Đại tá, TS Nguyễn Văn Thuỷ
Trung tá, Nguyễn Văn Bách
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Tôn giáo là hiện tượng xã hội đặc thù, đa diện và phức tạp, phản ánh chiều sâu tinh thần của nhân loại. Việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng gốc về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường quân đội đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận gốc với thực tiễn sinh động. Tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít không chỉ cung cấp cơ sở lý luận sâu sắc cho việc phân tích, luận giải bản thể luận, nhận thức luận của tôn giáo và tác động đa chiều của nó đến đời sống xã hội mà còn có ý nghĩa cấp thiết trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo, đồng thời góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng bài giảng chuyên đề ở các nhà trường quân đội hiện nay.
Từ khóa: Tôn giáo, vận dụng, kinh điển mác xít, triết học về tôn giáo.
1. Đặt vấn đề
Trong đời sống xã hội hiện đại, tôn giáo vẫn giữ một vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia và dân tộc. Với đặc thù là một quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, kiên định lập trường mác xít trong việc nhận thức, lý giải và định hướng hoạt động tôn giáo theo pháp luật Việt Nam. Nghiên cứu tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít là cơ sở lý luận chủ đạo cho giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường quân đội.
Việc vận dụng đúng đắn và sáng tạo các quan điểm này trong giảng dạy không chỉ giúp làm sâu sắc nội dung bài học mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo, từ việc hiểu biết chưa đầy đủ, chưa hệ thống đến hạn chế trong phương pháp thể hiện và liên hệ với thực tiễn. Vì vậy, nâng cao chất lượng vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít trong giảng dạy triết học ở các nhà trường quân đội là cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
2. Tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít và giảng dạy triết học về tôn giáo
Tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít là hệ thống tư tưởng nền tảng và các luận điểm, lý luận cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ sở, tiền đề bản thể luận và nhận thức luận tôn giáo; bản chất các biểu hiện tôn giáo trong tương quan với cuộc sống đời thường, với các phát minh khoa học, với đạo đức và với những biểu hiện sáng tạo của nghệ thuật; các nguyên tắc ứng xử với tôn giáo, giải quyết vấn đề tôn giáo…
Triết học về tôn giáo là ngành khoa học sử dụng hệ thống khái niệm và phương pháp luận triết học để phân tích tôn giáo. Trong đó, triết học mác xít đóng vai trò quan trọng khi lý giải tôn giáo từ góc độ bản thể luận, nhận thức luận và mối liên hệ với các yếu tố kinh tế – xã hội, góp phần đấu tranh phê phán các quan điểm phản khoa học. Với tư cách là một nhánh, một bộ phận của triết học, giống như triết học về nghệ thuật, triết học về văn hoá,… Cho nên, triết học về tôn giáo không lệ thuộc vào các giáo huấn tôn giáo, không đứng trên lập trường của tư tưởng tôn giáo. So với Triết học tôn giáo hay Thần học thì, triết học về tôn giáo có sự khác biệt căn bản về đối tượng nghiên cứu, phương pháp luận nghiên cứu, quan điểm lập trường xem xét các vấn đề tôn giáo. Triết học tôn giáo là những triết lý hay cách giải thích về thế giới, về con người và cuộc sống của con người đứng trên lập trường duy tâm, tôn giáo hay nói đúng hơn là thuộc về các tôn giáo.
