Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng học viện điện tử phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, Học viện Hành chính Quốc gia đã triển khai chương trình E-NAPA bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương theo hình thức từ xa và đang dần chứng tỏ được lợi thế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính. Tuy nhiên, để có một nền tảng học liệu phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Học viện cần phải xây dựng một học viện điện tử để đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay.

 

Từ thực tiễn nêu trên, sáng ngày 10/11/2020, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng học viện điện tử – phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao” với mục tiêu là hình thành luận cứ khoa học cho việc định hướng, nội dung, giải pháp xây dựng học viện điện tử phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các Phân viện của Học viện Hành chính Quốc gia.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Bế Trung Anh – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện Dân tộc; ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Trung tâm Giáo dục trực tuyến FUNiX, Đại học FPT; TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Quản lý Giáo dục.

Về phía Học viện, tại Hà Nội có: TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện tại 4 điểm cầu trực tuyến cùng cán bộ, viên chức người lao động của Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện.

TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng học viện điện tử nhằm phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong bối cảnh hiện nay và bày tỏ mong muốn được tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu về các vấn đề: (1) Sự cần thiết xây dựng học viện điện tử phục vụ đào tạo, bồi dưỡng từ xa/qua mạng. (2) Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng học viện điện tử phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động công vụ. (3) Các giải pháp khả thi để xây dựng, phát triển học viện điện tử thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện cho biết, trong thời gian phòng. chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ phía người học cũng như của lãnh đạo Bộ Nội vụ. Trong khuôn khổ Hội thảo hôm nay, Học viện rất mong được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện từ nhiều phương diện khác nhau từ quy hoạch tổ chức, biện pháp triển khai, công nghệ, hướng đặt ra những khó khăn từ các cơ sở đào tạo khác và khó khăn thách thức riêng của Học viện để từ đó có được một mô hình học viện điện tử đúng nghĩa.

PGS.TS. Bế Trung Anh – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện Dân tộc.

