Vũ Thanh Hà – Lê Huyền Mai – Nguyễn Huyền Vy
Sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) có hiệu lực tại Việt Nam vào năm 2017 đã có nhiều tác động tích cực đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quy định của pháp luật nước ta vẫn chưa thống nhất với CISG, trong đó có quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Đây là loại vi phạm đã xuất hiện trong thực tiễn thực thực hiện hợp đồng tại Việt Nam song lại chưa có quy định pháp luật quốc gia điều chỉnh và chưa được nhận thức rộng rãi bởi các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Bài viết phân tích căn cứ xác định cùng thực tiễn áp dụng quy định của CISG về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong các án lệ tiêu biểu, từ đó đưa ra một vài kiến nghị cho pháp luật Việt Nam.
Từ khóa: CISG; vi phạm hợp đồng; vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ; tranh chấp quốc tế.
1. Căn cứ xác định vi phạm trước thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo CISG
Trong Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 71, 72 và 73.2. Nhìn chung, CISG không đưa ra một định nghĩa cụ thể về hành vi vi phạm hợp đồng trước thời hạn mà đưa ra các dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trước thời hạn tại Điều 71.1 và 72.1, theo đó, có hai trường hợp chính mà một bên có thể thực hiện các hành vi đối kháng nhằm ngăn chặn và khắc phục thiệt hại trước khi thực hiện hợp đồng, đó là các trường hợp: (1) Sau khi ký kết hợp đồng, có dấu hiệu rõ ràng bên còn lại sẽ không thực hiện một phần chủ yếu các nghĩa vụ của họ; (2) Trước hạn thực hiện hợp đồng, một trong các bên sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng. Sự khác biệt giữa hai trường hợp xuất phát từ sự khác biệt giữa hai cặp thuật ngữ: có dấu hiệu rõ ràng (becomes apparent) – hiển nhiên thấy được (it is clear) và không thực hiện một phần chủ yếu của nghĩa vụ (substantial part of his obligations) – vi phạm cơ bản hợp đồng (fundamental breach of contract).
Đối với cặp thuật ngữ đầu tiên, sự khác biệt dường như không quá rõ ràng, có chăng là quy định tại Điều 72 CISG yêu cầu các bằng chứng rõ ràng hơn về vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ (quy định về một chế tài nặng nề hơn là tuyên bố hủy hợp đồng). Có quan điểm cho rằng, cả yếu tố rõ ràng, hiển nhiên của vi phạm có thể xảy ra trong cả Điều 71 và 72 CISG đều dựa trên các tiêu chuẩn thông thường, tuy nhiên,yêu cầu về bằng chứng sẽ có sự khác biệt. Cách dùng từ “hiển nhiên” (clear) ở Điều 72 dường như yêu cầu bằng chứng xác đáng hơn, được trình bày theo một hình thức thuyết phục hơn, ví dụ, bằng chứng bằng văn bản thay vì bằng chứng bằng lời nói1. Ngoài ra, quy định của Điều 72 không đòi hỏi một sự chắc chắn tuyệt đối là một hành vi vi phạm sẽ xảy ra; hay nói cách khác, việc yêu cầu về mức độ rõ ràng cao hơn không đồng nghĩa với việc điều đó phải là tuyệt đối2. Học giả Sieg Eiselench cũng cho rằng3: các nhà soạn thảo Công ước yêu cầu mức độ rõ ràng của dấu hiệu vi phạm hợp đồng tại Điều 72 cao hơn so với Điều 71 CISG, bởi biện pháp khắc phục quy định tại Điều 72 CISG có tính chất nghiêm trọng hơn so với quy định của Điều 71.
