ThS. Lê Anh
Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu sự tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam bên cạnh các nhân tố chi tiêu công và phát triển con người. Dựa trên dữ liệu của Việt Nam giai đoạn 2000-2023, kết quả kiểm định đồng liên kết theo phương pháp Johansen chỉ ra mối đồng liên kết trong mô hình nghiên cứu. Ước lượng mô hình véc – tơ hiệu chỉnh sai số hồi quy cho thấy, điểm số tham nhũng và chi tiêu công tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế, còn nhân tố phát triển con người có tác động ngược chiều đến tăng trưởng kinh tế. Dựa vào kết quả thực nghiệm nghiên cứu bài viết đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, tham nhũng, chi tiêu công, chỉ số phát triển con người.
1. Đặt vấn đề
Tham nhũng có tác động rộng lớn đến đầu tư, hiệu quả sản xuất, phân bổ nguồn lực cũng như sự phát triển của các quốc gia. Các vụ án tham nhũng thường gây lãng phí tài nguyên quốc gia và làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư công. Các dự án bị tham nhũng có thể bị đội giá, kém chất lượng hoặc không hoàn thành đúng tiến độ, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả kinh tế qua đó làm tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng (Transparency.org).
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bao gồm việc điều tra và xử lý hàng loạt vụ án lớn. Trong bài viết này, nhằm củng cố thêm những bằng chứng cho sự cần thiết phải đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững, tác giả đã tiến hành phân tích dựa trên các số liệu của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2023.
2. Tổng quan lý thuyết
Các nghiên cứu về tác động của tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế cho thấy một mối quan hệ phức tạp với các kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tham nhũng có cả tác động tích cực và tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
(1) Quan điểm tham nhũng tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế
Nhà kinh tế Robert Barro (1990) đã chỉ ra rằng, tham nhũng làm giảm đầu tư và do đó làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế. Trong các nghiên cứu của ông đã nhấn mạnh, tham nhũng tạo ra môi trường kinh doanh không ổn định và không thể đoán trước, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Khi nghiên cứu chi tiết về mối quan hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, Paolo Mauro (1995) cho rằng, tham nhũng dẫn đến phân bổ nguồn lực không hiệu quả, làm giảm hiệu suất của nền kinh tế và làm chậm quá trình phát triển. Ông cũng chỉ ra rằng, các quốc gia có mức độ tham nhũng cao thường có mức đầu tư và tăng trưởng thấp hơn.
Susan Rose-Ackerman (1999) đã lập luận rằng, tham nhũng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế mà còn phá hoại niềm tin vào các thể chế chính trị và pháp luật. Điều này có thể dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong sự phát triển dài hạn của một quốc gia. Tương tự, Daniel Kaufmann (2011) đã chỉ ra rằng, tham nhũng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế bằng cách làm suy yếu quản trị và thúc đẩy các chính sách kinh tế kém hiệu quả. Nghiên cứu của ông cho thấy, mối quan hệ mạnh mẽ giữa quản trị tốt và tăng trưởng kinh tế, ngược lại, tham nhũng cao đi kèm với tăng trưởng thấp.
Các nghiên cứu này đồng thuận quan điểm, tham nhũng có tác động tiêu cực rõ rệt đến tăng trưởng kinh tế thông qua nhiều cơ chế khác nhau, như: giảm đầu tư, phân bổ nguồn lực không hiệu quả và làm suy yếu quản trị.
(2) Quan điểm tham nhũng tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế
Ha-Joon Chang (2010), một nhà kinh tế học người Hàn Quốc đã lập luận rằng, tham nhũng có thể dẫn đến sự phát triển kinh tế trong một số trường hợp. Theo Khan (2001), một nhà nghiên cứu về phát triển kinh tế đã lập luận rằng, tham nhũng có thể được sử dụng như một công cụ để tạo ra sự phát triển kinh tế trong một số trường hợp, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Còn theo Palma (2012), một nhà kinh tế học người Chile đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế và ông đã đề xuất, trong một số trường hợp, tham nhũng có thể tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế.
Tuy có những quan điểm ủng hộ về tác động tích cực của tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế nhưng đa số các nhà kinh tế vẫn nhất quán rằng, tác động tiêu cực của tham nhũng thường lớn hơn và không thể bỏ qua.
3. Mô hình nghiên cứu và dữ liệu
Dựa vào các lý thuyết liên quan về tăng trưởng kinh tế nói chung bao gồm các học thuyết kinh tế học cổ điển, lý thuyết tăng trưởng của trường phái tân cổ điển nếu bỏ qua yếu tố tổng hợp, hàm sản xuất tân cổ điển tổng quát được viết lại dưới dạng đơn giản: Y = f (K, L) (1). Trong đó, Y là mức sản lượng, K là đầu tư tư nhân, L là lực lượng lao động. Khi có sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, theo Grossman (1988) đưa chi tiêu công (G) vào hàm sản xuất tổng quát. Khi đó, phương trình (1) được viết lại như sau: Y = f (K, L, G) (2)
Trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, có thể đưa thêm các biến kiểm soát khác (H) để giải thích thêm sự thay đổi của tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khi đó, phương trình (2) được viết lại: Y = f (K, L, G, H…) (3)
Để đo lường tác động của tham nhũng đến tăng tưởng kinh tế tại Việt Nam, tác giả đã thực hiện mô hình nghiên cứu với giả định là tăng trưởng kinh tế chịu sự tác động của các biến kinh tế vĩ mô, như: tham nhũng (CORR_Score – chỉ tiêu này được đo lường bằng điểm số tham nhũng với 0 là tham nhũng cao, 100 là tham nhũng rất thấp), chi tiêu công (PUB), và đầu tư cho nguồn vốn con người (HDI). Mô hình này được tác giả sử dụng từ phương trình (3) và được phát triển như sau: GDP = f(CORR_Score, PUB, HDI) (4)
Để kiểm định mô hình, tác giả sử dụng phương trình tuyến tính như sau:
GDPt = β0 + β1CORR_Scoret + β2PUBt + β3HDIt (5)
Bảng 1: Thống kê mô tả các biến trong mô hình
Variable | Obs | Mean | Std. Dev. | Min | Max |
GDP | 24 | 188.6183 | 130.959 | 31.17 | 430 |
CORR_Score | 24 | 188.6183 | 16.34377 | 2.4 | 39 |
PUB | 24 | 21.10417 | 3.507195 | 15.2 | 26.2 |
HDI | 24 | .6637917 | .0404636 | .592 | .762 |
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian thứ cấp giai đoạn 2000-2023 được thu thập từ Transparency.org, UNDP Human Development Reports, World Bank và Tổng cục Thống kê nhằm đánh giá tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Sau đó, các kiểm định chẩn đoán được sử dụng đánh giá sự phù hợp cho mô hình.
Bảng 2: Tổng hợp kiểm tra tính dừng
STT | Biến mô hình | Bậc gốc | Sai phân bậc 1 | Kết luận |
1 | GDP | 2.864 | -3.367 | I(1) |
2 | CORR_Scor | -0.659 | -4.879 | I(1) |
3 | PUB | -4.879 | -3.540 | I(1) |
4 | HDI | -1.054 | -6.010 | I(1) |
Giá trị tới hạn (5%) = -3.000 |
Kết quả kiểm định trong Bảng cho thấy, các biến đều dừng tại sai phân bậc 1.
Sau khi xác định bậc trễ tối ưu cho mô hình dựa trên khuyến nghị của chuẩn thông tin Akaike cho hai bậc trễ, kiểm định đồng liên kết cho các chuỗi dữ liệu theo phương pháp Johansen được thực hiện với kết quả kiểm định được thể hiện trong Bảng.
Kết quả kiểm định cho thấy, có mối quan hệ đồng liên kết giữa các biến trong mô hình.

Dựa vào kết quả kiểm định, nghiên cứu sử dụng mô hình VECM nhằm ước lượng tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế cũng như tác động của các biến số khác trong mô hình.

εt = GDPt – (12.38072 + 2.195813Corr_Scoret + 129.9066PUBt – 10378.42HDIt)
GDPt = 12.38072 + 2.195813Corr_Scoret + 129.9066PUBt – 10378.42HDIt + εt (đúng)
Nghiên cứu đã kiểm định tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả ước lượng mô hình VECM cho thấy, thay đổi của các biến dùng đo lường tham nhũng (Corr_Scoret) và chi tiêu công (PUB) có tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế (GDP). Sự thay đổi của HDI có tác động ngược chiều với tăng trưởng kinh tế (GDP).
