Kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển bền vững khu thương mại tự do của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam

TS. Đặng Thành Lê
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của hội nhập sâu rộng, chuyển đổi số và tái cấu trúc chuỗi cung ứng quốc tế, việc phát triển các khu thương mại tự do (FTZ) đang trở thành xu thế tất yếu được nhiều quốc gia áp dụng nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đối với Việt Nam, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong thương mại quốc tế và phát triển công nghiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có FTZ thực thụ nào được triển khai. Việc xây dựng và vận hành các FTZ vẫn còn chậm, manh mún và thiếu cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo đột phá. Bài viết phân tích kinh nghiệm về chính sách phát triển FTZ của một số quốc gia điển hình, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và UAE, từ đó đưa ra các hàm ý chính sách trọng tâm cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các FTZ theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập.

Từ khóa: Khu vực thương mại tự do, FTZ, hàm ý chính sách, chuỗi cung ứng quốc tế.

1. Yêu cầu cấp thiết của việc phát triển các khu thương mại tự do (FTZ) tại Việt Nam

Trong gần 4 thập kỷ tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương có hiệu lực, đồng thời đang đàm phán thêm 2 FTA với các đối tác lớn, như: Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Canada trong khuôn khổ ASEAN1. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện rõ qua thành tựu thương mại quốc tế. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu với mức 24,77 tỷ USD2. So với năm 1986 – thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới, khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu chỉ đạt 2,944 tỷ USD – con số hiện nay đã tăng gấp 267 lần, minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của hội nhập quốc tế và chính sách thương mại mở cửa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt và yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam đang đứng trước một nhu cầu cấp thiết: cần có các khu thương mại tự do (FTZ) với cơ chế, chính sách đột phá, tạo lập không gian kinh tế đặc thù nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự cần thiết đó càng trở nên rõ ràng hơn khi nhìn vào xu thế phát triển FTZ trên thế giới và trong khu vực. Tính đến năm 2024, thế giới đã có hơn 5.300 FTZ tại 147 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại châu Á, các nước, như: Trung Quốc, Singapore đã phát triển các FTZ từ rất sớm, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics và sản xuất hàng hóa phi thuế quan mang tính toàn cầu. Chẳng hạn, Trung Quốc đã xây dựng tới 22 FTZ với quy mô khác nhau, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút FDI của quốc gia này3.

Trong khi đó, Việt Nam dù đã có nền tảng nhất định với 422 khu công nghiệp, 5 khu chế xuất và 18 khu kinh tế ven biển – nhưng cho đến nay vẫn chưa có FTZ thực thụ nào được triển khai4. Mặc dù đã có chủ trương thành lập FTZ tại một số khu vực kinh tế trọng điểm như: FTZ Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu), FTZ Liên Chiểu (Đà Nẵng) và FTZ Lạch Huyện (Hải Phòng), thì tiến độ triển khai vẫn đang dừng ở mức xây dựng đề án, trong đó FTZ Đà Nẵng là địa phương duy nhất đã hoàn tất đề án và đang chờ phê duyệt, dự kiến vào năm 2025. So với các quốc gia trong khu vực, rõ ràng Việt Nam đang tụt hậu trong việc phát triển FTZ – một công cụ chính sách quan trọng thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng và tái cơ cấu nền kinh tế theo định hướng hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở lý do hội nhập, việc phát triển FTZ tại Việt Nam còn là yêu cầu tất yếu từ nội tại nền kinh tế. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, giao dịch và quản lý, các FTZ có khả năng tích hợp chức năng đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, logistics thông minh, kinh tế số… sẽ là nền tảng để Việt Nam bắt nhịp xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thiết lập các FTZ gắn với hệ thống cảng biển lớn, như: Cái Mép – Thị Vải, Liên Chiểu hay Lạch Huyện không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa mà còn góp phần phát triển các trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng, logistics cao cấp, giúp các địa phương phát huy tối đa lợi thế địa lý và tăng tính liên kết vùng.

