Yêu cầu về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay

TS. Nguyễn Thị Như Huế
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính có vai trò quan trọng đối với mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, nhất là với sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bài viết làm rõ những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính; trên cơ sở đó, vận dụng vào việc giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên, bao gồm: thực trạng và đề xuất các yêu cầu giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục; cần, kiệm, liêm, chính; sinh viên; các trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung, biện pháp quan trọng của mục tiêu giáo dục, đào tạo, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Thông qua việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên mà hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện phẩm chất, nhân cách cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “đất nước có vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình hay không, đến năm 2045 có sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước nguyện của toàn dân tộc hay không, phụ thuộc rất lớn vào đóng góp lực lượng thanh niên – thế hệ tương lai của đất nước, những người kế bước cha anh gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1. Do vậy, trong quá trình giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên cần quán triệt và thực hiện tốt những yêu cầu của Đảng, Nhà nước bảo đảm cho việc giáo dục đi đúng hướng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho con người, nhất là với cán bộ, đảng viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đặt ra. Người đã xem cần, kiệm, liêm, chính là một trong những phẩm chất cấu thành nên nhân cách con người. Người chỉ rõ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người”2. Đây chính là 4 đức tính rất quan trọng không thể thiếu được trong hành trình phát triển nhân cách của con người.

Bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính của con người cũng giống như quy luật của tự nhiên, không thể thay đổi, đảo ngược lại được; chỉ có khác, bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính của con người sẽ trở thành hiện thực thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua việc nhận thức sâu sắc và có ý chí quyết tâm cao trong tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để trở thành những người “vừa hồng”, “vừa chuyên” góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời về thực hiện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, về sự thống nhất giữa lời nói và hành động. Mỗi một động tác, hành động, cử chỉ của Người đều toát lên sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, có sự ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp Nhân dân, trở thành biểu tượng sáng ngời của đức tính, phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam. Bằng hoạt động thực tiễn đắm mình vào phong trào công nhân, quần chúng nhân dân lao động, thấu hiểu những mất mát, đau thương, hy sinh của dân tộc chịu sự đè nén áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luận giải sâu sắc giá trị văn hoá, đạo đức của đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Đó không chỉ là những đức tính của con người cụ thể mà đã trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội để mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên điều chỉnh suy nghĩ, hành động đúng với bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai… Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cho cẩn thận, sắp đặt gọn gàng3. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi4. Liêm là trong sạch, không tham lam… Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm… Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong Nhân dân5.

Người còn chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”6. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đúng đắn, thẳng thắn tức là tà. Cần kiệm, liêm là gốc của chính”7. Cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại, không tách rời nhau, là sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau, thực hiện tốt đức tính này là cơ sở, tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các đức tính tiếp theo; không được tuyệt đối hoá, coi trọng bất kỳ một đức tính này mà hạ thấp, xem thường một đức tính kia. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn… Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), chính là thiện”8.

Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính có giá trị sâu sắc đối với mỗi con người, được thể hiện ở chỗ, Người luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của việc rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính để trở thành người cách mạng chân chính. Người cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Có đức tính cần, kiệm, liêm, chính con người mới vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, kèn cựa, cục bộ, địa phương, hủ hoá, quan liêu, hách dịch. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đạo đức mới, là cội nguồn, gốc dễ để con người, nhất là cán bộ, đảng viên luôn “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Người chỉ rõ những nội dung, cách thức, phương pháp học tập, rèn luyện để có được đức tính cần, kiệm, liêm, chính và mối quan hệ giữa cần và kiệm, giữa liêm và chính trong thực tiễn thực hành công việc của mỗi con người. Cần, kiệm, liêm, chính là sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, là sự phấn đấu hy sinh suốt đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng thời, Người cũng xác định rõ việc rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính của mỗi con người là nhiệm vụ suốt đời, không ngừng, không nghỉ, tiến hành thường xuyên, liên tục, bền bỉ ở mọi lúc, mọi nơi. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, mang tính thời sự nóng hổi, đặt ra cho mỗi người cần phải học tập và làm theo để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

3. Thực tiễn công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên hiện nay

Sinh viên – thế hệ trẻ được coi là giường cột, tương lai của đất nước, là nguồn nhân lực chính trong xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh những giá trị hiện đại phù hợp với thế hệ trẻ thì việc kế thừa, phát huy và giáo dục những giá trị truyền thống, như: cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên cần được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo của nhà trường. Giáo dục đạo đức cần, kiệm, liêm, chính từ sớm giúp sinh viên hình thành nhân cách tốt, tránh các hành vi tiêu cực, như: quay cóp, gian lận trong thi cử, chạy điểm. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên ngay từ trong nhà trường trước khi trở thành cán bộ. Đây là nền tảng để sau này thế hệ trẻ trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội.

Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính đã được cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức và triển khai trong các trường, các cơ quan, tổ chức. Có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, như: tổ chức những chương trình toạ đàm, nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức các hoạt động phong trào hè tình nguyện, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng gương điển hình tiên tiến trong học tập, rèn luyện, tuyên dương, biểu dương, khen thưởng có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện, nhất là những tấm gương sinh viên nghèo vượt khó, có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện; gắn việc học tập với tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn các khu di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng…

Tổ chức những hội thi, hội thao tuyên truyền viên về ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng, những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với đó, các chủ thể lãnh đạo, quản lý làm tốt công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, đặt ra yêu cầu cao cho sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Đại bộ phận tuyệt đối sinh viên có đức tính cần, kiệm, liêm, chính trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Sinh viên chịu khó, cần cù, thông minh, có chí tiến thủ, không ngại khó, ngại khổ; có tinh thần yêu nước, sống có tình thương, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều sinh viên đã khẳng định được vị thế, uy tín của bản thân trong môi trường học tập. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá: “Nhiều thanh niên, sinh viên tình nguyện, không quản khó khăn, gian khổ đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để dạy học, sửa chữa nhà cửa, khám chữa bệnh giúp dân”9.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên còn một số hạn chế: ở một số nơi việc giáo dục còn mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và hành vi của sinh viên. Phương pháp giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên còn nặng về lý thuyết, thiếu gắn kết với thực tiễn xã hội, với yêu cầu, nhiệm vụ của mục tiêu giáo dục, đào tạo; nội dung giảng dạy khô cứng, thiếu sức thuyết phục và chưa vận dụng linh hoạt, sáng tạo hình thức, phương pháp giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên.

Một số sinh viên thiếu nỗ lực, cố gắng trong học tập, rèn luyện, còn ngại khó, ngại khổ, ngại rèn, chưa tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, thiếu thốn, chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin, nội dung có liên quan đến quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ cho việc học tập, rèn luyện sau khi tốt nghiệp ra trường. Thậm chí có một bộ phận sinh viên sống thiếu mục tiêu, lý tưởng, không có động cơ, phấn đấu vươn lên, gặp khó khăn, thất bại nản lòng, nhụt chí, bản lĩnh không vững. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “còn một bộ phận giới trẻ sống thiếu lý tưởng và hoãi bão, thực dụng, ích kỷ, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chấp hành pháp luật không nghiêm, xa vào chủ nghĩa cá nhân, khả năng hội nhập hạn chế, yếu kém cả về thể chất lẫn tinh thần, để phí hoài tuổi trẻ”10.

4. Một số giải pháp

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.

