“Chủ nghĩa dân túy” ở phương Tây và kinh nghiệm đối với Việt Nam

TS. Phạm Đình Khuê
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ nghĩa dân túy, nổi bật trong thế kỷ XXI tại các nền dân chủ phương Tây với khẩu hiệu “nhân dân trên hết” và sự chỉ trích tầng lớp tinh hoa đã làm suy yếu thể chế dân chủ, gây chia rẽ xã hội và thách thức các giá trị tự do, bình đẳng. Một số quốc gia trên thế giới chứng kiến sự tập trung quyền lực vào lãnh đạo dân túy, đã làm phá vỡ nguyên tắc dân chủ và làm gia tăng phân cực xã hội. Tư tưởng bài toàn cầu hóa của chủ nghĩa dân túy cũng làm suy yếu vai trò tổ chức quốc tế, gây bất ổn toàn cầu. Bài viết phân tích các hệ quả tiêu cực của “chủ nghĩa dân túy”, đồng thời, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nhận diện và ngăn ngừa dân túy, bảo đảm ổn định chính trị và hội nhập quốc tế hiệu quả.

Từ khóa: Chủ nghĩa dân túy, dân chủ tự do, phân cực xã hội, chủ nghĩa đa phương, bài học Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chủ nghĩa dân túy, mặc dù không phải hiện tượng chính trị mới, đã trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ XXI, đặc biệt tại các nền dân chủ phương Tây. Ban đầu, “chủ nghĩa dân túy” xuất hiện như một phong trào mang tính nhân văn, đại diện cho tiếng nói của tầng lớp yếu thế, phản đối bất công xã hội và sự thống trị của giới tinh hoa. Tuy nhiên, theo thời gian, đã biến đổi thành một hiện tượng chính trị – xã hội với những tác động sâu rộng, cả tích cực và tiêu cực đến các thể chế chính trị và giá trị xã hội.

Trong bối cảnh hiện đại, “chủ nghĩa dân túy” thường được nhận diện qua sự đối lập mạnh mẽ giữa “nhân dân chân chính” và “giới tinh hoa tham nhũng”. Những nhà lãnh đạo dân túy sử dụng các khẩu hiệu đơn giản nhưng đánh vào tâm lý bất mãn của người dân, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hoặc xã hội. Cùng với sức hút mạnh mẽ, chủ nghĩa dân túy cũng mang lại những hệ quả tiêu cực như suy yếu các thể chế dân chủ, gia tăng phân cực xã hội và phá vỡ các nguyên tắc hợp tác quốc tế.

Tại Việt Nam, mặc dù hệ thống chính trị khác biệt so với các nền dân chủ phương Tây, nhưng các tác động của làn sóng dân túy toàn cầu vẫn không thể tránh khỏi. Sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông số đã trở thành nền tảng để một số cá nhân hoặc nhóm lợi dụng các tư tưởng dân túy nhằm kích động dư luận, lan truyền thông tin sai lệch và tạo ra bất ổn trong đời sống chính trị – xã hội. Các biểu hiện, như: lạm dụng tâm lý đám đông, đưa ra các hứa hẹn ngắn hạn không khả thi hoặc khuấy động mâu thuẫn xã hội đã xuất hiện, mặc dù chưa đủ rõ nét để trở thành một phong trào thống trị.

Những bài học từ các nền dân chủ phương Tây cho thấy, “chủ nghĩa dân túy” không chỉ làm suy yếu các thể chế mà còn phá vỡ tinh thần đoàn kết xã hội và gây ra bất ổn chính trị. Đối với Việt Nam, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nhận diện kịp thời, ngăn ngừa và xử lý các biểu hiện dân túy, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị và phát triển bền vững. Việc tăng cường giáo dục nhận thức, củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân sẽ là yếu tố then chốt để bảo vệ đất nước trước các thách thức từ tư tưởng dân túy trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Thực tiễn “chủ nghĩa dân túy” ở phương Tây

2.1. Nguồn gốc và đặc trưng của “chủ nghĩa dân túy”

Chủ nghĩa dân túy (populism) là một hiện tượng chính trị – xã hội phức tạp, tập trung vào sự đối lập giữa “nhân dân chân chính” và “giới tinh hoa tham nhũng” trong đó, ý chí của Nhân dân được khẳng định là nguồn quyền lực tối cao. Theo Cas Mudde, đây là một “hệ tư tưởng mỏng” (thin-centered ideology), thiếu hệ thống lý luận toàn diện nhưng đủ linh hoạt để kết hợp với các hệ tư tưởng khác như cánh tả, cánh hữu, dân tộc cực đoan hay chống toàn cầu hóa1.