Một lý do quan trọng khác khiến việc phát triển FTZ tại Việt Nam trở nên cấp thiết là nhằm tận dụng tối đa hiệu quả từ các FTA đã ký kết. Mặc dù Việt Nam đã và đang tích cực khai thác lợi ích từ các FTA, nhưng phần lớn hàng hóa xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các khu công nghiệp truyền thống, với năng suất và hàm lượng công nghệ chưa cao. Các FTZ với thể chế đặc thù, chính sách ưu đãi vượt trội sẽ tạo điều kiện để hình thành các cụm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm R&D, chuỗi sản xuất linh hoạt gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các FTZ sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng như các startup công nghệ, từ đó đóng góp cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm các địa điểm mới có môi trường đầu tư thuận lợi, chi phí cạnh tranh và hạ tầng đồng bộ. Nếu Việt Nam vẫn chậm chân trong việc xây dựng các FTZ với cơ chế linh hoạt và thể chế tiên tiến, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đón đầu dòng dịch chuyển đầu tư chiến lược này. Các FTZ có thể là giải pháp tạo đột phá về thể chế, vượt qua những rào cản hiện hành trong quản lý đầu tư, thương mại, hải quan, ngoại hối… giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Từ những lý do trên, có thể khẳng định, việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình FTZ tại Việt Nam, trước mắt là tại Đà Nẵng, không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc đón đầu xu thế toàn cầu mà còn là giải pháp thực tiễn để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh các đối thủ trong khu vực đã đi trước một bước dài, việc chậm trễ trong triển khai các FTZ sẽ khiến Việt Nam đánh mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, việc sớm hoàn thiện thể chế, chính sách và mô hình FTZ phù hợp với điều kiện Việt Nam là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn mới.

2. Kinh nghiệm của các quốc gia về chính sách phát triển bền vững khu thương mại tự do

a. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập cơ sở pháp lý và triển khai mô hình khu thương mại tự do (FTZ) như một công cụ chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại quốc tế. Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Khu vực thương mại nước ngoài (Foreign Trade Zones Act) từ năm 1934, với mục tiêu thúc đẩy thương mại, hỗ trợ sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ cạnh tranh hiệu quả hơn trong môi trường kinh tế toàn cầu hóa5.

Các FTZ tại Hoa Kỳ được thiết lập tại các địa điểm “trong hoặc liền kề” cảng nhập cảnh của nước này, dưới sự giám sát của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) và phải được chính quyền tiểu bang phê duyệt. Trong suốt quá trình hoàn thiện chính sách, đạo luật FTZ đã được sửa đổi vào năm 1950 và năm 1980, theo đó, mở rộng phạm vi cho phép hoạt động sản xuất trong FTZ và thiết lập nguyên tắc thuế quan đảo ngược (inverted tariff benefit) – tức là hàng hóa thành phẩm sản xuất trong FTZ có thể được áp thuế thấp hơn thuế suất của nguyên liệu đầu vào nhập khẩu6.

Mô hình FTZ tại Hoa Kỳ không chỉ hướng tới việc giảm chi phí thuế quan cho doanh nghiệp mà còn đơn giản hóa thủ tục hải quan, hoãn nghĩa vụ thuế, miễn thuế đối với hàng hóa tái xuất, giảm phí xử lý hàng hóa, tránh hạn ngạch, đồng thời cho phép quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn và nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của CBP7. FTZ còn cung cấp cơ chế hoàn thuế lên đến 99% cho hàng hóa nhập khẩu sau đó được xuất khẩu trong vòng ba năm.

Việc tổ chức và giám sát các FTZ được phân quyền chặt chẽ. Hội đồng Quản lý FTZ do Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ làm Chủ tịch, phối hợp với Bộ Tài chính, cùng sự tham gia của Ủy viên CBP. Trong hoạt động thường nhật, quyền giám sát được ủy quyền cho các trợ lý Bộ trưởng phụ trách thực thi, tuân thủ và chính sách thuế. Đáng chú ý, từ năm 1986, Hoa Kỳ chuyển sang phương pháp giám sát hoạt động FTZ trên cơ sở kiểm toán đánh giá tuân thủ, thay cho mô hình giám sát tại chỗ của nhân viên hải quan như trước đây.

Một điểm đột phá trong chính sách FTZ của Hoa Kỳ là việc áp dụng Khung địa điểm thay thế (Alternative Site Framework – ASF) từ năm 2011, rút ngắn đáng kể thời gian đăng ký FTZ từ 9 – 12 tháng xuống còn 30 ngày. Mô hình này cho phép các địa điểm phụ ngoại thương (subzones) được phê duyệt nhanh chóng mà vẫn đảm bảo kiểm soát hải quan và hiệu quả vận hành8.

