Nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính các trường đại học hiện nay

ThS. Trần Thị Tuyết Nhung
Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh

(Quanlynhanuoc.vn) – Học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa, ứng biến, giải quyết tốt nhất những tình huống, sự việc trong công việc, cuộc sống. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính; trên cơ sở đó, đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính các trường đại học hiện nay.

Từ khoá: Các môn khoa học, Mác – Lênin, sinh viên ngành Tài chính, các trường đại học.

1. Mở đầu

Nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính các trường đại học hiện nay là nội dung, biện pháp quan trọng để giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng niềm tin cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chất lượng học các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính sẽ đào tạo nên những thế hệ kế tiếp sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang thực hiện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Việc nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính các trường đại học đặt ra yêu cầu cao hơn cho sinh viên ngoài năng lực, cần phải có đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm để vượt qua chính mình, đồng hành cùng với dân tộc ở mọi lúc, mọi nơi. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Thanh niên là trụ cột để đưa đát nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới”1.

2. Thực trạng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính các trường đại học

Để bảo đảm tính khách quan, tác giả đã tiến hành gửi phiếu khảo sát thu thập thông tin sinh viên ngành Tài chính ở 6 trường đào tạo chuyên ngành tài chính đại diện cho các trường đào tạo ngành tài chính (đối tượng sinh viên đang học và đã học xong chương trình các môn khoa học Mác – Lênin theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Phương thức khảo sát lấy số liệu, tác giả sử dụng hình thức điều tra bằng phiếu điện tử với 1.500 phiếu khảo sát sinh viên và 128 phiếu khảo sát giảng viên được gửi đến các cơ sở đào tạo. Kết quả cụ thể như sau:

(1) Về nhận thức, đa số sinh viên ngành Tài chính đã nhận thức sâu sắc về mục tiêu, vai trò và tầm quan trọng của môn học trong học tập các môn khoa học Mác -Lênin.

Trong những năm qua, sinh viên ngành Tài chính của các nhà trường đã ý thức và có nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhận thức là một quá trình có tính hướng đích, là yếu tố cơ bản quy định nhu cầu học tập các môn khoa học Mác – Lênin đối với sinh viên ngành Tài chính. Qua khảo sát sinh viên các khoá, khi được hỏi về “Tầm quan trọng của việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin”, kết quả thu được đa số sinh viên đánh giá về mức độ ở mức “Rất quan trọng” và “quan trọng” có kết quả rất cao như sau:

Đối với học phần Triết học Mác – Lênin: có 52,1% sinh viên cho rằng, đây là môn học rất quan trọng; 20,9% đánh giá là môn học quan trọng; đối với học phần Kinh tế chính trị Mác – Lênin: có 58,6% sinh viên cho rằng, đây là môn học rất quan trọng; 21,5% đánh giá đây là môn học quan trọng; đối với học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học: có 43,7% sinh viên cho rằng, đây là môn học rất quan trọng; 31,8% đánh giá đây là môn học quan trọng.

Qua khảo sát về “Nhận thức về vai trò của việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin với bản thân “cho thấy mức độ rất tán thànhtán thành chiếm tỷ lệ cao trong đó, có 93,5% sinh viên cho rằng, góp phần hình thành thế giới quan khoa học; 94,6% sinh viên cho rằng, các môn khoa học Mác – Lênin góp phần hình thành niềm tin, bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị; 94,8% sinh viên cho rằng, kiến thức các môn khoa học Mác -Lênin góp phần xây dựng lòng yêu nghề và khát vọng cống hiến; 97.8% sinh viên lựa chọn các môn khoa học Mác – Lênin góp phần hình thành lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa và 96,6% sinh viên cho rằng, góp phần định hướng, hành vi nhân cách cá nhân.

Như vậy, đa số sinh viên ngành Tài chính đã có nhận thức đúng đắn về môn học nhằm cung cấp tri thức về thế giới quan và những tri thức về đời sống xã hội. Điều này có được là do công tác tuyên truyền, giáo dục ở trong và ngoài nhà trường. Nhà trường cần phát huy kết quả này như là một điều kiện chủ quan thuận lợi để kích thích nhu cầu học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính hiện nay. Ngoài ra, đa số sinh viên đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môn học; là cơ sở nâng cao chất lượng tự học cũng như kết quả môn học; là tiền đề, cơ sở cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận và học tập có hiệu quả các môn khoa học xã hội và nhân văn cũng như các môn học khác trong quá trình học tập sau này.

