Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 

ThS. Hồ Diệu Mai
NCS Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là giai đoạn phát triển tăng tốc, bứt phá, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong tiến trình ấy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ giữ vai trò then chốt, bởi đây chính là lực lượng chủ thể trực tiếp tiếp nhận, chuyển hóa và dẫn dắt các giá trị đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và hội nhập toàn cầu. Bài viết tập trung làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phân tích thực trạng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ Việt Nam trong những năm vừa qua và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển lực lượng này đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Từ khóa: Kỷ nguyên vươn mình; nhân lực trẻ; đào tạo; phát triển; khát vọng vươn lên.

1. Bối cảnh kỷ nguyên mới và yêu cầu đặt ra với nguồn nhân lực trẻ

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành quốc gia phát triển, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là giai đoạn được gọi là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đánh dấu sự chuyển mình toàn diện về tư duy phát triển, năng lực quản trị quốc gia và sức mạnh nội sinh của toàn xã hội. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Trong tiến trình đó, nguồn nhân lực trẻ – với vai trò là lực lượng lao động nòng cốt và chủ thể sáng tạo của tương lai – được xem là một trong những nhân tố chiến lược có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của mô hình phát triển mới của đất nước.​

Tuy nhiên, dù có lợi thế lớn về cơ cấu dân số vàng, chất lượng của lực lượng lao động trẻ Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2023, cả nước có hơn 52,4 triệu người trong độ tuổi lao động, song chỉ có khoảng 27% trong số đó có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo chính quy và số lao động trẻ có trình độ cao còn rất hạn chế. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên (15 – 24 tuổi) lên tới 7,63%, chiếm hơn 41% tổng số người thất nghiệp toàn quốc cho thấy sự lãng phí nguồn lực nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần bứt phá về nhân lực chất lượng cao1.

Ngoài ra, bên cạnh việc thiếu hụt về trình độ chuyên môn, nguồn nhân lực trẻ Việt Nam còn yếu về kỹ năng mềm, kỹ năng số, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước thường xuyên phản ánh tình trạng sinh viên ra trường thiếu khả năng làm việc nhóm, giao tiếp kém, thiếu chủ động và sáng tạo trong xử lý vấn đề thực tế. Đây là hệ quả của mô hình giáo dục còn nặng lý thuyết, ít thực hành, thiếu liên kết hiệu quả giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động2

Không chỉ vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế tri thức đang ngày càng định hình tương lai phát triển, Việt Nam lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ nhân lực trẻ trong các lĩnh vực mũi nhọn như: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, tài chính số… Những ngành nghề này không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu mà còn yêu cầu cao về tư duy đổi mới, năng lực ngoại ngữ, khả năng học tập liên tục và hội nhập quốc tế – những yếu tố mà phần lớn lao động trẻ Việt Nam còn yếu3.

Trước bối cảnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ Việt Nam phải được tiếp cận như một trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn mới. Không chỉ đơn thuần là tăng số lượng đào tạo hay mở rộng quy mô trường lớp, mà quan trọng hơn là đổi mới mô hình giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực toàn diện, tích hợp kỹ năng thực hành, tư duy số và năng lực khởi nghiệp. Cùng với đó, việc xây dựng các mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp) cần được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm bảo đảm đào tạo sát với thực tiễn, tạo ra lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh thực sự4.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, cần đặt trọng tâm vào việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển tài năng trẻ – bao gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo, chính sách ươm tạo khởi nghiệp, chương trình học bổng – du học – kết nối chuyên gia trẻ trong và ngoài nước. Mặt khác, các chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nhân tài cần được thiết kế theo nguyên tắc cạnh tranh quốc tế, lấy hiệu quả cống hiến làm thước đo, thay vì dựa trên thâm niên công tác hay hành chính hóa các tiêu chí tuyển chọn, đánh giá. 

Kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc không thể thành công nếu thiếu một lực lượng nhân lực trẻ thực sự chất lượng không chỉ có tri thức và kỹ năng mà còn có bản lĩnh, khát vọng và tinh thần trách nhiệm xã hội. Đầu tư cho nguồn nhân lực trẻ hôm nay chính là đầu tư cho tương lai phát triển phồn vinh, bền vững và có bản sắc của đất nước trong kỷ nguyên mới.​

2. Thực trạng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ trong những năm vừa qua

a. Những kết quả đã đạt được 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ, qua đó tạo tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển chiến lược trong kỷ nguyên mới. Những kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị, mà còn thể hiện sự chuyển biến về nhận thức xã hội đối với vai trò then chốt của lực lượng lao động trẻ trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trước hết, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam tiếp tục được phát huy, với lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, trong đó số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người. Đặc biệt, lao động trẻ (từ 15 đến 35 tuổi) chiếm hơn 50% tổng lực lượng lao động, trở thành trụ cột chính trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và tương lai gần. ​Cùng với đó, chất lượng đào tạocũng từng bước được nâng cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tính đến năm 2023 đạt 27%, tăng nhẹ so với các năm trước đó, phản ánh sự chuyển biến tích cực trong chính sách giáo dục – đào tạo nghề, nhất là tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Sự tăng trưởng này là kết quả của các chương trình nâng cao kỹ năng nghề nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) phối hợp triển khai cùng các địa phương và tổ chức quốc tế, như: ILO, GIZ, KOICA…5.​

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp tiếp tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 237 trường đại học và học viện, hơn 400 trường cao đẳng và hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều trường đã chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, tích hợp đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng số và thực hành nghề nghiệp ngay trong chương trình học. Các cơ sở như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học FPT… cũng đã và đang triển khai các chương trình đào tạo song bằng, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo với tầm nhìn dài hạn.​

Một trong những điểm sáng đáng lưu ý nữa là các chương trình đào tạo kỹ năng và khởi nghiệp dành cho thanh niên cũng đang có sự phát triển nhanh chóng. Từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2017, Đề án 1665 đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục đối với hoạt động khởi nghiệp. Trong giai đoạn 2020–2024, toàn quốc ghi nhận 33.808 dự án khởi nghiệp của sinh viên, 8.700 dự án của học sinh trung học phổ thông, cùng gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp được các cơ sở giáo dục đại học ươm tạo. Trong số này, có 12 doanh nghiệp đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, với mức đầu tư cao nhất đạt 1 tỷ đồng cho mỗi dự án.

Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Khoảng 90% học sinh trung học phổ thông và sinh viên được trang bị kỹ năng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, 58% nhà trường đã tích hợp nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính khóa; 110 cơ sở đào tạo bố trí không gian hỗ trợ khởi nghiệp và 10 trường đã thành lập quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Đáng chú ý, hơn 10.000 học sinh, sinh viên và 2.100 giảng viên đã được tuyên dương vì có thành tích tiêu biểu trong các hoạt động khởi nghiệp, cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục đang ngày càng định hình rõ nét. Cùng với Đề án 1665, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV.STARTUP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên từ năm 2018 đã trở thành bệ phóng cho hàng nghìn ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trải qua 7 mùa giải, cuộc thi đã thu hút hơn 8.100 ý tưởng, dự án, trong đó 80% có sản phẩm cụ thể và nhiều ý tưởng đã được đầu tư thương mại hóa thành công6.

Mặt khác, môi trường làm việc và điều kiện sống cho người lao động trẻ cũng đang dần được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng)7. Đặc biệt, mức thu nhập trong các ngành công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, logistics, kỹ thuật – tự động hóa… dành cho lao động trẻ có trình độ từ đại học trở lên đạt mức cao hơn trung bình, phản ánh sức hấp dẫn ngày càng tăng của các lĩnh vực mới trong nền kinh tế số. ​

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có những bước đi tích cực trong việc thể chế hóa các chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với các mục tiêu cụ thể về nâng cao trình độ học vấn, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường cơ hội việc làm và thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong thanh niên. Các chương trình như “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đặt ra yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực số với trọng tâm là thế hệ trẻ. ​Những kết quả này không chỉ tạo cơ sở cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn khẳng định vai trò thiết yếu của lực lượng lao động trẻ trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc trong thế kỷ XXI.

b. Những bất cập, hạn chế

Một là, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, thu nhập và điều kiện làm việc chưa đảm bảo

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao. Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng đầu năm 2023 là 7,63%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,19%, cao hơn 3,33 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. Điều này cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động cũng như hiệu quả của các chính sách tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế8. ​ Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2023 là 7,1 triệu đồng, tăng 146 nghìn đồng so với quý II/2023 và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn chưa tương xứng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Ngoài ra, điều kiện làm việc của nhiều lao động trẻ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống9. ​

