TS. Vũ Thị Thu Hằng
Trường Đại học Lao dộng – Xã hội
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, việc xây dựng chính phủ điện tử, phát triển dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp là yêu cầu khách quan và ngày càng trở nên cấp thiết. Việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho các doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều rào cản từ hạ tầng công nghệ, chất lượng dịch vụ, đến mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp… Bài viết phân tích thực trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, những lợi ích thiết thực của dịch vụ công trực tuyến đối với doanh nghiệp, chỉ ra một số hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này.
Từ khóa: Dịch vụ công trực tuyến; chính phủ điện tử; chuyển đổi số; thủ tục hành chính; doanh nghiệp.
1. Cơ sở lý luận về dịch vụ công trực tuyến
Giải thích thuật ngữ quy định về việc cung cấp thông tin và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/7/2009 nêu rõ: “Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng”; khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến được chia làm 4 mức độ, mỗi mức độ có sự mở rộng và nâng cấp cao hơn và bao gồm các dịch vụ cung cấp khác nhau. Bao gồm:
(1) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
(2) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2 thì người dân, doanh nghiệp đến trực tiếp cơ quan nhà nước lần 1 để nộp hồ sơ, lần 2 để nhận kết quả.
(3) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Với dịch vụ công mức độ này thì người dân và doanh nghiệp khai báo và nộp hồ sơ qua mạng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, sau đó đến 01 lần duy nhất để nhận kết quả và thanh toán lệ phí (nếu có).
(4) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Với dịch vụ công mức độ 4 thì người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng (tương tự như dịch vụ công mức độ 3), thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến đặc biệt là không phải đến để lấy kết quả tại cơ quan Nhà nước mà trả kết quả tại nhà theo địa chỉ đăng ký.
Từ ngày 15/8/2022, tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 2 mức độ như sau: (1) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. (2) Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện của dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
Các đối tượng thụ hưởng khi Nhà nước cung cấp dịch vụ công có thể là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực, như: đăng ký kinh doanh và cấp phép hoạt động; kê khai, nộp thuế điện tử, thủ tục hải quan; thực hiện đấu thầu; đăng ký sở hữu trí tuệ; nộp hồ sơ và tra cứu thông tin bảo hiểm xã hội cho người lao động; làm các thủ tục liên quan đến môi trường, xây dựng và quy hoạch…
2. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp có thể thực hiện được các giao dịch điện tử ở mọi lúc mọi nơi, dễ dàng và thuận tiện. Các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về thời gian nộp hồ sơ không phụ thuộc vào giờ hành chính của cơ quan có thẩm quyền và theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến hoặc qua tin nhắn, điện thoại, địa chỉ email. Đặc biệt, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và chi phí văn phòng phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tránh được những chi phí do tình trạng quan liêu, nhận hối lộ từ một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất.
Đối với Nhà nước, thực hiện dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý như: giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước; tăng tính minh bạch, tính hiệu quả trong giải quyết công vụ của các cơ quan cung cấp dịch vụ; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức; tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền khi giải quyết thủ tục hồ sơ cho doanh nghiệp. Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, việc thanh toán trực tuyến là một trong những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ với việc tăng tính minh bạch trong thu ngân sách.
3. Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp ở Việt Nam
Trước hết, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa đã được triển khai tích cực. Từ ngày 09/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc giachính thức được đưa vào vận hành và sử dụng tại địa chỉ trang web là https://dichvucong.gov.vn, đánh dấu việc đổi mới đưa công nghệ vào quản lý, hỗ trợ thực hiện các giấy tờ thủ tục hành chính công. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, cổng dịch vụ công là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính công. Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024; Chính phủ đã ban hành các nghị định quan trọng, như: Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; các Bộ, ngành đã ban hành các thông tư theo thẩm quyền.
Đến nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính, đã cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4% (tăng 23% so với năm 2023), của địa phương đạt 64,3% (tăng 35% so năm 2023). 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến (https://baochinhphu.vn, 2024).
Đơn cử trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục hải quan đã triển khai thủ tục mới trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a và tích cực triển khai cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại nhờ hải quan số. Việt Nam cũng đang triển khai kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN với 8 nước thành viên ASEAN; tạo tiền đề để tiếp tục kết nối với Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand. Cơ chế một cửa quốc gia đã cung cấp 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của trên 70.000 doanh nghiệp; hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan (https://mod.gov.vn/vn, 2024).
