ThS. Ngô Văn Huynh
NCS của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có sự chuyển biến nhanh, phức tạp chưa từng có, việc xây dựng đội ngũ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ về trình độ, năng lực, chuyên môn, kỹ thuật mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bản lĩnh chính trị có vai trò quan trọng định hướng nhận thức tư tưởng, điều chỉnh hành vi chính trị; tạo ra sức mạnh chiến đấu trực tiếp và là yếu tố then chốt giúp phi công nâng cao tinh thần và hiệu quả chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn Tổ quốc. Bài viết làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công hiện nay.
Từ khóa: Bản lĩnh chính trị; phi công; đội ngũ phi công; Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, đội ngũ phi công trong quân đội là một trong những lực lượng mang tính chất đặc thù, chuyên sâu, hoạt động độc lập tác chiến trên không, thường xuyên căng thẳng, nguy hiểm, chịu sự chi phối tâm lý, tư tưởng. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ phi công phải có những phẩm chất cần thiết về sức khỏe, tâm lý, khả năng chịu đựng áp lực cao và trình độ, năng lực bay. Mặt khác, phi công vừa là người trực tiếp điều khiển máy bay, vừa tiếp nhận và xử lý thông tin mục tiêu, nắm bắt thời cơ, sử dụng vũ khí, trang bị để tấn công đối phương, mang lại hiệu quả cao. Khi xử lý tình huống trên không, nếu phi công không có bản lĩnh, ý chí, kinh nghiệm, bình tĩnh, quyết đoán thì có thể dễ dẫn đến mất an toàn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với những thách thức mới về quốc phòng, an ninh, việc tiếp tục xây dựng đội ngũ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tuyệt đối trung thành, có trình độ chuyên môn cao, làm chủ khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, đó là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và quân đội. Vì vậy, cùng với các mặt công tác khác, việc bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công quân đội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đội ngũ phi công và khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của từng phi công.
2. Nội dung giáo dục bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công quân đội
Đội ngũ phi công quân đội là một trong những thành phần chủ yếu cấu thành của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam; những người trực tiếp điểu khiển máy bay quân sự và thực hiện hoạt động bay. Đây là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được tuyển chọn, đào tạo rất bài bản, công phu, lâu dài và được quản lý, rèn luyện rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, hội tụ đầy đủ những phẩm chất cần thiết của quân nhân cách mạng. Sự hình thành và phát triển của đội ngũ phi công quân đội là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố con người (trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất) và yếu tố kỹ thuật (trang bị, công nghệ). Sức mạnh của họ nằm ở cả sự tinh hoa của từng cá nhân lẫn sức mạnh tổng hợp của tập thể. Họ chính là những cánh chim thép, ngày đêm canh giữ bầu trời bình yên của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; luôn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công quân đội là sự kết tinh tổng hợp tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí tạo thành tâm lý ổn định, bền vững giúp cho đội ngũ phi công luôn kiên định, vững vàng về quan điểm, lập trường và có năng lực tự quyết định một cách độc lập, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ. Bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công không phải là một phẩm chất đơn lẻ mà được hợp thành bởi nhiều yếu tố và được biểu hiện trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ cụ thể, thông qua hoạt động thực tiễn điểu khiển máy bay quân sự và thực hiện hoạt động bay.
Nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công là tổng thể các chủ trương, nội dung biện pháp của các tổ chức, các lực lượng tác động trực tiếp vào nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của đội ngũ phi công nhằm đưa bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công lên trình độ mới, cao hơn, giúp họ luôn kiên định, vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, tạo ra những chuyển biến tích cực trong bản lĩnh của từng phi công; thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện những yếu tố cấu thành bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công, đáp ứng với đòi hỏi của môi trường quân sự, chức trách, nhiệm vụ; là hoạt động giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ phi công quân sự “vừa hồng, vừa chuyên” của quân đội, Quân chủng Phòng không – Không quân, nhất là các trung đoàn không quân.
Những năm gần đây, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp ở Quân chủng Phòng không – Không quân đã thường xuyên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công theo đúng quan điểm của Đảng “nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp”1, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”2. Do vậy, đại bộ phận phi công đã ý thức đầy đủ và tích cực, tự giác trong tự giáo dục, tự rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị “kiên định vững vàng, ý chí quyết tâm cao, khai thác sử dụng thành thạo các loại trang bị kỹ thuật có trong biên chế”3, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; rèn luyện đạo đức, lối sống, tâm lý, thể lực, ý thức tổ chức kỷ luật, phương pháp tác phong công tác gắn với bồi dưỡng nhân tố chính trị tinh thần và giáo dục pháp luật, kỷ luật quân đội, điều lệ bay, quy định bay và các biện pháp bảo đảm an toàn bay; nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ gắn với tăng cường công tác huấn luyện, nhất là “huấn luyện đêm, huấn luyện bay chuyển loại, bay đề cao”4 góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng xử lý các tình huống trên không cho đội ngũ phi công.
Ngoài ra, đầu tư mua sắm, trang bị máy bay hiện đại, kỹ thuật tiên tiến cho các đơn vị Không quân, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không trong chiến tranh hiện đại; bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, chính sách đặc thù cho đội ngũ phi công để họ yên tâm gắn bó với nghề bay, vượt qua mọi khó khăn và nguy hiểm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: một số cấp ủy, người chỉ huy, phi công chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về yêu cầu nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công; nội dung, biện pháp nâng cao bản lĩnh chính trị tuy có đa dạng, phong phú, song chậm đổi mới, chất lượng, hiệu quả chưa cao; một số ít phi công, nhất là phi công trẻ còn thiếu tích cực trong tự tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện dao động trước khó khăn, gian khổ; việc tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chưa thường xuyên, liên tục,
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại công nghệ cao đang đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức; đặt ra những yêu cầu mới đối với Quân chủng Phòng không – Không quân nói chung và đội ngũ phi công nói riêng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”5 thì nhân tố hàng đầu là con người, mà cụ thể là bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công.
3. Nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công trong giai đoạn mới
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ phi công trong nâng cao bản lĩnh chính trị.
Đội ngũ phi công là một lực lượng quan trọng; là những sĩ quan có tri thức, ý chí, tình cảm và năng lực hoạt động bay, năng lực tổ chức bay, đóng vai trò quyết định trong thực hiện nhiệm vụ bay của các đơn vị Không quân Việt Nam; tuy nhiên, để hoàn thành tốt và xuất sắc đòi hỏi đội ngũ này phải có tính năng động, độc lập, chủ động cao trong mọi hoạt động. Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu luôn luôn đặt ra những yêu cầu rất cao đối với người phi công; ngoài những yếu tố khách quan thì người phi công phải tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm, ra sức rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trước hết phải chú trọng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đây là nội dung chủ yếu để hình thành, phát triển và nâng cao bản lĩnh chính trị. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ này được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa nền tảng, lâu dài.
Để nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ phi công, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng lập trường, quan điểm chính trị và nâng cao giác ngộ chính trị; giáo dục bồi dưỡng thế giới quan khoa học, niềm tin cộng sản và ý chí chính trị; nâng cao ý chí quyết tâm, nghị lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ; bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm chính trị cho đội ngũ phi công. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho phù hợp với đội ngũ phi công; trong đó trọng tâm là giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó có Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022, Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 877-NQ/ĐU ngày 09/3/2023, Nghị quyết số 878-NQ/ĐU ngày 09/3/2023 của Đảng ủy Quân chủng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống dân tộc, truyền thống quân đội và truyền thống của phi công Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết; đồng thời, kết hợp với các đợt sinh hoạt định kỳ của các tổ chức để tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm và thông qua chính hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ để giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ phi công.
Hai là, nâng cao chất lượng huấn luyện, học tập và tổ chức các hoạt động thực tiễn để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công.
Đội ngũ phi công với tính đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ quân sự nên cần tăng cường hoạt động thực tiễn, đưa phi công vào rèn luyện thử thách để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện sức bền bỉ, dẻo dai về thần kinh, sức lực, thành thạo kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ và phát huy tốt tính năng các loại vũ khí. Quá trình huấn luyện, học tập và tổ chức các hoạt động thực tiễn phải quán triệt và thực hiện đúng phương châm “cơ bản – thiết thực – vững chắc – an toàn – tiết kiệm”6, gắn huấn luyện với bảo đảm an toàn bay. Tập trung xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện bay, cũng như các khoa mục ứng dụng bay phải thật sự khoa học, sát thực tế chiến đấu, bảo đảm từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm tính phức tạp hóa một cách hợp lý để nâng dần mức độ căng thẳng mà rèn luyện sức bền tâm lý và thể lực của người phi công, trong đó ưu tiên tiến độ bay cho phi công trực sẵn sàng chiến đấu, phi công mũi nhọn, chỉ huy bay, giáo viên bay trong các bài tập bay đêm, công kích mục tiêu, làm nhiệm vụ trên biển, giúp cho họ nắm chắc nội dung, yêu cầu của từng bài bay, vững thực hành, thuần thục các động tác kỹ chiến thuật, xử lý nhanh, chính xác các tình huống bất chắc có thể xảy ra và làm chủ các phương tiện bay trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Chủ động, nghiên cứu, xây dựng các khoa mục huấn luyện chiến đấu gắn sát với các phương án tác chiến, chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao để kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra, tránh bị động, bất ngờ. Ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học – công nghệ vào quá trình quản lý, điều hành huấn luyện, cũng như đổi mới công tác tổ chức tham mưu, chỉ huy, điều hành huấn luyện bay của từng cấp, bảo đảm phù hợp với mọi hình thức, không gian, thời gian, điều kiện tác chiến; đồng thời, phải phát huy khả năng tự học tập, tự cập nhật ứng dụng công nghệ, phương thức, nghệ thuật tác chiến của các cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật với rèn luyện thể lực, sức chịu đựng; tăng nội dung, thời gian thực hành, nâng cao khả năng, trình độ hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học tập, rèn luyện của đội ngũ phi công, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị.