Đối với biến GDP biểu thị cho tăng trưởng kinh tế, kết quả ước lượng mô hình VECM cho thấy, mối quan hệ cùng chiều với điểm số tham nhũng và có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả này chứng minh rằng, điểm số tham nhũng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế (điểm số cao tham nhũng giảm và ngược lại), do vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện sự gia tăng của điểm số tham nhũng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Kết quả nghiên cứu đối với biến chi tiêu công có quan hệ cùng chiều với tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế để đạt được hiệu quả cao nhất, theo đó cần có sự quản lý và phân bổ nguồn lực công một cách hiệu quả và hợp lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chi tiêu công lại có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Khi chi tiêu cho bảo trợ xã hội và chi tiêu nông nghiệp thì có tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP (Mulugeta, 2023). Tương tự, ở Nigeria cũng có kết quả chi tiêu định kỳ không góp phần vào tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn (Oluyem, 2021). Do vậy, các chính sách chi tiêu công cần tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Với biến HDI – chỉ số phát triển con người bao gồm ba yếu tố chính: tuổi thọ, giáo dục và thu nhập. Kết quả từ mô hình VECM cho thấy, HDI có tác động ngược chiều với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, quan trọng là nhận ra rằng những tác động tiêu cực này thường xuất phát từ việc quản lý không hiệu quả hơn là từ bản chất của HDI. Khi được thực hiện một cách đúng đắn và bền vững, việc nâng cao HDI có thể đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế lâu dài và bền vững của một quốc gia.
4. Kết luận và hàm ý chính sách
Nghiên cứu về tác động của tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sử dụng mô hình VECM với các biến số được thu thập trong giai đoạn 2000-2023 cho thấy:
Thứ nhất, đối với biến điểm số tham nhũng (CORR_Score = 2.195813), kết quả từ mô hình cho thấy sự cải thiện trong điểm số tham nhũng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần cải thiện điểm số tham nhũng sẽ có ý nghĩa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cải thiện phòng, chống tham nhũng, cụ thể:
(1) Tăng cường pháp luật và khung pháp lý: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm các quy định rõ ràng, chặt chẽ và dễ thực thi; tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
(2) Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: Cải thiện quy trình công vụ công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, tài chính công và đấu thầu; yêu cầu các quan chức công khai tài sản, thu nhập và các nguồn lợi khác, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm các vi phạm.
(3) Tăng cường giám sát và kiểm tra: Thành lập và tăng cường hoạt động của các cơ quan kiểm toán, thanh tra và giám sát độc lập; khuyến khích và bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tạo môi trường an toàn cho người dân và công chức dũng cảm đứng lên chống tham nhũng.
(4) Đẩy mạnh giáo dục ý thức trách nhiệm và nâng cao nhận thức cộng đồng: Tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng cho công chúng, đặc biệt là trong trường học và cơ quan nhà nước; khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào công tác giám sát, phòng, chống tham nhũng.
(5) Cải cách hành chính và quản trị công: Cải cách quy trình hành chính, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, loại bỏ các cơ hội cho tham nhũng; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, tài chính công để giảm bớt sự can thiệp của con người và tăng cường minh bạch.
(6) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp hiệu quả từ nước ngoài; thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
(7) Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, khuyến khích lối sống liêm chính và trách nhiệm, chí công vô tư không vụ lợi; thực hiện các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ và tham nhũng.
Thứ hai, đối với biến chi tiêu công (PUB), kết quả nghiên cứu từ mô hình cho thấy, chi tiêu công (PUB = 129.9066) có tác động cùng chiều với tăng trưởng kinh tế. Do đó cần thúc đẩy chi tiêu công nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cần thực hiện một số gợi ý:
(1) Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, viễn thông và nước sạch sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế lâu dài. Điều này không chỉ tạo việc làm mà còn giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
(2) Đẩy mạnh chi tiêu cho giáo dục và y tế: Đầu tư vào giáo dục và y tế giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Một lực lượng lao động khỏe mạnh, có trình độ sẽ góp phần tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
(3) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): SMEs đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho SMEs tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, cung cấp vốn vay ưu đãi và đào tạo kỹ năng sẽ giúp SMEs phát triển mạnh mẽ.
(4) Thúc đẩy cải cách hành chính và minh bạch hóa quản lý công: Đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch trong quản lý công sẽ giúp tăng hiệu quả chi tiêu công, giảm lãng phí và tham nhũng từ đó tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
(5) Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D): Khuyến khích đầu tư vào R&D để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ. Điều này giúp nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
(6) Phát triển các dự án hợp tác công-tư (PPP) là mô hình hiệu quả để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân vào các dự án công. Chính phủ cần có chính sách và khung pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các dự án PPP, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng.
(7) Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công: Tăng cường năng lực quản lý tài chính công, đảm bảo sự phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và công bằng. Sử dụng các công cụ tài chính hiện đại và các hệ thống quản lý tài chính tiên tiến để giám sát và đánh giá hiệu quả chi tiêu công.
(8) Thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư nội địa: Khuyến khích tiêu dùng và đầu tư nội địa thông qua các chính sách tài chính và tiền tệ, như: giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng và các chương trình khuyến mãi.
Thứ ba, kết quả từ mô hình cho thấy, chỉ số phát triển con người (HDI) tác động ngược chiều với tăng trưởng kinh tế. Chỉ số HDI thường được xem là một chỉ số tích cực, phản ánh mức độ phát triển tổng thể của một quốc gia về các khía cạnh sức khỏe, giáo dục và thu nhập.
Tuy nhiên, một số tác động tiêu cực tiềm tàng của HDI đến tăng trưởng kinh tế có thể do: hiệu quả đầu tư không cao không mang lại lợi ích kinh tế tương ứng gây ra sự lãng phí nguồn lực và cơ hội; phân bổ tài nguyên không đồng đều dẫn đến tăng trưởng kinh tế không đồng đều và bất bình đẳng và những đầu tư để cải thiện HDI đòi hỏi thời gian dài nhưng trong ngắn hạn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế vì nguồn lực bị chuyển hướng từ các hoạt động kinh tế trực tiếp sang các dịch vụ xã hội. Do đó, cần nhận ra rằng những tác động tiêu cực này thường xuất phát từ việc quản lý không hiệu quả hơn là từ bản chất của HDI.
Vì thế, trong thời gian tới Việt Nam có thể tập trung vào:
Một là, nâng cao chất lượng hệ thống y tế: Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế; xây dựng và nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế, đặc biệt là ở vùng nông thôn và miền núi; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng y bác sĩ, đặc biệt là chuyên môn cao; mở rộng các chương trình tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm.
Hai là, nâng cao trình độ học vấn: Cải thiện cơ sở vật chất giáo dục trong đó tăng đầu tư xây dựng trường học, ký túc xá, thư viện, trang thiết bị giảng dạy hiện đại; hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên.
Ba là, cải thiện mức sống người dân: Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các chương trình tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các chương trình hỗ trợ người nghèo, cải thiện nhà ở, cung cấp các dịch vụ cơ bản như điện, nước sạch.
Bốn là, phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế: Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay; phát triển hạ tầng điện và nước sạch, hạ tầng viễn thông, bảo đảm mở rộng mạng lưới viễn thông, internet để mọi người dân đều có thể tiếp cận.
Năm là, tăng cường cải cách hành chính: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số để cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, chính sách an sinh xã hội: Thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp cho người già, người khuyết tật, người nghèo.
Bảy là, phát triển bền vững kinh tế xã hội: Xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, du lịch bền vững và sử dụng tài nguyên quốc gia có hiệu quả.
Khi được thực hiện một cách đúng đắn và bền vững, việc nâng cao HDI thực chất có thể đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế lâu dài và bền vững của đất nước. Các gợi ý chính sách này cần được thực hiện đồng bộ, liên tục và có sự tham gia tích cực của toàn xã hội sẽ góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển năng động, bền vững và công bằng.
Tài liệu tham khảo:
1. Barro, R. J. (1990). “Government spending in a simple model of endogenous growth“. Journal of political Economy, 98(5), 103-106.2. Fayad, N. M. (2023). Evidence on the Impact of Corruption on Economic Growth: A Systematic Literature Review. BAU Journal-Creative Sustainable Development, 4(2), 6.
3. Khan, M. (2001). Bureaucratic and Political Corruption in Pakistan.
4. Mauro, P. (1995). “Corruption and growth”. The quarterly journal of economics, 110(3), 681-712.
5. Oluyemi, Ayodele, Olonite., Sani, U., Gurowa., Kamaluddeen, Funsho, Adisa, Ibrahim., John, Olorunleke, Ajewole. (2021). Public spending and economic growth performance: evidence from nigeria. International Journal of Research, doi: 10.29121/GRANTHAALAYAH.V9. I7.2021.4043
6. Palma, J. G. (2012). Was Brazil’s recent growth acceleration the world’s most overrated boom?