Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Với phương châm hoạt động: Đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, vì dân – Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thực sự trở thành cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô.  

 

Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội: Bầu Chủ tịch HĐND Thành phố và 5 đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn (Nguồn: https://hanoi.edu.vn).

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, với khối lượng công việc ngày càng tăng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội ngày càng lớn, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố đòi hỏi người đại biểu và cơ quan HĐND không chỉ làm đúng, làm đủ những nhiệm vụ được luật định mà còn làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất và hiệu quả nhất. Những nỗ lực không ngừng để tiếp tục xây dựng HĐND thành phố Hà Nội – Đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, vì dân; thực sự trở thành cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động và với phương châm đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động, đem lại những kết quả tích cực.

Một là, lựa chọn các vấn đề quan trọng, ban hành nghị quyết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống dân sinh.

Một trong những vai trò, chức năng của HĐND là quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, bằng việc ban hành các nghị quyết tại kỳ họp. Để những nghị quyết được ban hành thực sự đem lại lợi ích cho cử tri, Nhân dân và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, HĐND thành phố luôn bám sát các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy, từ thực tiễn hoạt động giám sát, khảo sát và đặc biệt là lắng nghe ý kiến cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri thường kỳ, tiếp xúc cử tri chuyên đề, đối thoại, tọa đàm…

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 165 nghị quyết, trong đó có 42 nghị quyết thường kỳ, 93 nghị quyết chuyên đề, 30 nghị quyết về công tác nhân sự 1. Trong đó có nhiều nghị quyết xuất phát từ thực tiễn, từ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đơn cử như vấn đề quản lý giao thông, chống ùn tắc giao thông là nội dung được cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị nhiều nhất tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp.

Trong quá trình chuẩn bị nghị quyết, đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, HĐND đều lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học thông qua các cuộc hội thảo và ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Ví dụ như Nghị quyết về quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức hội thảo nhiều lần (5 cuộc hội thảo cấp thành phố với 25 ý kiến trực tiếp và 30 ý kiến bằng văn bản; 3 cuộc họp tập thể Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố; 3 cuộc họp xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy; đặc biệt được đưa ra thảo luận kỹ tại Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND; họp thẩm tra của các Ban HĐND thành phố)2. Đồng thời, được HĐND và UBND thành phố đưa lên Cổng Thông tin điện tử để lấy ý kiến Nhân dân và ý kiến của các đối tượng trong phạm vi ảnh hưởng, tác động.

Các nghị quyết HĐND sau khi được thông qua, ban hành đã được UBND nhanh chóng triển khai đến các cấp, các ngành,  đơn vị kinh tế; kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài truyền thanh, báo in, cổng thông tin điện tử của thành phố, quận, huyện, thị xã, trang thông tin điện tử của HĐND thành phố,… tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Hai là, tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát toàn diện, sát với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai nghị quyết HĐND các cấp.

Giám sát là một trong những hoạt động nổi bật của HĐND thành phố trong những năm qua, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Việc lựa chọn các nội dung giám sát đều xuất phát từ lắng nghe ý kiến của cử tri, lắng nghe và phát hiện những vấn đề người dân bức xúc, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết HĐND thành phố… Vì vậy, nội dung các cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội thường rất “trúng” và “đúng” những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Ví dụ như công tác quản lý trật tự xây dựng; các dự án chậm triển khai; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y dược tư nhân; tình hình kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; việc thực hiện các quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; tình hình, kết quả thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường; tình hình xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố…

Với phương châm hành động “hướng về cơ sở”, hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND thành phố chú trọng vào các đối tượng chịu tác động trực tiếp; giám sát đến cùng, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất. Đồng thời, tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm các đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ; các kết luận buổi giám sát của chủ trì hội nghị đều được nêu rõ ràng, cụ thể từng nội dung… bảo đảm giám sát, khảo sát đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt.

Các báo cáo kết quả giám sát được gửi tới các tổ chức, đơn vị chịu giám sát, các cơ quan liên quan; gửi báo cáo Thường trực Thành ủy và được công khai trên trang Thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, tái giám sát cũng được HĐND thành phố đặc biệt quan tâm, nhiều nội dung HĐND thành phố tái giám sát nhiều lần cho đến khi đạt được kết quả như: tái giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác triển khai năm học mới ở các trường công lập; việc thực hiện các quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố; về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nhờ những nỗ lực ấy, thời gian qua, hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND thành phố không ngừng được nâng cao, góp phần vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ họp. Kịp thời thông tin, yêu cầu UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện về những vấn đề cần tập trung trong chỉ đạo điều hành, giải quyết các khó khăn trong đời sống và những bức xúc của người dân mà cử tri gửi gắm qua đại biểu HĐND thành phố.