Về nguồn gốc, “chủ nghĩa dân túy” xuất hiện từ thế kỷ XIX trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội gia tăng. Tại Nga, phong trào “Narodniki” vào cuối thế kỷ XIX nhấn mạnh vai trò của nông dân và công xã nông thôn, xem đây là nền tảng của một xã hội công bằng, nhưng đã bị V.I. Lênin phê phán là thiếu cơ sở khoa học và làm suy yếu phong trào công nhân “V.I. Lê-nin nhấn mạnh, muốn đem chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân Nga, muốn thành lập chính đảng mác-xít cách mạng Nga, nhất thiết phải đập tan ảnh hưởng của “chủ nghĩa dân túy” trong phong trào cách mạng Nga nói chung và trong phong trào công nhân Nga nói riêng”2.

Tại Hoa Kỳ, phong trào dân túy nổi lên trong thập niên 90 thế kỷ XX với sự thành lập Đảng Nhân dân (People’s Party), đại diện cho quyền lợi của nông dân và tầng lớp lao động nông thôn, chống lại các tập đoàn tài chính và độc quyền đường sắt. Tuy nhiên, cả hai phong trào đều suy yếu do thiếu sự đồng thuận nội bộ và áp lực từ tầng lớp thống trị.

Bước sang thế kỷ XX và XXI, “chủ nghĩa dân túy” phát triển mạnh mẽ và xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ các phong trào xã hội nhân văn đến chính trị mị dân. Lãnh đạo một số quốc gia đã tận dụng sự bất mãn của quần chúng để giành quyền lực, sử dụng chiến thuật mị dân và nhấn mạnh lợi ích quốc gia để thu hút sự ủng hộ.

Trong thực tiễn, “chủ nghĩa dân túy” hiện đại có bốn đặc trưng chính:

Thứ nhất, nhấn mạnh vai trò của “Nhân dân” như nguồn quyền lực tối cao, trong khi tầng lớp tinh hoa bị coi là tham nhũng và xa rời lợi ích cộng đồng. Các lãnh đạo dân túy thường tự nhận mình là đại diện duy nhất của “Nhân dân chân chính” và cam kết bảo vệ tầng lớp lao động bị bỏ quên.

Thứ hai, “chủ nghĩa dân túy” thường chỉ trích, phê phán tầng lớp tinh hoa, bao gồm: chính trị gia, doanh nhân và các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, lời hứa mị dân là một đặc điểm quan trọng. Các nhà lãnh đạo dân túy thường đưa ra những cam kết ngắn hạn nhằm làm hài lòng quần chúng nhưng thiếu chiến lược dài hạn, với cam kết chống tham nhũng nhưng chính sách lại không đạt được hiệu quả thực tế.

Thứ tư, “chủ nghĩa dân túy” hiện đại thường gắn liền với tư tưởng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Các lãnh đạo dân túy tìm mọi lý lẽ để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, song lại làm dấy lên tranh cãi về trách nhiệm với quốc tế. Những đặc điểm này khiến “chủ nghĩa dân túy” trở thành một công cụ chính trị hấp dẫn trong thời kỳ bất ổn, khi người dân mất niềm tin vào các thể chế truyền thống.

2.2. Các giá trị dân chủ phương Tây

Dân chủ phương Tây, khởi nguồn từ thời kỳ khai sáng, được xây dựng trên các giá trị cốt lõi, như: pháp quyền, tự do cá nhân, bình đẳng và vai trò của các thể chế độc lập. Những giá trị này là nền tảng cho sự thịnh vượng của các quốc gia phương Tây và là khuôn mẫu cho nhiều quốc gia khác nhưng đang chịu thách thức lớn từ sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân túy”.

Pháp quyền bảo đảm tính tối thượng của pháp luật, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của công dân, ngăn chặn mọi cá nhân, kể cả lãnh đạo đứng trên pháp luật. Các hệ thống tư pháp độc lập, như: tòa án tối cao Hoa Kỳ là minh chứng điển hình. Tự do cá nhân, bao gồm: quyền tự do ngôn luận, tôn giáo và báo chí là nền tảng của sự đổi mới xã hội. Tuy nhiên, “chủ nghĩa dân túy” thường lợi dụng truyền thông để khuếch đại thông điệp mị dân, gây chia rẽ xã hội.

Bình đẳng bảo đảm quyền lợi cho mọi tầng lớp, không phân biệt địa vị, chủng tộc, hay giới tính, đồng thời, thúc đẩy bình đẳng cơ hội thông qua các chính sách phúc lợi như ở Thụy Điển và Na Uy. Vai trò của các thể chế độc lập, như quốc hội, tòa án và các cơ quan kiểm toán giúp cân bằng quyền lực và ngăn chặn sự tập trung quyền lực vào tay một nhóm nhỏ, ví dụ điển hình là Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức. Song, “chủ nghĩa dân túy” thường công kích các giá trị này, cáo buộc các thể chế là quan liêu và không đại diện đúng lợi ích của nhân dân. Các nhà lãnh đạo dân túy luôn tìm cách làm suy yếu các cơ quan kiểm soát và vi phạm nguyên tắc pháp quyền, gây chia rẽ xã hội sâu sắc. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến nội tại các quốc gia phương Tây mà còn làm giảm uy tín của các nền dân chủ này trên trường quốc tế. Việc bảo vệ và củng cố các giá trị cốt lõi là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững.

3. Hệ quả của chủ nghĩa dân túy đối với các giá trị dân chủ phương Tây

3.1. Suy yếu thể chế dân chủ

Chủ nghĩa dân túy đã và đang gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với các giá trị dân chủ phương Tây, đặc biệt là sự suy yếu của các thể chế dân chủ thông qua việc tập trung quyền lực và làm giảm vai trò của các cơ quan giám sát. Với các lãnh đạo dân túy, việc kiểm soát các thiết chế độc lập như truyền thông, tòa án và quốc hội không chỉ là công cụ củng cố quyền lực mà còn làm suy yếu các nguyên tắc dân chủ cốt lõi, như: minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính độc lập.

Chủ nghĩa dân túy ở châu Âu thường thúc đẩy những thay đổi pháp lý, làm suy yếu các thể chế dân chủ bằng các hành động, như: sửa đổi Hiến pháp quốc gia, tăng cường quyền lực cho chính phủ và thắt chặt kiểm soát truyền thông dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về tự do báo chí và tính minh bạch. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng đối với tự do báo chí và quyền công dân3.

Tại một số nước, các cuộc tấn công vào truyền thông và các cơ quan tư pháp đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống chính trị. Các nhà lãnh đạo dân túy thường xuyên chỉ trích truyền thông, gọi họ là “kẻ thù của nhân dân” và sa thải nhiều quan chức trong Bộ Tư pháp. Những hành động này không chỉ làm suy yếu nguyên tắc pháp quyền mà còn chia rẽ xã hội sâu sắc.

Hệ quả của sự suy yếu thể chế không chỉ dừng lại ở việc làm giảm tính minh bạch mà còn mở rộng nguy cơ tham nhũng và lạm quyền. Khi các cơ quan giám sát bị vô hiệu hóa hoặc bị kiểm soát, khả năng kiểm tra và cân bằng quyền lực bị suy giảm. Transparency International đã cảnh báo, sự suy yếu của các thiết chế dân chủ dưới áp lực của chủ nghĩa dân túy đã làm gia tăng các hành vi lạm dụng quyền lực tại nhiều quốc gia phương Tây4.

Ngoài ra, sự tập trung quyền lực quá mức còn làm xói mòn nguyên tắc tam quyền phân lập, vốn là nền tảng của các nền dân chủ phương Tây. Hoặc như các lãnh đạo dân túy thông qua các cải cách tư pháp làm suy yếu tính độc lập của tòa án tối cao, gây ra mâu thuẫn không chỉ trong nước mà còn với Liên minh châu Âu (EU).