Để xác định mức độ rõ ràng của dấu hiệu vi phạm, Peter Schlechtriem đã nhấn mạnh: “Yếu tố trở nên rõ ràng (becomes apparent) có nghĩa là tình hình của bên vi phạm không thể bị che giấu đối với một bên khách quan trong thương mại quốc tế… Đồng thời, việc không có khả năng thực hiện hợp đồng được xác định không dựa trên nỗi sợ chủ quan mà phải căn cứ vào dự đoán khách quan của người quan sát. Tiêu chuẩn dự đoán này là phán đoán của một người bình thường trong trường hợp tương tự”4. Bên cạnh đó, theo Điều 72.2 CISG, nếu bên có hành vi vi phạm trước thời hạn không đưa ra được các bảo đảm thỏa đáng chứng minh khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình thì đây chính là một trong các căn cứ để bên còn lại áp dụng biện pháp hủy bỏ. Qua đây, nhóm tác giả nhận thấy, các học giả đều có quan điểm nhấn mạnh vào yếu tố “tính rõ ràng” khi xác định một vi phạm trước thời hạn thực hiện hợp đồng. Tùy theo quan điểm của từng nhà nghiên cứu, tính rõ ràng ở đây có thể được xác định theo nhiều cách (bằng lời nói hoặc văn bản, căn cứ vào đánh giá khách quan của người thứ ba trong hoàn cảnh tương tự, qua việc bên vi phạm không thể đưa ra các bảo đảm thỏa đáng về khả năng thực hiện hợp đồng,…). Tuy nhiên, điểm chung là các học giả đều nhấn mạnh, việc đánh giá tính rõ ràng của vi phạm cần dựa trên góc nhìn khách quan; đồng thời, cho rằng do tính chất cho phép áp dụng một chế tài nặng hơn nên căn cứ để xác định vi phạm ở Điều 72 CISG cũng yêu cầu tính chính xác và cao hơn Điều 71.
Đối với cặp thuật ngữ thứ hai, Điều 71 áp dụng khi có dấu hiệu rõ ràng cho thấy, một bên sẽ không thực hiện “một phần chủ yếu” nghĩa vụ của mình, trong khi Điều 72 yêu cầu cao hơn về mức độ của vi phạm phải là “vi phạm cơ bản”. Theo đó, vi phạm cơ bản được quy định tại Điều 25 của CISG đối với vi phạm cơ bản như sau: “Vi phạm hợp đồng của một bên được xem là vi phạm cơ bản nếu nó gây thiệt hại cho bên kia đáng kể đến mức làm cho bên kia không đạt được những gì mà họ có quyền mong đợi theo hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm không thể tiên liệu và một người bình thường trong cùng hoàn cảnh cũng không thể tiên liệu hậu quả đó”.
Như vậy, bên có quyền phải thận trọng và chứng minh rằng, hành vi vi phạm được dự báo trước đáp ứng các tiêu chí về vi phạm cơ bản theo Điều 25 CISG. Nếu tại thời điểm đáng lẽ phải thực hiện hợp đồng, vi phạm cơ bản không xảy ra thì căn cứ ban đầu để tuyên bố hủy bỏ có thể không rõ ràng và bản thân việc tuyên bố hủy bỏ có thể bị coi là vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, bên đã cố gắng hủy bỏ hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng của mình. Ngoài ra, khi có bằng chứng rõ ràng về một vi phạm cơ bản của hợp đồng sắp xảy ra, bên bị hại có nghĩa vụ phải cố gắng giảm thiệt hại cho mình. Ngay cả trước khi đến hạn thực hiện hợp đồng, bên bị vi phạm có thể thực hiện các biện pháp để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, chẳng hạn như tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế hoặc tìm kiếm các giải pháp khác để khắc phục tình hình5.
Trái lại, quy định về vi phạm trước thời hạn thực hiện hợp đồng tại Điều 73.2 có phần hẹp hơn Điều 71 và Điều 72. Ở Điều 73.2 cho phép một bên có quyền hủy hợp đồng giao hàng từng phần do những vi phạm hiện tại hay trong quá khứ đối với những lần giao hàng trước đó. Trong hợp đồng giao hàng từng phần, thời điểm hoàn thành nghĩa vụ là khi toàn bộ lô hàng đã được giao thành công cho nên quy định tại Điều 73.2 đủ điều kiện để được coi như một quy phạm pháp luật về vi phạm hợp đồng trước thời hạn hiện nghĩa vụ. Vi phạm tại Điều 73.2 áp dụng cùng một loại chế tài với Điều 72 là tuyên bố hủy hợp đồng cho nên tính chắc chắn của các căn cứ tại hai điều khoản này được coi như là ngang bằng. Trong mối tương quan với quy định tại Điều 72, việc không thực hiện nghĩa vụ đối với một lô hàng đủ điều kiện để cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng.
2. Thực trạng áp dụng quy định của CISG về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong giải quyết tranh chấp quốc tế
Một là, thực tiễn áp dụng Điều 71 CISG về vi phạm hợp đồng trước thời hạn.