Theo Báo cáo năm 2023 của Hội đồng FTZ Hoa Kỳ, hiện có 200 FTZ đang hoạt động với gần 374 cơ sở sản xuất trong khu vực FTZ, sử dụng khoảng 550.000 lao động. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu qua FTZ đạt hơn 949 tỷ USD và xuất khẩu 149 tỷ USD, trong đó sản xuất chiếm tới 62% hoạt động FTZ (585 tỷ USD), còn lại là các hoạt động lưu kho và phân phối9. Các lĩnh vực sản xuất chính trong FTZ bao gồm dược phẩm, lọc dầu, ô tô, điện tử, và thiết bị cơ khí – những ngành có hàm lượng công nghệ cao và mức độ liên kết toàn cầu sâu rộng10.

Một số FTZ điển hình như: FTZ 191 tại California, FTZ 113 tại Texas và FTZ 5 tại Seattle cho thấy khả năng tiết kiệm chi phí, tối ưu chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm rõ rệt. Cụ thể, FTZ 191 giúp doanh nghiệp tránh thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất máy tính để xuất khẩu; FTZ 113 hỗ trợ nhập khẩu ô tô từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc không bị đánh thuế cho đến khi bán tại thị trường nội địa; còn FTZ 5 tại Seattle cho phép hợp nhất hệ thống phân phối, giảm chi phí và tăng hiệu quả vận hành11.

Mô hình FTZ của Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng luật pháp ổn định, thể chế quản lý đa cấp, và tiêu chuẩn vận hành hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ưu đãi thuế và chi phí logistics, các doanh nghiệp trong FTZ bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe cộng đồng, và bảo vệ môi trường – như lưu trữ và xử lý hàng hóa đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bảo đảm tính minh bạch trong giao dịch12.

Nhìn chung, kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, FTZ không chỉ là một khu vực ưu đãi thuế, mà còn là một thiết chế kinh tế đặc biệt được vận hành dựa trên nguyên tắc cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước, và bảo đảm giám sát hiệu quả từ cơ quan chức năng. Đây là mô hình có giá trị tham khảo hữu ích cho nhiều quốc gia trong quá trình thiết kế FTZ thí điểm tại Đà Nẵng và mở rộng khung chính sách FTZ cấp quốc gia.

b. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã lựa chọn phát triển các khu thương mại tự do (FTZ) như một công cụ chiến lược để thúc đẩy cải cách thể chế, thu hút đầu tư nước ngoài, tự do hóa thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Dù bắt đầu muộn hơn nhiều quốc gia khác, mô hình FTZ của Trung Quốc lại phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu nổi bật chỉ sau hơn một thập kỷ.

Thí điểm đầu tiên được thực hiện năm 2013 với việc thành lập FTZ Thượng Hải, mang 4 mục tiêu chiến lược: duy trì lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường pháp lý, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và thu hút FDI. FTZ Thượng Hải được trao nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt như cho phép doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, bán buôn hàng hóa và dịch vụ mà trước đây bị hạn chế hoặc cấm đầu tư. Đến năm 2022, khu vực này đã thu hút 84.000 doanh nghiệp mới, riêng Phố Đông có 18.691 dự án FDI với vốn đăng ký lên đến 217,2 tỷ USD; kim ngạch thương mại hàng hóa tăng từ 207,6 tỷ USD (2013) lên 340,5 tỷ USD (2022)13.

Sau thành công bước đầu, Trung Quốc mở rộng mô hình này với ba FTZ mới tại Phúc Kiến, Quảng Đông và Thiên Tân (2015), 7 FTZ khác (2016) tại các địa phương như Trùng Khánh, Liêu Ninh, Hồ Bắc, Chiết Giang… và tiếp tục bổ sung thêm nhiều khu mới trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, năm 2018, toàn bộ tỉnh Hải Nam được chuyển đổi thành cảng thương mại tự do với diện tích 35.400 km² – lớn nhất thế giới. Các FTZ này đảm nhiệm các chức năng khác nhau, từ trung tâm tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao đến đầu mối giao thương với các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Á.

Đến nay, Trung Quốc có tổng cộng 22 FTZ. Trong đó, FTZ Chiết Giang gồm các khu Hàng Châu, Ninh Ba và Chu Sơn, đặc biệt FTZ Ninh Ba nổi bật với vai trò cửa ngõ thương mại quốc tế, tích hợp logistics, thương mại điện tử, vận tải biển và sản xuất công nghệ cao. Khu này thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp trong 32 ngành, được công nhận là mô hình sáng tạo cấp quốc gia năm 2024. Riêng kim ngạch thương mại giữa tỉnh Chiết Giang và Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD14.

