ThS. Lê Quỳnh Anh
Đại học New South Wales
(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh (FDI xanh) ngày càng trở thành yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để thu hút dòng vốn này. Trên cơ sở phân tích thực trạng thu hút nguồn vốn FDI xanh vào Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp Việt Nam vượt qua rào cản, khơi thông dòng chảy đầu tư xanh và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Từ khóa: FDI xanh, Việt Nam; giải pháp; thu hút; vốn đầu tư trực tiếp.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh (FDI xanh) ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thân thiện với môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Với những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26 về giảm phát thải và hướng tới nền kinh tế xanh vào năm 2050, Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để thu hút dòng vốn FDI xanh đầy tiềm năng này.
Nguồn vốn FDI xanh không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, tạo việc làm mới mà còn góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao vị thế quốc tế và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả để khơi thông dòng chảy FDI xanh vào Việt Nam trở nên vô cùng cấp thiết, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
2. Vai trò và ý nghĩa then chốt trong ưu tiên thu hút FDI xanh vào Việt Nam
FDI xanh (Green Foreign Direct Investment) là một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án thân thiện với môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã và đang quyết tâm thúc đẩy FDI xanh như một trụ cột trong chiến lược phát triển này. Điều đó được thể hiện qua: (1) Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 năm 2021 trong việc cắt giảm khí thải và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững không phát thải vào năm 2050; (2) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022). Trong đó, nêu rõ: tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài… Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững, đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục gia tăng quy mô và tốc độ thu hút đầu tư FDI nhằm phát huy vai trò tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và xây dựng nền kinh tế xanh.
Có thể thấy, FDI xanh không chỉ đơn thuần là nguồn vốn mà còn có vai trò và ý nghĩa then chốt quan trọng, như:
(1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững: FDI xanh mang đến nguồn vốn với các dự án thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế chất lượng, bền vững.
(2) Chuyển giao công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý xanh: các dự án FDI xanh thường kèm theo quy trình sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế về bảo vệ môi trường, giúp Việt Nam làm chủ công nghệ và quản lý trong lĩnh vực này.
(3) Tạo việc làm chất lượng cao: việc thu hút FDI xanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với kỹ năng và trình độ cao hơn, mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề xã hội.
(4) Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: FDI xanh tập trung vào các dự án ít phát thải, như: lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, công nghệ sạch… đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
(5) Nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế: thu hút thành công FDI xanh khẳng định cam kết của Việt Nam đối với phát triển bền vững và có trách nhiệm đối với môi trường toàn cầu, nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội hợp tác và hội nhập quốc tế liên quan đến các lĩnh vực phát triển xanh.
(6) Hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững: ưu tiên FDI xanh là một bước đi cụ thể và hiệu quả để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia, hướng tới một tương lai xanh, sạch và thịnh vượng.
(7) Bảo đảm an ninh năng lượng và tài nguyên: FDI xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cho các thế hệ tương lai.
(8) Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: các ngành công nghiệp xanh cũng tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh hơn, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Như vậy, thu hút FDI xanh không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong bối cảnh mới. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, việc đón nhận FDI xanh chính là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là yếu tố then chốt để chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI xanh vào Việt Nam
Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 20501, đã có nhiều dự án FDI xanh mới chất lượng cao lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, trong đó có nhiều dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động tới môi trường:
Thứ nhất, dòng vốn FDI xanh vào các ngành năng lượng tái tạo. Đây là một trong các giải pháp quan trọng trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy tự chủ năng lượng. Trong giai đoạn 2015 – 2022, nguồn vốn này đạt 106,8 tỷ USD, điều này cho thấy, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo2. Một số dự án điển hình:
(1) Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận: là dự án đang được phát triển bởi đơn vị quản lý dự án cao cấp của CIP là COP (đơn vị quản lý tất cả dự án điện gió ngoài khơi trên toàn thế giới). Dự án có công suất 3,5 GW, với tổng số vốn đầu tư 10,5 tỷ USD. Dự án có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 7 triệu gia đình Việt Nam, giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2, đồng thời đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam, tạo ra hơn 45.000 công việc tương đương toàn thời gian3.
(2) Năm 2024, Tập đoàn Năng lượng Mỹ AES Corporation đã ký kết hợp đồng đầu tư 2 tỷ USD vào dự án điện gió ngoài khơi có công suất 2.000 MW tại tỉnh Quảng Trị4.
(3) Dự án năng lượng mặt trời áp mái do CME Solar đầu tư và triển khai giai đoạn đầu tiên tại SEV có công suất 2,38 MWp, dự kiến sản xuất lượng điện sạch tương đương 2,59 triệu kWh mỗi năm và giúp giảm phát thải khoảng 2460 tấn CO₂. Đây là dự án hợp tác giữa Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và CME Solar nhằm phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo tại các cơ sở sản xuất của Samsung tại Việt Nam, thể hiện cam kết của Samsung về trách nhiệm đối với môi trường và xã hội Việt Nam cũng như toàn thế giới, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cũng như kiến tạo một tương lai xanh hơn cho thế hệ sau5.
Thứ hai, dòng vốn FDI xanh đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp:
(1) Nhà máy LEGO (là tập đoàn sản xuất đồ chơi cho trẻ em của Đan Mạch) thành lập tại tỉnh Bình Dương là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn LEGO. Dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến tạo ra hơn 4.000 việc làm. Hiện nay, Tập đoàn LEGO đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái với tổng công suất dự kiến khoảng 7,34 MWp, tương đương với điện năng cần thiết cho 1.270 hộ gia đình trong một năm. Còn dây chuyền đóng gói tại nhà máy sẽ sử dụng túi giấy thay cho loại túi nhựa để đóng gói những viên gạch LEGO. Nhà máy cũng hướng đến mục tiêu không tạo ra rác thải chôn lấp như tại các nhà máy khác của Tập đoàn LEGO. Hiện nay, Tập đoàn LEGO thực hiện bằng cách cùng VSIP (khu công nghiệp Việt Nam – Singgapore) trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho thảm thực vật bị thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà máy. Đây là dự án điển hình về phát triển xanh và bền vững6.
(2) Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao của Công ty TNHH Năng lượng xanh T&J (T&J Green Energy, Nhật bản) đặt tại tỉnh Bắc Ninh, là dự án được đầu tư công nghệ xử lý của Nhật Bản. Nhà máy được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép môi trường và tiếp nhận, xử lý chất thải rắn chính thức vào quý II/2024. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 74 triệu USD. Trong đó, Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ 20 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD). Khi đi vào hoạt động, Nhà máy có công suất xử lý 600 tấn rác thải mỗi ngày, giúp giảm lượng rác thải chôn lấp tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và ở Việt Nam nói. Từ đó giảm thiểu các tác động đến môi trường đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt điện năng nhờ đốt rác thải và tận dụng thu hồi nhiệt năng sinh ra trong quá trình đốt để tạo năng lượng điện (tái chế nhiệt). Ước tính, Nhà máy bổ sung vào lưới điện quốc gia ước tính khoảng 100 triệu kWh/mỗi năm7.
(3) An Phát 1 – khu công nghiệp xanh đã thu hút gần 20 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 500 triệu USD, trở thành một trong những khu công nghiệp thu hút được số vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại Hải Dương kể từ đầu năm 2023 đến nay. Công ty lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp thuộc ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng, phải có phương án xử lý rác thải, khí thải và nước thải đạt chuẩn, không gây hại cho môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng cây xanh cũng được mở rộng, giúp giảm lượng khí thải carbon8.
Thứ ba, đầu tư vốn FDI xanh vào lĩnh vực nông nghiệp xanh đã lan tỏa giá trị tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn: Nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và các sáng kiến hợp tác đa bên về nông nghiệp bền vững. Chương trình Nescafé Plan, trong 14 năm (2011 – 2025) đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê thực hành canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế 4 C. Chương trình giúp các hộ nông dân giảm 40-60% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học, đồng thời tăng 30-150% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý, cũng như giảm lượng phát thải các-bon trên mỗi kilogram cà phê xanh thu hoạch được. Chương trình cũng đào tạo hơn 467.000 nông dân, hỗ trợ cung cấp hơn 86 triệu cây cà phê giống chống chịu hạn và sâu bệnh, góp phần tái canh cây cà phê, và nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt9.
Từ thực trạng thu hút FDI xanh vào Việt Nam hiện nay cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút vốn FDI xanh. Dòng vốn này tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo, phát triển khu kinh tế và khu công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh. Xu hướng phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu về môi trường và phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt sau cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050. Các dự án FDI xanh chất lượng cao không chỉ mang lại nguồn vốn quan trọng mà còn góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy một tương lai xanh hơn cho Việt Nam; đồng thời có tác động tích cực tới môi trường thông qua việc ra đời những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguyên liệu hoặc nguồn năng lượng truyền thống và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất hoặc các kinh nghiệm tốt về bảo vệ môi trường.
Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh và ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút hiệu quả FDI xanh, song nguồn vốn FDI xanh đầu tư vào Việt Nam vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: chưa xác định được tiêu chí rõ ràng như thế nào là FDI xanh; chưa có chính sách hấp dẫn để khuyến khích và thu hút vốn FDI xanh; thủ tục hành chính còn rườm rà; thiếu minh bạch; những bất cập trong Luật Đất đai như tính thiếu ổn định và không rõ ràng trong quyền sử dụng và chuyển nhượng đất, đang là rào cản lớn đối với các dự án dài hạn. Ngoài ra, các quy định mới về bảo mật dữ liệu cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi triển khai kế hoạch đầu tư10; những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của Liên minh châu Âu (EU), Việc bảo đảm nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương cũng là một thách thức không nhỏ của Việt Nam11.
4. Một số giải pháp
Một là, cần cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể: (1) Cần cải cách thủ tục hành chính (rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư cho các dự án xanh); (2) Ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa quy trình để tăng tính minh bạch và hiệu quả.
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi hấp dẫn: (1) Cần ban hành các tiêu chí phân loại dự án FDI xanh để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Điều này giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định và tuân thủ, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và giám sát; (2) Thiết kế các gói ưu đãi đặc thù, hấp dẫn hơn cho các dự án FDI xanh, bao gồm ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ xanh), tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng xanh, hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh chóng và minh bạch; (3) Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần tăng cường thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nông sản nói chung để hạn chế hàng giả và sản phẩm nhập lậu, tăng nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận; (4) Bảo đảm các quy hoạch ngành, vùng và địa phương đều ưu tiên thu hút và phát triển các dự án xanh, tạo sự đồng bộ và nhất quán trong chính sách.
Ba là, phát triển hạ tầng xanh và bền vững: (1) Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời để bảo đảm cung cấp năng lượng sạch và ổn định cho các dự án FDI xanh; (2) Đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, logistics xanh để giảm chi phí và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; (3) Đẩy mạnh quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo mô hình sinh thái, tuần hoàn.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
(1) Định hướng trong giáo dục – đào tạo: tích hợp kiến thức về phát triển bền vững và công nghệ xanh vào chương trình giảng dạy: đưa các nội dung về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường, công nghệ sản xuất sạch vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học, đặc biệt là ở các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề khối kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý; mở thêm các ngành, chuyên ngành đào tạo trực tiếp liên quan đến lĩnh vực FDI xanh như quản lý năng lượng, kỹ thuật môi trường, công nghệ năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, quản trị dự án xanh, tài chính xanh; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động R&D trong lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI xanh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước; nhân lực làm việc trong các dự án FDI xanh cần có trình độ ngoại ngữ tốt (đặc biệt là tiếng Anh) và các kỹ năng mềm thiết yếu, như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả.
(2) Phát triển các kỹ năng chuyên biệt về kỹ năng vận hành máy móc, thiết bị công nghệ cao, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Có thể xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên sâu về công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp bền vững… được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề trong lĩnh vực xanh theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh của lao động Việt Nam.
