Kinh nghiệm chuyển đổi số từ Singapore – giá trị tham khảo cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Hương
Học viện Quản lý giáo dục

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Để nắm bắt xu hướng, tận dụng được thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm đưa ra những chiến lược, chương trình hành động cụ thể để triển khai chuyển đổi số với sự quyết tâm cao. Việc nắm bắt các yếu tố quan trọng làm nền tảng cho chuyển đổi số nhằm phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp xu hướng của thế giới là rất cần thiết để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Bài viết phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số của Singapore, tuy có khác biệt về xuất phát điểm, về thể chế chính sách, nhưng cũng có những kinh nghiệm quý giá riêng, tùy theo lĩnh vực phù hợp, Việt Nam có thể học hỏi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Từ khoá: Chuyển đổi số, kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, Singapore.

1. Đặt vấn đề

Sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, tính từ Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986), kinh tế – xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Các chỉ số và cân đối kinh tế tài chính vĩ mô của Việt Nam ngày càng được cải thiện, môi trường kinh doanh đáp ứng ngày càng cao hơn các chuẩn mực chung của thế giới. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, bắt buộc chúng ta phải có những nỗ lực, quyết tâm mới, phải bứt phá để thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường. Một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất là chúng ta phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay. Để có được chuyển đổi số mạnh mẽ, hiệu quả, chúng ta cần thiết phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các nước đã thành công như Singapore.

2. Kinh nghiệm chuyển đổi số của Singapore

Cộng hòa Singapore là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới, với vị thế trung tâm tài chính lớn thứ tư và là một trong 5 cảng biển bận rộn nhất thế giới. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Singapore xếp thứ 01/141 quốc gia (WEF, 2019), xếp hạng 11/190 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào nhóm các nước có chỉ số phát triển rất cao (Liên hiệp quốc, 2020).

Tuy là quốc gia phát triển, nhưng sự phát triển tập trung của Singapore gây ra những khó khăn lớn về giao thông và bảo vệ môi trường sống chất lượng. Singapore đã sớm nhận ra sự cần thiết phải có một phương án giải quyết thông minh dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững. Ngay từ năm 1971, Singapore đã triển khai một kế hoạch dài hạn (tầm nhìn 40 – 50 năm) và những kế hoạch thực hiện chi tiết cho mỗi chu kỳ 5 năm nhằm phát triển thông minh. Ngày nay, Singapore đang tiến hành quyết liệt công cuộc chuyển đổi số với tham vọng trở thành quốc gia thông minhđầu tiên trên thế giới và đã có những nền tảng vững chắc sẵn sàng cho thời đại 4.0, từ vốn nhân lực, năng lực cạnh tranh số, năng lực sản xuất đều thuộc nhóm đầu thế giới.

Năm 2014, sáng kiến quốc gia thông minh (Smart Nation) được khởi động nhằm “hỗ trợ cuộc sống tốt hơn, cộng đồng mạnh mẽ hơn, và tạo ra nhiều cơ hội hơn, cho tất cả” (Smart Nations sg, 2016).Sáng kiến quốc gia thông minh của Singapore dựa trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ nhất, về Chính phủ số. Từ 2018, Singapore đã ban hành Kế hoạch chi tiết phát triển chính phủ số (Digital Government Blueprint – DGB). Đây là tuyên bố về tham vọng của chính phủ trong việc tận dụng dữ liệu và khai thác công nghệ mới tốt hơn, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực rộng lớn để xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội kỹ thuật số, hỗ trợ quốc gia thông minh. Với tầm nhìn là “Singapore lấy số hóa là cốt lõi và phục vụ bằng trái tim”. Kế hoạch được thể hiện nổi bật ở các nội dung: (1) Phương tiện số cho phép chính phủ Singapore xây dựng các dịch vụ lấy các bên liên quan làm trung tâm phục vụ, dựa trên nhu cầu của mỗi cá nhân. Các chính sách, dịch vụ và hạ tầng cơ sở được thiết kế tốt hơn thông qua việc sử dụng dữ liệu và dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, thay vì dựa trên các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền; (2) Người dân có thể giao dịch với chính phủ một cách dễ dàng, liền mạch và an toàn, như: có thể tìm kiếm các dịch vụ số của chính phủ một cách trực quan, dễ dàng và phù hợp với nhu cầu của họ; được tận hưởng sự tiện lợi khi hoàn thành các giao dịch của chính phủ theo cách thức không cần giấy tờ, không cần hiện diện từ đầu đến cuối, chỉ cần cung cấp thông tin hoặc yêu cầu trợ giúp một lần, có niềm tin rằng dữ liệu cá nhân sẽ được bảo mật. Đồng thời, khu vực công và khu vực tư sẽ xây dựng các kế hoạch tổng thểtrong các lĩnh vực và ngành công nghiệp chính. Các kế hoạch tổng thể, bao gồm: bản đồ chuyển đổi ngành (Industry Transformation Maps) cùng với lộ trình theo lĩnh vực y tế, giáo dục, vận tải, giải pháp đô thị, tài chính và việc làm,… đồng bộ sẽ hoạch định công nghệ sẽ được sử dụng như thế nào để cải thiện cuộc sống và tạo ra cơ hội kinh doanh mới