Các chủ thể lãnh đạo, quản lý cân quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên bám sát quan điểm của Đảng, trọng tâm là: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương (khoá XIII), các bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội… Trên cơ sở đó, cụ thể hoá vào nhiệm vụ học tập, rèn luyện của sinh viên ở các trường đại học một cách linh hoạt, sáng tạo với đặc điểm, tính chất giáo dục, đào tạo của từng chuyên ngành.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, khoa giáo viên, phòng, ban quản lý sinh viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn trong tuyên truyền, phổ biến kế hoach, chương trình hành động hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của sinh viên; xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn, có ý chí khát vọng vươn lên trong học tập, không cam chịu thua thiệt bạn bè, nỗ lực phấn đấu không ngừng, không nghỉ. Đặt nhiệm vụ trọng tâm giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính ứng với từng lời nói, hành động cụ thể, thiết thực; không lơ là, chủ quan, ngủ quên trên vùng nguyệt quế, kiêu ngạo cộng sản; luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội, bạn bè để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, phát huy ưu điểm, mặt tốt trong mọi lĩnh vực, hoạt động của đời sống xã hội, trước mắt là phục vụ cho nhiệm vụ học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.

Kiểm tra, uốn nắn những nhận thức chưa đúng trong sinh viên về nhiẹm vụ học tập, rèn luyện, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người học. Bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh việc giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên bám sát những định hướng của Đảng, phục vụ hữu ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chỉ có trên cơ sở đó, mới bảo đảm cho hoạt động giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên đi đúng hướng, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đào luyện ra những lớp sinh viên có phẩm chất, năng lực tiếp tục kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

Hai là, giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên gắn với đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp.

Về nội dung: các chủ thể lãnh đạo, quản lý giáo dục cần tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên theo hướng cơ bản, thiết thực, chuyên sâu gắn với thực tiễn và nhu cầu của xã hội, coi trọng hoạt động thực tiễn, thực hành nêu gương của cán bộ, đảng vien, gương người tốt, việc tốt. Lồng ghép các nội dung giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh với những vấn đề mới của xã hội, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động với cách mạng Việt Nam. Nội dung giáo dục Cần cho sinh viên cần hướng vào giáo dục tinh thần chịu đựng gian khó, dám đương đầu với những điều kiện không thuận lợi để giải quyết vấn đề. Loại bỏ tư tưởng bình quân chủ nghĩa đối với sự cống hiến và hưởng thụ, tránh thái độ chây lười, ỷ lại. Kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và tập thể, coi lợi ích cá nhân chính đáng là một trong những động lực thúc đẩy con người học tập, lao động hăng say, trách nhiệm trong lao động, sản xuất.

Giáo dục Kiệm cho sinh viên, cần hướng vào làm cho sinh viên luốn làm việc một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm kế hoạch, việc hôm nay chớ để ngày mai, tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như chơi trò chơi điện tử, nói chuyện phiếm trên zalo, facebook; phải tranh thủ thời gian để học tập bổ sung kiến thức, kỹ năng mới, tránh lãng phí thời gian vào những việc vô bổ. Thực hiện những việc làm thiết thực gắn với cuộc sống hàng ngày như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm điện, nước; biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý; tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào, các hoạt động xã hội, xung kích, tình nguyện, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giáo dục tinh thần tiết kiệm đi đôi với chống lãng phí cho sinh viên. Giáo dục cho sinh viên thực hành tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí nhưng không được bủn xỉn, hà tiện, phải cân đối lợi ích cá nhân và tập thể để chi tiêu, sử dụng tiền bạc, công sức và thời gian hợp lý, khoa học; việc gì cần chi, cần tiêu vẫn phải chi tiêu.

Giáo dục Liêm, Chính cho sinh viên cần tập trung vào giáo dục sự trong sạch, không tham lam, đặc biệt là không tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Không tham vọng quyền lực, không dùng thẩm quyền được giao của mình để trục lợi. Không sợ gian khổ, hy sinh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong tập thể. Đối với mình, không tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh ngưòi khác phê bình mình, vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính, không che giấu khuyết điểm của nhau.

