúng, không làm sai lời hứa của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc phong cách làm việc đúng giờ. Cán bộ mà không đúng hẹn để người dân chờ đợi là chưa giữ chữ Tín. Ngày nay, khi đất nước hội nhập sâu, rộng thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tích cực thi đua lao động, học tập, sản xuất, làm việc sáng tạo, hiệu quả, tranh thủ thời gian, chớp thời cơ để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Mỗi người chúng ta sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách xây dựng kế hoạch, sắp xếp thời gian làm việc một cách hiệu quả, theo tác phong công nghiệp hiện đại, để không bị lãng phí thời gian một cách vô ích, lãng phí thời gian chính là lãng phí tiền của của Nhân dân. Cán bộ trong thời đại công nghiệp 4.0 cần phải biết quý trọng thời gian, coi trọng thời gian quý như vàng, tranh thủ tối đa thời gian, khi cơ hội đến cần phải thực hiện ngay.
4. Kết luận
Giữ chữ Tín trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng đạo đức, là phương pháp công tác, là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, biết coi trọng chữ Tín là góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, làm cho cách mạng ngày càng vững mạnh. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực sự quan tâm đến tu dưỡng, rèn luyện giữ chữ Tín như giữ gìn sinh mạng chính trị của bản thân mình và luôn ra sức rèn luyện, gìn giữ, củng cố, nâng cao uy tín của mình, cũng như không ngừng xây dựng chữ Tín cho các đồng chí, đồng nghiệp. Có như thế thì mới xây dựng được niềm tin đối với Đảng. Nhà nước và Nhân dân và mới đủ sức lãnh đạo quần chúng hoàn thành các nhiệm vụ được giao
Chú thích
1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr.5; 269.
3, 5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr. 190; 234.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr. 280.
6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr. 480; 480; 248; 248.
10, 11. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr. 607; 607.
12. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB. Chính trị quốc gia, tr. 453.
13. Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. https://ubkttw.vn/hoat-dong-cua-ubkt-trung-uong/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-49-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong.html, ngày 29/10/2024.
14. Ủy ban Kiểm tra Trung ương (2024). Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 51 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. https://ubkttw.vn/hoat-dong-cua-ubkt-trung-uong/thong-cao-bao-chi-ky-hop-thu-51-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong.html, ngày 18/11/2024.