Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến cho học viên các nhà trường quân đội 

Trung tá Phùng Tiến Dũng 
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến cho học viên các trường quân đội là rất cần thiết nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội và đất nước trước thách thức của kinh tế thị trường và xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân. Bài viết phân tích quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục thế hệ trẻ cần được rèn luyện cả về đức lẫn tài, đặc biệt là lý tưởng cách mạng. Đồng thời cũng chỉ ra thực trạng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng trong các trường quân đội hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới sinh hoạt Đoàn và xây dựng môi trường giáo dục, khơi dậy khát vọng cống hiến của học viên tại các nhà trường quân đội.

Từ khóa: Giáo dục; học viên; lý tưởng cách mạng; khát vọng; nhà trường quân đội.

1. Đặt vấn đề 

Giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi các giá trị truyền thống và sự cống hiến không ngừng được thử thách bởi những tác động từ kinh tế thị trường, sự phai nhạt về lý tưởng cách mạng và những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống chạy theo lợi ích cá nhân, việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho học viên các nhà trường quân đội trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Lý tưởng cách mạng không chỉ là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc mà còn là nền tảng giúp định hướng cho thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha ông. Đặc biệt, học viên các trường quân đội với vai trò là những sĩ quan tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam càng cần được trang bị đầy đủ về lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến, từ đó góp phần xây dựng lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Bài viết sẽ làm rõ quan điểm giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến đối với học viên các nhà trường quân đội, đồng thời phân tích thực trạng và đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong giai đoạn hiện nay.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình luôn quan tâm sâu sắc đến thế hệ trẻ, coi họ là lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người thường khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên qua nhiều bài viết và phát biểu, trong đó có câu nói nổi tiếng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”1. Người nhấn mạnh, tuổi trẻ là giai đoạn tràn đầy năng lượng, hoài bão và khát khao cống hiến. Nếu được hướng dẫn và giáo dục đúng đắn, thanh niên sẽ trở thành những công dân hữu ích, góp phần vào sự phát triển của đất nước và sự nghiệp cách mạng. Trong lá thư gửi thanh niên ngày 17/8/1947, Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”2. Đây không chỉ là lời nhắc nhở về trách nhiệm lớn lao của thanh niên trong hiện tại mà còn khẳng định vai trò của họ trong việc kế tục sự nghiệp cách mạng từ các thế hệ đi trước.

Để bảo đảm thế hệ trẻ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc rèn luyện cả về đức và tài, trong đó đạo đức là nền tảng quan trọng nhất. Người kêu gọi thế hệ trẻ không chỉ học tập, trau dồi kiến thức mà còn phải xây dựng lý tưởng cách mạng đúng đắn, đó là lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người tin rằng, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến là nhiệm vụ của toàn xã hội để khơi dậy trong thanh niên tinh thần học tập, rèn luyện và cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Trong “Di chúc”, trước khi đi xa Người đặc biệt căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”3. Lời nhắn nhủ của Người khẳng định tầm quan trọng của giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trong việc bảo đảm sự tiếp nối và phát triển khát vọng bền vững cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thanh niên, coi đây là lực lượng trung tâm trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Để thanh niên phát huy tối đa vai trò của mình, Đảng khẳng định việc giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến, đạo đức và lối sống văn hóa phải được nâng cao về chất lượng. Điều này giúp thanh niên trở thành lực lượng tiên phong, giàu lòng yêu nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời sẵn sàng tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh niên luôn được Đảng và Nhà nước xem là lực lượng nòng cốt cho tương lai của đất nước. Với sức trẻ, trí tuệ và hoài bão lớn, họ không chỉ là lực lượng tiên phong trong mọi phong trào mà còn là những người có khả năng sáng tạo và lòng nhiệt huyết. Đặc biệt, thanh niên là tầng lớp dễ tiếp thu và phản ánh những xu thế mới, do đó giáo dục lý tưởng cách mạng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho họ là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Lý tưởng cách mạng không phải là điều tự nhiên hình thành mà cần trải qua quá trình giáo dục và rèn luyện liên tục. Đảng ta qua nhiều nghị quyết và chỉ thị, đặc biệt trong Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu phải “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên”4. Điều này nhằm tạo ra một thế hệ thanh niên yêu nước, tự hào dân tộc và mang trong mình khát vọng vươn lên để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với thanh niên, giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến đóng vai trò định hướng cốt lõi, giúp họ xác định được con đường mà mình phải đi. Nó không chỉ tạo động lực cho thanh niên phấn đấu vì sự phát triển của bản thân mà còn thúc đẩy họ tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng và phát triển xã hội. Thông qua quá trình học tập và rèn luyện, thanh niên sẽ nắm bắt tri thức và kỹ năng cần thiết, từ đó sẵn sàng cống hiến cho đất nước. 

Việc giáo dục lý tưởng cách mạng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên còn mang ý nghĩa to lớn trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế. Nó giúp thanh niên phát huy khả năng sáng tạo, học tập, và làm việc, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, và đất nước. Qua đó, Đảng và Nhà nước mong muốn xây dựng một thế hệ thanh niên có đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức để tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc. Chính vì vậy, trong suốt các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giúp họ xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát huy năng lực thực tiễn của mình trong mọi hoạt động.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến công tác giáo dục thanh niên, đặc biệt là việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Thanh niên được xem là những nhân tố chủ chốt trong việc định hình và phát triển tương lai của đất nước. Vai trò quan trọng này đã được thể hiện qua nhiều nghị quyết và chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đó là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”5 đã cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay. Những văn bản chỉ đạo này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà đã được triển khai vào thực tiễn, mang lại những kết quả tích cực và thiết thực.

Thông qua các chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, thanh niên đã dần khẳng định vị trí của mình với lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm cao và tinh thần sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Đảng luôn đặt thanh niên ở trung tâm của các chiến lược phát triển, vì thanh niên không chỉ là lực lượng kế thừa mà còn là động lực chính để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng và xây dựng xã hội dân chủ, văn minh. Việc giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng không chỉ trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết mà còn khơi dậy trong họ khát vọng vươn lên, nỗ lực vì một Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng.

3. Thực trạng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến cho học viên các nhà trường quân đội hiện nay

Trong giai đoạn đất nước đổi mới và phát triển, học viên tại các nhà trường quân đội tiếp tục phát huy sức trẻ, sự nhiệt huyết và tài năng của mình. Với tinh thần kiên định, ý chí vững vàng và tinh thần phục vụ nhân dân không ngừng nghỉ, họ đang hiện thực hóa khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc. Tinh thần này hoàn toàn phù hợp với định hướng và mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng khi nhấn mạnh vai trò tiên phong của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”6

Các cấp ủy và chỉ huy luôn chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giáo dục học viên. Việc giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng và sáng tạo. Đặc biệt, những hoạt động phù hợp với tâm lý và sở thích của thanh niên như tọa đàm, diễn đàn và sinh hoạt chính trị sâu rộng được tổ chức thường xuyên: “Ngày 18/9/2024, Học viện Phòng không – Không quân tổ chức giao lưu truyền cảm hứng, xây dựng động cơ, trách nhiệm, khát vọng cống hiến cho học viên khóa 70, nhập học năm 2024. 

Tại chương trình giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những chia sẻ trong công tác của các đồng chí cán bộ, giảng viên và học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trước những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao đối với Quân đội, Quân chủng Phòng không – Không quân và Học viện Phòng không – Không quân”7. Qua những hoạt động này, học viên không chỉ được nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững chắc, mà còn được khơi dậy khát vọng cống hiến và ý chí phấn đấu, hướng tới hình mẫu thanh niên quân đội của thời đại mới “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, tiên phong trong mọi nhiệm vụ.

Trong phòng, chống dịch Covid-19: “Hơn 300 cán bộ, học viên lên đường với sự điều động của Sở chỉ huy phòng, chống dịch Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam8. Như vậy, học viên các nhà trường quân đội tích cực góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường quốc phòng – an ninh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đến những nơi khó khăn, gian khổ, dịch bệnh.