Giảng dạy triết học về tôn giáo là việc sử dụng linh hoạt, sáng tạo nhãn quan, các khái niệm công cụ và các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật lịch sử và lập trường của giai cấp vô sản vào lý giải các vấn đề về: bản thể luận tôn giáo; nhận thức luận tôn giáo; vũ trụ quan tôn giáo; nhân sinh quan tôn giáo; tư tưởng và triết lý tôn giáo; đạo đức tôn giáo; mỹ học tôn giáo; giá trị tôn giáo; lôgic tôn giáo; tôn giáo và khoa học; tương lai tôn giáo; niềm tin tôn giáo và mê tín; linh hồn bất tử; giải thoát luận; hiện tượng học tôn giáo; chủ nghĩa hiện sinh về tôn giáo; chủ nghĩa thực dụng về tôn giáo; chủ nghĩa duy lý; chủ nghĩa phi duy lý về tôn giáo; thế tục hoá tôn giáo; triết học phật giáo; triết học kitô giáo; phân tâm học tôn giáo; triết học phân tích về tôn giáo; triết học ngôn ngữ về tôn giáo; tư tưởng triết học của các nhân vật tôn giáo…, qua đó giúp cho người dạy tiếp cận đúng đối tượng nghiên cứu để phân tích, đánh giá, mở rộng, đào sâu kiến thức chuyên môn để giảng dạy tốt hơn, đồng thời cung cấp cho người học phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy và phương pháp hoạt động thực tiễn, tạo điều kiện cho phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học.
3. Vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường quân đội hiện nay
Vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo là hoạt động có mục đích, có kế hoạch mang tính chủ động của các chủ thể, nhằm hiện thực hóa tư tưởng của các nhà kinh điển mác xít về tôn giáo vào trong tất cả các khâu, các bước của quá trình giảng dạy triết học về tôn giáo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và mô hình đào tạo cho các đối tượng người học, qua đó khẳng định tính khoa học, cách mạng và giá trị lý luận mác xít về tôn giáo.
Thực chất sự vận dụng là tổng hợp những cách thức, biện pháp được các chủ thể trực tiếp là đội ngũ giảng viên hiểu sâu sắc những luận điểm, quan điểm, tinh thần của các nhà kinh điển mác xít về tôn giáo vào trình bày, phân tích, lý giải các vấn đề về tôn giáo theo quan điểm, lập trường, phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong bài giảng chuyên đề về tôn giáo, tín ngưỡng nhằm gia tăng tính thuyết phục, khẳng định vững chắc cơ sở lý luận khoa học ở từng nội dung của chuyên đề bài giảng góp phần nâng cao chất lượng bài giảng chuyên đề của giảng viên. Chủ thể vận dụng bao gồm hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chức năng, các khoa giáo viên và đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy lý luận mácxít về tôn giáo. Giảng viên phải có hệ thống tri thức kinh điển, có kinh nghiệm nghiên cứu, khai thác tác phẩm kinh điển phục vụ cho môn học.
Chất lượng vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường quân đội là quá trình thực hiện hiệu quả, bảo đảm về số lượng và chất lượng các hình thức, phương pháp hiện thực hoá những giá trị tri thức về tôn giáo của C.Mác – Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy triết học về tôn giáo cho các đối tượng học viên ở các nhà trường quân đội.
Trong vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo ở các nhà trường quân đội hiện nay trong nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng và thực hành giảng dạy ở một số giảng viên chủ yếu dựa vào nội dung trong giáo trình, tài liệu dạy học mà chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để làm phong phú, sâu sắc cơ sở lý luận mác xít về tôn giáo. Trong quá trình thực hành giảng bài trên lớp, vẫn còn một số giảng viên chưa dành nhiều thời lượng thỏa đáng để phân tích, luận giải tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít dẫn đến chưa tạo ra được điểm nhấn trong giảng bài để giúp người học nắm chắc nội dung tri thức lý luận cơ bản về tôn giáo một cách sâu sắc.
4. Giải pháp cơ bản
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản mang tính hệ thống tư tưởng về tôn giáo và những vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo của các nhà kinh điển.
Chỉ có trên cơ sở nghiên cứu tốt các tác phẩm kinh điển thì người dạy mới có thể khai thác, vận dụng vào giảng dạy tốt và người học mới học tốt. Đối với khoa, bộ môn tham gia giảng dạy triết học về tôn giáo phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu hệ thống những tác phẩm kinh điển của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về tôn giáo một cách cơ bản, chuyên sâu.