(2) Về nội dung, hình thức, biện pháp, đa số sinh viên đã tích cực vận dụng và phát huy cao độ khả năng, năng lực, các tố chất của mình trong học tập các môn khoa học Mác – Lênin.

Quá trình học tập, rèn luyện ở trường đại học, đa số sinh viên tích cực, chủ động vận dụng những tri thức, kinh nghiệm học tập đã được tích lũy trước đây vào quá trình học tập các môn khoa học Mác -Lênin. Khi bước vào giảng đường đại học, môi trường học tập mới với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn cả về nội dung, phương pháp, mục tiêu, yêu cầu đào tạo… so với các cấp học trước, đòi hỏi sinh viên phải có những kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu là chính, dung lượng kiến thức lớn nhưng phần lớn sinh viên đã nhanh chóng tiếp cận kịp thời với phương pháp học đại học nhất là các kỹ năng nghe, ghi và hiểu bài trên lớp, khả năng tự học, tự nghiên cứu…

Qua khảo sát cho thấy, mặc dù là môn học thường phải học đầu năm, đầu khóa học, nhưng ngay từ đầu đa số sinh viên xác định động cơ học tập tốt 52.4 % sinh viên lựa chọn tỏ thái độ đồng ý “Học để nâng cao hiểu biết về các môn khoa học Mác -Lênin, học để vận dụng vào thực tiễn đời sống và phục vụ công việc sau này (46% sinh viên lựa chọn), và trên hết là hoàn thiện nhân cách bản thân (45,6% sinh viên lựa chọn).

(3) Về kết quả học tập các môn khoa học Mác – Lênin, sinh viên ngành Tài chính có niềm tin vào Đảng và Nhà nước và tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời đại ngày nay.

Niềm tin của sinh viên thể hiện ở thái độ chính trị tích cực là toàn bộ những biểu hiện của sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong hoạt động của họ với tư cách là những chủ thể chính trị khi tham gia vào quá trình chính trị nhằm hiện thực hóa những mục tiêu chính trị vì sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Khảo sát cho thấy, thái độ về niềm tin của sinh viên là những quan điểm của cá nhân, nhóm xã hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, sự ủng hộ của tầng lớp sinh viên đối với vấn đề chính trị. Thái độ về niềm tin của sinh viên thể hiện thái độ chính trị là quyền con người, là chứng tỏ sự trưởng thành về mặt xã hội của bản thân.

Qua khảo sát, sự tin tưởng của sinh viên ngành Tài chính về đời sống chính trị của đất nước qua chỉ báo niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng: 62,2%; niềm tin vào con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội: 65,1% và tin vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: 79,7%. Đa số sinh viên ngành Tài chính trong các trường đại học bày tỏ thái độ rất tin tưởng hoặc tin tưởng và ủng hộ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta với mức độ rất cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của một số sinh viên ngành Tài chính còn hạn chế, như: trong nhận thức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn vẫn còn tồn tại một số cán bộ nhà trường chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin trong xây dựng và hình thành thế giới quan khoa học cho sinh viên và chưa coi trọng môn học. Một số giảng viên chỉ chú trọng đến đào tạo chuyên môn, coi nhẹ việc học tập, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Trong khi đó, qua khảo sát, bản thân sinh viên tự nhận thức rằng cần phải học tập các môn khoa học Mác -Lênin, vì những lý do: chủ nghĩa Mác -Lênin là kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho mọi hành động của Đảng: 63,7% sinh viên lựa chọn; do sự mờ nhạt, lệch lạc lý tưởng sống của một bộ phận sinh viên: 79,2% sinh viên lựa chọn; do sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa: 58.2% sinh viên lựa chọn.

Bên cạnh những sinh viên tìm ra cho bản thân những phương pháp học tập tốt thì vẫn còn một bộ phận sinh viên vẫn mang tính thụ động, lười tư duy. Nhiều sinh viên chậm đổi mới phương pháp học tập nên chưa hình thành được phương pháp tự học, tự nghiên cứu hiệu quả. Giữa các khâu học trên lớp – tự học, tự nghiên cứu – thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập có quan hệ mật thiết với nhau. Thực tế cho thấy, chưa nhiều sinh viên tự tìm tòi sáng tạo ra các phương pháp mới trong quá trình tiếp thu tri thức các môn khoa học Mác -Lênin. Một số sinh viên dựa vào lợi thế cá nhân là khả năng ghi nhớ, tổng hợp, các kỹ năng làm đề cương ôn thi, kỹ năng làm bài thi theo kiểu học thuộc lòng, học tủ… nên vẫn trì trệ, chậm đổi mới.