Phát biểu chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Bế Trung Anh – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Học viện Dân tộc nhấn mạnh: bệnh dịch đã thúc ép chúng ta không còn cách nào khác phải thực hiện E-learning. Ở đây, Học viện Hành chính Quốc gia dù chưa có đủ điều kiện cần để làm E-learning nhưng đã làm, đây là một sự nỗ lực của Học viện. Đây là sự đổi mới cũng như cách thức ứng dụng công nghệ trong việc chuyển tải kiến thức của giảng viên tới người học. Ông cũng chia sẻ ở Đài Loan có chương trình TELDAP đã xây dựng chương trình quốc gia về E-learning sau khi chương trình lưu trữ kỹ thuật số quốc gia được khởi xướng trước 6 năm. Đây là một trong số những bài học mà Việt Nam nói chung và Học viện nói riêng có thể tham khảo trong quá trình hoạch định và xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao theo phương thức E-learning trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Trung tâm Giáo dục trực tuyến FUNiX, Đại học FPT đã giới thiệu mô hình giáo dục đại học trực tuyến tới Hội thảo.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Trung tâm Giáo dục trực tuyến FUNiX, Đại học FPT đã giới thiệu mô hình giáo dục đại học trực tuyến tới Hội thảo, theo đó công nghệ thông tin (CNTT) chỉ là công cụ giúp nhà trường triển khai các hoạt động mới, thay thế các hoạt động truyền thống. FUNiX Way giúp xây dựng các môn học rất nhanh, tận dụng tri thức của cộng đồng nghề, hỗ trợ người học phát triển năng lực tự học trên mạng, để phục vụ mục tiêu học tập suốt đời. Việc đưa ra một mô hình hoàn toàn mới dựa trên CNTT và kết nối là kết quả của chủ trương chuyển đối số theo xu hướng chung.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa CNTT, Học viện Quản lý Giáo dục trao đổi tại hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa CNTT, Học viện Quản lý Giáo dục thì bên cạnh những ưu điểm nổi trội của học tập qua mạng như các đại biểu đã nói trên thì hình thức dạy học này còn tiềm ẩn một số hạn chế, là rào cản mà trong quá trình tổ chức hình thức học tập qua mạng cần khắc phục. Về phía người học khi tham gia học tập qua mạng đòi hỏi người học phải có khả năng làm việc độc lập với ý thức tự giác cao độ. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện khả năng hợp tác, chia sẻ qua mạng một cách hiệu quả với giảng viên và các thành viên khác. Người học cũng cần phải biết lập kế hoạch phù hợp với bản thân, tự định hướng trong học tập, thực hiện tốt kế hoạch học tập đã đề ra. Còn về phía giảng viên thì chưa có đủ các năng lực cần thiết cho việc dạy học qua mạng; có nhiều lý do cá nhân cho việc chưa sẵn sàng dạy đối phó qua mạng như ngại thay đổi, ngại đổi mới phương pháp, tài liệu dạy học cho phù hợp với hình thức dạy học qua mạng. Nhiều giảng viên lớn tuổi có sự khó khăn trong việc làm chủ các công nghệ, kỹ thuật… Đây cũng là những rào cản về học tập qua mạng cần phải có giải pháp cho những hạn chế của hình thức này, góp phần cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học ngoài Học viện, TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện đã phát biểu, với các nội dung chính như: Học viện cần có ý chí quyết tâm để thực hiện đề án xây dựng học viện điện tử và thực hiện theo 5 bước: (1) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành (Học viện đang triển khai V.Office). (2) Ban Tổ chức cán bộ ứng dụng quản lý hồ sơ cán bộ, viên chức; hồ sơ học viên bồi dưỡng, sinh viên và xác minh văn bằng chứng chỉ của Học viện. (3) Xây dựng học viện điện tử (trước mắt là dữ liệu về sách, tạp chí… phải được điện tử hóa) liên kết thành một thư viện thống nhất với các Phân viện. (4) Kết nối thư viện điện tử Học viện với các cơ sở đào tạo trong nước có cùng mảng đào tạo hành chính, khoa học xã hội. (5) Xây dựng mô hình đào tạo, bồi dưỡng, giảng đường điện tử, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng trong đào tạo.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, về nhận thức, tâm lý của cán bộ, viên chức và các quy định, quy chế chưa phù hợp nhưng quá trình điện tử hóa, số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần được xây dựng để trong 5 – 6 năm tới Học viện sẽ ứng dụng toàn diện các lĩnh vực vào điện tử để Học viện xứng tầm trong khu vực.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện phát biểu.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện cho rằng để xây dựng học viện điện tử, Học viện cần tập trung vào các nội dung sau: nhanh chóng thoát khỏi “vùng trũng” về ứng dụng công nghệ thông tin; tăng tỷ trọng và hàm lượng công nghệ thông tin trong các hoạt động; lấp đầy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; cung ứng các dịch vụ công thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; nắm bắt nhu cầu của người học; chuyển từ nắm bắt nhu cầu sang tương tác; ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào giảng dạy; thay đổi tư duy và nhận thức của đội ngũ giảng viên, viên chức; tích hợp các nội dung trên vào trong quá trình vận hành trên cơ sở quy mô, bảo đảm tính an toàn về công nghệ, tính nhạy cảm về chính trị, bảo đảm tương tác và giao tiếp.

Hội thảo cũng đã nhận được 22 bài tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài Học viện. Các bài viết, ý kiến thảo luận đã phân tích chuyên sâu vấn đề liên quan đến nội dung của Hội thảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ thực tiễn xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử, thư viện điện tử và chia sẽ những kiến thức về những giải pháp để xây dựng học viện điện tử.

Toàn cảnh hội thảo.

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế trân trọng cảm ơn các ý kiến tham luận từ các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo. Các ý kiến của các nhà khoa học là luận cứ khoa học cho việc định hướng, nội dung, giải pháp xây dựng học viện điện tử phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Học viện; đồng thời, là những gợi mở quan trọng và có ý nghĩa để Học viện nghiên cứu, xây dựng và sớm đưa vào triển khai học viện điện tử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong thời gian hiện tại và lâu dài của Học viện Hành chính Quốc gia.

Tin, ảnh: Hoàng Hậu