Gần đây nhất, năm 2022, Trung Quốc thành lập FTZ Thanh Đảo (Sơn Đông) với cảng tự động hiện đại. Chỉ trong năm đầu, FTZ này thu hút hơn 5.000 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư vượt 60 tỷ Nhân dân tệ (9,13 tỷ USD). Các FTZ không chỉ đóng vai trò thúc đẩy thương mại mà còn tái cấu trúc ngành du lịch và tiêu dùng nội địa – minh chứng là ảnh hưởng của SFTZ đối với ngành du lịch và bán lẻ Hồng Kông khi cung cấp dịch vụ y tế, hàng miễn thuế và cấp thị thực thuận lợi hơn.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, chỉ chiếm dưới 0,4% diện tích lãnh thổ, nhưng các FTZ đóng góp khoảng 18% tổng FDI và khối lượng xuất nhập khẩu toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng FDI và thương mại ở các FTZ lần lượt cao hơn mức trung bình cả nước 5,7 và 4,8 điểm %15. Chính phủ Trung Quốc áp dụng mô hình quản lý FTZ theo nguyên tắc “thí điểm – nhân rộng”, giao quyền cho chính quyền địa phương tùy chỉnh chính sách trong khuôn khổ pháp luật. Mỗi FTZ có cơ chế điều hành riêng, phù hợp với chức năng chiến lược, đặc điểm vùng và lĩnh vực ưu tiên. Tuy không có một luật chung điều chỉnh toàn bộ hệ thống FTZ nhưng việc ban hành Luật Cảng thương mại tự do năm 2021 đã tạo ra hành lang pháp lý chung cho các FTZ gắn với cảng biển lớn16.

Bên cạnh cơ chế quản trị, Trung Quốc áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu, giảm 50% trong 3 năm tiếp theo; thuế suất 9–15% cho doanh nghiệp FDI; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, cơ sở hạ tầng; miễn VAT và hải quan cho hàng hóa chưa rời khỏi FTZ. Đồng thời, FTZ được áp dụng thủ tục hành chính một cửa, quy trình cấp phép rút gọn, miễn hoặc giảm thuế thu nhập địa phương và hỗ trợ chuyển đổi tiền tệ, hoàn thuế nhanh, thanh toán linh hoạt17.

Với chính sách linh hoạt, môi trường đầu tư ưu việt và quy hoạch chiến lược, mô hình FTZ đã trở thành biểu tượng của “mở cửa cấp cao” tại Trung Quốc. Các FTZ vừa đóng vai trò đầu tàu cải cách thể chế, vừa là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ số, logistics và hội nhập kinh tế toàn cầu.

c. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore là một quốc đảo tại Đông Nam Á với diện tích khoảng 728 km² và dân số khoảng 6 triệu người, bao gồm một đảo chính hình thoi cùng khoảng 60 đảo nhỏ hơn. Với mức độ đô thị hóa cao, Singapore đã và đang liên tục mở rộng lãnh thổ thông qua hoạt động cải tạo và lấn biển. Theo thống kê năm 2024, Singapore có GDP danh nghĩa đạt 530,708 tỷ USD, xếp hạng 28 thế giới; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 89.370 USD/người – đứng thứ 5 toàn cầu. Nếu tính theo sức mua ngang giá (PPP), GDP của quốc đảo này đạt 879,980 tỷ USD, với bình quân đầu người đạt 148.186 USD/người – đứng thứ 2 thế giới. Đây là những con số khẳng định vai trò của Singapore như một trung tâm tài chính, logistics, lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu châu Á. Singapore cũng nổi bật với định hướng phát triển thành quốc gia thông minh và nền kinh tế tri thức, đi đầu trong chuyển đổi số và công nghệ cao18.

Ngay từ năm 1966, chỉ một năm sau khi giành độc lập, Singapore đã ban hành Đạo luật Khu thương mại tự do nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho mô hình FTZ, với mục tiêu dài hạn là phát triển thành trung tâm thương mại và trung chuyển hàng hóa khu vực cũng như toàn cầu. Đạo luật này được sửa đổi vào năm 2014 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Sau khi các FTZ được công nhận về mặt pháp lý, việc quản lý, duy trì và vận hành được giao cho Cơ quan Thương mại Tự do Singapore, phối hợp với Ủy ban chỉ đạo FTZ, Tổng Cục trưởng Hải quan và Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và Thương mại – những cơ quan có thẩm quyền giám sát toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp trong FTZ.