Từ năm 2017, nhóm quốc gia thông minh và chính phủ số (Smart Nation và Digital Government Group – SNDGG) được thành lập với hai thực thể là Văn phòng Quốc gia thông minh và chính phủ số (Smart Nation và Digital Government Office – SNDGO) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ) và Cơ quan công nghệ chính phủ (Singapore Government Technology Agency – GovTech) chịu trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động của chính phủ số. Văn phòng QG thông minh và chính phủ số (SNDGO) có nhiệm vụ lập kế hoạch và ưu tiên các dự án quan trọng của quốc gia thông minh (như nền tảng nhận dạng kỹ thuật số quốc gia và nền tảng cảm biến quốc gia thông minh) và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Chính phủ Singapore. Đồng thời, xây dựng năng lực dài hạn cho khu vực công, thúc đẩy sự chấp nhận và tham gia của công chúng và ngành công nghiệp.

Cơ quan công nghệ của Chính phủ (GovTech) được thành lập 2016, đóng vai trò dẫn dắt tổng thể và toàn diện quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động của Chính phủ Singapore. Về nhân sự, hiện nay, GovTech có khoảng 3.000 nhân viên, tập trung vào phát triển sản phẩm và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trọng tâm của GovTech là tạo ra các nền tảng công nghệ để dựa trên đó, các cơ quan tổ chức khác tập trung vào phát triển các giải pháp để giải quyết bài toán nghiệp vụ chuyên ngành thay vì phải giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ. Theo đó, GovTech chịu trách nhiệm triển khai toàn bộ các nền tảng chuyển đổi số quốc gia trọng yếu của Singapore (thay vì giao cho các bộ, ngành chuyên môn như mô hình của các nước), đồng thời GovTech có thể huy động nhân lực của các bộ, ngành liên quan tham gia trong quá trình triển khai các nền tảng. Nhờ đó, quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển quốc gia thông minh (Smart Nation) của Singapore được thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn. Các nền tảng chuyển đổi số quốc gia do GovTech phát triển gồm có: Nền tảng trợ lý ảo Jamie, nền tảng dữ liệu data.gov.sg, nền tảng thanh toán bằng mã QR, nền tảng đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, nền tảng khảo sát ý kiến người dân FormSG…

Bốn năm sau khi ra mắt DGB, Chính phủ Singapore đã đưa ra các chính sách và sáng kiến mới. Covid-19 cũng đã tái khẳng định trọng tâm của Kế hoạch chi tiết về Chính phủ số là xây dựng năng lực và buộc các bộ phận khác nhau của Chính phủ đẩy nhanh việc sử dụng dữ liệu, công nghệ để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số giảm thiểu tiếp xúc vật lý và sử dụng công nghệ, công cụ kỹ thuật số để đảm bảo an toàn cho người dân. Hằng năm, Chính phủ Singapore có sự cập nhật kế hoạch phát triển Chính phủ số để phản ánh chính xác các kế hoạch hiện tại và thúc đẩy các mục tiêu quyết liệt hơn để theo đuổi số hóa sâu và rộng hơn trong Chính phủ. Các ví dụ mới được đưa vào kế hoạch để giải thích rõ hơn những nỗ lực và lợi ích mới nhất của Chính phủ kỹ thuật số. Việc làm mới này phù hợp với cách tiếp cận để cải thiện kế hoạch chi tiết một cách lặp đi lặp lại. Năm 2020, Singapore xếp thứ 11 trên TG về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hiệp quốc (Bùi Quang Tuấn – Hà Huy Ngọc, 2023).