Về hình thức, phương pháp. những nội dung giáo dục neu trên đòi hỏi sự đa dạng, phong phú, phù hợp với nội dung giáo dục cần, kiệm, liêm, chính và đối tượng giáo dục. Cần chuyển đổi từ lối truyền đạt nặng về lý thuyết sang khuyến khích thảo luận, trao đổi, xử lý tình huống thực hành liêm, chính. Tận dụng tốt các ưu thế của mạng xã hội, sáng tạo nội dung đa phương tiện để tuyên truyền sâu rộng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên.

Mỗi phương pháp giảng dạy đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, bởi vậy trong giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cần kết hợp các phương pháp nhằm sử dụng hiệu quả ưu điểm và khắc phục hạn chế của mỗi phương pháp giúp cho bài giảng hấp dẫn, hiệu quả hơn. Một số phương pháp cơ bản cần áp dụng trong giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên đó là:

Phương pháp thuyết trình được sử dụng để phân tích các nội dung cơ bản về cần, kiệm, liêm, chính và các giá trị liên quan, giúp người học hiểu kiến thức nền tảng, ở phương pháp này, giảng viên sử dụng nghệ thuật tuyên truyền miệng, kỹ năng thuyết trình hiệu quả để truyền cảm hứng, tạo sự hấp dẫn trong bài giảng.

Phương pháp tình huống được sử dụng để đưa các tình huống thực tiễn vào giảng dạy giúp đối tượng giáo dục có cái nhìn trực quan hơn về vấn đề cần kiệm liêm chính, đưa ra các trường hợp cụ thể về sự chây ì, lười nhác, lãng phí, tham nhũng, gian lận hoặc hành vi liêm chính để sinh viên phân tích và rút ra bài học.

Phương pháp thảo luận nhóm tạo các chủ đề tranh luận về đạo đức, về giá trị cần kiệm liêm chính và cách giải quyết các tình huống thực tiễn. Tăng cường tổ chức các buổi thảo luận nhóm, tranh luận về chủ đề cần kiệm liêm chính giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng lập luận, phản biện và bảo vệ quan điểm của mình. Đặc biệt, ứng dụng các nền tảng trực tuyến, phần mềm học tập tương tác, video mô phỏng và diễn đàn thảo luận giúp sinh viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, linh hoạt. Giảng viên tổ chức các nhóm để sinh viên cùng nhau thảo luận, phân tích vấn đề liên quan đến cần, kiệm, liêm, chính, từ đó khuyến khích tư duy phản biện, sự đánh giá của sinh viên về vấn đề cụ thể cũng như sự sáng tạo của sinh viên trong đề xuất giải pháp.

Phương pháp nêu gương là phương pháp vô cùng phù hợp với giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục cần kiệm liêm chính nói riêng. Giảng viên nêu các tấm gương điển hình, các câu chuyện về những sinh viên hoặc tổ chức tiêu biểu có hành động cần, kiệm, liêm, chính để truyền cảm hứng, tạo động lực cho sinh viên, để lan tỏa, nhân rộng cái tốt, giúp sinh viên tìm hiểu và học hỏi từ những tấm gương về cần kiệm liêm chính từ đó sinh viên tự soi tự sửa mình. Giảng viên cũng phải gương mẫu thực hiện hành vi cần kiệm liêm chính, tạo ảnh hưởng tích cực đến sinh viên.

Phương pháp giảng dạy hiện đại, sinh động, gắn với thực tiễn để nâng cao hiệu quả giáo dục. Khuyến khích đối tượng giáo dục tự nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng các dự án thực tế liên quan đến liêm chính. Phương pháp trải nghiệm thực tế, gắn lý luận với hoạt động thực tiễn, tạo môi trường học tập rèn luyện cho sinh viên như các phong trào đoàn thanh niên, các cuộc vận động, thi tìm hiểu, các buổi học tập trải nghiệm, tham quan thực tế. Thực hiện các dự án thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; tổ chức cho sinh viên thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; thực hiện các chiến dịch truyền thông, chia sẻ thông tin, câu chuyện về liêm chính trên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa giá trị tích cực.

