Chính sách văn hóa và quyền chủ thể của người Dao trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Đặng Thị Kim Ngân
NCS Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung phân tích chính sách bảo tồn văn hóa đối với cộng đồng người Dao tại Việt Nam dưới góc nhìn quản trị chính sách công. Thông qua đánh giá cách thức tổ chức thực thi, những kết quả đạt được, các tồn tại và nguyên nhân chủ yếu, bao gồm cả những hạn chế về thể chế, cơ chế tham vấn, năng lực thực hiện và công cụ giám sát. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất ba nhóm giải pháp chính sách, gồm: (1) Hoàn thiện khung pháp lý công nhận quyền văn hóa cộng đồng; (2) Thiết lập cơ chế đồng quản trị giữa chính quyền và người Dao; (3) Phát triển hệ thống chỉ số đánh giá dựa trên mức độ tham gia và năng lực tự tổ chức của cộng đồng. Nghiên cứu góp phần thúc đẩy một mô hình quản trị văn hóa đa dân tộc công bằng, hiệu quả và hội nhập.

Từ khóa: Người Dao, chính sách văn hóa, quyền chủ thể văn hóa, bảo tồn di sản, quản trị văn hóa, chính sách dân tộc.

1. Đặt vấn đề

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) (2014) khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là động lực và mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Trong hệ giá trị văn hóa đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, đòi hỏi sự bảo vệ bằng các chính sách thiết thực, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trong các dân tộc thiểu số, người Dao là một trong những cộng đồng có dân số đáng kể, phân bố rộng khắp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Dao có 891.151 người, chiếm 0,93% dân số cả nước. Đến năm 2023, ước tính dân số người Dao tăng lên khoảng 920.000 người, duy trì vị trí là dân tộc thiểu số đông thứ 9 tại Việt Nam1. Cộng đồng này sở hữu nền văn hóa đặc sắc với các nghi lễ độc đáo, như: lễ cấp sắc, tín ngưỡng thờ Bàn Vương, hệ thống chữ Nôm Dao cùng nhiều nghề thủ công truyền thống và trang phục dân tộc riêng biệt. Tuy nhiên, dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đang đứng trước nguy cơ mai một. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là thiếu sự tham gia chủ động của cộng đồng trong quá trình bảo tồn dẫn đến hiệu quả chính sách chưa như mong đợi.

Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa của Nhà nước và quyền chủ thể văn hóa của người Dao đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bài viết tiếp cận từ góc độ phân tích chính sách công, tập trung đánh giá cơ chế thiết kế và triển khai chính sách văn hóa đối với người Dao, đồng thời phân tích mức độ tham gia của cộng đồng trong quá trình này. Phạm vi nghiên cứu bao gồm một số địa phương tiêu biểu, những nơi có đông người Dao sinh sống. Phương pháp nghiên cứu kết hợp phân tích tài liệu chính sách, khảo sát thực địa và tổng hợp nghiên cứu thứ cấp để đưa ra đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các giải pháp chính sách lấy “trao quyền văn hóa” làm trọng tâm góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 20302.

2. Chính sách văn hóa và vai trò của nhà nước

Chính sách văn hóa là hệ thống các quan điểm, mục tiêu và giải pháp do Nhà nước thiết kế nhằm định hướng, quản lý và phát triển đời sống văn hóa xã hội, bao gồm các quy định pháp lý, chương trình hành động và cơ chế phân bổ nguồn lực để bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (vật thể và phi vật thể), thúc đẩy sáng tạo các giá trị mới, đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của mọi công dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh Việt Nam, chính sách văn hóa không chỉ thể hiện qua các văn bản pháp quy, như: Luật Di sản Văn hóa hay Nghị quyết số 33-NQ/TW mà còn được triển khai thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia (ví dụ: Chương trình phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số 2021-2030), với vai trò kép vừa bảo vệ bản sắc dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua các mô hình như du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo, trong đó yếu tố then chốt là sự tham gia chủ động của cộng đồng và cơ chế giám sát minh bạch để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Chính sách văn hóa đóng vai trò then chốt trong hệ thống chính sách công của Việt Nam, thể hiện qua việc Nhà nước xây dựng khung pháp lý và cơ chế quản lý nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (năm 2023), hệ thống chính sách này bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình đầu tư công cùng cơ chế phân bổ nguồn lực và giám sát thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh đa dân tộc, chính sách văn hóa còn mang sứ mệnh bảo vệ quyền văn hóa và bản sắc của các cộng đồng thiểu số, trong đó có người Dao.

