Xây dựng lực lượng dự bị động viên – sự phát triển mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam luôn gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc để chiến đấu với những kẻ thù xâm lược, thực hiện tốt nhiệm vụ này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay.
Ảnh minh hoạ: baoquankhu7.vn.
Đặt vấn đề

Chiến tranh là một biến cố lịch sử nhưng không thể có một quốc gia, một dân tộc nào lại có thể tiến hành hoặc ở mãi trong tình trạng chiến tranh, mà còn phải tập trung cho việc phát triển kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân và sự phát triển của xã hội. Và cũng trong hòa bình, độc lập dân tộc, không có quốc gia nào kể cả quốc gia có tiềm lực về kinh tế lại có thể duy trì một đội quân thường trực cần phải có trong thời chiến, mà cần phải thực hiện việc kết hợp quân thường trực với xây dựng lực lượng dự bị. Mục đích của xây dựng lực lượng dự bị là duy trì được sức mạnh của quân đội với chi phí thấp, giảm nhẹ gánh nặng về chi phí quân sự cho đất nước, tập trung nguồn lực phát triển các ngành kinh tế – xã hội khác.

Ngày nay, xây dựng lực lượng dự bị động viên (DBĐV) là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và mọi công dân nên đây là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Do vậy, xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng ngày càng cao có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc chuẩn bị lực lượng vũ trang, chuẩn bị đất nước sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tính tất yếu khách quan xây dựng lực lượng dự bị động viên ở nước ta

Thứ nhất, xây dựng lực lượng dự bị là một quy luật phổ biến trong việc duy trì sức mạnh quân đội của các quốc gia.

Nội dung xây dựng lực lượng dự bị theo nghĩa hiện đại được thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Vào khoảng thời gian này, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc tinh giản biên chế quân đội trong thời bình, tiến hành xây dựng lực lượng dự bị để tăng quân số quân đội lên gấp nhiều lần khi có chiến tranh. Nhờ thực hiện biện pháp này, trong chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ hai, các bên tham chiến đã động viên hàng chục, hàng trăm triệu người vào quân đội.

Xây dựng lực lượng DBĐV là một biện pháp hữu hiệu để duy trì tiềm lực quân sự, bảo đảm sự răn đe, ngăn chặn chiến tranh, do vậy, nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng chú trọng tổ chức xây dựng lực lượng dự bị. Ví dụ như, Thụy Điển, nước thực hiện chính sách trung lập đã hơn 170 năm, Thủ tướng Thụy Điển công khai biểu thị kiểu trung lập đó là “Lấy tăng cường năng lực quốc phòng làm cơ sở”. Quân thường trực của Thụy Điển trong thời bình chỉ có 6 vạn, thời chiến chỉ sau bốn ngày động viên có thể tăng lên 80 vạn người. Thụy Sĩ thời bình chỉ để hơn 4 vạn bộ đội khung, trong thời chiến, chỉ trong 24 giờ đã động viên được 62 vạn người. Ru-ma-ni có lực lượng dự bị đông gấp 7-8 lần quân thường trực. I-xra-en có lực lượng dự bị gấp 4 lần quân thường trực. Thái Lan có lực lượng hải quân dự bị hơn 7 lần lực lượng hải quân thường trực. Ở Ma-lai-xi-a thì quân dự bị lực lượng hải quân gấp gần 4 lần quân thường trực. Ở Hàn Quốc, lực lượng lục quân dự bị gấp 8 lần lực lượng lục quân thường trực…1

Theo sự phát triển của kinh tế – xã hội, nhất là sự phát triển của cuộc cách mạng kỹ thuật, việc xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng của các nước cũng gặp những thách thức mới và có ảnh hưởng đến mục tiêu, biện pháp xây dựng lực lượng dự bị. Hiện nay, trong xây dựng lực lượng dự bị, các nước đều không ngừng nâng cao vị trí của việc xây dựng lực lượng dự bị; nâng cao yêu cầu đối với lực lượng dự bị; không ngừng điều chỉnh cơ cấu, tập trung xây dựng dự bị loại 1 và bảo đảm biên chế trang bị của lực lượng này thống nhất với quân thường trực.

Thứ hai, xây dựng lực lượng dự bị là kế sách, là nghệ thuật tổ chức quân đội trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.

Việt Nam có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, là điểm giao hội của các đường giao thông quốc tế trên biển, có tài nguyên phong phú. Vị trí địa lý đất nước ta rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế – văn hóa. Một mặt, Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp thu những yếu tố tiên tiến từ bên ngoài; mặt khác, cũng phải có kế hoạch tổ chức phòng vệ để chống lại các mối đe dọa từ nhiều phía.

Trải qua hơn bốn nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm. Liên tiếp chiến thắng ngoại quân xâm lược, đó không chỉ là kết quả của nghệ thuật tiến hành chiến tranh mà còn là kết quả của nghệ thuật tổ chức quân đội của cha ông ta.

Ngay từ thời Hùng Vương, ngành quân sự của dân tộc ta đã được phát triển hơn các ngành khác, trong quân đội đã có bộ phận thường trực, tuy nhiên, số lượng quân đội thường trực lúc ấy chưa nhiều. Mỗi lần có chiến tranh, dân tộc có truyền thống dựa vào lực lượng chiến đấu và hậu cần của Nhân dân các công xã. Thành viên các công xã khi bình thường thì sản xuất, khi có động thì sẵn sàng chiến đấu theo lệnh của thủ lĩnh quân sự. Đó là lực lượng quân sự quan trọng của Nhà nước thời Hùng Vương. Chính sách xã viên vũ trang đã đặt nền móng cho kế sách “Ngụ binh ư nông” của các triều đại sau này. Năm 974, Đinh Tiên Hoàng đã cho tổ chức quân đội cả nước, cách tổ chức quân đội gồm 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Tổng quân số 100 vạn người. Đây là biên chế thời chiến và theo biên chế này chuẩn bị sẵn, khi đất nước lâm nguy thì tổ chức động viên. Năm 986, Lê Hoàn cho kiểm tra dân số để lấy quân; quân số nông dân được động viên trong những lúc cần2.

Thời nhà Lý, tổ chức quân đội có từ 5 – 7 vạn người, chia thành cấm quân và quân các lộ, các phủ. Nhà Lý thực hiện chính sách: tất cả Nhân dân đến tuổi hoàng nam (18 tuổi) đều phải đăng lính. Xây dựng lực lượng vũ trang dân chúng rộng rãi, sẽ được bổ sung vào đội ngũ khi cần để chiến đấu tại chỗ hoặc cơ động theo lệnh triều đình. Với quân thường trực thì cứ luân phiên thay nhau về cày cấy, tự túc, tự cấp, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm quân số khi cần thiết. Tiếp tục truyền thống của thời trước, thời nhà Trần, Nhân dân được tuyển đi lính cũng theo chế độ “Ngụ binh ư nông”, bảo đảm mỗi người dân thành một người lính khi có giặc ngoại xâm. Vào thời chiến, các vương hầu đều được phép tổ chức gia thuộc, gia đồng, nô tỳ thành quân đội. Khi cần thiết, Nhà nước cho phép các vương hầu được chiêu mộ quân ở địa phương cai quản của mình. Với cách tổ chức này, năm 1284, quân địa phương của các vương hầu (không tính từ Hoan Diễn – nay là tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An trở vào) đã lên tới 20 vạn3.

Thời nhà Lê xây dựng và củng cố một lực lượng quân đội khá vững mạnh khi cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng đất nước phát triển cao nhất, quân đội của Lê Lợi có tới 35 vạn. Sau khi thắng quân Minh, năm 1429 Lê Lợi cho 25 vạn quân trở về quê quán làm ruộng, chỉ giữ lại 10 vạn quân thường trực. Quân lính đều được chia ruộng công của làng, xã và thay phiên nhau về sản xuất, tự túc, tự cấp. Ngoài ra, Nhà nước còn quy định chặt chẽ việc chọn lính. Quy định đó là, gia đình có từ 3 – 4 suất đinh thì lấy một người sung vào hạng tráng (ra lính ngay), một người sung vào hạng quân (trù bị); gia đình có từ 5 – 6 suất đinh thì lấy 2 người sung vào hạng tráng, 1 người sung vào hạng quân… Với cách tổ chức này, năm 1470 chuẩn bị cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, Lê Thánh Tông đã huy động 26 vạn quân tinh nhuệ4. Các triều đại trước đây, khi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi đều thực hiện giảm quân số thường trực, số quân thường trực chủ yếu bố trí ở những vị trí chiến lược. Để sẵn sàng mở rộng quân đội khi có chiến tranh, các triều đại đều đã chú trọng xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu. Nghệ thuật tổ chức quân đội này đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng DBĐV là đòi hỏi khách quan.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước tập trung cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân nên công tác xây dựng lực lượng dự bị ở nước ta tuy đã từng bước được triển khai, song chưa được thực hiện một cách toàn diện. Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình được thiết lập, đất nước tạm thời phân định bởi vĩ tuyến 17. Đảng và Nhà nước ta đã giảm một bộ phận quân thường trực để tập trung lực lượng lao động khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Năm 1958, cùng với việc thí điểm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương xây dựng lực lượng hậu bị. Tại cuộc họp cán bộ cao cấp toàn quân (tháng 3/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện, Người chỉ thị cho quân đội có hai nhiệm vụ trước mắt, trong đó có nhiệm vụ, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, bao gồm: xây dựng lực lượng thường trực và xây dựng lực lượng hậu bị. Tháng 8/1958, Bộ Tổng tham mưu triệu tập hội nghị xây dựng lực lượng hậu bị trên miền Bắc. Hội nghị đã quyết định, cùng với việc tuyển quân theo chế độ nghĩa vụ quân sự, sẽ thực hiện việc đăng ký, quản lý tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân đã phục viên, chuyển ngành ở độ tuổi dưới 45. Tháng 4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự, trong luật này có quy định hạ sĩ quan và binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ được xếp vào dự bị hạng 1. Những công dân khác trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự được xếp vào dự bị hạng 2 (tuổi từ 18 – 45)5.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, cả nước thống nhất là đi lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh của chúng ta có lực lượng thường trực mạnh và lực lượng hậu bị rộng rãi được huấn luyện tốt…”6. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII, có xác định cụ thể hơn về xây dựng lực lượng dự bị, đó là: “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được huấn luyện và quản lý tốt, bảo đảm khi cần thiết có thể động viên được nhanh chóng theo kế hoạch”7.

Các bản Hiến pháp cũng quy định: “Nhà nước xây dựng Quân độỉ nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu…”. Nhằm cụ thể hóa hơn đường lối và quy định của Hiến pháp về xây dựng lực lượng DBĐV, các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này. Điều 3, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV năm 1996 chỉ rõ: “Lực lượng dự bị động viên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ. Xây dựng và huy động lực lượng DBĐV phải bảo đảm đủ chỉ tiêu, đúng tiêu chuẩn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật”.

Thứ tư, xây dựng lực lượng DBĐV là yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính ở Châu Á và các nước trong khu vực đã tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Tình hình đó đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta phải chủ động nắm thời cơ, vươn lên phát triển nhanh và vững chắc, tạo ra thế và lực; đồng thời phải chuẩn bị tích cực về mọi mặt tạo ra sức mạnh tổng hợp trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sự điều chỉnh về nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế đòi hỏi tiếp tục giảm quân số thường trực để tập trung nguồn lực phát triển các ngành kinh tế nhưng vẫn bảo đảm cho đất nước sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược và kịp thời đối phó với các tình huống. Mặt khác, việc tổ chức xây dựng lực lượng dự bị có hiệu quả chính là điều kiện để giảm quân số thường trực. Nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong bối cảnh mở cửa, tăng cường giao lưu quốc tế đòi hỏi càng phải chú trọng đến xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và xây dựng lực lượng dự bị nói riêng. Vì vậy, xây dựng lực lượng DBĐV đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và BVTQ là một tất yếu khách quan.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng lực lượng DBĐV “hùng hậu, chất lượng ngày càng cao”8. Chủ trương về xây dựng lực lượng DBĐV đã có sự phát triển mới, bên cạnh chủ trương xây dựng lực lượng DBĐV “hùng hậu” còn đề cập đến yếu tố “chất lượng ngày càng cao”. Đây chính là yếu tố có vai trò quan trọng trong xây dựng lực lượng DBĐV một cách toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, được giáo dục chính trị, pháp luật, được huấn luyện quân sự toàn diện nhằm nâng cao trình độ chính trị, quân sự và chuyên môn, nghiệp vụ, có cơ cấu hợp lý, trình độ sẵn sàng chiến đấu và được quản lý chặt chẽ.

Thực tế hiện nay, vị trí, vai trò của lực lượng DBĐV ngày càng quan trọng, nhất là khi mà các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các yếu kém về quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ ở cơ sở để kích động Nhân dân, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng DBĐV không chỉ tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, phòng chống cháy rừng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo… đồng thời, đây cũng là lực lượng quan trọng trong thực hiện công tác dân vận, nắm địa bàn, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong giải quyết các tình huống nảy sinh.

Chủ trương xây dựng lực lượng DBĐV “hùng hậu, chất lượng ngày càng cao” của Đảng là phù hợp với quy luật khách quan, thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo những quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chính quyền cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây còn là sự kế thừa, phát triển sáng tạo trong điều kiện mới chính sách “ngụ binh ư nông”, “bách tính vi binh”, toàn dân tham gia đánh giặc của các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử, truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thể hiện sự phát triển sáng tạo nghệ thuật toàn dân tham gia đánh giặc, toàn dân tham gia BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới.

Xây dựng lực lượng DBĐV “hùng hậu, chất lượng ngày càng cao” cho phép chuẩn bị một tiềm lực quân sự mạnh, một lực lượng vũ trang hùng hậu tại chỗ, có chất lượng tốt từ đồng bằng, đến miền núi, từ nông thôn đến đô thị, nhất là những vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh, biên giới, hải đảo… ngay trong điều kiện thời bình, luôn sẵn sàng chiến đấu BVTQViệt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng lực lượng DBĐV “hùng hậu, chất lượng ngày càng cao” là cơ sở, nền tảng định hướng trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, nhất quán trong hành động từ trung ương đến cơ sở. Từ việc xây dựng một hệ thống, thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài từ các luật, nghị định, thông tư, kế hoạch, các đề án, chương trình… về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, là cơ sở cho việc xác định đúng các mục tiêu, hướng đi trong xây dựng, kiện toàn về mặt tổ chức lực lượng, biên chế, trang bị, tổ chức huấn luyện, xác định đối tượng, phương pháp tác chiến của lực lượng DBĐV. Góp phần thống nhất và nâng cao nhận thức chung của cán bộ, đảng viên, của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và Nhân dân trong chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng DBĐV.

Mặt khác, thống nhất về nhận thức trong giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Chống các quan điểm coi nhẹ về quốc phòng, an ninh, các tư tưởng mơ hồ, ảo tưởng về sức mạnh quân sự, các tư tưởng phản động hoặc sai trái trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiệm vụ BVTQ xã hội chủ nghĩa. Gắn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, của cả hệ thống chính trị trong tham gia xây dựng lực lượng DBĐV hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Như vậy, vấn đề xây dựng lực lượng DBĐV trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong suốt quá trình đổi mới đất nước luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội thường xuyên quan tâm, chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thể hiện tính nhất quán cao và luôn có sự kế thừa kế sách “ngụ binh ư nông” và phát triển liên tục gắn với sự vận động phát triển của thực tiễn. Ngày nay, trong điều kiện mới, công tác xây dựng lực lượng DBĐV và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để huy động lực lượng dự bị thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, phát triển cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Chú thích:
1,2,3,4. Công tác động viên Quân đội của Bộ Tổng tham mưu – Quân đội nhân dân Việt Nam. Lưu hành nội bộ, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Điều 13, H.1960.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IVH. NXB Sự thật, 1976.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. H. NXB Sự thật, 1991.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II.  H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 16-CT/TƯ ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
4. Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019.
                                ThSNguyễn Hữu Trung
Học viện Lục Quân