Qua khảo sát giảng viên về nguyên nhân của những hạn chế trong phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, có 65,2% sinh viên chưa có ý thức đổi mới phương pháp tiếp thu môn học. Điều đó chứng tỏ vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên ngành Tài chính vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đổi mới phương pháp học tập đối với các môn khoa học Mác -Lênin. 57,1% sinh viên cho rằng, nguyên nhân là động cơ, thái độ học tập chưa đúng đắn, hơn nữa kiến thức các môn khoa học Mác – Lênin còn khô khan, trừu tượng và khó tiếp thu chiếm tỷ lệ cao 63,2%.

Đối với những sinh viên đã có ý thức học tập và đổi mới phương pháp thì cho rằng, về nhà chỉ cần học lại bài cũ, hoặc đi học đọc trước tài liệu, sử dụng máy tính phục vụ cho học tập… và coi đó là đổi mới phương pháp học tập. Như vậy, có thể thấy nhiều sinh viên chưa hiểu rõ thực chất của đổi mới phương pháp học và tự học trong môi trường học đại học. Điều này dẫn tới kết quả các môn khoa học Mác -Lênin chưa cao, chưa kích thích tinh thần tự học và chưa phát huy năng lực của mỗi sinh viên đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo phù hợp thời đại ngày nay.

3. Một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính các trường đại học

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng học tập các môn khoa học.

Các chủ thể, bao gồm Đảng uỷ, Ban Giám hiệu các trường đại học, phòng đào tạo, ban khảo thí, giáo viên, sinh viên quán triệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên một cách phù hợp, hiệu quả, bảo đảm sự nối tiếp của các môn học, không có sự ngắt quãng, đứt đoạn, tạo khoảng trống trong thời gian sinh viên mới học. Các chủ thể cần thường xuyên theo dõi, đánh giá, tổ chức tổng kết, rút kinh việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin; trên cơ sở đó, xác định những khâu yếu, mặt yếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách tốt nhất. Những nội dung giao thoa giữa môn học cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, tránh sự trùng lặp về nội dung; bảo đảm cập nhật thông tin mới vào quá trình biên soạn giáo trình học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên ngành Tài chính.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan đến giáo dục, đào tạo xếp lịch học tập các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên theo lôgic của quá trình nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, học môn Triết học trước để trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng trong nhìn nhận, xem xét, đánh giá các sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; tiếp đến học môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để bồi dưỡng niềm tin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; học môn Kinh tế chính trị Mác- Lênin để hiểu bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Nhà nước quản lý, bảo đảm hài hoà, bền vững giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá – xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Người đứng đầu cơ quan, ban, ngành và sinh viên hành động mạnh mẽ, quyết liệt, đề cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng chương trình, kế hoạch sát hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của đối tượng là sinh viên ngành Tài chính. Tăng cường công tác kiểm tra việc học tập của sinh viên trên giảng đường, thi, kiểm tra kết thúc môn học.

Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo cho sinh viên ngành Tài chính phù hợp, hiệu quả.

Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt, một chiều, ghi nhớ máy móc”2. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các phòng, khoa chuyên môn trong các trường đại học đã có những nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc học tập các môn khoa học Mác – Lênin, từ đó tạo ra bước chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp tư duy và rèn luyện tính tích cực chủ động trong học tập cho sinh viên. Các nhà trường đã tạo ra cơ chế, môi trường để các phòng, khoa, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên liên kết với nhau, phối hợp cùng bộ môn Lý luận chính trị trong công tác giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin cho sinh viên. Từ chỗ đổi mới nhận thức đến hoạt động thực tiễn, các đơn vị chức năng trong nhà trường cùng cả hệ thống giáo dục đã vào cuộc trong công tác giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác – Lênin.

Những kết quả bước đầu đạt được thông qua đổi mới phương pháp đã làm cho cả giảng viên và sinh viên tin tưởng, kiên định thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học Mác – Lênin. Hầu hết các trường đã tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên được tham dự các đợt tập huấn, bồi dưỡng hè do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Các hoạt động thực tế, ngoại khóa môn học cũng đã được quan tâm hơn. Đồng thời, các trường cũng đã cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về phương pháp giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm.

Chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện, bảo đảm nguồn giáo trình tài liệu, điều kiện vật chất theo yêu cầu đào tạo của môn học, giúp cho sinh viên có điều kiện tập trung cho nhiệm vụ học tập các môn khoa học Mác – Lênin. Nhiều giảng viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy, thường xuyên cập nhật thông tin mang tính thời sự vào bài giảng của mình. Các môn khoa học Mác -Lênin là những môn khoa học vô cùng cần thiết. Thực tế cho thấy, nếu bài giảng gắn được với thực tiễn sinh động đang diễn ra bằng những tin tức thời sự kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước thì sẽ tạo ra sự hấp dẫn và thu hút sự chăm chú nghe giảng của sinh viên

Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên ngành Tài chính trong học tập các môn khoa học Mác – Lênin.

Ngay từ khi vào trường, sinh viên đã được đội ngũ cán bộ quản lý quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ học tập, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, từ đó, xây dựng thái độ, động cơ trách nhiệm đúng đắn khi bước chân vào cánh cổng của trường đại học. Qua quá trình giáo dục, quán triệt của các phòng, ban, tổ chức trong nhà trường phần lớn sinh viên đã xác định rõ mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Đó là học để nắm vững tri thức, để nâng cao trình độ mọi mặt, hoàn thiện nhân cách bản thân đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nhưng đồng thời cũng để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, xã hội; để khi ra trường có cơ hội việc làm và làm việc có hiệu quả. Từ đó, họ đã tích cực, chủ động trong tự học, tự rèn, nhất là trong tự học các môn khoa học Mác -Lênin.

Từ việc xác định đúng đắn mục đích, động cơ học tập, khi bước vào học tập các môn khoa học Mác-Lênin, sinh viên đã nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học trong nội dung chương trình học tập khóa học, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng, nâng cao bản lĩnh chính trị, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, đồng thời là cơ sở, tiền đề học tập tốt các môn học khác, nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Đa số sinh viên ngành Tài chính trong các trường đại cũng đã có sự cố gắng, chủ động, tích cực trong học tập, phát huy năng lực thực tiễn của bản thân và luôn tìm tòi khám phá trau dồi tri thức. Nhiều sinh viên đã có động cơ học tập nghiêm túc, chủ động trong học tập, quan tâm và lo lắng đến kết quả học tập. Tâm lý tự ti của sinh viên đã được khắc phục nhiều. Không ít sinh viên đã nỗ lực trong học tập, giành nhiều học bổng qua các năm học, một số sinh viên đã mạnh dạn, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, sinh viên đã chú ý nhiều hơn đến việc nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ – vốn là yếu điểm của nhiều sinh viên các trường đại học; sinh viên đã có tinh thần ham học hỏi, ham tìm tòi khám phá, tiếp thu những kiến mới, tìm hiểu cập nhật những công nghệ hiện đại trau dồi và hoàn thiện bản thân. Đa số sinh viên cũng biết kết hợp hài hoà giữa thời gian học tập, tham gia các hoạt động ngoại khoá cũng như đi làm thêm, có tinh thần tự lập, ý thức cao, có trách nhiệm trong công việc. Sinh viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu thử thách, đưa ra các ý tưởng sáng tạo trong quá trình học tập, thậm chí nêu các ý kiến phản biện trong các buổi thảo luận các môn khoa học Mác -Lênin, nhất là phản biện về các vấn đề chính trị – xã hội.

4. Kết luận

Chú trọng nâng cao chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin của sinh viên ngành Tài chính ở các trường đại học là nội dung, biện pháp quan trọng để xây dựng phẩm chất, nhân cách toàn diện cho người học, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, trong quá trình giáo dục, đào tạo các chủ thể lãnh đạo, quản lý và sinh viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ra những con người mới xã hội chủ nghĩa, có tinh thần yêu nước, ý chí, khát vọng vươn lên đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới. Có như vậy, mới nâng cao được chất lượng học tập các môn khoa học Mác – Lênin không chỉ cho sinh viên ngành Tài chính mà còn đối với sinh viên các chuyên ngành khác.

Chú thích:
1. Tô Lâm (2025). Tương lai cho thế hệ vươn mình. https://vov.vn, ngày 25/3/2025.
2. Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.