Những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen bàn về tôn giáo: góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen – Lời nói đầu; Về vấn đề Do Thái; Luận cương về Phoi-ơ-bắc; Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844; Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính phê phán chống Brunô và đồng bọn; Hệ tư tưởng Đức; Tuyên ngôn của Đảng cộng sản; Chống Đuyrinh”; Lút vích Phoiơbắc và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức; Chiến tranh nông dân ở Đức; Cách mạng và phản cách mạng ở Đức; Ngày 18 tháng Sương mù của Lui. Bônapáctơ; Brunô Bauơ và đạo cơ đốc khởi thủy; Miến Điện; Những sự kiện ở Trung Quốc; Nội chiến ở Pháp; Phê phán cương lĩnh Gôta; Tài liệu dùng cho Chống Đuy rinh; Biện chứng của tự nhiên; Sách khải thị; Lời tựa viết cho lần xuất bản bằng tiếng Anh tác phẩm “sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học”; Bàn về lịch sử đạo Cơ đốc sơ kỳ; Tư bản; Một số thư tín của C.Mác và Ph.Ăngghen;…
Việc phân tích các tác phẩm này cho thấy tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về tôn giáo là một chỉnh thể biện chứng và cách mạng, phản ánh quá trình phát triển từ phê phán triết học tôn giáo đến phê phán xã hội tôn giáo. Đồng thời vừa có tính kế thừa, vừa đổi mới, phù hợp với quy luật vận động của xã hội, cung cấp nền tảng lý luận quan trọng cho việc nghiên cứu, giảng dạy triết học tôn giáo hiện nay.
Những tác phẩm của V.I.Lênin bàn về tôn giáo: Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo; Thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo; Thái độ của các giai cấp và các đảng phái đối với tôn giáo và giáo hội; Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán; Bàn về phái ủng hộ chủ nghĩa triệu hồi và thuyết tạo thần; Lại một sự thủ tiêu chủ nghĩa xã hội; Những thủ đoạn đấu tranh chống công nhân của các phần tử trí thức tư sản; Cuộc chiến tranh Trung Quốc; Điểm qua tình hình trong nước; Lép-tôn-xtôi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga; Sự phá sản của quốc tế II; Dự thảo cưỡng lĩnh của Đảng cộng sản (b) Nga; Nhà nước và cách mạng; Diễn văn tại đại hội I toàn Nga các nữ công nhân; Cổ động chính trị và quan điểm giai cấp; Dự thảo cương lĩnh của Đảng cộng sản Nga; Về tác dụng của Chủ nghĩa duy vật chiến đấu; Cổ động chính trị và quan điểm giai cấp; Bút ký triết học; Gửi A.M.Goócki Tháng Mười Một 1913; Gửi nông dân nghèo;…
Việc phân tích các tác phẩm này cho thấy V.I. Lênin đã kế thừa, bảo vệ một cách kiên định các quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tôn giáo, đồng thời bổ sung và phát triển chúng thành hệ thống lý luận và chính sách cách mạng phù hợp với điều kiện đấu tranh thực tiễn, qua đó góp phần củng cố nền tảng thế giới quan khoa học, vô thần trong hệ tư tưởng của giai cấp vô sản.