(3) Hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp – Nhà nước: doanh nghiệp chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục, trong đó sẽ tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, đánh giá kết quả đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp; Nhà trường có chức năng điều chỉnh linh hoạt chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp; Nhà nước: tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình đào tạo trọng điểm.
Năm là, thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên và hiệu quả giữa Chính phủ và nhà đầu tư FDI xanh để lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.
Sáu là, tích cực quảng bá những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xanh và bền vững trên các diễn đàn quốc tế, thông qua các kênh truyền thông đa dạng. Đồng thời, tổ chức các diễn đàn, hội thảo quốc tế để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm năng trao đổi thông tin và tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào các dự án xanh tại Việt Nam.
Bảy là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng: nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò, lợi ích của FDI xanh đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện để cộng đồng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về môi trường của các dự án FDI.
Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế: chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững để nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi đầu trong thu hút FDI xanh để áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Chú thích:
- Thủ tướng cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-cam-ket-dat-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2050-1244307.ldo.
- Năng lượng tái tạo: Chìa khóa để Việt Nam hút FDI xanh. https://evn.com.vn/d/vi-VN/news/Nang-luong-tai-tao-Chia-khoa-de-Viet-Nam-hut-FDI-xanh-60-17-501110.
- Dự án điện gió ngoài khơi. https://www.laganoffshorewind.vn/vi, truy cập ngày 30/8/2023.
- Vốn FDI chảy vào ngành năng lượng tái tạo dự kiến tăng gấp đôi trong 2024.https://tpm.com.vn/vi/von-fdi-chay-vao-nganh-nang-luong-tai-tao-du-kien-tang-gap-doi-trong-2024, ngày truy cập 31/12/2024.
- Bắc Ninh: Samsung Electronics Việt Nam khởi công dự án năng lượng mặt trời áp mái. https://vcci.com.vn/news/bac-ninh-samsung-electronics-viet-nam-khoi-cong-du-an-nang-luong-mat-troi-ap-mai.
- Khánh thành nhà máy LEGO trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. https://hanoimoi.vn/ khanh-thanh-nha-may-lego-trung-hoa-carbon-dau-tien-tren-the-gioi-698415.html.
- Bắc Ninh khánh thành nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng. https://www.evn.com.vn/d/vi-VN/news/Bac-Ninh-khanh-thanh-nha-may-xu-ly-chat-thai-ran-cong-nghe-cao-phat-nang-luong-60-635-122969.
- Khu công nghiệp “xanh” – luồng gió mới hút vốn FDI. https://baotainguyenmoitruong.vn/ /khu-cong-nghiep-xanh-luong-gio-moi-hut-von-fdi-d725866.html.
- Những thành tựu đạt được từ chương trình nescafé plan. https://www.nestle.com.vn/vi/chuong-trinh-nescafe-plan, truy cập ngày 15/3/2025.
- Thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp: vẫn còn nhiều việc cần làm. https://www.vcci.com.vn/news/thu-hut-dau-tu-fdi-vao-nong-nghiep-van-con-nhieu-viec-can-lam.
- Thu hút vốn FDI xanh: Lợi thế nhiều, thách thức lớn. https://congnghiepmoitruong.vn/thu-hut-von-fdi-xanh-loi-the-nhieu-thach-thuc-lon-14316.html.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thị Tuệ Anh (2016). Tác động trực tiếp của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Luận án tiến sỹ, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
- Lê Minh Tú (2012). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hàm lượng carbon thấp (Low – carbon FDI) cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Luận văn thạc sỹ, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
- Calderon, F. et al, 2013. Green investment Report: the ways and means to unlock private finance for green growth. World Economics Forum. New York, May 2013.
- Levis Mario, Muradoğlu Yaz Gulnur, Vasileva Kristina (2023). Herding in foreign direct investment. International Review of Financial Analysis, Elsevier, vol. 86(C).
- Áp dụng các mô hình hành vi đầu tư xanh cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/ /2024/09/05/ap-dung-cac-mo-hinh-hanh-vi-dau-tu-xanh-cho-cac-doanh-nghiep-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-tai-viet-nam.