ThS. Triệu Thị Cẩm Nhung
ThS. Đoàn Thị Kim Ngân
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu đưa thành phố Cần Thơ phát triển tương xứng tiềm năng và vị thế là một trong những trung tâm của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã đạt được một số kết quả tích cực trong xây dựng đô thị thông minh nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số địa phương tiêu biểu và rút ra kinh nghiệm nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh cho thành phố Cần Thơ.
Từ khóa: Đô thị thông minh; kinh nghiệm địa phương; thành phố Cần Thơ.
1. Sự cần thiết xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Cần Thơ
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố Cần Thơ đã lãnh đạo công tác xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ đã xây dựng hạ tầng ICT – nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh, trong đó, cơ bản hoàn thiện các hệ thống dùng chung, như: hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị kể cả phiên bản di động tích hợp ký số; hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức đến tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố. Triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Cần Thơ; hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai cho 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Triển khai các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn; có 4/9 quận, huyện với tổng số 552 đầu camera; 80/83 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “camera phòng chống tội phạm” với trên 3.500 đầu camera. Triển khai hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý trạm y tế xã; 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh, bảo đảm kết nối liên thông; triển khai phương án thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh qua điện thoại, website, mạng xã hội1.
Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của thành phố đã và đang bộc lộ rất nhiều bất cập như: tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông xuất hiện thường xuyên hơn; công tác quản lý dân cư, bảo đảm các dịch vụ thiết yếu nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước,… vẫn còn hạn chế. Sau khi thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang sẽ được sáp nhập vào thành phố Cần thơ; với diện tích và dân số được mở rộng, tạo dư địa cho phát triển đô thị thông minh nhưng cũng có nhiều vấn đề mới đặt ra. Vì vậy, để đạt được mục tiêu xây dựng đô thị thông minh và đưa thành phố Cần Thơ phát triển tương xứng tiềm năng và vị thế là trung tâm của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố Cần Thơ cần nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số tỉnh, thành phố trong cả nước để phát huy tối đa lợi thế hiện có.
2. Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh ở một số địa phương
a. TP. Hồ Chí Minh
Ngày 23/11/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó xác định tầm nhìn là “bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hướng đến nền kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân”. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh ngày càng được tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả 3 trụ cột, gồm: (1) Chính quyền số; (2) Kinh tế số; (3) Xã hội số. Với 04 nhiệm vụ trung tâm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; Xây dựng Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế xã hội; Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố; Thành lập Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Mục tiêu chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 là trở thành đô thị thông minh, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy Chính quyền số, thúc đẩy Kinh tế số, Xã hội số nhằm đem lại tiện ích cho người dân.
TP. Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ vai trò của mình trong việc hợp tác, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng thông tin, đây là nền tảng vững chắc cho đô thị thông minh. Năm 2024, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) phối hợp cùng Meta Square tổ chức chương trình Kết nối giao thương Việt Nam – Hàn Quốc (Vietnam & Korea on IT Sector) nhằm tăng cường kết nối, mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số2.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. Hồ Chí Minh được xây dựng; là nơi tổng hợp, khai thác tất cả các nguồn thông tin dữ liệu với các công cụ hỗ trợ ra quyết định tối ưu, qua đó giúp lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh điều hành, xử lý các tình huống, quy hoạch và định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh; còn bảo đảm chức năng kết nối với các trung tâm điều hành sở – ngành, trung tâm điều hành quận – huyện và các trung tâm chuyên ngành. Năm 2024, UBND Thành phố ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động Cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch về nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng thông tin điện tử thành phố giai đoạn 2023 – 2025. Triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến giữa Thường trực UBND Thành phố với Chính phủ (phục vụ 260 cuộc họp); giữa Thường trực UBND Thành phố với các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức, quận, huyện (phục vụ 53 cuộc họp). Đầu tư bản quyền 170 bộ Microsoft Office cho cán bộ, công chức, viên chức. Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh đã từng bước áp dụng ký số điện tử toàn trình và số hóa toàn bộ hồ sơ văn bản điện tử đến và văn bản điện tử đi, thực hiện số hóa toàn bộ 100% hồ sơ, đầy đủ các văn bản pháp lý của từng hồ sơ được nhận, gửi và xử lý trên môi trường điện tử của UBND Thành phố. Vận hành chính thức Phần mềm hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo tại thành phố và liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Về nhân lực số, đã tập huấn cho hơn 1.200 cán bộ, công chức sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý khiếu nại, tố cáo tại thành phố3. Thành phố đã có các tiện ích tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, như giám sát trật tự, an toàn giao thông, bên cạnh các lĩnh vực, như: y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo, cụ thể: TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; ưu tiên nguồn lực xây dựng các cơ sở dữ liệu nền địa hình và bản đồ địa chính. Xây dựng Trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh, dựa trên những yếu tố phát triển bền vững, để dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cung cầu lao động; xây dựng bộ chỉ số niềm tin kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế – xã hội. Thành lập Trung tâm an toàn thông tin TP. Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công mạng, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho các hệ thống thông tin và hệ thống tự động hóa, hệ thống giám sát, điều khiển các cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh.
