Quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa

(Quanlýnhanuoc.vn) – Hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu, có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực xã hội. Toàn cầu hóa vừa là cơ hội để giao lưu văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, vừa tạo ra sự đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo. Trong bối cảnh đó, tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi. Vấn đề đặt ra là vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự biến đổi đó nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về tôn giáo của Nhân dân gắn liền với bảo tồn các giá trị truyền thống Việt Nam trong bối cảnh mới.

 

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc ( Ảnh: qdnd.vn).
 Biến đổi về tổ chức tôn giáo và niềm tin tôn giáo

Hội nhập và chính sách mở cửa của Việt Nam trong những năm qua đã thu hút hàng vạn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường kinh tế Việt Nam. Qua đó, một mặt thu hút hàng triệu lao động, chuyên gia người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, hình thành các “làng”, “khu phố” Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và theo đó là văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) của quốc gia họ. Hội nhập quốc tế cũng tạo cơ hội cho hàng vạn công dân Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập…, khi trở về cũng mang theo những biến đổi về lối sống và cả TNTG. Sự chuyển biến hai chiều tác động sâu sắc đến đời sống TNTG ở Việt Nam, tạo ra sự tiếp biến, thay đổi TNTG ở nhiều chiều, đó là sự thay đổi về tổ chức tôn giáo và niềm tin tôn giáo.

Về mặt tổ chức tôn giáo, toàn cầu hóa làm thay đổi về cấu trúc hệ thống tôn giáo theo hướng tăng về số lượng, đa dạng hóa loại hình. Nếu như trước năm 2001, ở Việt Nam có 6 tôn giáo được công nhận với 18.367.059 tín đồ, chiếm 21% dân số, đến năm 2017 có 15 tôn giáo được công nhận, có trên 25.300.000 tín đồ, chiếm 27% dân số1. Ở  miền Trung, năm 2002 chỉ có 6 tôn giáo có tư cách pháp nhân với 2.948.211 tín đồ”2, đến năm 2018, có 3.826.190 tín đồ (tăng 129, 8%), với 14 tôn giáo có tư cách pháp nhân”3. Đối với miền Trung, gắn liền với quá trình mở cửa, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, số lượng tôn giáo và tín đồ các tôn giáo tăng đáng kể. Riêng Tin Lành, khảo sát 6 tỉnh miền Trung năm 2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến về cả tín đồ và các hệ phái.

Về mặt niềm tin tôn giáo, trong môi trường đa dạng tôn giáo, tất yếu các tôn giáo phải tạo ra những dấu ấn riêng, đặc sắc để thu hút tín đồ. Các tôn giáo một mặt phải thay đổi diện mạo, củng cố niềm tin tôn giáo đối với tín đồ của mình, mặt khác, phải thay đổi theo xu hướng đa dạng hóa, tích cực mở rộng niềm tin tôn giáo đối với những người chưa phải tín đồ. Sự biến đổi niềm tin tôn giáo đó xuất hiện sự chuyển đạo, đổi đạo, hình thành “tôn giáo mới” diễn ra một cách mạnh mẽ, “sự biến đổi của niềm tin tôn giáo không chỉ diễn ra ở một hay một nhóm tôn giáo mà diễn ra ở tất cả các tôn giáo, từ tôn giáo truyền thống đến các tôn giáo nội sinh và tôn giáo ngoại sinh”4.

Trên bình diện toàn quốc, hiện tượng chuyển đạo, chuyển đổi từ tín ngưỡng đa thần sang đơn thần tạo nên làn sóng chuyển đổi đức tin mạnh mẽ, nhất là trong hai thập niên trở lại đây ở đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các huyện miền núi ở các tỉnh duyên hải miền Trung… Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng “khô đạo”, chuyển đạo từ đạo Công giáo sang Tin lành như ở Tây Nguyên, chuyển từ Đạo Phật Nam Tông Khmer sang Tin lành ở Tây Nam Bộ. Cá biệt xuất hiện sự chuyển hóa từ Công giáo, Phật giáo, Tin lành sang các “tôn giáo mới”, “đạo lạ”. Chính sự thay đổi niềm tin tôn giáo thông qua sự chuyển đạo, đổi đạo đang diễn ra khá phổ biến trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam đã làm phong phú thêm văn hóa, TNTG ở Việt Nam. “Mỗi người Việt Nam tham gia nhiều hành vi tôn giáo khác nhau. Tín đồ mỗi tôn giáo chấp nhận trên điện thần tôn giáo của mình các vị thần các tôn giáo khác dễ dàng”5.

Tuy nhiên, sự đa dạng TNTG thông qua sự xuất hiện các “tôn giáo mới”, “đạo lạ” cũng tạo ra nhiều bất cập. Hiện tượng “tôn giáo mới” hầu hết được du nhập hoặc chuyển hóa từ các tín ngưỡng dân gian, sự pha tạp giữa các tôn giáo để hình thành, có mặt trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình…

Các phong trào “tôn giáo mới” đặt ra cho xã hội những xáo trộn, thách thức không nhỏ, thậm chí gây tác hại xã hội, như: “Hội thánh Đức Chúa trời”, “Pháp luân công”… Về mặt văn hóa, các “tôn giáo mới”, “đạo lạ” đại diện cho lối sống ít nhiều khác lạ, nhấn mạnh vào chủ nghĩa cá nhân hoặc liên kết nhóm theo niềm tin đó. Về mặt tôn giáo, các đạo trên chuyển tải niềm tin, truyền đạo, tìm cách phát triển thay thế, cạnh tranh với các tôn giáo truyền thống, chia sẻ thị trường tôn giáo, từ đó tạo ra những phức tạp trong đời sống tôn giáo, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng, tín đồ, ảnh hưởng khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trực tự an toàn xã hội. Về mặt pháp lý, “với tư cách là một thực thể mới, nhiệt tình tìm kiếm chỗ đứng lâu bền trong xã hội sở tại, chúng thường được chính quyền nhìn với con mắt nghi ngờ”6, thường đặt cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo vào sự lúng túng, căng thẳng về mặt chính trị. Sự xuất hiện của các “tôn giáo mới”, “đạo lạ” cho thấy sự đa dạng tôn giáo và tái tạo sáng tạo tôn giáo là một xu thế tất yếu, năng động trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập.

Bên cạnh những tôn giáo có xu hướng tốt, phù hợp với dân tộc, không ít trong nhóm này xuất hiện xu hướng vay mượn, xuyên tạc, bóp méo giáo lý tôn giáo khác theo hướng mê tín, dị đoan, mang màu sắc chính trị để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu. Do đó, việc tăng cường QLNN đối với các phong trào “tôn giáo mới” không thể không đặt ra.

Sự thay đổi về thực hành tôn giáo

Cùng với sự biến đổi về niềm tin tôn giáo, sự đa dạng và tiếp biến tôn giáo cũng như sự xuất hiện những trào lưu “tôn giáo mới” trong thời kỳ hội nhập đã làm đời sống TNTG còn có những biến đổi mạnh mẽ về thực hành văn hóa tôn giáo, nhất là trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là xuất hiện xu hướng “đơn giản hóa” hay “phức tạp hóa” trái ngược nhau.

Trước áp lực của đời sống công nghiệp, sự đơn giản hóa đời sống TNTG thông qua xu hướng lựa chọn các hình thức sinh hoạt tôn giáo đơn giản hơn trong một bộ phận cộng đồng dân cư. Điều đó lý giải một phần hiện tượng đạo Tin lành phát triển nhanh ở các khu đô thị, khu công nghiệp hay xuất hiện hiện tượng “khô đạo”, “chuyển đạo”, sự xuất hiện của các “tôn giáo mới”, “đạo lạ” trong những năm gần đây ở Việt Nam.

Mặt khác, trong đời sống TNTG cũng xuất hiện hiện tượng “phức tạp hóa” hình thức thực hành tôn giáo gắn liền với sự phát triển của đời sống kinh tế và thu nhập. Xu hướng “thế tục hóa”, “phú quý sinh lễ nghĩa” trong các tôn giáo được hình thành làm cho đời sống tôn giáo vô cùng phong phú, phức tạp. Đó là sự xuất hiện các lễ nghi, ma chay, cúng tế kéo dài làm cho sinh hoạt tôn giáo trở nên nặng nề, tốn kém, thậm chí gây ra những biến tướng trong đời sống TNTG.

Trong đời sống đạo, để thể hiện niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo, tín đồ tôn giáo thường đến các cơ sở thờ tự như nhà thờ, đền, chùa… để thực hiện các lễ nghi, tiếp thu giáo lý. Ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, điều kiện sống, khoảng cách về địa lý, thời gian… trong xã hội xuất hiện hiện tượng “chùa online”, “cúng giỗ online”, “truyền đạo online”… tạo ra sự thích nghi trong đời sống tâm linh. Có thể coi đây là một dịch vụ tâm linh hay một hình thức biểu hiện thực hành tôn giáo một cách gián tiếp. Điển hình, trong thời gian gần đây, thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19, Giáo hội Công giáo có Sắc 154/20 của Bộ Phụng sự và Kỷ luật các Bí tích của Vatican ngày 25/3/2020 hướng dẫn tổ chức lễ Phục sinh trên toàn thế giới, trong đó khuyến khích các vùng bị dịch tổ chức các lễ nghi trực tuyến thông qua phương tiện viễn thông; hay như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Công văn số 07/CV-HĐTS ngày 27/3/2020 chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố thực hiện hình thức trực tuyến đối với các lễ nghi Phật giáo.

Sự xuất hiện hình thức gián tiếp trong thực hành lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, phổ biến giáo lý, cách thức tu trì ở Việt Nam dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một biến đổi sâu sắc trong đời sống văn hóa, TNTG, mặc dù trong thực tế có nhiều quan điểm trái chiều khác nhau. Thực tiễn này cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong QLNN về lĩnh vực hoạt động TNTG khá mới mẻ này.

 Xu hướng thực dụng và kinh tế hóa trong đời sống tôn giáo

Trong thực tế đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay, bên cạnh các giáo hội huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở thờ tự, lễ nghi tôn giáo, trong xã hội cũng “xuất hiện những biểu hiện của niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo nhuốm màu kinh tế, mang tính thực dụng”7 về cả quy mô, mức độ khác nhau. Biểu hiện rõ nét là xuất hiện các thế lực thế tục (các doanh nghiệp) tham gia trực tiếp, gián tiếp đầu tư ngày càng phổ biến vào việc phục dựng, tu bổ, xây mới cơ sở thờ tự, khu du lịch, văn hóa tâm linh để tổ chức khai thác, hoạt động mang tính thương mại, làm mất ý nghĩa tâm linh.

Ngoài ra, hiện tượng các lễ hội, lễ nghi tôn giáo bị biến tướng, hiện tượng lạm dụng niềm tin tôn giáo làm biến tướng các hoạt động thờ phụng, thậm chí mang tính mê tín, dị đoan như “cầu vong”, “thỉnh vong”, “cầu an”, “đốt vàng mã”…, gây tác hại lớn đến đời sống tâm linh, hao phí tiền của Nhân dân.

 Một số vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước về tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa

Sự biến đổi của đời sống TNTG  trong bối cảnh toàn cầu hóa đang đặt ra cho Nhà nước phải gia tăng quản lý để hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của các tôn giáo. Trước mắt, QLNN về hoạt động tôn giáo cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do TNTG trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng như chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tạo sự nhận thức sâu sắc trong xã hội, xác định tôn giáo là một thực thể xã hội, là một nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, đúng với tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Chú trọng nâng cao nhận thức cho Nhân dân hiểu rõ sự xuất hiện của các hiện tượng “tôn giáo mới”, đa nguyên tôn giáo, hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tác hại của các “đạo lạ” đối với xã hội trong bối cảnh hội nhập. Qua đó, sàng lọc, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống TNTG của Nhân dân.

Thứ hai, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về hoạt động TNTG, đặc biệt quản lý và định hướng các hoạt động TNTG theo hướng phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc gắn liền với quy định của luật pháp. Cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để điều chỉnh các hoạt động TNTG phù hợp, vừa tạo sự hài hòa, đồng thuận xã hội, vừa ngăn chặn các hoạt động lợi dụng TNTG để trục lợi.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện bộ máy QLNN về hoạt động tôn giáo các cấp, nhất là cơ sở. Chú trọng công tác phân công, phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị để bảo đảm gắn kết hiệu quả thực hiện công tác tôn giáo  với QLNN về hoạt động tôn giáo. Thực hiện tốt phương thức vận động, thuyết phục với quản lý bằng pháp luật để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước trong quản lý hoạt động tôn giáo.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước đủ phẩm chất, năng lực để quản lý hoạt động tôn giáo. Tạo được sự chuyển biến về chất trong đội ngũ công chức để tham mưu hiệu quả cho chính quyền các cấp trong QLNN các hoạt động tôn giáo.

Thứ tư, QLNN về các hoạt động tôn giáo phải nắm bắt xu thế biến đổi, vận động, tiếp biến không ngừng của tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa. Dự báo những xu thế phát triển tôn giáo để phát huy những mặt tích cực, phòng ngừa, ngăn chặn những tư tưởng tôn giáo cực đoan xâm nhập; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo sự kết nối, giải quyết hiệu quả các vấn đề tôn giáo, bảo đảm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, bảo đảm tự do TNTG cho mọi tầng lớp nhân dân.

Chú thích:
1. Vũ Chiến Thắng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay. Tạp chí Cộng sản số 140, tháng 8/2018.
2. Ngô Văn Trân. Quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, thực trạng và giải pháp. Huế. NXB Thuận Hóa, 2016, tr. 54.
3, 4, 7. Chu Văn Tuấn. Sự biến đổi của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1 (139), 2015.
5. Đặng Nghiêm Vạn. Về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam hiện nay. H. NXB Khoa học xã hội, 1998, tr.134.
6. Đỗ Lan Hiền. Những biến động trong đời sống tôn giáo hiện nay và tác động của nó đến lối sống người Việt. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 62.
TS. Ngô Văn Trân
 Học viện Hành chính Quốc gia