Cho đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của trang CISG online, Điều 71 CISG đã được trích dẫn trong 68 vụ việc. Trong mỗi vụ việc, cơ quan giải quyết tranh chấp đều đưa ra những lập luận, kiến giải khác nhau về các khía cạnh của vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, trong đó có các vụ việc như Minibus cases (172927 / HA ZA 08-1230)6 đã cho thấy, chỉ có Điều 71 cho phép các bên tạm ngừng việc thực hiện nghĩa vụ trước các vi phạm có nguy cơ, khả năng xảy ra trong tương lai; vụ Petro-Chem Co. Inc. v. Pangang Group International Economic & Trading Co. Ltd., and Pangang Group Chongqing Titanium(ICC Case No. 19574/GFG)7 đã bình luận về việc Điều 71 không yêu cầu bên có nghĩa vụ phải bảo đảm cho đối phương được miễn trừ khỏi các rủi ro pháp lý mà chính họ cũng không có khả năng kiểm soát;… và nổi bật hơn cả là vụ việc YPF v. AESU, Sulgás, TGM (ICC Case No. 16232/JRF/CA)8 đã nêu ra được những lập luận xác đáng, đầy đủ và giải thích chi tiết về nhiều khía cạnh khác nhau của Điều 71 CISG.
Đây là vụ việc xoay quanh tranh chấp về hợp đồng mua bán khí đốt giữa các bên là công ty YPF tại Argentina với hai công ty Brazil là AESU và Sulgás. Trong phán quyết cuối cùng, cơ quan trọng tài đã kết luận: AESU và Sulgás đã hành động hợp pháp theo quy định tại Điều 71 CISG. Mặc dù hợp đồng giữa các bên không bao gồm rõ ràng biện pháp khắc phục tạm ngưng đối với AESU và Sulgás, nhưng điều đó không ngăn cản AESU và Sulgás sử dụng các biện pháp khắc phục có sẵn trong luật hiện hành. Mặt khác, biện pháp khắc phục được nêu trong Điều 71 của CISG là có sẵn nên các bên sẽ được phép tạm ngừng việc tuân thủ nghĩa vụ trong một số trường hợp nhất định theo đúng quy định của điều khoản này. Về mục đích của Điều 71, cơ quan trọng tài chỉ rõ việc áp dụng điều khoản là nhằm bảo vệ kịp thời lợi ích của các bên trong trường hợp có căn cứ rõ ràng và bên còn lại sẽ không thực hiện nghĩa vụ.
Nhìn chung, tính tiêu biểu của vụ việc nói trên nằm ở việc cơ quan trọng tài đã phân tích hầu hết các khía cạnh của Điều 71 CISG, bao gồm mục đích của điều khoản, các trường hợp áp dụng điều khoản và thời hạn các bên được phép tuyên bố tạm ngừng nghĩa vụ hợp đồng; đồng thời, cũng nhấn mạnh nghĩa vụ phải giảm thiểu thiệt hại tối đa theo Điều 77.
Hai là, thực tiễn áp dụng Điều 72 CISG về vi phạm hợp đồng trước thời hạn.
Hiện nay có 58 vụ việc đã trích dẫn Điều 72, tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa trong số đó áp dụng thành công (27 vụ). Như vậy, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang chưa hiểu, hiểu sai về cách áp dụng biện pháp hủy bỏ cho vi phạm trước thời hạn đối với hợp đồng mua bán hàng hóa. Cụ thể, trong vụ việc Italian shoes case VIII (CLOUT 130)9, hai bên tranh cãi với nhau về việc bị đơn có thuộc vi phạm hợp đồng trước thời hạn hay không khi mà việc thanh toán của bị đơn bị gián đoạn, hai trong số tấm séc mà bị đơn dùng thanh toán lô hàng nguyên đơn không thể đổi thành tiền mặt. Trong vụ việc này, Tòa đã lập luận “tính hiển nhiên” của hành vi vi phạm hợp đồng trong tương lai phải đáp ứng các yêu cầu cao về mức độ xác suất của nó (nghĩa là phải có một xác suất rất cao, rõ ràng và hợp lý).
Trong vụ việc, các tình tiết cho thấy bị đơn sẽ không trả giá mua phát sinh từ các mối quan hệ kinh doanh trước đây của các bên. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về tình trạng mất khả năng thanh toán của bị đơn là trong giao dịch liên quan. Theo đó, có lý do chính đáng để tin rằng bị đơn sẽ vi phạm hợp đồng vì tại thời điểm giao hàng lẽ ra phải diễn ra, bị đơn vẫn chưa thực hiện theo hợp đồng trước đó. Vì vậy, việc nguyên đơn đưa ra thông báo theo Điều 72.2 CISG là hoàn toàn hợp lý và vì không có lý do thuyết phục nên bị đơn đã bị xử thua trong vụ kiện. Vụ kiện này sau đó còn được dẫn chiếu tới trong vụ án dầu khí ở trên phần 2.1. để giải thích “tính hiển nhiên” được hiểu như thế nào. Từ đó bổ sung thêm lập luận cho trọng tài và chứng minh minh rằng, việc tuyên bố tạm ngưng cung cấp dầu khi của YPF cho đủ dấu hiệu cho thấy, “sự hiển nhiên” sẽ vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, đối với phần quy định tại Điều 72, nghĩa vụ thông báo là một trong những yếu tố có thể coi là tiên quyết nếu các bên muốn hủy bỏ hợp đồng. Tại vụ việc số Metal concentrate case10 của ICC, nguyên đơn mong muốn hủy bỏ hợp đồng vì cho rằng bị đơn vi phạm Điều 72.1 khi bị đơn không tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa (hợp đồng giao hàng từng phần). Trọng tài trong vụ án này đã ghi nhận dù nguyên đơn có một lá thư thông báo về ý định hủy bỏ hợp đồng gửi tới bị đơn nhưng việc thông báo này không được thực hiện với thời gian hợp lý khi cùng ngày nguyên đơn cũng đưa ra tuyên bố huỷ hợp đồng.
Có thể thấy, trong vụ án này, trọng tài đã xem xét thêm điều kiện thông báo phải hợp lý về mặt thời gian (reasonable notice) để có thể bảo vệ quyền lợi cho bên bị đơn. Bởi trong vụ việc, ngày mà nguyên đơn đưa ra thông báo của đang trùng với ngày tuyên bố hủy hợp đồng và không có đủ thời gian cho phía bị đơn cung cấp bảo đảm chứng minh khả năng thực hiện hợp đồng của mình. Như vậy, khi bên có mong muốn hủy hợp đồng đưa ra thông báo không chỉ cần hợp lý về mặt nội dung hay hình thức mà còn phải chú ý về mặt thời gian, bên đó phải dành thời gian hợp lý cho phía đối tác thực hiện nghĩa vụ đưa ra bảo đảm của mình.
Ba là, thực tiễn áp dụng Điều 73.2 CISG về vi phạm hợp đồng trước thời hạn.
Điều 73.2 cho phép các bên hủy toàn bộ các lô hàng tương lai trong hợp đồng giao hàng từng phần khi xác định được sẽ có vi phạm trước thời hạn xảy ra với một lô hàng sẽ được giao. Quy định này cũng được viện dẫn trong 31 vụ việc của CISG, với khoảng gần 20 vụ việc đã áp dụng thành công. Trong số 31 vụ việc nói trên, có nhiều vụ tranh chấp như vụ Czech cheese case (CLOUT 293)11; Austrian summer malting barley case12;… và nhất là vụ BRI Production “Bonaventure” S.a.r.l. v. Pan African Export (CLOUT 154)13 đã cung cấp một cái nhìn khá sâu sắc về cách thức xác định vi phạm trước thời hạn theo Điều 73.2 CISG.
Vụ BRI Production “Bonaventure” S.a.r.l. v. Pan African Export trải qua hai cấp xét xử. Ở phiên tòa phúc thẩm, cơ quan giải quyết tranh chấp đã đối chiếu các yếu tố cần thiết theo Điều 73.2 để bên bán (BRI PRODUCTION) có quyền từ chối giao hàng và hủy hợp đồng bao gồm “lý do chính đáng để cho rằng sẽ có một vi phạm cơ bản xảy đến hợp đồng với các lô hàng sẽ được giao trong tương lai” và “thời hạn hợp lý để tuyên bố hủy hợp đồng”. Từ các căn cứ được đưa ra, Tòa phúc thẩm nhận định rằng hành vi hủy hợp đồng của BRI PRODUCTION là hợp pháp theo Điều 73.2 CISG.