Đội ngũ học viên tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu…, với các phong trào cụ thể, như: “Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thanh niên giành 3 đỉnh cao quyết thắng”, “Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thanh niên quân đội vươn tới những đỉnh cao”, “Thanh niên quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”, “Thanh niên quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng”. 

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, học viên các nhà trường quân đội luôn đi đầu trong phòng, chống thiên tai, hỗ trợ đồng bào khắc phục thiên tai, lũ lụt – “những nơi khó khăn nhất có quân đội”. Trong đó, ngày 12/9/2024 khắc phục hậu quả bão số 3, gần 500 cán bộ, học viên Học viện PK-KQ cơ động hơn 70km xuống thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội giúp bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ9

Ngoài ra, trường Trung cấp 24 Biên phòng đã cử 30 cán bộ, chiến sĩ cùng 5 chó nghiệp vụ cơ động đến Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để tham gia tìm kiếm người bị nạn”10. Qua đó cho thấy, đội ngũ học viên các nhà trường quân đội luôn tích cực đi đầu, giúp đỡ Nhân dân nơi hiểm nguy, gian khó.

Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều biến động phức tạp, đòi hỏi những yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển quân đội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh diễn ra khó lường. Bên cạnh đó, sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội. Những vấn đề tiêu cực như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, một số học viện, nhà trường quân đội, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến cho học viên chưa được thực hiện hiệu quả, còn thiếu sự đổi mới và hấp dẫn. Các hoạt động sinh hoạt đoàn đôi khi còn đơn điệu, thiếu tính chiến đấu. Một số học viên chưa nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dẫn đến việc xác định đối tượng và đối tác còn chưa rõ ràng. Công tác đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân còn một số bộ phận học viên chưa nhận thức sâu sắc: “Bộ phận học viên các nhà trường quân đội nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; sống thực dụng, băn khoăn, dao động trước khó khăn, xa vào chủ nghĩa cá nhân”11. Thực trạng này đang làm suy giảm khát vọng cống hiến và tinh thần tự giác của học viên, khiến họ chưa thể đóng góp hết mình vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ đất nước.

4. Một số giải pháp 

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến.

Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp coi trọng các phong trào thực tiễn của thanh niên, như: “Thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt”; “Tuổi trẻ sáng tạo”, gắn với các mô hình: “Giáo án hay, bài giảng tốt’’; “Tuần học thanh niên”, “Chi đoàn học tốt, rèn nghiêm”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Chủ nhật đỏ”… Đây chính là hoạt động thực tiễn xung kích của học viên nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của các nhà trường. Qua đó, đã phát huy được tài năng, trí tuệ, đam mê cống hiến của học viên, góp phần thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” và mục tiêu đào tạo sĩ quan cấp phân đội “vừa hồng”, “vừa chuyên” của các nhà trường.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Đoàn Thanh niên về vai trò của giáo dục lý tưởng cách mạng và định hướng tư tưởng cho học viên quân đội trong tình hình mới.

 Các đơn vị Đoàn Thanh niên trong các nhà trường quân đội cần đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt để thu hút sự quan tâm của học viên. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, thảo luận về các vấn đề học viên quân đội quan tâm, cũng như những nội dung thiết thực trong đời sống quân đội. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm để học viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tiễn và nâng cao kinh nghiệm chiến đấu. Các phong trào thi đua như “Bộ đội Cụ Hồ” hay “Thanh niên tiên phong trong kỷ luật và sáng tạo” cần được lồng ghép với giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến. Thông qua các hoạt động này, học viên không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà còn được hun đúc tinh thần yêu nước và trách nhiệm đối với Tổ quốc, tạo “sức đề kháng” trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Thứ ba, thúc đẩy tính tự giác và chủ động trong vấn đề tự nhận thức lý tưởng cách mạng vàkhát vọng cống hiến của bản thân học viên. 

Học viên cần hình thành thói quen tự giác, tự rèn luyện cả về thể chất và tư tưởng. Quá trình này không chỉ giúp học viên trở thành những sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên” mà còn khơi dậy trong họ niềm tin và lý tưởng cách mạng. Đặc biệt, việc tự giác và tích cực trong học tập và rèn luyện là nền tảng để học viên quân đội phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phương pháp giáo dục hiện đại, lấy người học làm trung tâm, yêu cầu học viên phải phát huy tính tự thân vận động, tự giáo dục và tự rèn luyện, qua đó xây dựng được lớp sĩ quan trẻ bản lĩnh, trí tuệ và nhiệt huyết, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.