Hai là, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Mặc dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,3% vào quý III năm 2023, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều chương trình đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Đặc biệt, kỹ năng mềm và kỹ năng số của lao động trẻ còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. ​

Ba là, sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo giữa các vùng miền

Sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo giữa các vùng miền cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng, dẫn đến sự bất bình đẳng trong phát triển nguồn nhân lực. Riêng với đối tượng trẻ em, chỉ có 37,8% trẻ em Khmer và 47,6% trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long được đi học mầm non, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em người Kinh là 80,2%. Điều này phản ánh sự chênh lệch đáng kể trong việc tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và dân tộc10. ​ 

Bốn là, thiếu liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng làm việc. Do đó, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và hiệu quả làm việc của lao động trẻ trong môi trường doanh nghiệp. Sinh viên mới ra trường thường thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề, làm giảm hiệu quả công việc và tăng chi phí đào tạo lại cho doanh nghiệp.​

Năm là, hạn chế trong chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, nhưng hiệu quả thực tế nhìn chung còn hạn chế. Nhiều thanh niên thiếu vốn, kỹ năng quản lý và mạng lưới kết nối để phát triển ý tưởng kinh doanh. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự tạo được động lực mạnh mẽ cho thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của thanh niên vẫn còn thấp, và tỷ lệ thất bại trong giai đoạn đầu vẫn ở mức cao.​ Theo nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 – 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng11.

Sáu là, tình trạng lao động phi chính thức và thiếu việc làm

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người có việc làm phi chính thức trong quý III năm 2023 là 33,4 triệu người, chiếm 65% tổng số lao động có việc làm. Điều này cho thấy, mặc dù có việc làm, nhưng nhiều lao động trẻ vẫn làm việc trong điều kiện thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và phúc lợi xã hội12. ​

c. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập 

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ, tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế và bất cập cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập kể trên có thể kể đến là:​

Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Chương trình đào tạo nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Do đó, dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thậm chí, có nhiều học viên sau khi được đào tạo nghề vẫn không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao trong nhóm lao động trẻ. 

Sự thiếu liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là một nguyên nhân quan trọng khác. Việc thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu kỹ năng từ phía doanh nghiệp khiến cho các cơ sở đào tạo không thể điều chỉnh chương trình học phù hợp. Từ đó, dẫn đến sự “lệch pha” giữa cung và cầu lao động, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo.​

Chính sách và cơ chế quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Việc phân bổ ngân sách chưa hợp lý, thiếu đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cơ chế quản lý còn nặng về hành chính, thiếu tính linh hoạt và chưa khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong giáo dục. Việc hạn chế nguồn thu thông qua trần học phí và kiểm soát hành chính cũng đã làm chậm tốc độ tăng trưởng và phân loại nguồn nhân lực. ​

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, dẫn đến việc không thu hút được nhân lực khoa học và công nghệ trẻ.Chính sách phát triển nhân lực khoa học hiện còn dài trải, thiếu trọng tâm trọng điểm đối với các ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể13. ​

Việc thiếu một chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn và toàn diện cũng là một trong những nguyên nhân góp phần vào những hạn chế, bất cập kể trên. Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa được xây dựng dựa trên các dự báo chính xác về nhu cầu thị trường lao động trong tương lai, dẫn đến sự mất cân đối giữa các ngành nghề và trình độ đào tạo. Do đó, cần phải chú trọng dự báo sát nhu cầu của thị trường lao động để chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý đảm bảo hài hòa cung – cầu14.

Tâm lý xã hội coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng nghề nghiệp cũng được xem là một rào cản lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn ưu tiên lựa chọn các trường đại học thay vì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa hiệu quả, chưa tạo được sự hấp dẫn cho các chương trình đào tạo nghề.​

3. Một số giải pháp 

Một là, đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường lao động.

Cần thiết lập cơ chế hợp tác thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp trong xây dựng, rà soát và cập nhật nội dung chương trình học; đưa các mô-đun kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số và làm việc nhóm vào đào tạo chính khóa. Bên cạnh đó, nên tăng cường các học phần thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, đồng thời huy động chuyên gia, doanh nhân tham gia giảng dạy hoặc cố vấn học thuật. Các trường đại học, cao đẳng cần phát triển hệ thống đánh giá năng lực dựa trên đầu ra thực tế của sinh viên, thay vì chỉ dựa vào điểm thi học thuật. Ngoài ra, cần tiến hành đổi mới chương trình đào tạo một cách căn cơ để không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nhân lực trẻ mà còn giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số sâu rộng hiện nay.