Những tác phẩm, thư, điện và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo: Tác phẩm Chủ nghĩa Giáo hội. Những bức thư, điện và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giám mục, giáo sĩ, đồng bào các tôn giáo nhân dịp những ngày lễ lớn và Hội nghị của các tôn giáo từ năm 1945 – 1969. Gồm 6 bức thư gửi giám mục Lê Hữu từ các ngày 23/3/1946, ngày 23/01/1947, ngày 01/02/1947, ngày 10/3/1947, ngày 08/12/1947, ngày 07/8/1948 và tháng 12/1949; Thư gửi các vị linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam ngày 25/12/1945; Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy âm lịch năm 1946; Thư gửi đồng bào nhân ngày Chúa giáng sinh năm 1946; Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Nô en năm 1947; Lời kêu gọi đồng bào Cao Đài, Hòa Hảo tháng 5/1948; Thư gửi đồng bào Công giáo toàn quốc nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh ngày 25/12/1948; Thư gửi đồng bào nhân dịp tết Nô en ngày 19/12/1949; Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Nô en ngày 25/12/1950; Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nô en ngày 31/12/1951; Bài “Tự do tín ngưỡng” đăng trên Báo Nhân dân ngày 26/01/1952; Bài “Công giáo Pháp chống chiến tranh xâm lược Việt Nam” đăng Báo Nhân dân ngày 17/9/1952; Thư gửi đồng bào Công giáo toàn quốc nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh ngày 25/12/1952; Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Nô en ngày 25/12/1953; Thư chúc mừng đồng bào Công giáo nhân dịp Nô en. Bài đăng trên báo Nhân dân ngày 24/12/1954; Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp Nô en ngày 24/12/1955; Thư gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh ngày 25/12/1956; Thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo ngày 08/01/1957; các bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng về công tác mặt trận, tháng 8/1962; Thư gửi Hội nghị đại biểu và đồng bào đạo Thiên chúa toàn miền Bắc ngày 17/9/1964; Thư gửi Hội nghị đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam ngày 28/9/1964;…
Việc phân tích, lý giải những tác phẩm, thư, điện và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo phải thấy được tư tưởng của Người là một di sản quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong xây dựng chính sách tôn giáo và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Những nguyên tắc ứng xử như tôn trọng – hòa hợp – nhân văn – đoàn kết – đồng hành cùng dân tộc vẫn là kim chỉ nam cho công tác tôn giáo hiện nay.
Thứ hai, nâng cao trình độ tri thức về tôn giáo trong các tác phẩm kinh điển và vận dụng vào quá trình giảng dạy triết học về tôn giáo của đội ngũ giảng viên.
Quá trình nâng cao chất lượng nghiên cứu hệ thống những tác phẩm kinh điển của mác xít bàn về tôn giáo của đội ngũ giảng viên phải gắn liền với nâng cao trình độ tri thức của giảng viên về tôn giáo trong các tác phẩm kinh điển. Phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ nắm, hiểu sâu, thực chất tư tưởng, quan điểm, luận điểm về tôn giáo trong các tác phẩm kinh điển cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt các tác phẩm liên quan đến chương trình, nội dung giảng dạy, thảo luận, xêmina. Bởi vì, có rất nhiều các luận điểm, tư tưởng kinh điển vô cùng sâu sắc, hàm chứa trong đó không ít những ẩn ý khoa học, do đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải đọc, nghiên cứu và nghiền ngẫm bản chính các tác phẩm của các nhà kinh điển.
Có nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện có hệ thống, có chiều sâu thì mới thấy được sự phát triển của lý luận khoa học và mối liên hệ của những luận điểm đó trong tính chỉnh thể của hệ thống lý luận mác xít về tôn giáo ở các tác phẩm khác nhau. Thông qua đó mới tìm ra được diễn biến tư tưởng một cách logic, khách quan; đồng thời phải suy ngẫm trên cơ sở khoa học thì mới có thể thấu hiểu được ý nghĩa và sự sâu sắc, phong phú, phức tạp của những luận điểm, tư tưởng kinh điển đó. Có thực hiện được điều này thì đội ngũ giảng viên mới làm giàu vốn tri thức kinh điển của mình và vận dụng vào trong giảng dạy triết học về tôn giáo và nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.