b. Thành phố Hà Nội
Hà Nội đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2024, có tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2024 đạt 6,52%, thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23,8% so với 20234. Hà Nội cũng đang là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước với 3 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, mới đây nhất là thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế xã hội xứng tầm Thủ đô. Thành phố đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa;,… Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2024, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, thành phố Hà Nội đã đạt được những nội dung:
(1) Về chính quyền số: duy trì triển khai, duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu Nhà nước tại số 185 Giảng Võ. Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số trong nội bộ thành phố bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Trong đó tập trung một số cơ sở dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực: tài chính, bảo hiểm, tư pháp – hộ tịch, y tế, tài nguyên – môi trường, nông nghiệp; lao động, việc làm, an sinh xã hội; giáo dục và đào tạo,… Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai đối với các dịch vụ công thiết yếu. Tiếp tục triển khai, duy trì, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, kết nối Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số và các hệ thống quy mô quốc gia cần thiết khác.
(2) Phát triển kinh tế số: đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội. Xây dựng các cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố. Tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất các mô hình để phát triển các vườn ươm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng công nghệ số thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về kinh doanh trên nền tảng số, hệ thống trực tuyến, dịch vụ trực tuyến, tạo môi trường phát triển kinh tế trên Internet và các loại hình kinh doanh mới.
(3) Phát triển xã hội số: tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ Chuyển đổi số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về Chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số khác theo nhu cầu. Triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID, là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân,… Từ khi chính thức ra mắt (ngày 28/6/2024), hiện có 1.446.705 người đăng ký tài khoản trên ứng dụng Công dân số Thủ đô – iHanoi. Trong đó có 70.573 người dùng đã đăng ký mới bằng VneID. Ứng dụng đã tiếp nhận 23.910 phản ánh, kiến nghị hiện trường của người dân gửi đến. Trong số đó, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý 19.871 phản ánh, kiến nghị, chiếm 83,1%;… Ứng dụng iHanoi cũng đã tiếp nhận 1.859 phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính5.
3. Kinh nghiệm rút ra cho thành phố Cần Thơ
Từ thực tiễn triển khai các mô hình đô thị thông minh tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – những địa phương đi đầu trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam – có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu để định hướng phát triển đô thị thông minh cho thành phố Cần Thơ. Với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần phát huy vị thế là đầu tàu phát triển, hạt nhân liên kết của vùng, hướng tới tham gia tích cực trong chuỗi đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thứ nhất, phát triển đô thị thông minh cần bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống chính sách, quy hoạch và kế hoạch hành động đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn. Thành phố Cần Thơ cần có chiến lược tổng thể nhằm giải quyết các thách thức mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị và nhu cầu phát triển dân cư, giao thông trong tương lai. Trong đó, yếu tố cốt lõi là gắn kết giữa chính sách phát triển đô thị thông minh với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Cùng với đó, vai trò định hướng chiến lược và cam kết chính trị từ lãnh đạo chính quyền các cấp là yếu tố quyết định thành công. Cần Thơ nên có chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big data), AI và quản lý đô thị hiện đại. Khuyến khích các sáng kiến khởi nghiệp sáng tạo, tạo dựng môi trường thể chế thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghệ phục vụ đô thị thông minh. Các nền tảng dữ liệu và hệ thống thông minh được xây dựng phải trở thành một phần trong chính sách phát triển của địa phương, bảo đảm khả năng tích hợp và vận hành liên thông.
