Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị 

Thiếu tá Lê Minh Thành 
Hệ 1, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp cụ thể để mở rộng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ dân chủ trong toàn xã hội, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Việc triển khai quy chế dân chủ tại Hệ 1, Học viện Chính trị đã có tác động tích cực đến nhận thức và khả năng làm chủ của các quân nhân trong đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về ý thức và khả năng làm chủ của một số ít quân nhân chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ. Do đó, cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp thiết thực để thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ tại Hệ 1, Học viện Chính trị trong thời gian tới.

Từ khóa: Quy chế dân chủ; học viên; Hệ 1; Học viện Chính trị.

1. Đặt vấn đề

Việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực quan trọng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách kinh tế – xã hội nhằm hiện thực hóa quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở các cấp cơ sở. Tuy nhiên, trong một số thời điểm và tại các đơn vị khác nhau, việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục kịp thời; hiện tượng thiếu dân chủ, độc đoán, chuyên quyền vẫn còn xảy ra. Trong tình hình chung đó của cả hệ thống chính trị, các đơn vị thuộc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cũng có những hạn chế nhất định trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hệ 1, Học viện Chính trị, cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị

Một là, về nhận thức và năng lực làm chủ của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị.

Việc thực hiện quy chế dân chủ tại Hệ 1, Học viện Chính trị đã mang lại những tác động tích cực đối với nhận thức và khả năng làm chủ của quân nhân trong đơn vị. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và thực hành dân chủ thực tiễn, nhận thức của quân nhân về dân chủ nói chung, cũng như việc áp dụng dân chủ trong thực tế đã được nâng cao rõ rệt. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã có sự hiểu biết sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nắm vững nhiệm vụ của đơn vị cũng như trách nhiệm cá nhân. Đồng thời, đã nhận thức đúng đắn về vai trò của việc thực hiện quy chế dân chủ trong nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. 

Trong thực tiễn quá trình thực hiện quy chế dân chủ: “Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng và cả cán bộ, học viên, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng đều nhận thức việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là cần thiết, phù hợp với việc xây dựng Quân đội, Học viên, đơn vị trong tình hình mới và đúng với quan điểm của Đảng”1. Thực hiện tốt quy chế dân chủ là động lực bảo đảm cho việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị.

Hai là, về vai trò của các tổ chức chính trị trong thực hiện quy chế dân chủ ở đơn vị.

Các tổ chức Đảng, chỉ huy, Hội đồng Quân nhân ở Hệ 1, Học viện Chính trị là những nơi trực tiếp quản lý, tổ chức mọi hoạt động của học viên, nơi quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ; triển khai nội dung cụ thể và định hướng chiều hướng phát triển của quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị. Nhìn chung, các tổ chức trong Hệ 1, Học viện Chính trị đã có nhận thức sâu sắc về vị trí và vai trò của việc thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị cơ sở trong quân đội đối với công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đồng thời, họ đã đưa ra những chủ trương và biện pháp cụ thể để thể chế hóa và triển khai thực hiện các chỉ thị, quyết định, hướng dẫn của lãnh đạo và các cơ quan cấp trên liên quan đến việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị.

Ba là, về nội dung, phạm vi thực hiện dân chủ ở đơn vị. 

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị giai đoạn 2018 – 2023 đã mở rộng phạm vi, quy mô làm chủ của mọi quân nhân trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Trên lĩnh vực chính trị, các học viên được quyền tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình hành động của các tổ chức theo phạm vi chức trách của mình; được tự do trình bày ý kiến trong sinh hoạt tập thể, đề đạt ý kiến xây dựng đơn vị”2. Dân chủ và bình đẳng trong việc đấu tranh phê bình về sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, về công tác quản lý và điều hành của tổ chức chỉ huy các cấp cũng như về phẩm chất đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên trong đơn vị. Mọi quân nhân đều được bảo đảm quyền lợi chính trị theo quy định của pháp luật, điều lệnh và điều lệ quân đội.

Bốn là, về hình thức làm chủ của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong thực tiễn hoạt động ở đơn vị.