Chất lượng, hiệu quả vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy triết học về tôn giáo không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Quá trình nghiên cứu, đọc tác phẩm kinh điển mác xít về tôn giáo phải gắn trực tiếp với nội dung phân tích, lý giải của giảng viên. Các luận điểm, tư tưởng kinh điển mác xít về tôn giáo phải liên hệ với bài giảng, có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, làm cơ sở cho các nội dung bài giảng, bài viết của giảng viên. Do đó, trong mỗi bài giảng của giảng viên phải có hàm lượng kinh điển mác xít về tôn giáo nhất định, phải có những trích dẫn luận điểm kinh điển làm luận chứng khoa học cho nội dung bài giảng. Phải tính đến lượng, chất kinh điển trong các bài giảng chuyên đề.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của giảng viên trong tự nghiên cứu, tự vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào quá trình chuẩn bị bài giảng một cách chặt chẽ. Tạo lập động lực để khuyến khích giảng viên tích cực, chủ động nghiên cứu, khai thác và vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào chuẩn bị bài giảng. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, biểu dương những giảng viên thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào chuẩn bị bài giảng; đồng thời, nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời với những biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ và chưa tích cực trong nghiên cứu, vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào chuẩn bị bài giảng, hoặc vận dụng mang tính “tầm chương, trích cú”, sao chép kinh điển một cách cơ học.
Trong thực hành giảng bài cần tăng cường khai thác, sử dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy để gia tăng hàm lượng tri thức lý luận và gia tăng tính thuyết phục trong các bài giảng chuyên đề, chuyên sâu. Một trong những vấn đề hết sức cơ bản đó là, việc vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào thực hành giảng bài phải linh hoạt, trung thành, sáng tạo, khách quan, đúng với lý luận gốc, sát với nội dung chuyên đề cũng như ở mỗi đơn vị kiến thức liên quan. Cần tránh việc vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít một cách tùy tiện, chung chung, không sát với yêu cầu bài giảng hoặc không phù hợp với đối tượng giảng dạy.
Quá trình vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào thực hành giảng bài cần xác lập rõ những luận cứ, luận chứng khoa học có sức thuyết phục ở từng nội dung cụ thể trong mỗi chuyên đề bài giảng, qua đó góp phần định hướng cho học viên nhận thức sâu sắc lý luận khoa học về tôn giáo và biết nhận diện, xác lập cơ sở lý luận thực tiễn khoa học tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về tôn giáo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để vận dụng có hiệu quả tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít trong thực hành giảng bài, đòi hỏi giảng viên phải nắm chắc bản chất, nội dung cơ bản tư tưởng các nhà kinh điển mác xít về tôn giáo, đồng thời luận giải sâu sắc, làm rõ tính học thuật, giá trị lý luận. Trong thực hành giảng dạy cần làm rõ những khía cạnh về nguồn gốc ra đời, bản chất của tôn giáo, tính chất, chức năng, vai trò của tôn giáo, những mặt tích cực và tiêu cực của tôn giáo để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mỗi bài giảng.
Vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy phải hướng tới nâng cao chất lượng các hình thức sau bài giảng. Quá trình vận dụngtư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào nâng cao chất lượng bài giảng ở các nhà trường Quân đội hiện nay có sự gắn bó mật thiết với các hình thức sau bài giảng là một trong những mắt khâu có vị trí, vai trò rất quan trọng của quy trình tổ chức dạy học.
Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực, chủ động, sáng tạo của người học thì các hình thức dạy học của “lớp học đảo ngược”, “dạy học truy vấn” trở nên rất cần thiết. Vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít vào giảng dạy cần hướng tới góp phần nâng cao chất lượng các hình thức sau bài giảng ở các nhà trường quân đội hiện nay, như: tự học; xêmina; trao đổi, bài tập thực hành; thu hoạch; tiểu luận; giảng tập; kiểm tra, thi kết thúc học phần;…
Các hình thức sau bài giảng rất đa dạng, phong phú, đan xen nhau, luôn giữ vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Theo đó, quá trình thực hành giảng dạy cần định hướng cho người học phương pháp tiếp cận, xác định nội dung, phương thức vận dụng tư tưởng kinh điển mác xít về tôn giáo vào các hình thức sau bài giảng một cách khoa học, đồng bộ.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sinh hoạt học thuật những nội dung tư tưởng, luận điểm lý luận gốc của các nhà kinh điển mác xít về tôn giáo.