Thứ hai, việc xây dựng đô thị thông minh cần dựa trên việc tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có của thành phố. Cần Thơ có lợi thế về vị trí địa lý, vai trò trung tâm vùng, hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu cùng nguồn nhân lực trẻ và có tiềm năng tiếp cận công nghệ. Thành phố cần khai thác hiệu quả các thế mạnh này để triển khai các giải pháp đô thị thông minh theo hướng “phù hợp – linh hoạt – bền vững”. Trong đó, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng dữ liệu mở, kết nối các hệ thống quản trị hiện có và triển khai các ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Song song, cần phát triển kinh tế số và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đô thị. Điều này đòi hỏi Cần Thơ xây dựng khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, startup sáng tạo và các nhóm nghiên cứu khoa học được tham gia sâu vào quá trình xây dựng đô thị thông minh. Chính quyền cần đóng vai trò “kiến tạo – đồng hành”, tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, thông thoáng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý công và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thứ ba, thành phố Cần Thơ cần phát triển đô thị thông minh với định hướng lấy người dân làm trung tâm. Điều này không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sống, cải thiện dịch vụ công và cơ sở hạ tầng mà còn tạo cơ chế để người dân tham gia vào quá trình giám sát, phản hồi, đề xuất giải pháp quản lý đô thị thông qua các nền tảng công nghệ số. Việc kết nối giữa người dân – doanh nghiệp – chính quyền thông qua các nền tảng tương tác hai chiều sẽ làm gia tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả hành chính công.
Bên cạnh đó, cần chuyển đổi mô hình quản trị từ “hành chính theo chiều dọc” sang mô hình quản trị thông minh, liên ngành, liên thông và có khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực. Đây là nền tảng để nâng cao năng lực dự báo, điều phối và phản ứng chính sách nhanh chóng, hiệu quả hơn, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh hay quá tải hạ tầng.
Để trở thành trung tâm phát triển đô thị thông minh của vùng Tây Nam Bộ, thành phố Cần Thơ cần đặt trọng tâm vào xây dựng chính sách chiến lược, phát triển nguồn lực địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao vai trò của người dân và hiện đại hóa mô hình quản trị đô thị. Sự kết hợp giữa yếu tố công nghệ, con người và thể chế sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để Cần Thơ hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi đô thị thông minh của quốc gia, khu vực và toàn cầu trong tương lai.
4. Kết luận
Phát triển đô thị thông minh ở thành phố Cần Thơ được xác định là một quá trình liên tục và lâu dài, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể; không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ, đó còn là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn của người dân và chính quyền. Trước những thay đổi do sắp xếp hệ thống chính trị và sự phân chia địa giới hành chính ở Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đang đặt ra những vấn đề mới trong xây dựng đô thị thông minh ở thành phố Cần Thơ. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh thành phố Cần Thơ cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm thành công và cả kinh nghiệm thất bại trong xây dựng đô thị thông minh ở các địa phương trong tương lai; để thành phố Cần Thơ có thể phát huy các nguồn lực xây dựng đô thị thông minh hiệu quả, nhanh chóng, bắt kịp sự chuyển dịch của các thành phố hiện đại trong nước, góp phần đưa của đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chú thích:
1. Tập trung xây dựng Cần Thơ thành đô thị thông minh. https://mic.gov.vn/tap-trung-xay-dung-can-tho-thanh-do-thi-thong-minh-197157049.htm
2. Việt Nam – Hàn Quốc kết nối, mở rộng hợp tác về đô thị thông minh. https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/viet-nam-han-quoc-ket-noi-mo-rong-hop-tac-ve-do-thi-thong-minh/49126.html
3. Văn phòng UBND Thành phố thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. https://hochiminhcity.gov.vn/vi/web/hcm/w/van-phong-ubnd-thanh-pho-thuc-hien-hieu-qua-chuyen-oi-so-va-nghi-quyet-so-98-2023-qh15-cua-quoc-hoi-1
4. Nhiều tỉnh, thành phố tăng trưởng kinh tế mạnh, thu ngân sách vượt dự toán. https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-tinh-thanh-pho-tang-truong-kinh-te-manh-thu-ngan-sach-vuot-du-toan-d55063.html
5. 16 triệu lượt người truy cập, sử dụng iHanoi. https://mic.gov.vn/16-trieu-luot-nguoi-truy-cap-su-dung-ihanoi-197250106151304868.htm