Hai là, phát triển mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng số.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cầnphối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng, hình thành và phát triển hệ sinh thái truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, kênh, sóng phát thanh, truyền hình riêng về giáo dục nghề nghiệp. 

Ngoài ra, việc phát triển kỹ năng số cho người học cũng là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Cần tích hợp các nội dung về công nghệ thông tin, kỹ năng số vào chương trình đào tạo. Đồng thời, tổ chức các khóa học, hội thảo, cuộc thi về công nghệ thông tin, kỹ năng số cho học sinh, sinh viên, và khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo kỹ năng số cho người học.​

Ba là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho thanh niên.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần có định hướng, hỗ trợ thanh niên lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương; tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. ​Ngoài ra, cần hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Chính phủ; xây dựng các sàn giao dịch ý tưởng nhằm kết nối thanh niên với các quỹ đầu tư; tăng cường hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên, thanh niên làm chủ thông qua nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý; do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác từ các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và nguồn vốn hợp pháp khác.

Bốn là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho các chương trình đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học trọng điểm, kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là sinh viên giỏi trong và ngoài nước, thông qua học bổng, cơ hội học tập quốc tế, đãi ngộ nghiên cứu hấp dẫn và môi trường sáng tạo mở. Nhà nước cũngcần đóng vai trò kiến tạo trong việc thiết lập hệ sinh thái phát triển nhân lực công nghệ cao, coi đây là một trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2045.

4. Kết luận

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những thành tựu đạt được thời gian qua là tiền đề quan trọng, nhưng cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt là khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và những bất cập trong chính sách hỗ trợ thanh niên. Trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và sự chuyển dịch mạnh mẽ của đất nước, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới tư duy, cải cách toàn diện hệ thống giáo dục – đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động và các trụ cột của nền kinh tế số. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề xuất kể trên không chỉ giúp khắc phục những bất cập hiện nay, mà còn góp phần kiến tạo xây dựng lực lượng lao động trẻ có trình độ, bản lĩnh, sáng tạo – xứng đáng là chủ thể trung tâm trong sự nghiệp phát triển quốc gia phồn vinh, hạnh phúc đến năm 2045.

Chú thích:

1, 5, 7, 8. Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023/

2. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/xay-dung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc

3. Kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển nhân lực trẻ chất lượng cao.https://daibieunhandan.vn/kien-nghi-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-nhan-luc-tre-chat-luong-cao-10363374.html

4. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827302/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx.

6. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. https://tapchigiaochuc.com.vn/ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-lan-thu-vii-lan-toa-tinh-than-khoi-nghiep-trong-gioi-tre.html

9, 12. Tình hình lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2023. https://thongkecaobang.gso.gov.vn/tin-chuyen-nganh/tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2023-1161.html

10. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách phát triển trẻ thơ toàn diện.https://baochinhphu.vn/uu-tien-nguon-luc-thuc-hien-chinh-sach-phat-trien-tre-tho-toan-dien-10223081815575482.htm

11. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp mang tính quyết định.https://daibieunhandan.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-la-giai-phap-mang-tinh-quyet-dinh-10359591.html

13. Thiếu vắng nhân lực KHCN trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.https://baochinhphu.vn/thieu-vang-nhan-luc-khcn-trong-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-102241203122425138.htm

14. Nguồn nhân lực là tài nguyên, động lực đột phá. https://baochinhphu.vn/nguon-nhan-luc-la-tai-nguyen-dong-luc-dot-pha-102231226145708106.htm

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024). Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Đề án 1665 giai đoạn 2017 – 2024. Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

3. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

4. Giải pháp xây dựng và thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/09/giai-phap-xay-dung-va-thuc-thi-chinh-sach-phat-trien-nguon-nhan-luc-tre-o-viet-nam-hien-nay/

5. Ngân hàng Thế giới – World Bank (2018). Vietnam’s Future Jobs: Leveraging Mega Trends for Greater Prosperity, Washington, D.C.

6. Tổ chức Lao động Quốc tế – ILO (2021). Youth Employment in Vietnam: Challenges and Opportunities, Geneva.