Đội ngũ phi công vừa là khách thể chịu sự tác động của các tổ chức, các lực lượng; đồng thời cũng là chủ thể của quá trình tự bồi dưỡng, tự rèn luyện. Trong nâng cao bản lĩnh chính trị, bên cạnh những tác động mang tính khách quan từ bên ngoài do các chủ thể thực hiện thì nỗ lực, tích cực của đội ngũ phi công có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”7. Do đó, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ phi công chính là con đường hiệu quả nhất để nâng cao bản lĩnh chính trị.
Để phát huy tốt tính tích cực, chủ động trong tự học tập, rèn luyện của đội ngũ phi công góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị thì đội ngũ phi công cần nghiêm túc đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế về bản lĩnh chính trị; từ đó, xác định ý chí quyết tâm, xây dựng động cơ đúng đắn trong tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị. Đội ngũ phi công cần phải xây dựng kế hoạch tự học tập, rèn luyện của bản thân một cách khoa học, cụ thể, chi tiết; kế hoạch tự học tập, rèn luyện của đội ngũ phi công không chỉ thể hiện được ý chí, khát vọng, quyết tâm phấn đấu rèn luyện nâng cao bản lĩnh của bản thân mà còn thể hiện trình độ nhận thức, phẩm chất, năng lực của bản thân; do vậy, trong kế hoạch phải xác định rõ nội dung, biện pháp, thời gian hoàn thành từng nội dung, biện pháp tự học tập, rèn luyện. Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tự học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị. Đồng thời, trong quá trình đội ngũ phi công thực hiện kế hoạch tự học tập, rèn luyện của bản thân, cần phải phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động tự học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ phi công đạt chất lượng, hiệu quả cao
Bốn là, xây dựng môi trường chính trì để giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công.
Môi trường chính trị trong quân đội nói chung, các đơn vị Không quân nói riêng chính là không gian tư tưởng, đạo đức, kỷ luật nhằm xây dựng ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, quân đội. Xây dựng môi trường chính trị vững mạnh trong các đơn vị Không quân là yếu tố sống còn, là nền tảng then chốt để xây dựng đội ngũ phi công “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do vậy, phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo đảm cho đội ngũ phi công có sự vững vàng về tư tưởng, kiên định lập trường, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền không phận trong mọi tình huống.
Xây dựng được môi trường chính trị tốt sẽ tạo điều kiện để rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công. Yêu cầu xây dựng môi trường chính trị trong các đơn vị Không quân đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải coi trọng xây dựng cho đội ngũ phi công luôn đề cao ý thức chính trị, không ngừng trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có trình độ giác ngộ cao, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chăm lo, củng cố và tăng cường xây dựng các môi quan hệ chính trị trong đội ngũ phi công; đi đối với phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người phi công cách mạng “quyết chiến, quyết thắng”. Tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật đối với đội ngũ phi công; kiên quyết đấu tranh với những nhận thức tư tưởng, hành động không đúng, sai trái trong xây dựng môi trường chính trị ở các đơn vị Không quân.
Năm là, tăng cường xây dựng niềm tin của đội ngũ phi công vào vũ khí, trang bị kỹ thuật và nghệ thuật tác chiến không quân.
Đối với, Quân chủng Phòng không – Không quân thì vũ khí, trang bị kỹ thuật lại càng có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng cho được niềm tin của đội ngũ phi công vào vũ khí, trang bị kỹ thuật, khai thác sử dụng hết tính năng, hiệu quả. Niềm tin đó vừa là ý thức chính trị, vừa là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị. Do vậy, phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho đội ngũ phi công về mối quan hệ biện chứng giữa con người và vũ khí; vai trò của vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” và phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện, nhận thức, quan điểm sai trái về vai trò con người, vai trò của vũ khí và mối quan hệ giữa hai yếu tốt con người – vũ khí.
4. Kết luận
Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng toàn diện, phức tạp và biến đổi khó lường hơn; yêu cầu nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công quân đội là vấn đề cấp bách, chiến lược lâu dài nhằm giữ vững lập trường lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc và vượt qua mọi thử thách, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phi công trước hết thuộc về tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành và chính sự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ phi công. Qua đó, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ trong tình hình mới.
Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 24, 243.
3. Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (2023). Nghị quyết số 984-NQ/ĐU ngày 01/6/2023 về tăng cường lãnh đạo công tác huấn luyện bay bảo đảm an toàn bay và đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay, uy hiếp an toàn bay.
4, 6. Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (2023). Nghị quyết số 877-NQ/ĐU ngày 09/3/2023 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo.
5. Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (2021). Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân chủng Phòng không – Không quân lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 – 2025)
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 98.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2024). Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
2. Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (2023). Nghị quyết số 878-NQ/ĐU ngày 09/3/2023 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Quân ủy Trung ương (2019). Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
4. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
5. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo.