Một số góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo

PGS.TS. Hồ Xuân Thắng
TS. Trần Thị Thu Hà
ThS. Lê Doãn Lâm 
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xác định giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục – yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm điều chỉnh tốt hơn hoạt động của nhà giáo với trọng tâm nghề dạy học làm thước đo phẩm chất nghề nghiệp cao quý trong xã hội hiện đại.

Từ khóa: Luật Nhà giáo; Luật Giáo dục; nhà giáo, cơ sở đào tạo.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện đại, giáo dục đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Nhận thức được vai trò của đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo, việc xây dựng Luật Nhà giáo trở thành một yêu cầu cấp thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở Dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 01/10/2024) gồm 9 chương và 45 điều (giảm 26 điều so với dự thảo trình Quốc hội ngày 06/9/2024), bài viết đóng góp ý kiến vào một số nội dung sau:

2. Một số ý kiến bổ sung dự thảo Luật Nhà giáo 

2.1. Giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật Nhà giáo 

Khái niệm về “tuyển dụng nhà giáo”. Tuyển dụng nhà giáo là việc lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực, sức khỏe làm nhà giáo. Nội dung này tại khoản 10 Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáolà một quy phạm pháp luật định nghĩa để hiểu rõ nội hàm công việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Công tác tuyển dụng là một trong những công tác rất quan trọng quyết định đến kế hoạch đào tạo của cơ sở giáo dục. Cụm từ “tuyển dụng” mang đúng bản chất của nó là một động từ, còn “nhà giáo” là một cụm từ mang rõ tính từ bổ trợ cho câu định nghĩa. Tuy nhiên, trong quy phạm này chưa chỉ rõ chủ thể nào tuyển dụng nhà giáo, chưa khẳng định được tính thống nhất áp dụng chung một văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động tuyển dụng nhà giáo, trong đó chưa nêu rõ chủ thể tuyển dụng là cơ sở đào tạo công lập hay cơ sở đào tạo ngoài công lập. 

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục: khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật Nhà giáo khẳng định đối tượng điều chỉnh của Luật này là “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục”. Trong giải thích từ ngữ, tại khoản 1 Điều 5 đưa ra khái niệm “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” như sau: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục là cơ quan được quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục. 

Với cách hiểu như vậy là chưa hợp lý. Bởi vì, tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáo là một quy phạm pháp luật định nghĩa để hiểu rõ hơn về khái niệm “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục”. Trong khi đó, nội dung tại Điều 105 Luật Giáo dục lại là một quy phạm pháp luật bắt buộc đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chứ không phải là một quy phạm pháp luật định nghĩa. Nội dung tại Điều 105 Luật Giáo dục quy định: 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục. Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm, báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước; 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên; 3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; 4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục; 5. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ…

2.2. Các nội dung quy định của dự thảo Luật Nhà giáo.

(1) Đánh giá nhà giáo: khoản 1 Điều 39 dự thảo Luật Nhà giáo nêu 5 nhóm nguyên tắc đánh giá nhà giáo, như sau: a) Bảo đảm tính khách quan, toàn diện, dân chủ, công bằng, công khai; kịp thời khuyến khích, động viên nhà giáo thăng tiến, phát triển trong hoạt động nghề nghiệp; b) Thực hiện theo chuẩn nhà giáo và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo, quá trình nhà giáo rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực nghề nghiệp gắn với các tiêu chí nghề nghiệp theo chuẩn nhà giáo; c) Việc đánh giá nhà giáo là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục, quá trình cán bộ quản lý cơ sở giáo dục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực gắn với các tiêu chí theo chuẩn nhà giáo hoặc chuẩn chủ tịch hội đồng trường hoặc chuẩn hiệu trưởng; d) Việc đánh giá nhà giáo được thực hiện định kỳ hằng năm theo năm học hoặc theo từng thời điểm phục vụ công tác quản lý nhà giáo; đ) Nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo.