Vai trò của Nhà nước được thể hiện rõ nét qua việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách cụ thể. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như: Quyết định số 1719/QĐ-TTg (năm 2021) về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách này không chỉ tập trung vào bảo tồn di sản mà còn hướng đến phát triển du lịch văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy còn có những hạn chế đáng kể. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (năm 2023) chỉ ra rằng, nhiều chính sách chưa phát huy hiệu quả do thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ và sự tham gia hạn chế của cộng đồng. Đặc biệt, việc phân bổ nguồn lực chưa đồng đều giữa các địa phương dẫn đến tình trạng một số dự án chỉ dừng lại ở hình thức.

Để khắc phục những tồn tại này, cần có sự đổi mới căn bản trong cách tiếp cận. Nhà nước nên chuyển từ vai trò quản lý hành chính sang kiến tạo thể chế, tạo điều kiện để cộng đồng người Dao thực sự trở thành chủ thể trong quá trình bảo tồn văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát độc lập và minh bạch, bảo đảm nguồn lực được sử dụng hiệu quả.

Các chuyên gia UNESCO (năm 2021) nhấn mạnh rằng, chính sách văn hóa chỉ thành công khi tôn trọng nguyên tắc “do cộng đồng, vì cộng đồng”. Do đó, trong giai đoạn tới, cần đẩy mạnh việc trao quyền cho người Dao trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa của họ. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế bền vững3. Như vậy, để nâng cao hiệu quả chính sách văn hóa đối với người Dao, cần có sự điều chỉnh cả về thể chế và cách thức triển khai. Trong đó, yếu tố then chốt là tăng cường sự tham gia của cộng đồng và bảo đảm tính minh bạch trong quản lý nguồn lực. Chỉ khi nào người Dao thực sự trở thành chủ thể của quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa, các chính sách mới phát huy được giá trị bền vững.

3. Quyền chủ thể văn hóa của người Dao

Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, quyền chủ thể văn hóa ngày càng được khẳng định là nguyên tắc cốt lõi trong quản trị văn hóa hiện đại. Theo UNESCO (2001), quyền chủ thể văn hóa bao gồm quyền tự quyết của các cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy và phát triển di sản văn hóa của mình. Đối với người Dao – cộng đồng dân tộc thiểu số có dân số khoảng 920.000 người4, quyền này cần được hiểu toàn diện, bao gồm: quyền thực hành văn hóa truyền thống (ngôn ngữ, tín ngưỡng, lễ hội); quyền tham gia hoạch định chính sách và quyền kiểm soát các nguồn lực văn hóa5.

Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 (Điều 5, Điều 42) và Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2024) đã ghi nhận các quyền văn hóa cơ bản của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (năm 2023) chỉ ra rằng, việc thực thi các quyền này còn nhiều hạn chế, 72% các chương trình bảo tồn văn hóa người Dao được khảo sát không có sự tham vấn đầy đủ từ cộng đồng và chỉ 15% ngân sách bảo tồn được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức cộng đồng.

Nguyên nhân chính xuất phát từ ba rào cản thể chế: (1) Thiếu cơ chế pháp lý công nhận tư cách chủ thể của cộng đồng; (2) Mô hình quản lý văn hóa vẫn mang tính hành chính hóa; (3) Năng lực tự quản của cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức6. Để khắc phục, cần triển khai đồng bộ ba giải pháp: (1) Xây dựng khung pháp lý về quyền chủ thể văn hóa; (2) Thí điểm mô hình hội đồng văn hóa cộng đồng người Dao tại các địa phương trọng điểm và (3) Thiết lập cơ chế tài chính đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho các sáng kiến bảo tồn do cộng đồng khởi xướng.

Việc hiện thực hóa quyền chủ thể văn hóa không chỉ là yêu cầu bức thiết để bảo tồn di sản người Dao trước nguy cơ mai một mà còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong thực hiện Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

4. Thực trạng thự thi chính sách bảo tồn văn hóa người Dao

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Dao. Tiêu biểu là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg), trong đó dự án thành phần số 6 dành riêng cho lĩnh vực bảo tồn, phục dựng và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hỗ trợ nghệ nhân dân gian và phục dựng lễ hội dân tộc cũng được triển khai rộng rãi. Một số địa phương, như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể đối với cộng đồng người Dao, thể hiện bước tiến về nhận thức và chính sách ở cấp tỉnh.