3.2. Gia tăng phân cực xã hội

Chủ nghĩa dân túy với đặc trưng dựa trên sự đối lập giữa “nhân dân chân chính” và “giới tinh hoa tham nhũng”, thường khai thác và khuếch đại các mâu thuẫn xã hội để đạt được sự ủng hộ từ công chúng. Tuy nhiên, hệ quả của chiến lược này là sự gia tăng phân cực trong xã hội, làm xói mòn tinh thần đoàn kết và khiến việc đạt được đồng thuận chính trị trở nên khó khăn hơn.

Chẳng hạn, như Chiến dịch vận động rời khỏi EU của một số quốc gia đã nhấn mạnh đến những lo ngại về nhập cư và chủ quyền quốc gia, tạo ra sự phân hóa sâu sắc không chỉ giữa các tầng lớp kinh tế mà còn giữa các khu vực và thế hệ. Theo một báo cáo từ Viện Chính sách Công (Institute for Public Policy Research), có sự gia tăng chia rẽ giữa các khu vực đô thị phát triển và các khu vực nông thôn. Thêm vào đó, sự khác biệt thế hệ cũng trở thành một điểm mâu thuẫn lớn, khi phần lớn người trẻ ủng hộ ở lại EU, trong khi nhóm cử tri lớn tuổi lại ủng hộ rời đi. Hệ quả là xã hội của các quốc gia này bị chia rẽ sâu sắc, không chỉ trong giai đoạn trước trưng cầu dân ý mà còn kéo dài đến hiện tại, khi các chính sách vẫn tiếp tục gây tranh cãi5.

Chủ nghĩa dân túy đẩy sự phân cực chính trị lên đỉnh điểm khi các vấn đề, như: nhập cư, y tế và quyền sở hữu súng đã trở thành những chủ đề gây tranh cãi gay gắt, chia rẽ công chúng thành hai phe đối lập rõ ràng6. Sự phân cực này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính trị mà còn lan rộng sang các khía cạnh xã hội và văn hóa7

Hệ quả của sự gia tăng phân cực xã hội do “chủ nghĩa dân túy” tạo ra là sự suy giảm khả năng đoàn kết, làm yếu đi tính gắn kết xã hội. Khi các mâu thuẫn bị khuếch đại, việc đạt được đồng thuận trong các chính sách công trở nên khó khăn hơn. Điều này không chỉ làm chậm tiến trình ra quyết định mà còn tạo ra sự mất niềm tin vào các thể chế chính trị truyền thống. Thêm vào đó, sự phân cực còn dẫn đến việc các nhóm cực đoan trong xã hội nổi lên, khiến môi trường chính trị và xã hội ngày càng trở nên bất ổn.

3.3. Suy giảm vai trò của chủ nghĩa đa phương

Chủ nghĩa dân túy với trọng tâm là lợi ích của “nhân dân chân chính” và sự đối kháng với các thể chế toàn cầu, thường phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận quốc tế và thúc đẩy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Hệ quả của điều này là sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương – một trong những trụ cột chính trong việc duy trì ổn định và hợp tác quốc tế toàn cầu.

Gần đây, tại Hoa Kỳ, dưới khẩu hiệu “America First” (nước Mỹ là trên hết), Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu8. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng rút khỏi một loạt các tổ chức và hiệp định quốc tế khác, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc giám sát y tế và hệ thống phản hồi khẩn cấp toàn cầu9.

Tại châu Âu, các phong trào dân túy đã thúc đẩy xu hướng ly khai và làm suy yếu các nỗ lực hợp tác của EU, cho thấy tác động của chủ nghĩa dân túy trong việc phá vỡ các thể chế đa phương là rất lớn. Chiến dịch “Leave” trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit đã tập trung vào các vấn đề, như: kiểm soát biên giới và chủ quyền quốc gia, đồng thời chỉ trích EU là một tổ chức quan liêu, không đại diện cho lợi ích của người dân Anh. Sự kiện Brexit không chỉ gây tổn hại đến quan hệ giữa Anh và EU mà còn tạo ra hiệu ứng domino, khuyến khích các phong trào dân túy tại các quốc gia khác đòi hỏi quyền tự quyết hoặc ly khai khỏi EU. Vương quốc Anh rời khỏi EU sau hơn 40 năm gắn bó, gây ra thay đổi lớn về cả kinh tế, chính trị và vấn đề xã hội. Quyết định này dẫn đến sự bất ổn kinh tế, đàm phán lại các thỏa thuận thương mại và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Anh với các nước EU cũng như toàn cầu10.