Nguyên tắc ở điểm đ khoản 1 Điều 39 “Nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo” là một quy phạm pháp luật cấm đoán rất cần thiết để làm gia tăng giá trị điều chỉnh của pháp luật đối với hoạt động của nhà giáo. Tuy nhiên, nguyên tắc này rất khó áp dụng thống nhất chung trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, việc ngăn chặn hành vi bị cấm “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật Nhà giáo sẽ không khả thi. Bởi vì, tại Điều 5 của dự thảo giải thích từ ngữ cũng không có định nghĩa để hiểu chung thống nhất như thế nào là “sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo. Mặt khác, tại Điều 39 cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này, tức là chỉ có 2 khoản nguyên tắc và căn cứ đánh giá, không có khoản 3: Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc đánh giá và căn cứ đánh giá nhà giáo.

(2) Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo: Tại khoản 7 Điều 7 của dự thảo quy định về chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo: có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người có đủ điều kiện làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên.

Nhìn nhận dưới góc độ khoa học pháp lý thì quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, gây nhiều cản trở trong quá trình áp dụng chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tức là trong quy định này có sử dụng cụm từ “và người có đủ điều kiện làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên” rất mâu thuẫn trong một quy phạm pháp luật cho phép như khoản 7 Điều 7. Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là cho phép, khuyến khích, tạo điều kiện nhóm nhà giáo nước ngoài, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Cho nên việc sử dụng liên từ “và” là không khoa học, làm cho quy định này chồng chéo và tối nghĩa trong cách hiểu về nội dung quy định cho phép. Bởi vì “và người có đủ điều kiện”thuộc về người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người như thế nào? Chính sách này là chính sách đối với nhà giáo chứ không thể áp dụng cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mới chỉ đủ điều kiện và chưa được công nhận là nhà giáo làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên tại Việt Nam. 

(3) Quy định về quyền của nhà giáo: tại điểm d khoản 1 Điều 11 dự thảo này quy định về quyền của nhà giáo như sau: “Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một quy phạm cho phép, được hiểu là nhà giáo được trao quyền nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học; đồng thời, được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Vậy người thành lập và quản lý doanh nghiệp có phải là người không trực tiếp tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp hay không? Hiện nay, chưa có khái niệm nào định nghĩa rõ ràng để hiểu việc tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp không phải là việc thành lập và quản lý doanh nghiệp. Như vậy, cần phải quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 về nhà giáo được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ cho phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. 

(4) Chấm dứt hợp đồng dạy học: tại khoản 4 Điều 29 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng dạy học bao gồm: a) Hợp đồng dạy học hết thời hạn; b) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dạy học; c) Nhà giáo bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật; d) Người nước ngoài dạy học tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực; đ) Nhà giáo chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; e) Nhà giáo bị xử lý kỷ luật sa thải hoặc buộc thôi việc; g) Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học quy định tại Điều 29 Luật này; h) Người không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự; i) Các trường hợp thỏa thuận khác.

Thực tiễn áp dụng việc chấm dứt hợp đồng gặp nhiều trường hợp chấm dứt hợp đồng vì hợp đồng đó bị vô hiệu, trong đó có hợp đồng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong dự thảo Luật Nhà giáocó quy định hợp đồng dạy học, tuy nhiên các trường hợp chấm dứt hợp đồng lại không quan tâm đến trường hợp hợp đồng bị vô hiệu theo luật định, tức là hợp đồng dân sự vô hiệu được áp dụng theo Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Cụ thể là: 

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 – 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính. 

Câu hỏi đặt ra là hợp đồng dạy học điều chỉnh trong Luật Nhà giáo có thể bị vô hiệu. Vậy việc vô hiệu này có thể nằm vào trường hợp để chấp dứt hợp đồng dạy học hay không? Thực tế các loại hợp đồng trong kinh doanh thương mại thể hiện rất rõ tiêu chí này để xác định hợp đồng bị vô hiệu. Theo quy định tại Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 và Thông tư số 36/2020/TT-BGDĐT ngày 05/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian làm việc và nghỉ hằng năm của giảng viên như sau: giảng viên đại học: Thời gian làm việc trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Tuy nhiên, một số trường đại học tư thục họ không áp dụng quy định thông tư này cho nên khi ký kết hợp đồng dạy học họ đưa ra một chuẩn khác trái với Thông tư này. Họ giải thích với các nhà giáo rằng, Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập chứ không áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Vậy câu hỏi đặt ra là đây có thuộc tiêu chí một trong những tình tiết xem là vi phạm pháp luật để hợp đồng dạy học bị vô hiệu hay không?

Trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo, tài liệu kèm theo tờ trình Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo của Chính phủ tháng 9/2024 có nội dung sau: Hiện tại nhà giáo đang được thực hiện 2 chế độ hợp đồng: hợp đồng làm việc theo quy định của Luật Viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động

Về hợp đồng làm việc: ký kết sau khi trúng tuyển viên chức; ký giữa viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (nếu viên chức là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập); hợp đồng làm việc gồm có: hợp đồng làm việc xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 60 tháng) và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Về hợp đồng lao động: đơn vị công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, đơn vị công lập tự chủ được ký kết hợp đồng lao động theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị; đơn vị công lập tự chủ một phần được ký kết hợp đồng lao động để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực còn thiếu so với định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do bộ ngành, lĩnh vực ban hành; đơn vị công lập chưa tự chủ: ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng với số lượng chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đơn vị ngoài công lập thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo nhu cầu và theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, cần làm rõ hợp đồng dạy học trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập trái luật bị vô hiệu là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng dạy học.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo 

Một là, cần thống nhất chung trong cách hiểu khái niệm “Tuyển dụng nhà giáo” tại khoản 10 Điều 5, vì vậy, có thể khái niệm: “Tuyển dụng nhà giáo là cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực, sức khỏe làm nhà giáo”.

Hai là, cần phải xác định lại khái niệm “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” tại khoản 1 Điều 5 một cách khoa học và chính xác theo hướng: “Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục là các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giáo dục ở trung ương và địa phương, bao gồm các cơ quan: Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân các cấp.

Ba là, để thống nhất chung trong quy định của pháp luật cũng như ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức đánh giá nhà giáo làm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, cần phải làm rõ khái niệm “sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo” theo hướng sau:

Phương án 1: Bổ sung làm rõ nội hàm khái niệm “Nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo” vào Điều 5 của dự thảo Luật Nhà giáo để làm cơ sở thống nhất chung trong cách hiểu quy định pháp luật.

Phương án 2: Bổ sung thêm khoản 3 Điều 39 “Giao chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này”. Tức là Chính phủ có nghĩa vụ phải giải thích làm rõ nội hàm khái niệm liên quan đến việc nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo.

Phương án 3: Để làm cơ sở đánh giá tốt nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học có hiệu quả không vi phạm điều cấm cũng như không bị ảnh hưởng đến việc đánh giá nhà giáo, trong dự thảo cần quy định rõ việc xây dựng danh mục vị trí việc làm để áp dụng chung trong các cơ sở giáo dục. 

Bốn là, để hoàn thiện hơn quy định về chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo cần bãi bỏ cụm từ “và người có đủ điều kiện làm” để quy định này hoàn thiện hơn, dễ điều chỉnh hơn trong thực tiễn. Cụ thể: “Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo, nhà khoa học nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm nhà giáo, thỉnh giảng hoặc làm báo cáo viên.

Năm là, đối với những bất cập trong quy định về quyền của nhà giáo tại điểm d khoản 1 Điều 11 dự thảo này, cần được chỉnh sửa lại theo hướng: “Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, trừ trường hợp bị hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Sáu là, để khoa học hơn và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo cũng như cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập có hiệu quả cũng như bảo đảm tính thống nhất chung trong việc thực hiện pháp luật khi dự thảo này được Quốc hội thông qua. Ban soạn thảo cần bổ sung vào khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật Nhà giáo trường hợp “hợp đồng dạy học bị vô hiệu” là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng dạy học. 

4. Kết luận

Việc nghiên cứu sâu các quy định trong dự thảo lần thứ 5 Luật Nhà giáo để gia tăng tính hợp lý, hợp pháp của văn bản pháp quy là hết sức cần thiết. Hy vọng sự đóng góp tâm huyết của các cơ quan, tổ chức cá nhân cho việc lấy ý kiến góp ý sửa đổi lần này sẽ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời, khắc phục được các vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn triển khai công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024). Dự thảo Luật Nhà giáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
4. Quốc hội (2018). Luật Giáo dục đại học năm 2018.
5. Quốc hội (2019). Luật Giáo dục năm 2019.