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị đã xuất hiện nhiều hình thức thực hiện dân chủ phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân nhân và tập thể quân nhân thực hiện quyền làm chủ của mình trên thực tiễn. Dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng. Chủ trương công khai hóa các hoạt động có thể công khai của Đảng ủy Hệ 1 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ đến mọi hoạt động của đơn vị. Bầu không khí dân chủ trong các buổi sinh hoạt tập thể và thái độ cởi mở, gần gũi, tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, ban chỉ huy các lớp đã thúc đẩy tính tích cực, tự giác của mọi quân nhân trong việc trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đơn vị cũng như đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trên hoạt động thực tiễn. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể: 

(1) Ý thức và năng lực làm chủ của một số ít quân nhân còn hạn chế, tác động tiêu cực đến hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị. Một số ít quân nhân còn chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của việc thực hiện quy chế dân chủ đối với quá trình xây dựng Hệ vững mạnh nói chung cũng như với quá trình hình thành và phát triển nhân cách người quân nhân nói riêng. Do đó, họ chưa tự giác chấp hành các nội dung, quy định của quy chế dân chủ, chưa phát huy được tiềm năng sáng tạo của bản thân trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Một số quân nhân tuy có nhận thức tương đối tốt nhưng năng lực làm chủ còn hạn chế, chưa biết vận dụng nhiều hình thức và phương pháp làm chủ trên thực tiễn.

(2) Vai trò của các tổ chức chính trị trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ chưa được phát huy đầy đủ. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi chưa thật nghiêm túc, chưa phát huy được vai trò của quần chúng trong việc giám sát thực hiện các quy định, quy chế quản lý cơ sở vật chất, tài chính tại đơn vị. Công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số lớp học viên chưa được tiến hành thường xuyên. 

(3) Vai trò của một số tổ chức hội đồng quân nhân trong việc thực hiện dân chủ chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả hoạt động chưa cao. Hoạt động của một số hội đồng quân nhân còn mang tính hình thức, chưa thực sự là một thiết chế dân chủ cơ bản của các quân nhân ở đơn vị. Nhận thức của một số quân nhân về vai trò của hội đồng quân nhân còn hạn chế, chưa thấy hết ý nghĩa của những hoạt động dân chủ trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

(4) Môi trường dân chủ và kỷ luật tại một số lớp còn nhiều tồn tại và bất cập. Sự kết hợp giữa dân chủ và kỷ luật ở nhiều lúc, nhiều nơi chưa được tổ chức chặt chẽ. Dân chủ còn mang tính hình thức, chung chung. Tư tưởng bình quân chủ nghĩa, lối sống thực dụng còn tồn tại ở không ít quân nhân. Việc tạo dư luận tập thể tích cực về việc thực hiện dân chủ – kỷ luật chưa được chú trọng. Hiện tượng “chạy theo thành tích”, “che dấu khuyết điểm” ở đơn vị vẫn còn diễn ra. Ý thức đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong đơn vị của một số quân nhân còn hạn chế. Việc chấp hành kỷ luật còn mang tính bắt buộc, chưa thành nhu cầu, thói quen hành vi của mọi quân nhân.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị 

Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của các quân nhân trong Hệ 1.

Ý thức và năng lực làm chủ của quân nhân là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục nhằm nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của quân nhân là giải pháp quan trọng hàng đầu để cải thiện hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại Hệ 1, Học viện Chính trị hiện nay. Để đạt được điều này, cần thực hiện hiệu quả đồng bộ các biện pháp thiết thực, tác động toàn diện đến các yếu tố trong quá trình giáo dục tại đơn vị, cụ thể: (1) Cần đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục chính trị – tư tưởng nhằm nâng cao ý thức làm chủ của quân nhân tại Hệ 1; (2) Phát huy tối đa vai trò và tác dụng của hệ thống phương tiện giáo dục chính trị – tư tưởng trong Hệ 1; (3) Tổ chức đa dạng các hình thức thực hành dân chủ trong thực tiễn để giáo dục và rèn luyện năng lực làm chủ cho quân nhân.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, bổ sung các quy chế, quy định trên các mặt hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hệ 1.