Ba là, chất vấn, giải trình tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và điều hành của chính quyền các cấp; góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.

Từ đầu nhiệm kỳ, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 9 phiên chất vấn, tái chất vấn tại 9 kỳ họp HĐND; Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 7 phiên giải trình giữa 2 kỳ họp. Các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố, các phiên giải trình giữa 2 kỳ họp của thường trực HĐND thành phố là hoạt động luôn thu hút được sự quan tâm của đại biểu HĐND, các cơ quan truyền thông và đông đảo cử tri Thủ đô. Bởi lẽ, ngoài việc lựa chọn các nội dung mang hơi thở của cuộc sống, đúng với yêu cầu, kiến nghị của cử tri; cách thức tiến hành các phiên chất vấn, giải trình của HĐND thành phố luôn có nhiều đổi mới, linh hoạt và khó đoán trước.

Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo các ban HĐND thành phố phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội đi khảo sát và thực hiện phóng sự về các nội dung dự kiến chất vấn, giải trình; chiếu phim phóng sự thay vì đọc báo cáo để có nhiều thời gian hơn cho đại biểu chất vấn; việc sử dụng hình ảnh trực quan hơn, rõ người, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm. Đối tượng trả lời chất vấn, giải trình không chỉ dừng lại ở lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã mà còn mời cả chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc… Vì vậy, không có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phần trả lời rõ trách nhiệm cũng như tiến độ giải quyết. Kết luận các phiên chất vấn, giải trình đều được HĐND thành phố giám sát tiến độ giải quyết đến khi có kết quả.

Bốn là, công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng luật, thực sự vì Nhân dân.

Tại các cuộc tiếp xúc với cử tri trước và sau kỳ họp HĐND thành phố, thường trực HĐND đã tiếp nhận, tổng hợp 3.223 ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời. Để bảo đảm các kiến nghị của cử tri được giải quyết triệt để, đem lại lợi ích và niềm tin cho Nhân dân, Thường trực HĐND thành phố thường xuyên giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, đến nay đã có 3.037 nội dung được trả lời, trong đó, qua rà soát, giám sát thì đã giải quyết xong 2.701 ý kiến, kiến nghị (đạt tỷ lệ 89% số đã trả lời).

Tỷ lệ này đã lý giải vì sao các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố luôn thu hút đông cử tri tham gia và tin tưởng gửi gắm ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của mình thông qua các đại biểu HĐND thành phố. Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố” do Thường trực HĐND – UBND – Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham dự của hơn 100 cử tri, với 70 cử tri đăng ký phát biểu, trong đó có 29 lượt cử tri phát biểu tại hội trường, 10 ý kiến gửi trực tiếp bằng văn bản.

Cùng với tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân cũng được Thường trực HĐND thành phố đặc biệt coi trọng. Đã có 1.534 lượt đại biểu HĐND tiến hành tiếp công dân theo lịch định kỳ hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân của 30 quận, huyện, thị xã. Đây là bước đổi mới quan trọng trong công tác tiếp dân, qua đó đại biểu HĐND thành phố có điều kiện gần gũi hơn với cử tri nơi trực tiếp bầu ra mình, nắm bắt vụ việc cụ thể, hiệu quả, thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, chủ tịch, các phó chủ tịch HĐND thành phố đều tiếp công dân theo vụ việc hằng tháng tại Trụ sở tiếp công dân thành phố. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp 36 công dân với 36 vụ việc khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết trên địa thành phố. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thường trực HĐND thành phố, đã có 21 vụ việc giải quyết xong (trong đó, có vụ việc thậm chí đã kéo dài 15 – 20 năm nay mới được giải quyết), 15 vụ việc đang tập trung giải quyết theo quy định; thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả trong mô hình tiếp công dân hằng tháng theo vụ việc của Thường trực HĐND thành phố, đồng thời tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân vào người đại diện của mình3.

Với những cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động ở tất cả các mặt, trong thời gian qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện cho Nhân dân. Thông qua HĐND thành phố, Nhân dân Thủ đô có kênh giám sát và có nơi để thực hiện quyền dân chủ của mình. HĐND thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại biểu Hội đồng nhân dân phải phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đến nhân dân, biến những chủ trương chính sách đó thành hành động của Nhân dân. Hội đồng nhân dân phải hết sức gần gũi, quan tâm đến đời sống của Nhân dân; phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, phải luôn nghĩ rằng mình là đầy tớ của Nhân dân và ra sức phục vụ Nhân dân…”4

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo số 51/BC-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (khóa XV), nhiệm kỳ 2016 – 2021.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Báo Nhân dân, số 1396, ngày 04/01/1958 và số 1397 ngày 05/01/1958.

Lâm Thị Quỳnh Dao
Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội