Phát triển nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay

Thiếu tá Nguyễn Xuân Đông
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong nội dung, biện pháp quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”1. Do đó, việc phát triển nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị có vai trò rất quan trọng để tạo sự bình đẳng trong sắp xếp, bố trí công việc, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của cán bộ nữ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ khoá: Nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực nữ, hệ thống chính trị.

1. Cán bộ nữ nguồn lực quan trọng của hệ thống chính trị

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang… Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội”2.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về phụ nữ, giải phóng phụ nữ, “nam – nữ bình quyền” trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đến mọi mặt của phụ nữ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ vừa chăm lo gia đình, vừa tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp. Phụ nữ là nguồn lực quan trọng, có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, có mặt còn hoàn thành suất nhiệm vụ, chỉ người phụ nữ mới có khả năng thực hiện, đó là thiên chức làm mẹ. Vì vậy, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, phụ nữ luôn có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bình đẳng giới, tham gia vào công tác lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương cho đến cơ sở.

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới đã xác định: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, đề bạt cán bộ nữ”3. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tiếp tục nhấn mạnh: phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ”4.

Những quan điểm, tư tưởng của Đảng về phụ nữ ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử khác nhau đã cho thấy, nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển đất nước ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, thể hiện quan điểm rất nhân văn, tiến bộ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt phụ nữ trong mối quan hệ tổng thể với sự phát triển của đất nước; là một nguồn lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội.

Sự tham gia, có mặt của phụ nữ vào hệ thống chính trị các cấp góp phần làm tăng lên sức mạnh, uy tín, vị thế của Đảng trong lòng nhân dân, khẳng định quan điểm, đường lối nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về tôn trọng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ cho sự nghiệp đổi mới đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Đồng thời, sự có mặt của phụ nữ vào hệ thống chính trị các cấp còn tạo ra tinh thần, khí thế làm việc hăng say, tích cực, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó trong nội bộ và trong toàn xã hội, thực hiện thắng lợi những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh.

2. Thực tiễn nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở nước ta thời gian qua

Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương đã quán triệt và có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đưa cán bộ nữ vào hệ thống chính trị. Theo Báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cấp uỷ viên nữ bình quân của 63 tỉnh/thành đạt 16% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ cấp uỷ viên nữ cấp trên cơ sở đạt 17%, tỷ lệ cấp uỷ viên nữ cấp cơ sở là 21%, 46/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp uỷ cấp tỉnh đều tăng, đứng đầu cả nước là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu5.

Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội ngày càng tăng, nhiệm kỳ khoá XIV có 132 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 26,88%), nhiệm kỳ khoá XV có 151 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 30,26%)(6). Hiện nay, ở nước ta có 01 đồng chí nữ là Uỷ viên Bộ Chính trị, có 4 nữ Bí thư Tỉnh uỷ, 2 nữ Bộ trưởng, 1 nữ Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; hầu hết các địa phương đều có tỷ lệ nữ tham gia vào hệ thống chính trị các cấp; ở một số ngành, lĩnh vực tỷ lệ nữ chiếm cao hơn nam giới, như: ngành Giáo dục và đào tạo là 74,7% (năm 2020); Y tế và cứu trợ xã hội là 63,7%; các tổ chức và cơ quan quốc tế là 62,9% (năm 2020)7

Những số liệu trên chứng minh rằng, nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở nước ta đã được quan tâm, chú trọng ở các ngành, lĩnh vực, tạo sự công bằng, bình đẳng về giới trong nhận thức, hành động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp. Thực tế, nguồn lực cán bộ nữ đã phát huy vai trò của mình khi được Đảng, Nhà nước tin tưởng, phân công, giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp. Nhờ vậy, chỉ số xếp hạng bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị ở nước ta còn một số hạn chế, như: tỷ lệ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thấp, có nơi không có nữ trong cấp uỷ, tổ chức đảng; trình độ, nhận thức, năng lực của một số nữ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Một bộ phận không nhỏ phụ nữ vẫn bị mặc cảm, tự ti về bản thân, chưa mạnh dạn tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi phong tục, quan niệm của chế độ phong kiến. Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm… Công tác phụ nữ còn có những mặt yếu kém8.

3. Một số biện pháp phát triển nguồn lực cán bộ nữ hiện nay

Một trong những quan điểm cơ bản của Đảng là: “Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”9.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định lộ trình, mục tiêu cho từng giai đoạn, chặng đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là: khơi dậy ý chí, khát vọng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân vào thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp…

Để hoàn thành mục tiêu đó, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị các cấp.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về tầm quan trọng của thực hiện bình đẳng giới.

Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới của Đảng. Thông tin tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, không phân biệt, đối xử, có thái độ không tốt đối với cán bộ nữ tham gia vào hệ thống chính trị các cấp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, hành động trong mỗi tầng lớp nhân dân để nữ giới vươn lên trong công việc, cuộc sống, khẳng định vị thế, uy tín của mình trong xã hội.

Tổ chức những buổi sinh hoạt trong cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp để bản thân nữ giới thấy được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của Đảng, Nhà nước đối với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên để đáp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đa dạng hoá các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động để các tổ chức, lực lượng cùng vào cuộc, tham gia vào hoạt động phát triển nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị lựa chọn, giới thiệu đồng chí cán bộ nữ có năng lực, phẩm chất vào trong cấp uỷ, tổ chức đảng. Mỗi đồng chí trong cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần thận trọng trong lựa chọn cán bộ nữ, lấy tiêu chí về phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp tác phong công tác, uy tín trước tập thể, Nhân dân đưa vào nguồn phát triển trong hệ thống chính trị.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị.

Các cơ quan, ban, ngành Trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về phát triển nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị. Ở mỗi địa phương, ở từng ngành, lĩnh vực cụ thể có tỷ lệ nữ nhất định, bao hàm cả tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt, quản lý ở những bộ phận, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Ngoài những quy định chung của Đảng, Nhà nước cần có những chế độ, chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ ở cấp cơ sở. Bởi đây là bộ phận thường xuyên, trực tiếp gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của phụ nữ, quan tâm hơn nữa đến lực lượng nữ hoạt động ở cấp cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở một số nơi, tỷ lệ nữ giới ít, hoặc không nữ tham gia vào cấp uỷ, tổ chức đảng, cấp trên phải chỉ định, giới thiệu cán bộ nữ từ cấp trên xuống địa phương. Có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ trẻ, có bằng cấp, trình độ, được đào tạo cơ bản; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, góp ý phát triển cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ cấp cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương, tạo cơ sở, tiền đề cho các bộ, ban, ngành Trung ương họp thống nhất, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình ra Quốc hội thảo luận các dự thảo luật có liên quan đến công tác phụ nữ trong hệ thống chính trị các cấp.

Có cơ chế, chính sách đối với cán bộ nữ ở các vùng, miền, địa phương hợp lý, phù hợp, nhất là đối với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương kiên trì vận động, thuyết phục đối với cán bộ nữ có trình độ, năng lực tham gia vào hệ thống chính trị; ưu tiên cán bộ nữ có trình độ đại học, cao đẳng.

Qua thực tiễn cơ sở được giới thiệu, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với năng lực, chuyên môn công tác; khi cán bộ nữ tham gia vào hệ thống chính trị có nhiều đóng góp cho nơi công tác, được Nhân dân tín nhiệm, tích cực đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ cần có chế độ, chính sách khen thưởng, động viên kịp thời; cử cán bộ nữ trong quy hoạch, nguồn phát triển được đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đặt ra.

Đối với cán bộ nữ là người dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ nữ vừa thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, vừa làm tròn trách nhiệm trong giữ gìn, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Quốc hội, cơ quan nhà nước các cấp để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển của quốc gia, bộ, ngành, địa phương… Chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học -kỹ thuật, công nghệ mới…10.

Ba là, phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp để phát triển nguồn nhân lực nữ trong hệ thống chính trị.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Vì vậy, trong quá trình hoạt động Hội phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của mình, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của phụ nữ, nhất là số phụ nữ đang hoạt động công tác trong hệ thống chính trị để tham mưu, đề xuất, góp ý với cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp về công tác bình đẳng giới; vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội.

Không ngừng quan tâm, chăm lo đến đời sống của phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức hoạt động thực tiễn gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc ở từng khu vực, địa bàn cụ thể. Trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ giữ gìn hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phải là cầu nối, trung tâm đoàn kết, địa chỉ tin cậy của phụ nữ. Tích cực, chủ động bám nắm cơ sở, nhất là ở địa bàn, gia đình phức tạp, có nguy cơ đe doạ đến tính mạng của phụ nữ, kịp thời cùng với cơ quan, ban ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, nữ giới công tác trong Hội cần phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của mình, thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, phương pháp tác phong công tác, giữ gìn phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tích cực, chủ động phối hợp với cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất trong duy trì, tổ chức các hoạt động của Hội, bảo đảm cho mọi quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với tất cả phụ nữ.

Những hoạt động của Hội phải thiết thực, hiệu quả, gắn với các phong trào của phụ nữ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới. Kiên quyết đấu tranh, lên án, phản bác luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch cho rằng nữ giới chỉ cần chăm lo xây dựng gia đình, việc tham gia vào hệ thống chính trị là của nam giới; tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của nữ giới về phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ khi tham gia vào hệ thống chính trị.

Mỗi phụ nữ khi công tác trong hệ thống chính trị phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Tích cực, chủ động hơn nữa trong mọi công việc, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ được giao, không ngừng rèn luyện bản thân về mọi mặt đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thường xuyên “tự soi’, “tự sửa” nhận thức, hành động phù hợp với môi trường công tác, môi trường sống; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của người cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Rèn luyện phương pháp tác phong làm việc khoa học, khẩn trương, hiệu quả, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; không tự bằng lòng với kết quả hiện có, nỗ lực phấn đấu vươn lên ở mọi lúc, mọi nơi để chứng minh về năng lực, trình độ, khả năng ứng biến, giải quyết công việc hiệu quả của nữ giới trong hệ thống chính trị các cấp.

4. Kết luận

Phát triển nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị là một trong nội dung, biện pháp quan trọng công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Sự hiện diện, có mặt của nữ giới trong hệ thống chính trị, có những đồng chí giữ cương vị cao cấp của Đảng, Nhà nước đã chứng minh cho quan điểm, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp nêu trên là góp phần quan trọng vào phát triển nguồn lực nữ trong hệ thống chính trị hiện nay. Trong quá trình tổ chức thực hiện đòi hỏi cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về phát triển nguôn lực nữ trong hệ thống chính trị.

Chú thích:
1, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 169, 169.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 256.
3. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.
5. Vai trò của các cấp uỷ đảng đối với công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới. https://tctcnn.vn, ngày 20/02/2023.
6.  Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam cao hơn so với khu vực và thế giới. https://www.vietnamplus.vn, ngày 8/3/2022.
7. Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam. https://www.xaydungdang.org.vn, ngày 11/3/2024.
8, 9. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.