Hiện tại, Singapore có 9 khu FTZ đang hoạt động và đang triển khai thêm 1 FTZ mới, nổi bật nhất là FTZ tại sân bay Changi và cảng Jurong. Các FTZ của Singapore được thiết lập tại các địa điểm giao thông chiến lược như sân bay, cảng biển lớn, và gần các tuyến đường thủy quan trọng. FTZ đầu tiên được thành lập vào năm 1969 nhằm hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm thương mại trung chuyển. Cụ thể, tại sân bay Changi, FTZ có diện tích 70 ha, cung cấp hơn 100.000 m² không gian nhà kho và văn phòng, có khả năng xử lý ít nhất 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, với hoạt động hải quan diễn ra 24/7 cùng ít nhất 14 bãi đỗ hàng chuyên dụng19.

FTZ tại Singapore được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế. Hàng hóa nhập vào các khu này không cần thông quan ngay lập tức và được miễn thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế hàng hóa và dịch vụ cho đến khi được phân phối vào nội địa hoặc tái xuất khẩu. Chính điều này giúp các doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí logistics, đồng thời tăng cường tính linh hoạt trong vận hành. Các FTZ cũng cho phép nhập khẩu, lưu kho, phân phối và trung chuyển hàng hóa mà không bị ràng buộc bởi quy định cấp phép đối với hàng hóa không kiểm soát. Khi đưa hàng từ FTZ vào nội địa Singapore, người nhập khẩu mới phải thực hiện đầy đủ thủ tục hải quan theo quy định20..

Vai trò của FTZ trong phát triển kinh tế và duy trì vị thế trung tâm thương mại quốc tế của Singapore là rất rõ ràng. Quốc đảo này hiện là cảng container nhộn nhịp thứ hai thế giới và là trung tâm trung chuyển lớn nhất toàn cầu, xử lý khoảng 1/5 lưu lượng trung chuyển container toàn cầu. Các FTZ đã trở thành công cụ chiến lược để Singapore phát triển hệ thống cảng biển, trung tâm logistics và tự do hóa thương mại, qua đó giúp quốc gia này duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh chuyển dịch sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu từ châu Âu, Mỹ sang châu Á, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như đóng tàu, lọc hóa dầu, chế tạo giàn khoan, công nghệ thông tin…

Trong quá trình phát triển, Singapore cũng đồng thời chú trọng đến quản lý và phòng ngừa các rủi ro liên quan đến hoạt động FTZ. Trước những lo ngại về việc một số FTZ trên thế giới có thể bị lợi dụng cho các hành vi phi pháp, như: buôn bán vũ khí, tội phạm môi trường và rửa tiền, Chính phủ Singapore đang tiến hành sửa đổi Đạo luật Khu thương mại tự do. Những sửa đổi này nhằm tăng cường quyền hạn của cơ quan Hải quan, bao gồm việc cấp, gia hạn, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, đồng thời quy định rõ các điều kiện cấp phép, giám sát chặt chẽ thông tin hàng hóa và quy trình tái xuất nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm.

Từ kinh nghiệm phát triển FTZ của Singapore, có thể rút ra một số yếu tố mang tính nền tảng cho sự thành công: có hành lang pháp lý rõ ràng, tổ chức quản lý chuyên trách và hiệu quả, quy hoạch FTZ gắn với lợi thế địa lý và hệ thống logistics hiện đại, ưu đãi rõ ràng về thuế và thủ tục hải quan, cũng như năng lực kiểm soát và quản lý rủi ro cao. Đây là những bài học có giá trị thiết thực đối với Việt Nam trong việc xây dựng và vận hành mô hình FTZ theo hướng phát triển bền vững.

3. Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc phát triển các khu thương mại tự do

Một là, cần tiếp cận phát triển FTZ từ tư duy hệ thống, lấy xây dựng hệ sinh thái chính sách làm trọng tâm.

Phát triển FTZ không chỉ là việc triển khai một mô hình kinh tế đặc thù mà là tiến trình định hình lại cấu trúc tăng trưởng dựa trên tư duy hệ sinh thái và quản trị nhà nước hiện đại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thành công, như: Trung Quốc, Singapore đều xem FTZ là một công cụ điều phối chính sách quốc gia có tính chiến lược, gắn chặt với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chính phủ vừa đóng vai trò định hướng, vừa trực tiếp chỉ đạo việc thiết kế thể chế, giám sát tổ chức thực thi và điều tiết nguồn lực phát triển FTZ theo hướng linh hoạt, hiệu quả.

Việt Nam cần chuyển từ tư duy quản lý theo ngành dọc sang tư duy hệ sinh thái, trong đó FTZ phải được phát triển như một phần trung tâm của chuỗi giá trị mở rộng, bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, logistics, tài chính, đổi mới sáng tạo, giáo dục và công nghệ cao. Mỗi FTZ cần được thiết kế như một “trung tâm phát triển tích hợp” với cấu trúc mở, đa ngành nghề, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển vùng và chiến lược kinh tế quốc gia.

Chính phủ giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng khung chính sách quốc gia mang tính dẫn dắt, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và bảo đảm sự nhất quán trong triển khai. Mô hình điều hành theo hướng “trung ương định hướng – địa phương chủ động” cần được thể chế hóa để phát huy tính linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong quá trình triển khai FTZ tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam.

Hai là, xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch và linh hoạt cho FTZ.

Một trong những điều kiện tiên quyết để các FTZ phát triển hiệu quả và bền vững là thiết lập một hệ thống pháp lý đủ mạnh, linh hoạt và hội nhập cao. Singapore và Trung Quốc đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo đảm FTZ vận hành hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu về đầu tư, thương mại, tài chính và công nghệ. Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý riêng biệt và có tính mở cao cho các FTZ, tạo cơ sở pháp lý để các khu vực này vận hành như một không gian kinh tế đặc thù, nơi thử nghiệm các chính sách mới về thuế, hải quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, tài chính số và chuyển đổi số. Pháp luật về FTZ phải mang tính đột phá, song song bảo đảm nguyên tắc minh bạch, ổn định và có thể dự đoán – nhằm tạo niềm tin dài hạn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hệ thống pháp lý cần hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ cao, kinh tế số, dịch vụ tài chính quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới và nghiên cứu phát triển (R&D). FTZ nên được xem là nơi thử nghiệm chính sách về sandbox công nghệ, quản trị dữ liệu số, fintech và các mô hình đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Ngoài ra, hành lang pháp lý phải tạo điều kiện để các FTZ trở thành trung tâm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhân tài toàn cầu và các trung tâm đổi mới công nghệ mũi nhọn, như: AI, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo.

Ba là, lựa chọn vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, gắn với chuỗi logistics toàn cầu.

Địa điểm quy hoạch các khu thương mại tự do (FTZ) đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo đảm khả năng vận hành hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế của mô hình này. Kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia, như: Singapore và Trung Quốc (với các FTZ ven biển như Thượng Hải, Chiết Giang) chứng minh rằng, các FTZ thành công đều được đặt tại vị trí chiến lược – gần các cảng biển trung chuyển quốc tế, sân bay quốc tế hoặc nằm trong hành lang logistics then chốt. Việt Nam cần lựa chọn vị trí xây dựng FTZ dựa trên phân tích tổng thể về tiềm năng liên kết vùng, khả năng lan tỏa phát triển, và đặc biệt là tính kết nối quốc tế. Những địa điểm như Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng), hoặc Liên Chiểu (Đà Nẵng) có lợi thế rõ rệt về cảng nước sâu và hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, phù hợp để hình thành các FTZ đầu mối mang tính quốc tế.

Đi đôi với việc chọn vị trí là đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, trung tâm logistics, kho ngoại quan, kết nối cảng – sân bay – đường sắt, bảo đảm FTZ vận hành theo mô hình “hành lang logistics đa phương thức”. Đây là điều kiện quan trọng giúp FTZ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, tăng hiệu suất vận tải, giảm chi phí lưu thông hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh chóng, linh hoạt. Việc quy hoạch FTZ gắn với vùng kinh tế trọng điểm sẽ giúp phát huy sức mạnh liên kết vùng, tăng tính lan tỏa, đồng thời tạo điều kiện chuyển hóa FTZ thành động lực tăng trưởng kinh tế mới cho địa phương và quốc gia.

Bốn là, phát triển mô hình FTZ đa chức năng, linh hoạt, phù hợp với kinh tế số.

Xu hướng quốc tế cho thấy các FTZ hiện đại không còn giới hạn trong hoạt động thương mại hay sản xuất đơn thuần mà được quy hoạch như một không gian kinh tế tổng hợp, tích hợp nhiều chức năng: logistics, tài chính, công nghệ, nghiên cứu – phát triển (R&D), giáo dục, y tế và đô thị thông minh. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, các FTZ được thiết kế theo mô hình phân khu chức năng, mỗi phân khu có vai trò riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời được kết nối nhịp nhàng trong một hệ sinh thái mở.