Qua kinh nghiệm cho thấy, Tòa phúc thẩm trong vụ việc trên đã làm rõ các yếu tố để áp dụng thành công Điều 73.2 CISG bao gồm “lý do chính đáng để tin rằng sẽ có vi phạm cơ bản xảy ra với các hợp đồng về các lô hàng trong tương lai” và “khoảng thời gian hợp lí để tuyên bố hủy hợp đồng với các lô hàng đó”. Từ lập luận của Tòa cho thấy, vi phạm cơ bản trong trường hợp này cần soi chiếu lại Điều 25 CISG, và thời gian hợp lý để tuyên bố hủy hợp đồng là khoảng thời gian bổ sung đủ để bên còn lại trong hợp đồng tìm kiếm một đối tác khác. Có thể thấy, dù 73.2 là một điều khoản có phạm vi áp dụng hẹp hơn hai điều khoản trên nhưng lại có tính ứng dụng cao và tương đối dễ áp dụng bởi lẽ việc xác định các dấu hiệu của vi phạm cơ bản sẽ diễn ra trong tương lai dường như có phần dễ dàng hơn trong các hợp đồng giao hàng từng phần. Quy trình hủy hợp đồng theo Điều 73.2 cũng tương đối đơn giản vì không yêu cầu nghĩa vụ thông báo như Điều 72 CISG.
Không thể phủ nhận rằng những quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn của CISG đã góp phần rất tích cực vào việc nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, hỗ trợ thúc đẩy môi trường thương mại quốc tế thêm phần minh bạch; bảo đảm bảo vệ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế trước những rủi ro thiệt hại rõ ràng sẽ xảy ra trong tương lai. Thông qua việc phân tích điều khoản và cách thức áp dụng trong từng vụ việc cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy, CISG đã có những quy định vô cùng cụ thể về từng trường hợp được coi là xảy ra vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, tương ứng là các chế tài áp dụng cho từng vi phạm cụ thể. Đồng thời, CISG cũng có hệ thống án lệ đồ sộ và chi tiết góp phần làm rõ các thuật ngữ, khái niệm được quy định trong từng Điều 71, 72, 73 đặt trong mối tương quan giữa CISG và pháp luật Việt Nam về vấn đề vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, theo đó, các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề trên vẫn còn nhiều khoảng trống, cần có sự rà soát, sửa đổi, bổ sung để dần phù hợp và theo kịp nhu cầu phát triển thương mại quốc tế.
3. Một số kiến nghị cho pháp luật Việt Nam
Do sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thống pháp luật Civil Law, học thuyết vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ có phần còn xa lạ và mới mẻ đối với pháp luật Việt Nam. Tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến một mốc thời gian cụ thể, song cách định nghĩa như vậy cho thấy, các nhà làm luật Việt Nam đã tư duy rằng một vi phạm đương nhiên phải được xảy ra sau thời điểm các bên giao kếtvà hợp đồng sẽ được thực hiện.
Tuy nhiên, có một số quy định mang màu sắc của học thuyết vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ vẫn có thể tìm thấy rải rác trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 200514. Chẳng hạn,Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Quy định này khá tương tự với điểm a khoản 1 Điều 71 CISG và rộng hơn so với quy định về tạm ngừng thực hiện hợp đồng tại khoản 2 Điều 308 Luật Thương mại năm 2005(chỉ ghi nhận trường hợp các bên được tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi một bên vi phạm có bản nghĩa vụ hợp đồng). Tuy nhiên, lại để ngỏ khả năng các bên có thể ứng xử linh hoạt trong quan hệ hợp đồng bằng các cho phép các bên thỏa thuận về các điều kiện được để tạm ngừng thực hiện hợp đồng (khoản 1 Điều 308 Luật Thương mại năm 2005). Ngoài ra, trường hợp vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ dẫn đến hủy bỏ hợp đồng hoàn toàn không xuất hiện trong pháp luật Việt Nam.
Nhìn chung, các quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã manh nha tồn tại nhưng vẫn còn lẻ tẻ, rời rạc và chưa thống nhất. Chính vì vậy, đã gây ra những ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên, xâm phạm tới quan hệ hợp đồng khi có loại vi phạm này xảy ra. Trên cơ sở thực tế cũng đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, pháp luật Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, cần bổ sung khái niệm về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ15 và quy định như sau: “Vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là trường hợp một bên tuyên bố hoặc có những hành vi thể hiện rõ ràng rằng mình sẽ không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì trước khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ kết thúc.”
Thứ hai, cần sửa đổi và bổ sung quy định về tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ vào khoản 3 Điều 308 LuậtThương mại năm 2005 và sửa đổi Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hai chế định này đều có thể được hiểu là việc một bên không thực hiện nghĩa vụ đã đến hạn trong hợp đồng trong một khoảng thời gian tạm thời. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa hai chế định này lại nằm ở điều kiện áp dụng. Trong khi Điều 308 Luật Thương mại năm 2005 không cho phép một bên được phép áp dụng chế tài này khi có vi phạm hợp đồng trước thời hạn thì Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại cho phép các bên có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đối với vi phạm hợp đồng trước thời hạn nhưng lại chỉ được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế. Chính vì vậy, nhóm tác giả kiến nghị có thể bổ sung thêm khoản 3 Điều 308 Luật Thương mại năm2005 và sửa đổi Điều 411 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Một bên có quyền tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ nếu có dấu hiệu cho thấy rằng sau khi hợp đồng được ký kết, bên kia sẽ không thực hiện một phẩn chủ yếu những nghĩa vụ sau khi ký kết hợp đồng bởi lẽ: một sự khiêm khuyết nghiêm trọng trong khả năng thực hiện hay trong khi thực hiện hợp đồng hoặc cung cách sử dụng của bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hay trong khi thực hiện hợp đồng.”
Thứ ba, cần bổ sung quyền hủy hợp đồng trong trường hợp xảy ra vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ sao cho tương thích với quy định của CISG. Cụ thể, Điều 425 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần sửa đổi như sau: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Thứ tư, cần bổ sung nghĩa vụ thông báo của các bên khi áp dụng quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Thông báo của bên tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ cần nêu rõ căn cứ tạm ngừng và phải cho bên kia một khoảng thời gian hợp lý để cung cấp những bảo đảm cho khả năng thực hiện đúng hợp đồng16. Nếu quá thời hạn hợp lý mà bên tạm ngừng đã ấn định mà bên có dấu hiệu vi phạm vẫn chưa cung cấp đầy đủ những bảo đảm đó thì bên có khả năng bị vi phạm sẽ có quyền hủy bỏ hợp đồng. Việc bổ sung quy định về nghĩa vụ thông báo có thể được xây dựng như sau: “Bên thực hiện quyền tạm ngừng phải thông báo cho bên kia biết để cho phép bên kia cung cấp sự bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện của mình, trừ khi bên có nghĩa vụ có lời nói hoặc hành vi thể hiện rõ ràng ý định không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nếu bảo đảm đầy đủ về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không được cung cấp trong một khoảng thời gian hợp lý thì bên tạm ngừng có thể hủy hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại phát sinh”.
Chú thích:
1. Michael G. Bridge, Issues arising under articles 64, 72 and 73 of the United Nations Convention on contracts for the international sale of goods, 2005, https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/bridge.pdf, truy cập ngày 05/01/2025.
2. Trevor Bennett, Comment on Article 71, Bience-Bone II Commentary on the International Sales The 1980 Vienna Sales Convention, Dott. A Giuffri Eititore, 1987
3. Sieg Eiselen, Suspension of Performance /Avoidance Prior to Date for Performance: Remarks on the Manner in Which the UNIDROIT Principles May Be Used to Interpret or Supplement Articles 71 and 72 CISG, 2002.
4. Peter Schlechtriem, Uniform Sales Law – The UN Convention on Contracts for the International Sale of Goods, Manz, Vienna (1986) https://iicl.law.pace.edu/sites/default/files/cisg_files/schlechtriem.html#a71, truy cập ngày 05/02/2025.
5. The Secretariat Commentary on Art. 63 of the 1978 New York Draft, predecessor to Art. 72 CISG, gives insight into the drafters’ unterstanding on the eve of the 1980 Vienna Diplomatic Conference, tr 53-54.
6, 8, 9, 10, 11, 12, 13. CISG. https://cisg-online.org, truy cập ngày 05/02/2025.
7. Petro-Chem Development v. Pangang Group International Economic & Trading and Pangang Group Chongqing Titanium Industry. https://jusmundi.com/fr/document/decision/en-petro-chem-development-co-inc-v-pangang-group-international-economic-trading-co-ltd-and-pangang-group-chongqing-titanium-industry-co-ltd-final-award-friday-12th-december-2014, truy cập ngày 30/01/2025.
14. Nguyễn Ngọc Khánh (2007). Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam. H. NXB Tư pháp.
15. Nguyễn Thị Quỳnh Yến (2024). Vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật nước ngoài và những gợi mở lập pháp cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ, 2024.
16. Vũ Huy Hoàng (2022). Quyền tạm ngưng thực hiện hợp đồng khi có vi phạm hợp đồng trước thời hạn theo Công ước Viên năm 1980: Giải pháp sửa đổi pháp luật Việt Nam. Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội, số 10/2022.