Hoàn thiện pháp luật trong điều tra tội phạm xâm hại động vật hoang dã ở Việt Nam

ThS. Đặng Bá Vinh 
Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, việc áp dụng pháp luật trong điều tra tội phạm xâm hại động vật hoang dã còn nhiều điểm chưa thống nhất, nhất quán gây khó khăn trong hoạt động điều tra và xử lý tội phạm. Bài viết tập trung đánh giá chi tiết những hạn chế về áp dụng pháp luật trong điều tra tội phạm xâm hại động vật hoang dã và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật. Từ đó, góp phần bảo vệ hiệu quả các loài động vật hoang dã, quý hiếm ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Áp dụng pháp luật; hoạt động điều tra; xâm hại; động vật hoang dã.

1. Đặt vấn đề

Qua nghiên cứu tổng quan các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và thực tiễn đấu tranh, phòng chống xử lý hành vi vi phạm, hiện nay, công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã đạt nhiều kết quả tích cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam có nhiều chính sách và hành động được đánh giá cao trong quá trình bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các quy định của pháp luật còn tồn tại những hạn chế, bất cập là rào cản khiến cho việc bảo vệ động vật hoang dã chưa được thực thi một cách hiệu quả, có những quy định chưa rõ ràng, chưa giải thích cụ thể nội dung cần truyền tải và bao quát được các trường hợp xảy ra, dẫn đến việc các cơ quan điều tra khó khăn trong việc lựa chọn các quy phạm pháp luật để áp dụng trong điều tra tội phạm xâm hại động vật hoang dã.

2. Những khó khăn, bất cập trong quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã hiện nay

Một là, về giải thích thuật ngữ trong văn bản pháp luật, cụm từ “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” và “sản phẩm” của động vật hoang dã còn hẹp, chưa bao quát các trường hợp.

Mặc dù, thuật ngữ “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được giải thích tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/11/2018, như sau:“Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…). Tuy nhiên, việc giải thích như trên là chưa thực sự rõ ràng, bởi vì: Các bộ phận trong một cơ thể sống là một thể hoàn chỉnh, thống nhất, mỗi bộ phận của cơ thể đều thực hiện các chức năng chuyên biệt khác nhau, từ đó cơ thể sống mới có thể hoạt động bình thường được. Mặt khác, đối với một số loài động vật có vảy như: tê tê Java, tê tê châu Phi… đang còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định vảy có phải là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hay không. 

Ngoài ra, hướng dẫn chưa rõ ràng về tình tiết “Săn bắt vào thời gian bị cấm”. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Săn bắt trong khu vực cấm hoặc vào thời gian bị cấm” là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm đ, khoản 2, Điều 234 và điểm h, khoản 2, Điều 244) và được hướng dẫn tại khoản 2, Điều 3, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 là: “Săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy định thời điểm, thời gian nào là mùa sinh sản hoặc mùa di cư của động vật hoang dã để làm căn cứ định khung hình phạt trong trường hợp này, do đó, gây khó khăn trong việc xét xử hành vi phạm tội.

Hai là, về chế tài xử lý vi phạm pháp luật liên quan động vật hoang dã.

Việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép “sản phẩm” của các loài thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES (ngoài ngà voi, sừng tê giác) như một loại hàng cấm theo Điều 190, 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là chưa tương xứng mức độ và khách thể xâm phạm của tội phạm. Chưa hình sự hóa hành vi phạm tội đối với một tập hợp các loài khác nhau mà mỗi loài dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quy định số lượng loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xâm hại tại điểm d, khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, trường hợp một cá nhân hoặc pháp nhân buôn bán tới 17 cá thể động vật được bảo vệ thuộc nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES (ví dụ 02 cá thể động vật có vú, 06 cá thể chim hoặc bò sát và 09 cá thể thuộc các lớp sinh học khác) sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi đó một đối tượng bị phát hiện buôn bán 03 cá thể động vật có vú thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES sẽ bị xử phạt theo các quy định tại khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Điều này cho thấy sự không công bằng giữa mức độ nguy hiểm của hành vi so với chế tài tương ứng và có thể dẫn tới khả năng bỏ lọt tội phạm.