Thứ hai, kinh tế số. Chính phủ Singapore phê duyệt Chương trình hành động phát triển kinh tế số (Digital economy framework for action) vào đầu năm 2021 (gov.sg, 2025). Một số nội dung chính trong chương trình hành động phát triển kinh tế số của Singapore, bao gồm: (1) Mục tiêu: Là nền kinh tế số hàng đầu và liên tục tự đổi mới; (2) Giải pháp chiến lược: chuyển đổi số mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực. Tập trung chuyển đổi số doanh nghiệp; đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng năng lực cạnh tranh quốc gia bằng các nền tảng số (cho hệ sinh thái tích hợp mới tập trung vào nhu cầu khách hàng) có khả năng đi ra toàn cầu. Singapore đặt mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi để phát triển các hệ sinh thái tích hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới và phát triển các mô hình kinh doanh, cạnh tranh trên toàn cầu; (3) Đổi mới: phát triển các ngành công nghệ số thế hệ tiếp theo để tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số ngành. Singapore đã ứng dụng các công nghệ tiên phong, như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI, an ninh mạng, hạ tầng truyền thông, internet kết nối vạn vật IoT để chuyển đổi và phát triển truyền thông Infocomm như một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Singapore trong tương lai.

Bốn yếu tố nền tảng, gồm: (1) Nhân lực: liên tục đào tạo, đào tạo lại kỹ thuật số và phát triển lực lượng nhân lực số; (2) Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo: hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo và tận dụng tài sản trí tuệ để nâng cao khả năng cạnh tranh, khai thác năng lực cộng đồng khoa học; (3) Chính sách, quy định và tiêu chuẩn: bảo đảm môi trường pháp lý và chính sách kinh tế số là cạnh tranh nhất; (4) Hạ tầng số và vật lý: bảo đảm mạng kết nối, nền tảng, dữ liệu và các hạ tầng số khác hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế số.

Thực thi giải pháp thúc đẩy số hóa dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Singapore đã thiết kế và đưa ra một số chương trình cụ thể, mỗi chương trình nhắm đến một đối tượng và phạm vi cụ thể, như:

Chương trình SMEs Go Digital với mục đích là làm cho việc chuyển đổi số trở nên đơn giản hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Singapore tiếp cận Chương trình SMEs Go Digital theo hai cơ chế: doanh nghiệp tự triển khai (Self-Help) thông qua những bước hướng dẫn, chỉ dẫn, công cụ chi tiết mà Chương trình cung cấp và doanh nghiệp tìm kiếm hỗ trợ (Seek-Help);

Kế hoạch số hóa các ngành (Industry digital plans): hướng dẫn từng bước một cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số ngành nghề cụ thể về các giải pháp số hóa và đào tạo nhân viên của mình trên từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; Giải pháp hỗ trợ tài chính: các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số theo các giải pháp được thiết kế và cung ứng bởi các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng, đáng tin cậy và cạnh tranh về chi phí thì sẽ được Chính phủ tài trợ tới 80% chi phí thực hiện các giải pháp này.

Giải pháp thành lập các nền tảng/sàn giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng để bán hàng ra nước ngoài mà không cần phải hiện diện ở đó;

Dịch vụ tư vấn chuyên môn chuyển đổi số miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu được tư vấn…

Thứ ba, xã hội số. Trong quốc gia thông minh, người dân Singapore được trao quyền tối đa hóa các cơ hội và tận dụng các tiện ích của một xã hội số để có một cuộc sống ý nghĩa (Smart Nation Singapore, 20218). Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ bằng cách tạo ra các dịch vụ dễ tiếp cận hơn, nâng cao khả năng hiểu biết về kỹ thuật số của người dân và khuyến khích người dân tham gia vào các chương trình cộng đồng và sử dụng nền tảng số trong hoạt động hằng ngày. Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore đã giới thiệu kế hoạch chi tiết về mức độ sẵn sàng cho kỹ thuật số (Digital readiness blueprint).

Ở cấp độ cơ bản, sự sẵn sàng kỹ thuật số liên quan đến việc người dân có quyền truy cập vào các thiết bị và kết nối số một cách rộng rãi với mức chi phí phải chăng. Để làm được điều này họ cần có kỹ năng và hiểu biết để sử dụng công nghệ số một cách an toàn và tự tin. Mặt khác, mức độ sẵn sàng kỹ thuật số còn bao gồm khả năng bảo vệ của người dùng chống lại các tệ nạn trực tuyến như tin tức giả mạo, vi phạm quyền riêng tư và bảo mật, tin tặc, bạo lực mạng,… Người dân cần tương tác với công nghệ một cách an toàn, thông minh và tử tế, từ chối các hành vi độc hại.

Cấp độ cao hơn nữa, công dân số là người tham gia kiến tạo các ý tưởng số. Họ không chỉ là người tiêu dùng và người tiếp nhận giỏi, mà còn là người sáng tạo nội dung, sản xuất nội dung, người truyền thông và diễn dịch. Như vậy, những nỗ lực xã hội số của quốc gia thể hiện trong kế hoạch chi tiết về mức độ sẵn sàng cho kỹ thuật số (Digital readiness blueprint) hướng tới các nhiệm vụ cơ bản, như: (1)Mở rộng và nâng cao quyền truy cập kỹ thuật số để người dân hòa nhập với cộng đồng;(2) Tuyên truyền kiến thức về kỹ thuật số vào ý thức quốc gia, xác định một tập hợp các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản cho các hoạt động hằng ngày để thúc đẩy công nghệ số, đặc biệt là đối với những người ít hiểu biết về kỹ thuật số;(3) Trao quyền cho cộng đồng và doanh nghiệp để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ số;(4)Thúc đẩy sự hòa nhập bằng cách thiết kế các dịch vụ kỹ thuật số có liên quan bằng ngôn ngữ bản địa.

Các giải pháp, chương trình cụ thể đã được triển khai tiêu biểu, như: (1) Cam kết tham gia số (Digital participation pledge): chương trình khuyến khích các tổ chức tham gia cam kết và ủng hộ chuyển đổi số; (2) Quỹ Singapore cho sẵn sàng kỹ thuật số (Our Singapore fund for digital Readiness): tài trợ cho các hoạt động số từ cộng đồng và các nhóm sinh viên; (3) Khung quốc gia về truyền thông kỹ thuật số và kiến thức thông tin (National framwork for digital media and information literacy), để hướng dẫn các chủ sở hữu chương trình cung cấp các chương trình và khóa học về kỹ thuật số; (4) Dịch vụ Tech Connect: triển khai trên tất cả các trung tâm cộng đồng để hỗ trợ mọi nhu cầu số của người dân (Bùi Quang Tuấn – Hà Huy Ngọc, 2023).

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay

Nắm bắt các yếu tố quan trọng làm nền tảng cho chuyển đổi số nhằm phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội và xu hướng của thế giới là rất cần thiết để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số của Singapore, có thể rút ra một số nhận xét và kinh nghiệm cho Việt Nam, như:

Một là, chuyển đổi số trên quy mô quốc gia là công việc của nhiều cấp, nhiều ngành, và của toàn xã hội, nên cần có một Đề án chung để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ rộng khắp, hiệu quả. Chính vì vậy, Đề án chuyển đổi số quốc gia được xây dựng nhằm xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong xã hội xác định và triển khai kế hoạch chuyển đổi số cụ thể của mình trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số, như Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.

Tuy nhiên, Việt Nam cần xem xét việc thành lập các cơ quan chuyên trách cấp quốc gia về chuyển đổi số. Như Singapore có đơn vị chuyên trách chuyển đổi số để đảm nhiệm các chức năng bao gồm dẫn đầu triển khai hoặc thí điểm các chương trình Chính phủ số then chốt, xem xét các dự án từ góc độ toàn Chính phủ cũng như dẫn đầu hiện đại hoá khu vực công và triển khai các sáng kiến kỹ thuật số cho Chính phủ. Những đơn vị này có thể được đặt trong bộ máy của Chính phủ, nhưng cấu trúc có thể khác nhau.

Hai là, hạ tầng cơ sở số là nền tảng cơ bản cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền móng, vật liệu để xây dựng nên chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Trong đó, hạ tầng dữ liệu (băng thông rộng) đặc biệt quan trọng, đều được các nước và Singapore chú trọng phát triển, tuy ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tăng cường áp dụng các công nghệ số tiên tiến khác, như phát triển, ứng dụng AI, định danh điện tử, dữ liệu số và các giải pháp thông minh vào hoạt động quản trị.

Để hình thành thói quen số, Chính phủ cần quy định bắt buộc và tăng dần số giao dịch điện tử bắt buộc giữa doanh nghiệp và công dân với các cơ quan nhà nước. Hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, giảm gánh nặng hành chính bằng công nghệ số. Tạo các ưu đãi về thuế, phí cho doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ số.

Ba là, trong phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc hình thành hệ sinh thái, trung tâm đổi mới sáng tạo để thực hiện hoạt động R&D trong lĩnh vực ICT, tạo môi trường cho phép các doanh nghiệp hợp tác phát triển cấp các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng doanh nghiệp trực tuyến, có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ thông tin và công nghệ số.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển các ứng dụng, giải pháp thông minh phục vụ cho chuyển đổi số an toàn, thân thiện với người Việt Nam. Phát triển các khu đô thị sáng tạo để phát huy năng lực đổi mới sáng tạo – nguồn lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển AI để thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Bốn là, xây dựng môi trường pháp lý, chính sách bảo đảm an toàn, tin cậy cho chuyển đổi số quốc gia. Quy chế phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu ở tất cả các cấp, các ngành trong khu vực công và tư. Xây dựng chiến lược an toàn thông tin mạng quốc gia, nhằm mục tiêu xây dựng một không gian mạng an toàn, đối phó với các thách thức an toàn an ninh thông tin, nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân về các mối đe dọa từ không gian mạng, tăng cường sự tin tưởng của người dân khi tham gia vào không gian mạng. Kết hợp với đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, nhận thức về lợi ích, cơ hội cũng như các kỹ năng cần thiết giúp người dân, doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, Việt Nam cần nghiên cứu xác định lộ trình và các bước ưu tiên trong việc thực hiện các nội dung của ba trụ cột chuyển đổi số (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) và có các giải pháp thúc đẩy các yếu tố nền tảng nêu trên để giúp tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số.

4. Kết luận

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, bối cảnh phát triển của đất nước có nhiều thay đổi, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội để duy trì mức độ tăng trưởng trong bối cảnh phát triển mới. Đặc biệt, Việt Nam cần có các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm bằng việc sử dụng các công nghệ và nền tảng số để thúc đẩy việc làm có năng suất, tăng cải thiện diện bao phủ cũng như hiệu quả của chính phủ số, kinh tế số và các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, đào tạo, y tế, hệ thống an sinh xã hội, đưa các cơ hội trong các lĩnh vực này đến với các nhóm yếu thế trong xã hội. Theo hướng đó, bên cạnh việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung, chúng ta cũng cần có các giải pháp hiệu quả để giúp những người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động có ít kỹ năng thu hẹp khoảng cách số với các nhóm khác trong xã hội. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để các nhóm yếu thế có thể tham gia và thụ hưởng từ quá trình tăng trưởng, không bị bỏ lại phía sau trong quá trình này trong thời đại số.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo e-Conomy SEA (2024). https://vneconomy.vn/techconnect/google-temasek-va-bain-company-nhan-manh-ai-va-ban-dan-la-hai-linh-vuc-uu-tien-cua-viet-nam.htm.
2. Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2020. https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government- Survey-2020.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). Đề án xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Bùi Quang Tuấn – Hà Huy Ngọc (2023). Chuyển đổi số – Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
5. Liên hiệp quốc (2020). Chỉ số Phát triển con người năm 2019 – 2020.
6. Kinh tế Việt Nam: 40 năm đổi mới và kỷ nguyên vươn mình. https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-40-nam-doi-moi-va-ky-nguyen-vuon-minh-301983.html#google_vignette, ngày 30/01/2025.
7. Singapore Government Agency (2025). https://www.imda.gov.sg/-/media/Imda/Files/SG-Digital/SGD-Framework- For-Action.pdf.
8. Singapore: Digital Economy Framework for Action. https:// www.imda.gov.sg/-/media/files/SG-Digital/SGD-framework-for-Action.pdf. Last update 16/5/2024.
9. Smart Nation Singapore (2018). Smart Nation Programme Office: “About Smart Nation. http:// www.smartnation.sg/about-smart-nation.
10. Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám thống kê năm 2021. H. NXB Thống kê.
11. WEF (2019). World Economic Forum: The Global Competitiveness Report 2019. https://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitiveness Report 2019.pdf.
11. United Nations: Human Development Report 2020. https:// hdr.undp.org/system/files/documents//hdr2020pdf.pdf.