Lĩnh vực tôn giáo luôn chứa đựng tính phức tạp từ chính bản thân cố hữu của tôn giáo, bộc lộ không những ở nguồn gốc ra đời, bản chất, tính chất, chức năng của tôn giáo mà tính phức tạp còn ẩn chứa ngay trong hoạt động của các giáo hội, tổ chức tôn giáo. Mặt khác, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam cũng rất đa dạng, phong phú, kéo theo có rất nhiều quan niệm, khái niệm, phạm trù về tôn giáo liên quan đến nội dung chuyên đề, bài học, môn học cần phải được làm sáng rõ. Theo đó, phải đẩy mạnh và tổ chức tốt hoạt động sinh hoạt học thuật, trao đổi khoa học cấp bộ môn và cấp khoa về những nội dung tư tưởng, luận điểm lý luận gốc của các nhà kinh điển mácxít về tôn giáo liên quan đến khía cạnh chuyên sâu của môn học, nhình nhận các hiện tượng tôn giáo mới.
Hoạt động sinh hoạt học thuật môn học phải được thường xuyên tổ chức để cho các giảng viên trong bộ môn có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu, giao lưu và trao đổi, cập nhật các thông tin mới, kỹ năng giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học. Những vấn đề học thuật về tín ngưỡng, tôn giáo phải được mổ xẻ, phân tích, trao đổi, mạn đàm để làm rõ về mặt thuật ngữ, khái niệm, bản chất và được định hướng giá trị, vận dụng đưa giá trị học thuật vào trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các nội dung, vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp cả về nhận thức luận và thực tiễn đưa ra trong sinh hoạt học thuật phải sát với nhu cầu của đội ngũ giảng viên giảng dạy môn tôn giáo và tín ngưỡng, môn tôn giáo học, lý luận về tôn giáo phải thực sự thiết thực phục vụ cho hoạt động dạy của người giảng viên. Chú trọng nghiên cứu các quan điểm lý luận gốc làm sáng tỏ luận cứ, luận chứng khoa học của từng luận điểm để phục vụ vào giảng dạy chuyên đề và những vấn đề phức tạp trong hoạt động của tôn giáo nảy sinh để phục vụ trực tiếp cho nội dung từng bài giảng chuyên đề. Mỗi giảng viên giảng dạy môn tôn giáo và tín ngưỡng, môn tôn giáo học, lý luận về tôn giáo phải nhận thức rõ đối tượng nghiên cứu của môn học, nắm thực chất những vấn đề tôn giáo có giá trị thiết thực để phục vụ trực tiếp cho bài giảng chuyên đề, bài giảng chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng.
5. Kết luận
Việc nâng cao chất lượng vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít trong giảng dạy triết học về tôn giáo cần phải dựa trên sự thấm nhuần, hiểu biết sâu sắc và khả năng vận dụng linh hoạt các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Yếu tố then chốt quyết định chất lượng vận dụng tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển vào giảng dạy chính là năng lực nghiên cứu cơ bản của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là khả năng tiếp cận, phân tích, và chuyển hóa tri thức lý luận kinh điển về tôn giáo thành nội dung giảng dạy có chiều sâu, tính thực tiễn và sức thuyết phục cao. Quá trình này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy lý luận với thực tiễn xã hội, giữa tinh thần phê phán khoa học với năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ giảng viên.
Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, việc nắm vững tư tưởng về tôn giáo của các nhà kinh điển mác xít càng trở nên cấp thiết, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy mà mà còn là công cụ lý luận quan trọng để tăng cường tính chiến đấu, tính phản biện khoa học trong đấu tranh tư tưởng góp phần tăng cường sức mạnh lý luận trong đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tài liệu tham khảo:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập (1999, 2000). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. V.I.Lênin toàn tập (2005, 2006). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005, 2006). Văn kiện Đảng toàn tập. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.