Đối với Việt Nam, việc xây dựng FTZ đa chức năng, có khả năng thích ứng với sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư, thương mại và công nghệ là xu hướng tất yếu. Các FTZ nên được quy hoạch theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm vùng và định hướng phát triển ngành nghề quốc gia – nhất là trong lĩnh vực kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao, logistics, dịch vụ tài chính quốc tế, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Mỗi FTZ cần được xác định vai trò chiến lược riêng, ví dụ như trung tâm logistics quốc tế, trung tâm công nghệ số hoặc cụm công nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự linh hoạt trong định hướng chức năng sẽ giúp Việt Nam tránh cạnh tranh nội bộ giữa các FTZ và tối ưu hóa lợi thế so sánh từng vùng. Đồng thời, mô hình FTZ tích hợp với đô thị, du lịch, văn hóa và giáo dục sẽ giúp hình thành những cụm phát triển bền vững, thu hút cả doanh nghiệp và người lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Năm là, xây dựng chính sách ưu đãi toàn diện: thuế, thủ tục, hạ tầng và hỗ trợ đầu tư.

Một trong những yếu tố cốt lõi quyết định sức hấp dẫn của FTZ là chính sách ưu đãi mang tính toàn diện và có chọn lọc. Qua kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, có thể thấy rằng chính sách thuế chỉ là điều kiện cần, trong khi những hỗ trợ thực chất về hạ tầng, thủ tục hành chính, đất đai và dịch vụ đầu tư mới là các yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững.

Việt Nam cần thiết kế gói chính sách ưu đãi đa chiều, bao gồm: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu hoạt động; miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, lao động nước ngoài có trình độ cao. Đồng thời, các chính sách cần thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, cấp phép hành chính – có thể thông qua mô hình “một cửa – một điểm đến” tại Ban quản lý FTZ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần chủ động đầu tư hạ tầng khung (giao thông, điện, nước, số hóa) hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng FTZ theo cơ chế PPP. Đặc biệt, việc cấp đất dài hạn, linh hoạt trong thuê đất và hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ giúp rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường của nhà đầu tư. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp xanh tại FTZ cũng cần được lồng ghép để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực đổi mới.

Sáu là, xây dựng bộ máy quản lý FTZ tinh gọn, ứng dụng số, phân cấp hợp lý cho địa phương.

Hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý đóng vai trò then chốt trong sự thành công của các FTZ. Hầu hết các quốc gia đều đã trao quyền mạnh cho chính quyền địa phương hoặc thiết lập Ban quản lý chuyên trách có thẩm quyền rộng trong phê duyệt đầu tư, cấp phép, quản lý quy hoạch và điều phối chính sách tại FTZ. Điều này sẽ giúp gia tăng tính linh hoạt và khả năng phản ứng nhanh với nhu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam cần cơ cấu lại mô hình quản lý FTZ theo hướng tinh gọn, chuyên trách và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong điều hành. Mô hình “chính quyền số” tại FTZ có thể vận hành thông qua hệ thống cấp phép điện tử, quản lý chuỗi cung ứng số, giám sát tuân thủ và đánh giá hiệu quả đầu tư bằng dữ liệu thời gian thực. Qua đó, không chỉ rút ngắn quy trình hành chính mà còn tăng tính minh bạch, giảm chi phí tuân thủ và tăng khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, cần có sự phân cấp rõ ràng giữa trung ương và địa phương. Trong đó, địa phương nơi đặt FTZ cần được trao quyền chủ động trong quy hoạch, phê duyệt đầu tư, quản lý vận hành FTZ theo chuẩn quốc tế. Các dự án trọng điểm có ảnh hưởng liên vùng hoặc quy mô đặc biệt mới cần xin ý kiến từ trung ương, tương tự mô hình quản lý tại Hàn Quốc. Cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong FTZ cũng cần được thể chế hóa chặt chẽ để bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán trong thực thi.

Như vậy, có thể nhận thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển dịch chuỗi giá trị quốc tế ngày càng sâu rộng, các khu thương mại tự do (FTZ) đã trở thành công cụ chính sách quan trọng, đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư chất lượng cao và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình, như: Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ cho thấy, thành công của mô hình FTZ không chỉ đến từ những chính sách ưu đãi vượt trội, mà còn đến từ tư duy quy hoạch tổng thể, thiết kế thể chế linh hoạt, sự đầu tư bài bản về hạ tầng và đặc biệt là vai trò chỉ đạo mạnh mẽ, xuyên suốt của Nhà nước.

Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu và phát triển các FTZ mang tính chiến lược không chỉ là yêu cầu cấp thiết trước áp lực hội nhập và cạnh tranh khu vực, mà còn là cơ hội để thử nghiệm mô hình cải cách thể chế sâu rộng, hiện đại hóa quản trị nhà nước trong điều kiện cụ thể. Các hàm ý chính sách được đề xuất nêu trên là những gợi mở tham khảo nhằm giúp Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển FTZ theo hướng bền vững, thích ứng linh hoạt với bối cảnh kinh tế số và hội nhập toàn cầu. Trong giai đoạn trước mắt, việc thí điểm xây dựng một số FTZ tại các vùng kinh tế trọng điểm, với cơ chế đặc thù, ưu đãi vượt trội, kết hợp quản trị hiện đại và hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, sẽ là bước đi quan trọng và cần thiết giúp Việt Nam từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chú thích:
1. Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 11/2018. https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018, truy cập ngày 09/3/2025.
2. Bức tranh xuất nhập khẩu hang hóa của Việt Nam năm 2024 phục hồi, phát triển và những kỷ lục mới. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2025/01/buc-tranh-xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-nam-2024-phuc-hoi-phat-trien-va-nhung-ky-luc-moi/, truy cập ngày 13/4/2025
3. China. http://www.lmcchina.org/vie/2024-07/17/content_42864230.html, truy cập ngày 9/3/2025.
4. Vietnam General Information Economic. https://vnembassy-seoul.mofa.gov.vn/vi-vn/About Vietnam/GeneralInformation/Economic/Trang/SEZs-seen-from-international-experience.aspx, truy cập ngày 8/3/2025.
5. Hoa Ky. https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_K%E1%BB%B3, truy cập ngày 05/4/2025.
6, 8, 11. Who is on the foreign trade zones board. https://www.crowley.com/logistics/resources/ftz-guide/#who-is-on-the-foreign-trade-zones-board, truy cập ngày 06/4/2025.
7, 12. What is a free trade zone warehouse. https://www.prologis.com/what-we-do/resources/what-is-a-free-trade-zone-warehouse, truy cập ngày 06/4/2025.
9. Free trade zone. https://en.wikipedia.org/wiki/Free-trade zone, truy cập ngày 05/4/2025.
10. Annual report. https://www.trade.gov/annual-report, truy cập ngày 5/4/2025.
13. Khu thương mại tự do – động lực tăng trưởng mới. https://thanhnien.vn/khu-thuong-mai-tu-do-dong-luc-tang-truong-moi-185250331225833378.htm, truy cập ngày 07/4/2025.
14. Việt Nam muốn học kinh nghiệm phát triển khu thương mại tự do của Trung Quốc. https://vnexpress.net/viet-nam-muon-hoc-kinh-nghiem-phat-trien-khu-thuong-mai-tu-do-cua-trung-quoc-4863000.html, truy cập ngày 06/4/2025.
15. Khu thương mại tự do có thể xoay chuyển cục diện kinh tế du lịch. https://baoxaydung.com.vn/khu-thuong-mai-tu-do-co-the-xoay-chuyen-cuc-dien-kinh-te-du-lich-378792, ngày 08/4/2025.
16. Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải. https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-tham-va-lam-viec-tai-khu-thi-diem-thuong-mai-tu-do-thuong-hai-post1088402.vov, truy cập ngày 07/4/2025.
17. Government affairs Laws General. http://en-shftz.pudong.gov.cn/Government-affairs/Laws/General/174.shtml, truy cập ngày 07/4/2025.
18. Singapore. https://vi.wikipedia.org/wiki/Singapore, truy cập ngày 06/4/2025.
19. Khu thương mại tự do kích hoạt nền kinh tế các nước châu Âu thế nào. https://tienphong.vn/khu-thuong-mai-tu-do-kich-hoat-nen-kinh-te-cac-nuoc-chau-a-the-nao-post1653301.tpo, truy cập ngày 06/4/2025.
20. Singapore free trade zones elementor tocheading anchor. https://ondemandint.com/resources/singapore-free-trade-zones/#elementor-toc heading-anchor-0, truy cập ngày 06/4/2025.