Hệ quả của việc phản đối chủ nghĩa đa phương là sự suy giảm hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, như: biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và xung đột khu vực. Khi các quốc gia dân túy ưu tiên lợi ích quốc gia hẹp hòi thay vì hợp tác quốc tế, khoảng trống quyền lực xuất hiện, tạo điều kiện cho các thế lực khác vươn lên. Ví dụ, việc Hoa Kỳ rút lui khỏi các thỏa thuận và tổ chức quốc tế đã tạo ra khoảng trống trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, cho phép các quốc gia khác gia tăng ảnh hưởng trong các thể chế đa phương, gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẵn sàng ủng hộ chủ nghĩa đa phương hóa nền kinh tế toàn cầu11.

Ngoài ra, sự suy giảm vai trò của các thể chế đa phương còn làm gia tăng nguy cơ xung đột và bất ổn quốc tế. Khi các quốc gia không còn tin tưởng vào các cơ chế hợp tác, nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột thương mại, tranh chấp lãnh thổ hoặc thậm chí xung đột vũ trang trở nên cao hơn. Sự rạn nứt trong EU hay căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh là những ví dụ điển hình về cách chủ nghĩa dân túy làm suy yếu sự đoàn kết quốc tế.

4. Kinh nghiệm đối với Việt Nam

4.1. Nhận diện các biểu hiện dân túy tại Việt Nam

Mặc dù “chủ nghĩa dân túy” chưa trở thành một phong trào rõ nét tại Việt Nam, các biểu hiện manh nha đã bắt đầu xuất hiện trong đời sống chính trị – xã hội. Các hiện tượng này nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời, có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sự ổn định xã hội; đồng thời, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị. Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ những nguy cơ này trong các văn kiện và chỉ đạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.

Lạm dụng truyền thông và mạng xã hội là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, YouTube hay TikTok đã trở thành công cụ để một số cá nhân hoặc nhóm lan truyền thông tin sai lệch, kích động dư luận, thậm chí xuyên tạc đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những thông tin độc hại trên không gian mạng làm lung lay niềm tin của Nhân dân và gây ra sự hoang mang trong xã hội cần được tăng cường quản lý, kiểm soát. Đây là nhiệm vụ không chỉ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội phải kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục12.

Kích động tâm lý đám đông là một biểu hiện khác cần được nhận diện. Một số cá nhân hoặc nhóm đã lợi dụng lòng yêu nước hoặc các vấn đề nhạy cảm, như: chủ quyền biển đảo, tranh chấp đất đai và môi trường để thúc đẩy các phong trào phản đối cực đoan. Những phong trào này thường không đưa ra các giải pháp cụ thể mà thay vào đó chỉ nhằm tạo áp lực hoặc gây bất ổn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, cần kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch; đồng thời, yêu cầu các cấp chính quyền phải tăng cường công tác tuyên truyền để định hướng dư luận. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các phong trào đám đông dễ bị lợi dụng bởi những thế lực cơ hội.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh: nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin13.

Tư duy nhiệm kỳ cũng là một biểu hiện của “chủ nghĩa dân túy” trong quản lý chính sách. Một số cán bộ đưa ra các quyết định mang tính ngắn hạn để lấy lòng dân hoặc đạt được thành tích chính trị thay vì chú trọng đến các chính sách dài hạn, bền vững. Tư duy nhiệm kỳ không chỉ làm lãng phí nguồn lực mà còn làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức. Điều này đặt ra yêu cầu về sự liêm chính và tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo các cấp14.

Những biểu hiện này dù chưa phổ biến nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ phát triển của tư tưởng dân túy tại Việt Nam. Đảng và Nhà nước cần nhận diện và xử lý các biểu hiện của “chủ nghĩa dân túy” là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của toàn xã hội.

