Trung úy Bùi Văn Cẩm Kim
Sư đoàn 395, Quân khu 3
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 là tổng thể các hoạt động có mục đích, có tổ chức do các chủ thể giáo dục pháp luật tiến hành theo một chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức nhất định nhằm bồi dưỡng toàn diện kiến thức pháp luật, hình thành ý thức, hành động và tình cảm pháp luật đúng đắn, thói quen tuân thủ pháp luật, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội trong Sư đoàn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Nội dung bài viết đánh giá khái quát thực trạng chất lượng giáo dục pháp luật, trên cơ sở đó, đề xuất những yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục pháp luật; đại đội; nâng cao chất lượng; sư đoàn 395, Quân khu 3.
1. Đặt vấn đề
Sư đoàn 395 là đơn vị chủ lực của Quân khu 3, được giao nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng Đông Bắc Tổ quốc; đồng thời, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và Quân khu. Với tính chất đặc thù là Sư đoàn chủ lực thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi rất cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý chí quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, tăng cường giáo dục pháp luật là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 nhằm nâng cao chất lượng quản lý kỷ luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu” trong tình hình mới.
2. Thực trạng chất lượng giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3
a. Những kết quả đạt được
Một là, Đảng ủy Sư đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp, Phòng Chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị và các lực lượng tham gia giáo dục pháp luật ở các đại đội trong Sư đoàn đã thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo và hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục pháp luật. Nắm chắc đặc điểm tình hình nhiệm vụ của đơn vị, đặc điểm của cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội để xác định nội dung, biện pháp, cách thức tổ chức tiến hành giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ đạt chất lượng tốt. Cụ thể, đã: “Lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 103/CT – BQP ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong quân đội. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý quân số, duy trì kỷ luật; đột phá thực hiện có hiệu quả chủ trương “5 không” của Đảng ủy Sư đoàn; chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện thoại di động của cán bộ trong huấn luyện, tình hình chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ có chuyển biến tích cực (tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm 0,05%so với nhiệm kỳ 2010 – 2015”1.
Hai là, Sư đoàn đã xây dựng được lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, Sư đoàn có 5 đội tuyên truyền, phổ biến pháp luật (3 đội ở 3 trung đoàn bộ binh; 1 đội ở khối cơ quan Sư đoàn; 1 đội ở các tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn) với 170 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật kiêm nhiệm, đa số có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ2. Cùng với đó: “Thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp uỷ các cấp, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; tiến hành chặt chẽ việc rà soát, sàng lọc đảng viên; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên”3.
Ba là, nội dung giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội trong Sư đoàn được vận dụng linh hoạt, bảo đảm thiết thực, phù hợp với đối tượng, tình hình, nhiệm vụ, từng thời điểm ở đơn vị. Cụ thể, đối với chiến sĩ mới, chiến sĩ năm thứ nhất, nội dung giáo dục tập trung: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Điều lệnh Quân đội, các quy định của Quân khu, Sư đoàn về xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đối với chiến sĩ năm thứ hai, nội dung giáo dục tập trung gồm: Luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh Dự bị động viên; 12 điều kỷ luật khi quan hệ với Nhân dân…. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có 70,5% cán bộ, chiến sĩ được hỏi cho rằng nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với nhu cầu của đối tượng4.
Bốn là, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật luôn được chú trọng và đổi mới. Thông qua các hình thức, như: thông báo chính trị, thời sự; ngày chính trị văn hóa tinh thần đã lồng ghép nội dung giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của quân nhân ở các đại đội; thực hiện “Ngày pháp luật” gắn với tổ chức thi tìm hiểu, mạn đàm, trao đổi, xây dựng các tiểu phẩm, diễn đàn thanh niên; hệ thống khẩu hiệu, pa nô tuyên truyền về pháp luật được quan tâm đầu tư xây dựng, hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật được duy trì và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay ở 3 Trung đoàn bộ binh và các Tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn đang duy trì nền nếp chuyên mục “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” trên hệ thống truyền thanh nội bộ. Qua điều tra xã hội học cho thấy, có 75,8% cán bộ, chiến sĩ được hỏi đều nhất trí tính hiệu quả trong giáo dục pháp luật của chuyên mục “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” trên hệ thống truyền thanh của đơn vị5.
Năm là, kết quả giáo dục pháp luật đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cụ thể:
(1) Kết quả kiểm tra học tập các chuyên đề pháp luật ở các đại đội năm 2020: 100% đạt yêu cầu, trong đó có 77,13% đạt khá, giỏi; năm 2023: 100% đạt yêu cầu, trong đó 84,69% đạt khá và giỏi6. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ nhận thức được những vấn đề cơ bản về pháp luật và kỷ luật Quân đội, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Giao thông đường bộ, các bộ luật và văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị.
(2) “Tình hình chấp hành kỷ luật có sự chuyển biến tiến bộ hơn nhiệm kỳ trước, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nhiều đơn vị không có vi phạm; tỉ lệ vi phạm kỷ luật thông thường năm sau giảm hơn năm trước (giảm 0,05% so với nhiệm kỳ trước)”7.
(3) Trình độ hiểu biết pháp luật của chiến sĩ tốt hơn so với trước khi nhập ngũ. Kết quả trưng cầu ý kiến cho thấy, có 70,6% cán bộ, chiến sĩ được hỏi đánh giá trình độ hiểu biết pháp luật của chiến sĩ tốt hơn so với trước khi nhập ngũ; 60,3% ý kiến trả lời giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng trong nâng cao kiến thức, củng cố tình cảm, xây dựng niềm tin và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi quân nhân8.
b. Những hạn chế, bất cập
Mặc dù chất lượng giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 đã được nhiều kết quả tích cưc nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp không ít những hạn chế, tồn tại. Cụ thể:
(1) “Một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị”9. Những chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác giáo dục pháp luật ở một số cấp ủy còn chung chung, thiếu tính thực tiễn. Kết quả trưng cầu ý kiến cho thấy, còn 24,5% cán bộ, chiến sĩ được hỏi cho rằng hoạt động giáo dục pháp luật ở đơn vị chưa được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên10.
(2) Một số nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, tính tuyên truyền giáo dục chưa cao; việc xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật chưa thực sự bám sát tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị; việc lồng ghép nội dung giáo dục, rèn luyện ý thức pháp luật với các nội dung huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy chưa thật sự nhịp nhàng, đồng bộ; việc duy trì pháp luật, kỷ luật với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ chưa chặt chẽ. Các hình thức giáo dục trực quan, dễ tiếp thu, như: tổ chức diễn đàn, tọa đàm, xem video các phiên tòa xét xử, tuyên truyền trên mạng truyền thanh nội bộ… chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý – pháp lý quân nhân chưa sâu, chưa sát thực tiễn đơn vị. Do đó, chưa giải đáp kịp thời những vướng mắc về các vấn đề tâm lý, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong đại đội. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, còn 19,2,0% cán bộ, chiến sĩ được hỏi cho rằng nội dung giáo dục pháp luật chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của đối tượng11.
(3) Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa tự giác trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, cá biệt còn có biểu hiện giản đơn, tùy tiện trong chấp hành kỷ luật. Hiện tượng vi phạm pháp luật và kỷ luật vẫn xảy ra, cá biệt có hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật phải xử lý hình sự, tước danh hiệu quân nhân12.
3. Một số yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 hiện nay
Thứ nhất, phải bảo đảm đúng đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động công tác giáo dục pháp luật ở các đại đội phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự chỉ đạo trực tiếp của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và hướng dẫn của cơ quan, hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Sư đoàn nhằm bảo đảm cho quá trình hoạt động giáo dục pháp luật ở đơn vị hoạt động đúng hướng đạt chất lượng, hiệu quả. Cần tập trung nghiên cứu quán triệt những chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012; Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy định phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sư đoàn lần thứ XII; các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng ở đơn vị về giáo dục pháp luật…
Thứ hai, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn trong thời kỳ mới.