Về phương thức tổ chức thực thi, các chính sách được triển khai thông qua cơ chế phân cấp từ trung ương đến địa phương, kết hợp với lồng ghép trong kế hoạch phát triển văn hóa – xã hội hằng năm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ vai trò chủ trì chuyên môn; Ủy ban Dân tộc phối hợp về nội dung dân tộc; các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Ở cấp huyện và xã, Phòng Văn hóa – Thông tin và cán bộ văn hóa cơ sở là lực lượng trực tiếp điều phối hoạt động. Một số chương trình thực thi dưới hình thức dự án có thời hạn như tổ chức lớp học chữ Nôm Dao, phục dựng lễ cấp sắc, số hóa tri thức dân gian, kết hợp giữa nguồn ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức xã hội.

Trên thực tế, việc thực thi chính sách đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều địa phương đã phục dựng và duy trì nghi lễ cấp sắc truyền thống – một biểu tượng văn hóa – tín ngưỡng quan trọng của người Dao. Tính đến năm 2023, đã có trên 40 lớp học chữ Nôm Dao được tổ chức tại các huyện vùng cao, như: Văn Bàn (Lào Cai), Bắc Quang (Hà Giang) góp phần quan trọng vào việc phục hồi chữ viết và truyền thống học thuật. Một số nghệ nhân Dao được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, được hỗ trợ kinh phí bảo tồn tri thức dân gian. Hệ thống nhà văn hóa thôn bản được xây dựng hoặc nâng cấp tại các khu dân cư người Dao, trở thành không gian tổ chức lễ hội, lớp học, và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức mang tính trình diễn, thiếu chiều sâu truyền thống, chưa phản ánh đúng bản sắc gốc. Các mô hình tổ chức còn nặng về hành chính – mệnh lệnh, trong khi sự tham gia của người Dao chủ yếu ở vai trò thụ hưởng, không phải là đồng kiến tạo chính sách. Hệ thống thiết chế được đầu tư nhưng thiếu nội dung hoạt động thực chất, chủ yếu phục vụ các sự kiện nhất thời. Chưa có cơ chế hỗ trợ ổn định cho đội ngũ truyền dạy văn hóa dân tộc tại cộng đồng, dẫn đến nguy cơ đứt gãy giữa các thế hệ. Một số lễ hội truyền thống bị lồng ghép, pha trộn hoặc bị thương mại hóa quá mức làm giảm tính linh thiêng và tính cộng đồng vốn có.

Bảng 1: Tổng hợp chính sách bảo tồn văn hóa người Dao

Chính sách/Chương trìnhPhương thức triển khaiKết quả đạt đượcHạn chế/Tồn tại
Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 (Dự án 6)Phân bổ ngân sách trung ương cho địa phương; tổ chức lớp học, lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóaTổ chức hàng chục lớp học chữ Nôm Dao; khôi phục lễ cấp sắc; đầu tư thiết chế văn hóa thôn bảnThiếu tính bền vững; nhiều nơi thực hiện hình thức; chưa gắn với sinh kế văn hóa
Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thểHỗ trợ nghiên cứu, số hóa, truyền dạy nghi lễ, nghệ thuật dân gian qua nghệ nhân và cộng đồngHàng trăm di sản được kiểm kê, phục dựng; mở rộng truyền dạy nghệ thuật cúng, dân ca DaoNguồn lực phân tán; thiếu cơ chế gắn kết giữa nghệ nhân và trường học, cộng đồng
Đề án bảo tồn chữ viết dân tộc thiểu sốTổ chức lớp học chữ Nôm Dao, biên soạn tài liệu, phát hành học liệu tiếng DaoNhiều địa phương triển khai giảng dạy tiếng Dao; bước đầu chuẩn hóa tài liệuThiếu giáo viên biết chữ Nôm Dao; học sinh ít tham gia do thiếu động lực
Phong tặng nghệ nhân dân gian (Nghị định số 62/2014/NĐ-CP)Thẩm định, phong tặng danh hiệu, hỗ trợ tài chính cho nghệ nhân có đóng góp bảo tồn di sảnHàng trăm nghệ nhân được phong tặng; một số được hỗ trợ bảo tồn nghi lễ DaoTiêu chí phong tặng còn hành chính; hỗ trợ chưa đủ khuyến khích duy trì di sản
Kế hoạch bảo tồn văn hóa cấp tỉnh (Lào Cai, Quảng Ninh…)Ban hành kế hoạch hành động riêng, phục dựng lễ cấp sắc, tổ chức lớp học, hỗ trợ trang phục truyền thốngMột số mô hình lễ hội truyền thống do người dân chủ động tham gia và duy trìThiếu ngân sách duy trì; mô hình thiếu pháp lý, chưa nhân rộng hiệu quả
Nguồn: kết quả tổng hợp của tác giả.