4.2. Giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn “chủ nghĩa dân túy” tại Việt Nam

“Chủ nghĩa dân túy” với những tác động tiêu cực tiềm tàng, không chỉ là thách thức đối với các nền dân chủ phương Tây mà còn đặt ra nguy cơ cho các quốc gia đang phát triển. Mặc dù chủ nghĩa dân túy chưa rõ nét tại Việt Nam nhưng các biểu hiện đã xuất hiện, đòi hỏi cần có các giải pháp tổng thể, kịp thời để bảo vệ sự ổn định chính trị, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị và bảo đảm phát triển bền vững. Những giải pháp này cần được triển khai đồng bộ từ nhận thức, thể chế, quản lý thông tin đến phát triển kinh tế và đoàn kết xã hội.

(1) Nâng cao nhận thức

Việc nâng cao nhận thức về tác hại của “chủ nghĩa dân túy” đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân là bước đầu tiên và cũng là yếu tố then chốt để ngăn chặn những tác động tiêu cực của hiện tượng này. “Chủ nghĩa dân túy” với các biểu hiện mị dân, kích động tâm lý đám đông và lan truyền thông tin sai lệch, dễ dàng làm lung lay niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị nếu không có sự nhận diện đúng đắn. Do đó, muốn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ cần phải nhận thức rõ bản chất của các nguy cơ, trong đó có các xu hướng mị dân, xuyên tạc chính sách15.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội thảo và các chương trình giáo dục chính trị tại các cấp. Báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí chính thống cần đóng vai trò trung tâm trong việc phổ biến thông tin chính xác, phản bác các luận điệu sai trái và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Đồng thời, hệ thống giáo dục quốc dân cũng cần tích hợp nội dung về nhận thức chính trị – xã hội vào chương trình giảng dạy để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về trách nhiệm công dân, từ đó hình thành tư duy phản biện và khả năng phân tích thông tin một cách độc lập.

(2) Củng cố thể chế

Một hệ thống chính trị minh bạch, liêm chính và hiệu quả là “tấm lá chắn” vững chắc nhất chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ sống còn, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp lạm quyền, lợi ích nhóm trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục và tăng cường tính minh bạch trong quản lý cũng là yếu tố cần thiết. Khi người dân thấy rõ sự công bằng và minh bạch trong hệ thống chính trị, niềm tin vào chính quyền sẽ được củng cố, giảm nguy cơ bị lôi kéo bởi các luận điệu dân túy. Việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và hệ thống giám sát độc lập cũng sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình và hạn chế các hành vi lạm dụng quyền lực.

(3) Quản lý truyền thông

Trong thời đại số, truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành một công cụ đắc lực cho các phong trào dân túy. Việc kiểm soát thông tin sai lệch và sử dụng báo chí chính thống để định hướng dư luận là yếu tố sống còn để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy. Các hành vi lan truyền thông tin giả mạo, sai lệch trên không gian mạng cần được xử lý nghiêm khắc, đồng thời tăng cường giám sát các nền tảng trực tuyến để ngăn chặn các nội dung kích động. Ngoài ra, cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc nâng cao chất lượng thông tin trên các kênh truyền thông chính thống. Báo chí không chỉ cần nhanh chóng cung cấp các thông tin chính xác mà còn phải xây dựng nội dung hấp dẫn, dễ tiếp cận để cạnh tranh với các thông tin không chính thống trên mạng xã hội. Các chiến dịch truyền thông về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cần được triển khai sáng tạo hơn, kết hợp đa nền tảng để tạo hiệu quả lan tỏa.

(4) Phát triển bền vững

Một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự phát triển của “chủ nghĩa dân túy” là bất bình đẳng kinh tế và cảm giác bị bỏ rơi của một bộ phận dân cư. Để ngăn chặn các tư tưởng dân túy, việc giảm bất bình đẳng và bảo đảm phát triển bền vững cần được đặt lên hàng đầu. Phát triển kinh tế không thể tách rời với bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng tại nông thôn và cải thiện chất lượng giáo dục, y tế cần được thực hiện một cách đồng bộ. Đồng thời, chính quyền cần chú trọng đến các nhóm yếu thế, bảo đảm họ được tham gia vào quá trình phát triển và nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Việc giải quyết các vấn đề bất công trong phân phối tài nguyên, hoặc tạo ra cơ hội công bằng cũng là cách làm hiệu quả để giảm thiểu các mâu thuẫn xã hội mà “chủ nghĩa dân túy” có thể lợi dụng.

