Thượng tá, TS. Nguyễn Thanh Hải
Thiếu tá Trần Hồng Quân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của ngư dân Việt Nam trên biển là vấn đề rất cơ bản, trực tiếp góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản. Để hiện thực hóa nội dung này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, trong đó có thanh niên lực lượng cảnh sát biển (viết tắt là thanh niên Cảnh sát biển). Vì vậy, việc nghiên cứu, làm rõ giải pháp cơ bản để phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển là rất cấp thiết hiện nay.
Từ khóa: Vai trò thanh niên; Cảnh sát biển; khai thác thủy sản; IUU; ngư dân.
1. Đặt vấn đề
Từ năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành hoạt động IUU nhằm ngăn chặn, tiến tới loại bỏ nhập khẩu sản phẩm thủy sản có liên quan đến IUU vào thị trường EU. Bản chất của IUU là quá trình các chủ thể sử dụng tổng thể các biện pháp, cách thức tạo thành sức mạnh để gây trở ngại, cản trở, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt những hoạt động phát hiện, đánh bắt, thu nhận những nguồn lợi thủy sản sẵn có từ biển bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của ngư dân, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành Thủy sản. Từ năm 2017, EC bắt đầu đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Đây là vấn đề chi phối trực tiếp đến quá trình khai thác, xuất khẩu sản phẩm thủy sản, tác động đến đời sống, việc làm của ngư dân trên biển. Vì vậy, hoạt động IUU tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thuỷ sản Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn.
Thanh niên Cảnh sát biển là lực lượng đông đảo, nòng cốt trong hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển và tham gia hoạt động IUU. Vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU thể hiện ở việc huy động và hiện thực hóa phẩm chất, tiềm năng, thế mạnh phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của họ phù hợp với thực tiễn. Với những hoạt động này, thanh niên Cảnh sát biển luôn giữ vai trò nòng cốt, tiên phong, xung kích, sáng tạo, đi đầu để góp phần hiện thực hóa hoạt động IUU có hiệu quả. Hiện nay, việc phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU là đòi hỏi khách quan. Thực chất, đây là quá trình các chủ thể sử dụng tổng hợp cách thức, biện pháp để khơi dậy, huy động hiệu quả hệ thống phẩm chất, năng lực, làm lan tỏa tác dụng, chức năng và phát triển vị thế, ảnh hưởng của họ trong hiện thực hóa IUU của ngư dân Việt Nam trên biển theo chức trách, nhiệm vụ được giao phù hợp với thực tiễn.
2. Khái quát vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển
Thực tiễn trong thời gian qua triển khai thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, thanh niên Cảnh sát biển phát huy vai trò xung kích, tích cực tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật trên biển, tham gia hoạt động IUU tại khu vực biển Tây Nam và tham gia gần 3.000 lượt chuyến tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; tổ chức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biển cho trên 32.000 lượt ngư dân với trên 2.550 lượt chiếc tàu để ngư dân khai thác thủy sản trên biển không vi phạm pháp luật; in ấn, cấp phát 580.000 tờ rơi các loại tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Thường xuyên tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân và ngư dân về quy định IUU với nhiều hình thức, như: tổ chức thăm hỏi, tọa đàm, chia sẻ thông tin, viết bài đăng báo, cấp phát tờ rơi, tổ chức đối thoại trực tiếp để nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành pháp luật khi khai thác thủy sản trên biển. Đặc biệt, đã tham gia điều tra, giải quyết và xử lý 26 vụ trên 33 phương tiện vi phạm pháp luật, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản nộp ngân sách nhà nước ước tình trên 11 tỷ đồng; đấu tranh 734 chuyên án, vụ án vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, bắt 1.321 đối tượng, thu giữ 115 kg ma túy tổng hợp dạng đá; trên 45 bánh heroin; trên 3.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật có giá trị khác1.
Xác định nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển, những năm qua thanh niên Cảnh sát biển đã xung kích, dũng cảm vượt qua bão giông để cứu kéo, cứu vớt, được 124 phương tiện cùng 831 thuyền viên gặp nạn trên biển; tiếp nhận gần 1.000 ngư dân Việt Nam từ nước ngoài đưa về quê hương bàn giao cho chính quyền địa phương an toàn. Kịp thời tham gia cứu hỏa được 5 lượt; ứng cứu khắc phụ hậu quả thiên tai, lũ lụt được 8 trường học, 22 căn nhà, 3 trạm y tế, di dời 200 lượt người tránh trú2. Hoạt động này đã để lại sự cảm phục, yêu mến của bà con ngư dân và chính quyền địa phương.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng trên địa bàn quản lý; điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện. Đặc biệt là những đoàn công tác kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương trong tuần tra, kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU; đề nghị các lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thông qua quá trình phát huy này làm cho tính xung kích, sáng tạo, tiềm năng, thế mạnh của thanh niên Cảnh sát biển không ngừng được phát hiện, khơi dậy và lan tỏa tác dụng vào quá trình tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ bảo về chủ quyền biển đảo, thực thi pháp luật trên biển, củng cố mối đoàn kết quân dân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội vững mạnh;góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ thể phát huy vai trò thanh niên Cảnh sát biển biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam là hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức, lực lượng liên quan; trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; cơ quan chức năng, các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương liên quan; cụ thể là tổ chức đoàn thanh niên và bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên Cảnh sát biển. Đây là những chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các khâu, các bước để phát huy có hiệu quả vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia thực hiện IUU của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay, góp phần “nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển”3.
3. Một số hạn chế, bất cập hiện nay
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của một số thanh niên Cảnh sát biển trong tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm cho các bộ phận trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển chưa toàn diện, sâu sắc. Báo cáo kết quả công tác thanh niên năm 2022 của Cục Chính trị Cánh sát biển Việt Nam đã đánh giá: “Trình độ, năng lực của một số cán bộ đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”4. Nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU có mặt chưa thật chuyên sâu. Năng lực, trình độ của một số thanh niên Cảnh sát biển làm báo cáo viên, tuyên truyền viên về biển, đảo còn hạn chế; hiệu quả tuyên truyền miệng tính thuyết phục chưa cao, thiếu sự cuốn hút đối với người nghe.
Một số thanh niên Cảnh sát biển chưa thể hiện rõ vai trò trong phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan, như: Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Kiểm ngư để tham gia hoạt động IUUcủa ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay. Nội dung quy chế phối hợp giữa các lực lượng có mặt chưa thật phù hợp với sự phát triển thực tiễn. Tính chủ động, sự sáng tạo của một số thanh niên Cảnh sát biển trong phối hợp quan sát mục tiêu, trao đổi thông tin có thời điểm chưa kịp thời, dẫn đến để lọt mục tiêu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. “Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chưa sâu sát, chưa kịp thời truy vết, xác minh ngay”5. Quá trình thực hiện phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển còn chồng chéo, lúng túng, bị động trong xử lý một số tình huống, nhất là tình huống tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài truy đuổi, bắt giữ, hoặc tàu cá có biểu hiện chống đối lực lượng chức năng, dẫn đến, “Công tác phối hợp giữa các tàu trên thực địa nhất là giữa tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư còn chưa tốt trong công tác quản lý tàu cá hoạt động tại khu vực, vẫn để tàu cá hoạt động trên đường phân định lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu cơ động sang vùng biển nước ngoài”6. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số thanh niên Cảnh sát biển chưa thật chủ động, tự giác trong nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương thức tham gia hoạt động IUU và tham gia giải quyết những trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU của ngư dân Việt Nam trên biển của một số thanh niên Cảnh sát biển có lúc chưa thật kịp thời, chưa thật linh hoạt, sáng tạo. Một số hình thức tổ chức hoạt động đồng hành với ngư dân, hoạt động tuyên truyền còn biểu hiện rập khuôn, máy móc, chưa sát với trình độ nhận thức của ngư dân.
4. Một số giải pháp
Một là, tạo sự thống nhất cao về nhận thức cho các chủ thể đối với quá trình phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay. Theo đó, cần: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển”7. Nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển và vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay.
Đồng thời, cần đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các chủ thể phát huy theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Trongđó, chú trọng nâng cao nhận thức cho các chủ thể thông qua giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, thông qua sinh hoạt, học tập của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, nhất là đoàn thanh niên; thông qua tham gia chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; thông qua các phong trào hành động cách mạng của Đoàn Thanh niên, hội thi, tọa đàm, diễn đàn, mạn đàm, trao đổi, các hoạt động ở đơn vị hướng vào nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển…
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của các chủ thể đối với quá trình phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển. Hệ thống tổ chức đảng cần thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quán triệt quan điểm của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên về IUU của ngư dân Việt Nam trên biển và phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong hoạt động này. Trong đó, xác định nội dung, phương thức trực tiếp tham gia hoạt động IUU để góp phần: “Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”8.
Đề cao vai trò, trách nhiệm trong hướng dẫn của cơ quan chức năng đối với quá trình phát huy vai trò của thanh niên Cảnh sát biển; đồng thời thường xuyên giúp đỡ lực lượng thanh niên trong tham gia hiện thực hóa các khâu, các bước để huy động hiệu quả tiềm năng, sức sáng tạo, tích cực tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đối với quá trình xây dựng kế hoạch triển khai hành động kịp thời, có chất lượng việc khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của thanh niên Cảnh sát biển. Kế hoạch phải bám sát với đặc điểm nhiệm vụ của từng bộ phận, từng lĩnh vực chuyên môn, năng lực, chuyên môn, chức trách, nhiệm vụ gắn với kỹ năng, phương pháp sử dụng phương tiện, vũ khí trang bị, nghiệp vụ pháp luật để xác định nội dung thực hiện cho phù hợp cho thanh niên Cảnh sát biển. Chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kinh nghiệm cho thanh niên Cảnh sát biển tham gia tuyên truyền, vận động, phối hợp, hiệp đồng, nghiên cứu, xác định nội dung, phương thức trực tiếp tham gia giải quyết những trường hợp khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của ngư dân Việt Nam trên biển.
Ba là, đề cao trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên nhằm phát huy có hiệu quả vai trò của thanh niên Cảnh sát biển. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần bồi dưỡng cho thanh niên Cảnh sát biển luôn kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, sự nghiệp cách mạng của dân tộc; hiểu biết sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ được giao, nội dung liên quan đến phát triển kinh tế biển, khai thác thủy sản trên biển. Định hướng, bồi dưỡng cho thanh niên Cảnh sát biển có quyết tâm phấn đấu vươn lên; hình thành ở họ tinh thần đoàn kết đồng chí, đồng đội cao, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển.
Coi trọng việc truyền thụ cho thanh niên Cảnh sát biển những kiến thức, kỹ năng trong tham gia tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm, trong phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan; trong nghiên cứu, xác định nội dung, phương thức trực tiếp tham gia giải quyết những trường hợp vi phạm. Đề cao vai trò của tổ chức đoàn trong vận động thanh niên Cảnh sát biển ra sức rèn luyện, thực sự năng động, sáng tạo, quyết tâm hành động theo tinh thần “7 dám” trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển.
Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của tổ chức đoàn, nòng cốt là đoàn cơ sở các Hải đoàn, Hải đội, khối Nghiệp vụ pháp luật trong xác định nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng chương trình hành động và chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, sáng tạo trong tham mưu đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đoàn và phong trào thanh niên trong tham gia hoạt động IUU. Mặt khác, tổ chức đoàn cần quan tâm, chăm lo đáp ứng nhu cầu, chính sách, lợi ích chính đáng của thanh Cảnh sát biển phù hợp với thực tiễn và khả năng thực tế.
Bốn là, xây dựng môi trường thuận lợi để phát huy có hiệu quả vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU)của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay. Tổ chức tốt các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, các phong trào thi đua, hoạt động diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, kết nghĩa, dân vận,… Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển”; thực hiện tốt công tác bảo trợ công dân đánh cá bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Thường xuyên nắm chắc địa bàn, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ngư dân khi khai thác thủy sản trên biển. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với các đường dây lừa đảo lao động làm việc trên các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong chỉ huy, chuyên môn, nghiệp vụ pháp luật, ngoại ngữ để thanh niên Cảnh sát biển có bản lĩnh vững vàng, xử lý các tình huống theo đúng đường lối chủ trương của đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển. Bảo đảm đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, tài liệu, các phương tiện nghiệp vụ đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên Cảnh sát biển tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển hiệu quả.
Coi trọng hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các chủ thể để phát huy tốt vai trò của Cảnh sát biển, tập trung rà soát, bổ sung, củng cố các văn bản, đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế đặc thù của nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện đúng các chính sách đối với thanh niên Cảnh sát biển. Cần nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách bồi dưỡng, rèn luyện, nhận xét, đánh giá, phát hiện, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, quy hoạch, tạo nguồn đối với những thanh niên Cảnh sát biển có khả năng phát triển tốt để tiếp tục được đào tạo chức vụ, đào tạo trình độ học vấn, nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của thanh niên Cảnh sát biển. Mỗi thanh niên Cảnh sát biển cần đề cao tính tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu, nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển hiện nay. Hình thành ở thanh niên Cảnh sát biển ý thức sâu sắc rằng tham gia IUU, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tích cực đồng hành cùng với ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, cần chủ động, tích cực nghiên cứu ứng dụng, vận hành trang bị, phương tiện để tiến hành cơ động, tuần tra, kiểm tra kiểm soát; nâng cao khả năng khai thác công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ khác một cách đúng đắn, kịp thời trinh sát, phát hiện các trường hợp tàu cá, ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển để tiến hành tuyên truyền, vận động và xử lý khi có vi phạm.
Xuất phát từ đặc thù môi trường hoạt động trên biển rất khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như diễn biến của tình hình khí tượng thủy văn, sóng gió nguy hiểm; đối mặt với các loại tội phạm trên biển; tình huống không hợp tác, các hành vi mua chuộc, nhất là hành vi chống lại lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cần đặt ra những tình huống phải xử lý với lực lượng chấp pháp nước ngoài, bảo đảm khôn khéo, mềm dẻo, đúng đối sách.
Sáu là, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển. Kịp thời khen thưởng, biểu dương, có chế độ đãi ngộ kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện quá trình tham gia hoạt động IUU. Chủ động phát hiện, giải quyết tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, khó khăn, phức tạp, những vấn đề thực tiễn nảy sinh; nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy có hiệu quả vai trò của thanh niên Cảnh sát biển trong tham gia hoạt động IUU của ngư dân Việt Nam trên biển đạt hiệu quả cao.
Chú thích:
1, 2. Tuổi trẻ Cảnh sát biển với nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/tuoi-tre-canh-sat-bien-voi-nhieu-hoat-dong-tuyen-truyen-phap-luat-cho-ngu-dan-i663385/
3, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 258, 125, 126.
4. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (2022). Báo cáo Kết quả công tác thanh niên năm 2022, Hà Nội, tr. 7.
5. Ban chỉ đạo Bộ Quốc Phòng về chống khai thác IUU (2023). Thông báo số 1110/TB-CQTT về “Kết luận của đồng chí Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng tham mưu trưởng – Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU tại cuộc họp với các lực lượng tại tỉnh Kiên Giang”.
6. Ban Thường vụ Đảng uỷ Vùng Cảnh sát biển 3 (2024). Nghị quyết chuyên đề số 1150 -NQ/ĐU ngày 14/7/2024 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh cáo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trọng tâm đến hết tháng 4 năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hồng Thao (2019). Luật Cảnh sát biển năm 2018 – bước phát triển mới của Lực lượng chấp pháp biển Việt Nam. Nghiên cứu lập pháp, số 2+3 (378-378) (2019): 56-80.
2. Nguyễn Hồng Thao (2018). Luật Thủy sản năm 2017 và việc đấu tranh phòng chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Nghiên cứu lập pháp, số 3+4 (355+356) (2/2018), tr. 56 – 63.
3. Ban Bí thư yêu cầu quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024. https://vietnamnet.vn/ban-bi-thu-yeu-cau-quyet-tam-go-canh-bao-the-vang-trong-nam-2024-2269552.html,
4. Việt Nam đang rất nỗ lực chống khai thác. https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-dang-rat-no-luc-chong-khai-thac-iuu-20201013095828941.htm,