Nguyên nhân của những hạn chế trên đến từ nhiều yếu tố. Thể chế thực thi hiện tại còn thiếu cơ chế “trao quyền văn hóa” rõ ràng. Quyền chủ thể của cộng đồng người Dao trong bảo tồn văn hóa mới chỉ được khẳng định về mặt nguyên tắc, chưa được cụ thể hóa bằng cơ chế pháp lý và tổ chức đủ mạnh. Quy trình xây dựng kế hoạch còn thiếu sự tham vấn thực chất với đại diện cộng đồng, dẫn đến khoảng cách giữa thiết kế chính sách và nhu cầu thực tế. Năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế, thiếu kiến thức chuyên môn về văn hóa dân tộc và bảo tồn phi vật thể. Việc đánh giá hiệu quả thực thi vẫn dựa chủ yếu trên chỉ tiêu đầu ra (số lớp, số buổi, số công trình) mà chưa có công cụ đo lường mức độ tham gia, năng lực tự quản hay khả năng truyền tiếp của cộng đồng trong bảo tồn văn hóa lâu dài.

Để nâng cao chất lượng thực thi chính sách cần sớm thiết kế lại cấu trúc thể chế theo hướng tăng cường đồng quản trị giữa chính quyền và cộng đồng; công nhận và hỗ trợ vai trò của các thiết chế văn hóa tự quản; thiết lập bộ chỉ số giám sát dựa trên quyền văn hóa và mức độ chủ động của cộng đồng thay vì chỉ tập trung vào số liệu hành chính.

5. Giải pháp chính sách

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách bảo tồn văn hóa người Dao trong giai đoạn tới cần định hướng điều chỉnh theo hướng củng cố quyền văn hóa của cộng đồng, tái cấu trúc cơ chế thực thi và hoàn thiện công cụ đánh giá dựa trên mức độ chủ thể hóa. Ba nhóm giải pháp được đề xuất với mục tiêu hình thành một hệ thống chính sách không chỉ hỗ trợ cộng đồng người Dao trong bảo tồn di sản mà còn khẳng định họ là chủ thể trung tâm trong tiến trình gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa.

Thứ nhất, về thể chế, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý công nhận quyền văn hóa cộng đồng.

Việc thể chế hóa quyền chủ thể văn hóa cần được cụ thể hóa thông qua sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và các văn bản dưới luật theo hướng công nhận vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao là chủ thể trực tiếp của hoạt động bảo tồn. Cần bổ sung quy định về “thiết chế văn hóa tự quản”, trao tư cách pháp lý cho các tổ chức do cộng đồng tự thành lập như hội nghệ nhân, nhóm gìn giữ nghi lễ truyền thống, câu lạc bộ văn hóa dân gian. Đồng thời, cần có cơ chế ngân sách đặc thù cấp trực tiếp cho các tổ chức này thông qua mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa cộng đồng có sự đồng giám sát giữa chính quyền và đại diện dân tộc thiểu số.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện, thiết lập cơ chế đồng quản trị văn hóa giữa chính quyền và cộng đồng.

Chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc Dao cần chuyển từ mô hình “triển khai từ trên xuống” sang mô hình “đồng thiết kế – đồng thực hiện – đồng kiểm soát”. Theo đó, cần xây dựng quy trình tham vấn chính thức trong các chương trình bảo tồn có liên quan đến cộng đồng người Dao, đặc biệt tại giai đoạn xác định nhu cầu, lựa chọn mô hình và tổ chức thực hiện. Khuyến khích hình thành các “hội đồng văn hóa cộng đồng” cấp thôn, xã với sự tham gia của người Dao có vai trò đề xuất chương trình, theo dõi tiến độ và kiểm tra tính phù hợp về văn hóa – xã hội. Việc phân cấp ngân sách cũng cần được cải thiện theo hướng tăng tính linh hoạt cho địa phương trong việc sử dụng quỹ văn hóa theo đề án cộng đồng được phê duyệt.

Thứ ba, về giám sát và đánh giá, xây dựng bộ chỉ số dựa trên quyền văn hóa và mức độ tham gia cộng đồng.

Hệ thống đánh giá hiệu quả chính sách bảo tồn cần chuyển đổi từ chỉ tiêu định lượng sang chỉ tiêu chất lượng, nhấn mạnh các yếu tố, như: mức độ tham gia của người Dao trong xây dựng và tổ chức hoạt động; tính nguyên bản và liên tục của các thực hành văn hóa; năng lực tự tổ chức của cộng đồng; mức độ kế thừa giữa các thế hệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì xây dựng “Khung chỉ số đánh giá thực thi chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số dựa trên quyền cộng đồng” để áp dụng thí điểm tại các địa phương có đông đồng bào Dao cư trú, làm cơ sở điều chỉnh chính sách kịp thời, sát thực tế.

Ba nhóm giải pháp nêu trên không chỉ hướng tới khắc phục những bất cập trong thực tiễn thực thi hiện nay mà còn góp phần xây dựng một mô hình quản trị văn hóa hiện đại – nơi cộng đồng dân tộc không chỉ là người gìn giữ di sản mà còn là đối tác chính thức của Nhà nước trong việc duy trì sự đa dạng và phát triển văn hóa bền vững. Trong bối cảnh hội nhập, phát huy vai trò chủ thể văn hóa của người Dao cũng chính là khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam đa tộc người trong một quốc gia dân chủ, pháp quyền và văn hóa.

6. Kết luận

Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao, không chỉ là một lĩnh vực chuyên môn của ngành Văn hóa mà còn là biểu hiện cụ thể của cam kết chính trị, thể hiện vai trò kiến tạo và bảo đảm công bằng văn hóa của Nhà nước đối với các cộng đồng yếu thế trong quá trình phát triển. Qua phân tích thực tiễn thực thi chính sách trong thời gian qua, có thể thấy Nhà nước đã bước đầu xây dựng được hệ thống thể chế, chương trình và nguồn lực tương đối đầy đủ cho công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế tham gia, phương thức tổ chức thực hiện và đặc biệt là thiếu khung pháp lý công nhận quyền văn hóa cộng đồng vẫn đang cản trở hiệu lực và tính bền vững của các chính sách hiện hành.

Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần chuyển hướng từ tiếp cận “hành chính – cấp phát” sang mô hình “quản trị văn hóa đồng kiến tạo”, trong đó cộng đồng người Dao được công nhận và tạo điều kiện đầy đủ để trở thành chủ thể văn hóa, có quyền tự quyết, tự tổ chức và tự đánh giá quá trình bảo tồn của chính mình. Việc xây dựng khung pháp lý cho các thiết chế văn hóa tự quản, thiết lập cơ chế đồng giám sát giữa chính quyền và cộng đồng cũng như thiết kế lại hệ thống đánh giá theo tiêu chí dựa trên quyền văn hóa là những điều kiện cần thiết để tạo ra đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

Từ góc độ học thuật, vấn đề quyền chủ thể văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và người Dao nói riêng, cần được tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, đặc biệt trong mối liên hệ với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền văn hóa, quyền bản địa, cũng như các mô hình quản trị văn hóa đa dân tộc trong khu vực và thế giới. Từ góc độ chính sách, cần có những đánh giá tác động độc lập đối với các chương trình đã thực hiện nhằm điều chỉnh chiến lược can thiệp, nâng cao năng lực thể chế ở cấp địa phương và xây dựng hành lang pháp lý cho sự tham gia chủ động, bình đẳng và bền vững của cộng đồng trong đời sống văn hóa.

Bảo tồn văn hóa người Dao không thể chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật, mà phải được nhìn nhận như một tiến trình chính trị – xã hội dài hạn, trong đó quyền làm chủ văn hóa là yếu tố trung tâm. Khi cộng đồng được trao quyền thực sự, di sản văn hóa không chỉ được gìn giữ, mà còn trở thành nền tảng nội sinh cho sự phát triển tự cường, hội nhập và bền vững của chính cộng đồng đó trong một quốc gia đa dạng và đoàn kết.

Chú thích:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023). Báo cáo thống kê dân tộc thiểu số năm 2023.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 19/11/2024 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
3. UNESCO (2001). Universal declaration on cultural diversity. http://unesdoc.unesco.org/images/0012/001271/127160m.pdf.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (2023). Báo cáo thống kê về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. http://www.bvhttdl.gov.vn.
5. United Nations Development Programme (2022). Human development report 2021-2022: Vietnam country report.
6. World Bank (2023). Cultural institutional assessment in ethnic minority regions of Vietnam. https://www.worldbank.org/en/country/vietnam.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (2023). Báo cáo kết quả thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2023.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021). Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2030.
3. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
4. Ủy ban Dân tộc (2022). Sổ tay hướng dẫn triển khai Dự án 6: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
5. Nguyễn Văn Hùng (2020). Quyền văn hóa và vai trò chủ thể của cộng đồng trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 449, tr. 24 – 29.
6. Phạm Quang Thái (2022). Chính sách bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số nhìn từ thực tiễn Tây Bắc Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 3, tr. 15-25.
7. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
8. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (2003). Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.