Hiện nay chưa quy định chế tài xử lý đối với hành vi tiêu thụ, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự đều chưa quy định hành vi sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB hoặc các loài thuộc Phụ lục I, Phụ lục II Công ước CITES là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự mới tập trung xử lý các hành vi: (1) săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã (động vật hoang dã đang sống); (2) tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể động vật hoang dã (động vật hoang dã đã chết), bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã; (3) chế biến động vật hoang dã, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã.

Bỏ lọt tội phạm trong trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện hành vi chiếm đoạt động vật hoang dã. Khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 quy định: “Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự”. Tuy nhiên, theo Điều 76, Bộ luật Hình sự hiện hành thì: “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”, tức là, không bao gồm các tội phạm chiếm đoạt quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Như vậy, trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện hành vi chiếm đoạt động vật hoang dã thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt.

Ba là, pháp luật còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, tạo nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong các hoạt động điều tra, cụ thể:

(1) Điều 234, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, căn cứ vào giá trị của đối tượng tác động để làm dấu hiệu định khung cơ bản truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chưa thỏa đáng bởi rất ít trường hợp tang vật là động vật thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) có giá trị từ 150.000.000 đồng trở lên để đủ cấu thành tội phạm. Thực tế này khiến nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép bị phát hiện chỉ có thể xử phạt hành chính chứ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự, kéo theo hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm này không cao.

(2) Điều 38, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (trong đó có lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường) được quyền khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Như vậy, Cục trưởng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an cấp tỉnh được quyền triển khai lực lượng, tổ chức khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Điều tra viên là chủ thể duy nhất chủ trì khám nghiệm hiện trường tại nơi xảy ra vụ án hoặc nơi phát hiện tội phạm. Ngoài Điều tra viên, Điều 201, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) chưa quy định những chủ thể khác được chủ trì hoặc tổ chức hoạt động khám nghiệm hiện trường. 

Như vậy, nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) có những điểm quy định chưa thống nhất. Việc quy định chưa thống nhất của hai văn bản pháp luật này dẫn đến những nhận thức khác nhau về công tác khám nghiệm hiện trường, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

3. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã

Để kịp thời bổ sung và điều chỉnh các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn điều tra, đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Từ đó kiến nghị, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động điều tra tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại động vật hoang dã nói riêng. Trong đó, cần tập chung hoàn thiện một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về mặt thuật ngữ của các văn bản pháp luật (“bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống”), cách hiểu của các loại thuật ngữ như đã nêu ở trên. Để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng điều luật trên thực tiễn, trong thời gian tới các cơ quan lập pháp cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể, qua đó xác định vảy của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm có phải là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hay không. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Điều 244,Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo hướng quy định rõ số lượng, khối lượng hoặc giá trị sản phẩm của động vật nguy cấp, quý hiếm làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Cần bổ sung danh sách cụ thể các bộ phận của động vật được xem là “không thể tách rời sự sống” để tránh sự hiểu lầm và tranh cãi. Danh sách này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các bộ phận như: đầu, tim, gan, phổi, bộ da, bộ xương. Đối với động vật có vảy thì cần ban hành hướng dẫn về việc xác định vảy của một số loài động vật có vảy, như: tê tê Java, tê tê châu Phi… có phải là bộ phận không thể tách rời sự sống hay không. Việc này nên dựa trên nghiên cứu khoa học và ý kiến của các chuyên gia về động vật học.

Ngoài ra, cần có hướng dẫn rõ ràng về tình tiết “săn bắt vào thời gian bị cấm” Trong đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy định cụ thể về thời điểm, thời gian nào là mùa sinh sản hoặc mùa di cư của từng loài động vật hoang dã. Văn bản này có thể dựa trên nghiên cứu khoa học và ý kiến của các chuyên gia về động vật học. Cần có cơ chế cập nhật thông tin này thường xuyên để đảm bảo tính chính xác và kịp thời do mùa sinh sản và mùa di cư có thể thay đổi theo thời gian và điều kiện môi trường.

Thứ hai, Điều 164, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong đó, điều luật này quy định rõ: Các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, Điều 4, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) chưa có nội dung giải thích về thuật ngữ “hoạt động điều tra ban đầu”, dẫn đến việc có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động điều tra ban đầu, gây khó khăn cho quá trình áp dụng điều luật trên thực tiễn. Vì vậy, để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng điều luật trên thực tiễn, Khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cần chỉnh sửa, bổ sung nội dung giải thích các thuật ngữ: Hoạt động điều tra ban đầu, hoạt động điều tra tiếp theo.

Thứ ba, cần xem xét tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của các loài thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES để tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi và khách thể xâm phạm. Hình sự hóa hành vi phạm tội đối với nhiều loài khác nhau: Quy định cụ thể việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm hại đến một số lượng nhất định các loài khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một số loài cụ thể. Sửa đổi điểm d, khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Quy định rõ hơn về số lượng loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xâm hại để bảo đảm không bỏ sót tội phạm. Ví dụ: Quy định cụ thể số lượng từng loài để làm căn cứ xử lý hình sự.

Thứ tư, kiến nghị cơ quan lập pháp bổ sung, hoàn thiện các quy định về xử phạt hành vi tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã.

Hiện nay, các quy định pháp luật chưa đầy đủ và rõ ràng về việc sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, pháp luật cần quy định rõ ràng về hành vi sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý cụ thể. Song song đó, cần thiết cần phải bổ sung trách nhiệm hình sự cho pháp nhân thương mại liên quan đến hành vi chiếm đoạt động vật hoang dã, do hiện nay Điều 76, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa bao gồm các tội phạm chiếm đoạt quy định tại Chương XVI của Bộ Luật này, nhằm xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi chiếm đoạt động vật hoang dã.

Điều chỉnh giá trị đối tượng tác động tại Điều 234, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Giảm ngưỡng giá trị: Cần xem xét giảm ngưỡng giá trị tài sản đối với các loài động vật thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES để đủ cấu thành tội phạm. Điều này giúp xử lý hình sự nhiều trường hợp hơn và tăng cường hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Thay đổi tiêu chí đánh giá: Bổ sung các tiêu chí khác ngoài giá trị kinh tế để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi, chẳng hạn như số lượng cá thể, loài bị đe dọa, mức độ quý hiếm, và tác động đến hệ sinh thái.

Thứ năm, Chính phủ cần sửa đổi các Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 về sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo hướng quy định danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ trước hết đó phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm, không nên để xảy ra tình trạng một số động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ không có trong danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm. 

Thứ sáu, bổ sung Cơ quan khoa học CITES (tổ chức giám định chuyên môn) là cơ quan giám định công lập theo Luật Giám định tư pháp đối với mẫu vật nghi là động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Hiện nay, Các cơ quan khoa học của Cites hay một số cơ quan ngang bộ (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có đủ năng lực và chuyên môn cao trong việc giám định các mẫu vật liên quan đến động vật hoang dã nhưng chưa được đưa vào danh sách giám định tư pháp, hoặc chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh cũng không đủ thẩm quyền đưa vào danh sách này. Điều này làm cho quá trình giám định gặp nhiều trở ngại, thiếu tính khách quan và không đảm bảo được tính chính xác cao nhất.

Thứ bảy, nghiên cứu, xem xét điều chỉnh và hoàn thiện Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) sao cho được thống nhất. Thống nhất về quyền hạn của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021. Cụ thể, cần sửa đổi Điều 201, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) để bao gồm lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường như là chủ thể được phép chủ trì và tổ chức hoạt động khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh đó, điều chỉnh quy định tại Điều 38, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về quyền hạn của Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, đồng thời phối hợp với các cơ quan khác để bảo đảm tính thống nhất trong thực thi pháp luật.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019), Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2018). Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự.
3. Quốc hội (2017). Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 
4. Quốc hội (2021). Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
5. Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
6. Quốc hội (2021). Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).