Thứ tư, phát huy vai trò của toàn xã hội trong giáo dục lý tưởng, khát vọng cống hiến cho học viên quân đội.

Việc này không chỉ là nhiệm vụ của các nhà trường quân đội mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như toàn bộ hệ thống chính trị và gia đình. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác giáo dục, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể và ban, ngành liên quan. Quá trình này không chỉ giới hạn trong nhà trường mà còn phải mở rộng ra các hoạt động trải nghiệm thực tế, giáo dục kỹ năng sống và phát triển toàn diện cho học viên. Các hoạt động ngoại khóa, thảo luận về lịch sử, văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới cũng cần được tổ chức một cách đồng bộ và thường xuyên. 

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và những người trực tiếp phụ trách công tác giáo dục. Đặc biệt, việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội phải được đẩy mạnh để tạo môi trường toàn diện cho học viên phát triển. Qua đó, học viên quân đội không chỉ rèn luyện bản lĩnh chính trị mà còn thấm nhuần tinh thần yêu nước và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống cho học viên không thể thành công nếu thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Sự đồng lòng của toàn xã hội chính là sức mạnh tổng hợp giúp đạt được mục tiêu này một cách hiệu quả và bền vững.

Thứ năm, xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường quân đội giàu khát vọng và đội ngũ giảng viên tràn đầy nhiệt huyết. 

Mỗi nhà trường cần tạo dựng một môi trường học tập và rèn luyện đầy khát vọng, trong đó,giảng viên phải là những người có năng lực, phẩm chất và tinh thần cống hiến mạnh mẽ. Trong các nhà trường quân đội, việc giáo dục lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến phải được lồng ghép vào từng môn học, đặc biệt là các môn học có nội dung về đạo đức, lý luận chính trị và tinh thần yêu nước. Đồng thời, các trường cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và cập nhật các chương trình giáo dục theo hướng hiện đại, sáng tạo nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác và khát vọng vươn lên của học viên trong mọi lĩnh vực. Ngoài ra, các cấp lãnh đạo và nhà trường cần rà soát, điều chỉnh và bổ sung các chính sách, kế hoạch nhằm hỗ trợ giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cho học viên quân đội. Đây là nền tảng để xây dựng nên một thế hệ sĩ quan vừa có tâm, vừa có tầm, sẵn sàng kế thừa và phát huy sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

5. Kết luận

Trước những thời cơ và thách thức hiện nay, học viên các nhà trường quân đội cần nhận thức rõ vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ của mỗi học viên không chỉ là rèn luyện bản lĩnh quân nhân mà còn là nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi lý tưởng cách mạng và giữ vững đạo đức, lối sống văn hóa trong môi trường quân ngũ. Với tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến, học viên quân đội cần sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Các học viên, với tư cách là lực lượng nòng cốt và tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam, phải luôn là những người lính kiên định, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, quyết tâm giữ vững nền độc lập và phát triển bền vững cho đất nước.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 194.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 126.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 622.
4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 168, 143, 25.
7. Học viện Phòng không – Không quân giao lưu truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng cho học viên. http://hocvienpkkq.com/tin/index.php/vi/news/Tuoi-tre-Hoc-vien-PK-KQ/Hoc-vien-Phong-khong-Khong-quan-giao-luu-truyen-cam-hung-khoi-day-khat-vong-cho-hoc-vien-3148/
8. Hơn 300 cán bộ, học viên Học viện Quân y lê đường vào các tỉnh phía Nam chống dịch. https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/hon-300-can-bo-hoc-vien-hoc-vien-quan-y-len-duong-vao-cac-tinh-phia-nam-chong-dich-679484
9, 10. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/can-bo-chien-si-quan-doi-tich-cuc-giup-dan-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-794056
11. Lê Tuấn Anh (2024). Phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong thanh niên quân đội hiện nay. Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự. Số 10 (212), tháng 10/2024, tr. 25.