Ba là, giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên gắn với đặt ra yêu cầu cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất của đội ngũ giảng viên.

Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng trong giáo dục cần kiệm liêm chính, cần phải chú ý hơn về việc nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đảm trách công tác giáo dục cần kiệm liêm chính, bảo đảm có đủ hiểu biết sâu sắc và phương pháp giảng dạy hiệu quả. Đội ngũ giảng viên cần đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, giảng viên phải hiểu rõ và phân tích cho sinh viên các quy chuẩn đạo đức về cần kiệm liêm chính, các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt liên hệ với ngành nghề sinh viên đang theo học; có kĩ năng giảng dạy sáng tạo, hấp dẫn, xử lý tình huống linh hoạt, giúp sinh viên hiểu và thực hành các giá trị cần kiệm liêm chính.

Về phẩm chất đạo đức, giảng viên là những người có ảnh hưởng đến tư tưởng, tri thức của xã hội nên cần làm gương về đạo đức liêm chính, tránh tình trạng đạo văn, chạy theo danh hiệu mà không có đóng góp thực sự cho khoa học và giáo dục, giảng viên phải là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, minh bạch trong mọi hoạt động giảng dạy và ứng xử; luôn công bằng trong đánh giá sinh viên, tránh thiên vị hay lợi dụng vị trí để trục lợi; sẵn sàng đấu tranh với các hành vi tiêu cực trong giáo dục. Về phương pháp giảng dạy, giảng viên vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung bài giảng, không chỉ dạy lý thuyết mà còn lồng ghép các tình huống thực tế, cho sinh viên trải nghiệm thực tế nhằm vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hiện thực hoá các nội dung cần kiệm liêm chính trong hành động; hướng dẫn sinh viên tranh luận, thảo luận, giải quyết vấn đề cần kiệm liêm chính trong xã hội.

Bốn là, giáo dục đức tính cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên gắn với việc bảo đảm các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

 Để thực hiện hiệu quả giáo dục cần, kiệm, liêm, chínhcho sinh viên thì các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, hệ thống thư viên, tài liệu… góp phần không nhỏ. Tăng cường các phương tiện hỗ trợ quá trình giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, như: tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng: bao gồm các loại hình báo chí, internet, mạng xã hội, cổ động trực quan,được chuyển tải thông qua những thông tin có tính thời sự, gắn với thực tế, định hướng dư luận kịp thời. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tài liệu giáo dục cần kiệm liêm chính sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, dễ tiếp cận và dễ áp dụng đối với sinh viên, như: sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu tham khảo, bài giảng trực tuyến; tổ chức các hội thảo, toạ đàm khoa học sinh viên về đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính. Xây dựng các khóa học trực tuyến về cần, kiệm, liêm, chính với nội dung đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.

5. Kết luận

Giáo dục cần, kiệm, liêm, chính không chỉ tập trung các yêu cầu về nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục và đội ngũ giảng viên; giáo dục cần, kiệm, liêm, chính không chỉ thông qua lý thuyết mà còn cần kết hợp thực hành, giúp sinh viên áp dụng các giá trị và kỹ năng trong thực tiễn để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển. Sinh viên là thế hệ chủ lực trong công cuộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc nên việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính cho sinh viên phải đặt vào nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực bên cạnh đào tạo tri thức, kỹ năng cho sinh viên. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong nhiều vấn đề lớn của đất nước; xem thanh niên là nhân tố chủ chốt trong việc định hình và phát triển tương lai của đất nước; coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; là sự trường tồn của dân tộc”11.

Chú thích:
1, 9, 10, 11. Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029. https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-hoi-lien-hiep-thanh-nien-viet-nam-lan-thu-ix-102241218204130301.htm.
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 117, 118, 122, 126 – 127, 128, 129, 129.