Đây là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện quyền làm chủ của quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng trên các lĩnh vực hoạt động. Dân chủ được phát huy, nội bộ đoàn kết, nhiệm vụ được thực hiện thông suốt; khắc phục được tình trạng vi phạm nguyên tắc, buông lỏng lãnh đạo hoặc dựa dẫm, ỷ lại, bao biện, làm thay, đặc biệt là những biểu hiện “cảm tính” trong quyết định các vấn đề “nhạy cảm”, dễ gây mâu thuẫn nội bộ. Vì vậy, Đảng ủy và chỉ huy Hệ 1 cần tiến hành rà soát và bổ sung đầy đủ các quy chế liên quan đến các lĩnh vực công tác trọng tâm theo quy định, bao gồm quy chế lãnh đạo của cấp ủy, quy chế làm việc của người chỉ huy và các quy chế về công tác tài chính, cán bộ, chính sách; thực hiện đầy đủ chế độ thông báo, báo cáo, cung cấp thông tin nội bộ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật… Các quy chế này là những văn bản có tính pháp lý được xây dựng trên cơ sở đóng góp ý kiến dân chủ của đảng viên, cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong từng cơ quan, đơn vị; phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi loại hình đơn vị, bảo đảm vừa dễ thực hiện vừa phát huy cao nhất quyền làm chủ của mọi quân nhân ở cả hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1.

Giải pháp góp phần xây dựng các tổ chức chính trị vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chứctrong việc quản lý, giám sát và điều chỉnh thái độ, hành vi của quân nhân cũng như tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ tại Hệ 1, Học viện Chính trị hiện nay với các biện pháp chủ yếu sau:

(1) Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong thực hiện quy chế dân chủ; (2) Nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ; (3) Phát huy vai trò xung kích của tổ chức đoàn thanh niên trong thực hiện quy chế dân chủ; (4) Phát huy vai trò của hội đồng quân nhân trong việc bảo đảm dân chủ ở Hệ 1.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng môi trường dân chủ  kỷ luật, tạo điều kiện thuận lợi để quân nhân thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở Hệ 1.

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị chịu sự tác động nhiều mặt của các loại hình môi trường, trong đó tác động của môi trường dân chủ – kỷ luật là trực tiếp, mạnh mẽ nhất. Vì vậy, xây dựng môi trường dân chủ – kỷ luật lành mạnh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1 hiện nay.

Để đẩy mạnh xây dựng môi trường dân chủ – kỷ luật ở Hệ 1, cần thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu sau đây: (1) Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, học viên, nhân viên và chiến sĩ về nhiệm vụ xây dựng môi trường dân chủ và kỷ luật trong Hệ 1 của Học viện Chính trị; (2) Thúc đẩy phong trào thực hiện nề nếp chính quy, duy trì kỷ luật quân đội một cách nghiêm túc; (3) Đẩy mạnh hoạt động đấu tranh tự phê bình và phê bình, loại bỏ những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quy chế dân chủ tại Hệ 1; (4) Xây dựng một môi trường tâm lý tập thể vững mạnh cho các quân nhân.

4. Kết luận

Thực hiện quy chế dân chủ là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chính trị, là nhu cầu xuất phát từ nguyện vọng của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Hệ 1, Học viện Chính trị vững mạnh hiện nay. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên, tác giả đã đề xuất những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, có tính khả thi nhằm đẩy mạnh hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở Hệ 1, Học viện Chính trị. Thực hiện tốt những giải pháp cơ bản trên góp phần làm chuyển biến ý thức, rèn luyện năng lực, phát huy vai trò làm chủ của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị Hệ 1, Học viện Chính trị.

Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập (1995). Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 349.
2. V.I.Lênin toàn tập (1980). Tập 33. H. NXB Tiến Bộ, tr. 110.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 434.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 382.
5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 232.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 457.
7. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002). Tập 3. H. NXB Từ điển Bách khoa, tr. 614.
8, 9. Đảng ủy Hệ 1, Học viện Chính trị (2023). Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Hà Nội, tr.1, 3.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (1998). Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
2. Chính phủ (1998). Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.
3. Chính phủ (1998). Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
4. Chính phủ (1999). Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp nhà nước.
5. Quốc hội (2022). Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.