(5) Tăng cường đoàn kết dân tộc

“Chủ nghĩa dân túy” thường khai thác sự chia rẽ xã hội để đạt được sự ủng hộ. Vì vậy, việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là giải pháp thiết yếu để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc,…là đường lối chiến lược có ‎ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam16. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tôn giáo và cộng đồng trong việc gắn kết các tầng lớp xã hội, tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân. Các chính sách cần hướng tới việc giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội, đồng thời, khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

5. Kết luận

“Chủ nghĩa dân túy” đã gây ra những tác động tiêu cực lớn đối với các giá trị dân chủ phương Tây, từ việc làm suy yếu thể chế, gia tăng phân cực xã hội đến phá vỡ hợp tác quốc tế. Những hệ quả này không chỉ là bài học cho các quốc gia phương Tây mà còn là kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nhận diện và ngăn ngừa các biểu hiện dân túy.

Tại Việt Nam, mặc dù “chủ nghĩa dân túy” chưa phát triển nhưng các biểu hiện đã xuất hiện, đặc biệt trên không gian mạng. Việc nhận diện và xử lý kịp thời các biểu hiện này là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển bền vững. Việc kết hợp giữa nhận thức đúng đắn, quản trị minh bạch, phát triển kinh tế – xã hội và đoàn kết dân tộc sẽ tạo nên “lá chắn thép” vững chắc trước những thách thức từ “chủ nghĩa dân túy” trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chú thích:
1. Mudde, C., & Rovira Kaltwasser (2017). Populism: A Very Short Introduction. Oxford University Press. P 6-8.
2. Về chủ nghĩa dân túy và đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện của nó ở Việt Nam hiện nay. https://tuyengiao.vn/ve-chu-nghia-dan-tuy-va-dau-tranh-ngan-ngua-nhung-bieu-hien-cua-no-o-viet-nam-hien-nay-128046.
3. Reporters Without Borders (RSF) (2024). Hungary: Media freedom under threat. https://rsf.org/en/country/hungary
4. Nước Mỹ và thế giới thời Trump 2.0: Những thay đổi và tác động toàn cầu. https://dantri.com.vn/the-gioi/nuoc-my-va-the-gioi-thoi-trump-20-nhung-thay-doi-va-tac-dong-toan-cau-20241109080331294.htm.
5. Roberts, C., Emden, J., Thomas, C., & Nanda (2020). Editorial: Picking up the pieces. Institute for Public Policy Research (IPPR). https://www.ippr.org/articles/editorial-picking-up-the-pieces.
6. Sự phân cực chính trị và ngoại giao Mỹ trong bối cảnh quốc tế mới. https://nghiencuuchienluoc.org/su-phan-cuc-chinh-tri-va-ngoai-giao-my-trong-boi-canh-quoc-te-moi/.
7. Reuters (2024). Trump prepares to withdraw from Paris climate agreement. https://www.reuters.com/business/environment/trump-prepares-withdrawing-paris-climate-agreement-nyt-reports-2024-11-08.
8. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. https://baochinhphu.vn/my-chinh-thuc-rut-khoi-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau-102263636.htm.
9. Ông Trump rút Mỹ khỏi WHO ngay đầu nhiệm kỳ. https://tuoitre.vn/ong-trump-rut-my-khoi-who-ngay-dau-nhiem-ky-20241224103201115.htm.
10. Brexit là gì? https://goonus.io/brexit-la-gi/.
11. Chủ nghĩa đa phương cần thiết để giải quyết sự không chắc chắn trong nền kinh tế thế giới. https://hoinhap.org.vn/phan-tich-binh-luan/hoi-nhap-kinh-te-quoc-te/46365-chu-nghia-da-phuong-can-thiet-de-giai-quyet-su-khong-chac-chan-trong-nen-kinh-te-the-gioi.html.
12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 146, 272.
14. Toàn văn kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-cuoc-hop-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-119221118204327577.htm.
15. Bác bỏ luận điệu xuyên tạc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://tuyengiao.vn/bac-bo-luan-dieu-xuyen-tac-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-138361.
16. Nguyễn Phú Trọng (2023). Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 15.