Hiện nay, nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị phải lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn làm mục tiêu, phương hướng, nội dung hoạt động. Phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị để đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ, hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật trong thực tiễn là thước đo cao nhất của hoạt động giáo dục pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội. Không gắn vào thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị thì công tác giáo dục pháp luật sẽ không có hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Vì vậy, nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ ở các đại đội trong Sư đoàn 395 phải hướng tới bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, các lực lượng làm công tác giáo dục pháp luật cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin, xây dựng thái độ, ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thứ ba, phải được tiến hành thường xuyên liên tục; nội dung, hình thức, biện pháp phải đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn đơn vị.
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật ở các đại đội là một quá trình hoạt động tự giác, có mục đích của các chủ thể, đòi hỏi rất cao tính thường xuyên, liên tục. Công tác giáo dục pháp luậtkhông phải là hoạt động mang tính chất “tình huống” theo kiểu mùa vụ, khi nào có vấn đề thì mới nâng cao, cũng không phải khi đơn vị có quân nhân vi phạm kỷ luật mới tìm biện pháp chấn chỉnh. Việc nâng cao là một quá trình thực sự tự giác, phải bảo đảm tính thường xuyên, liên tục. Đồng thời, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật đòi hỏi các lực lượng, chủ thể tiến hành giáo dục phải đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp, phải phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn của đơn vị.
Các nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục pháp luật phải hướng vào phát triển phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội. Quá trình tổ chức cần chú trọng làm tốt định hướng chính trị, tư tưởng, củng cố niềm tin, xây dựng thái độ, ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp phải căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị trong từng giai đoạn. Kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức với duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật xây dựng môi tường văn hóa pháp luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Phải thông qua các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia lao động sản xuất, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật, hành quân làm công tác vận động quần chúng để giáo dục. Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống.
4. Kết luận
Để công tác giáo dục pháp luật ở các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3 hiện nay đạt chất lượng và hiệu quả thiết thực, cần tiếp tục nghiên cứu, hiểu rõ sự phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng, Quân đội, nhiệm vụ của các đại đội thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Đồng thời, cần nghiêm túc quán triệt các yêu cầu nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nêu trên, bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên, quân chúng ở các đại đội thuộc Sư đoàn luôn chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Chú thích:
1, 3, 7, 12. Đảng ủy Sư đoàn 395, Quân khu 3 (2020). Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ Sư đoàn nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quảng Ninh, tr. 5, 7, 5, 8.
2, 6. Tác giả tổng hợp số liệu thống kê của Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Sư đoàn 395, Quân khu 3, cung cấp tháng 7/2024.
4, 5, 8, 10, 11. Tác giả điều tra xã hội học đối với cán bộ, chiến sĩ ở Sư đoàn 395, Quân khu 3. Tháng 7/2024.
9. Sư đoàn 395, Quân khu 3 (2023). Báo cáo kết quả công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023. Quảng Ninh, tr. 5.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2016). Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 quy định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2019). Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (2023). Chỉ thị số 11/CT-TM ngày 12/3/2023 về việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong toàn quân.
4. Bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch của đội ngũ sĩ quan cấp phân đội ở Sư đoàn 395, Quân khu 3. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/30/boi-duong-nang-luc-dau-tranh-phan-bac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-cua-doi-ngu-si-quan-cap-phan-doi-o-su-doan-395-quan-khu-3/.
5. Đổi mới, sáng tạo phương thức tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời đại kỹ thuật số. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/09/29/doi-moi-sang-tao-phuong-thuc-to-chuc-pho-bien-giao-duc-phap-luat-trong-thoi-dai-ky-thuat-so/