Mặt khác, hạ tầng số, thiết bị công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng để trao đổi và chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% vào tháng 8/2024 (https://mod.gov.vn/vn, 2024). Từ Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2024 được Liên hiệp quốc công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022 (vị trí 86). Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức “rất cao” và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ năm 2003, khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI (https://vneconomy.vn, 2024).
4. Một số hạn chế, bất cập
Tuy đạt được những bước tiến quan trọng trong cải cách dịch vụ công trực tuyến đối với doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở cả ba phương diện: chất lượng dịch vụ công trực tuyến, kỹ thuật và con người. Cụ thể như sau:
(1) Chất lượng dịch vụ chưa tối ưu, chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp toàn trình.
Nhiều dịch vụ công trực tuyến có giao diện phức tạp và trải nghiệm người dùng chưa thân thiện. khó sử dụng. Các biểu mẫu điện tử đôi khi thiếu hướng dẫn chi tiết dẫn đến khó khăn khi nhập liệu. Tỷ lệ hồ sơ bị từ chối cao do sai sót hoặc thiếu giấy tờ. Nhiều trường hợp, thời gian xử lý hồ sơ vẫn kéo dài do hệ thống chưa tự động hóa hoàn toàn hoặc cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu xác minh thêm bằng phương thức thủ công. Khi gặp trở ngại thì các doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan nhà nước do hệ thống tổng đài hỗ trợ đôi khi quá tải, hoặc thời gian phản hồi chậm.
(2) Cơ sở vật chất phục vụ cho cung ứng dịch vụ công trực tuyến chưa được đầu tư đồng bộ.
Các vấn đề thuộc nhóm kỹ thuật bao gồm cổng dịch vụ công bị lỗi; việc nộp, cập nhật, bổ sung, theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất tiện; không thể thanh toán trực tuyến; chữ ký số không được duyệt. Một rào cản khác nữa là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin giữa các địa phương. Trong khi một số tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin khiến doanh nghiệp tại các khu vực này chưa thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ công số hóa. Bên cạnh đó, tình hình hoạt động tấn công mạng tăng mạnh, nhiều hệ thống thông tin đã được triển khai nhưng chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Yếu tố bảo mật thông tin cũng đang là vấn đề lớn dẫn đến sự e ngại của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
(3) Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.
Hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp được quyết định từ hai phía cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Về phía cơ quan nhà nước, thực tế cho thấy, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị, nên chưa bảo đảm cung ứng đầy đủ dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, một lượng cán bộ có thái độ làm việc không tích cực, chẳng hạn khi trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp chỉ với lý do chung chung như chưa thỏa đáng mà không giải thích, hướng dẫn khi hồ sơ bị sai… Mặt khác, công tác truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin chưa được triển khai mạnh mẽ.
(4) Doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích, thiếu kỹ năng ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thiếu hiểu biết về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ít doanh nghiệp vẫn quen với cách làm việc truyền thống và e ngại chuyển đổi sang quy trình số hóa do lo lắng về tính ổn định và sự phức tạp trong thao tác thực hiện. Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực truyền thống như sản xuất, xây dựng, việc sử dụng các nền tảng dịch vụ công trực tuyến vẫn là một thách thức lớn. Họ thiếu nhân sự có kỹ năng số và chưa được đào tạo bài bản để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tiến hành năm 2023 khảo sát doanh nghiệp trong cả nước về tình hình ứng dụng thương mại điện tử và thu lại được trên 5.000 phiếu khảo sát hợp lệ để phục vụ cho hoạt động phân tích thống kê đưa ra trong Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2024. Doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân làm ba nhóm chính: doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm đa số với 88% trong tổng số doanh nghiệp được tham gia khảo sát. Theo khảo sát này, về việc xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước, có 36% trong các doanh nghiệp được khảo sát thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước, 60% doanh nghiệp thỉnh thoảng tra cứu thông tin và vẫn có 4% doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu các thông tin này. Nhìn chung qua các năm tỷ lệ này không có nhiều thay đổi. Nhóm doanh nghiệp lớn có mức độ thường xuyên tra cứu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước cao hơn hẳn so với nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (56% doanh nghiệp lớn thường xuyên tra cứu thông tin trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 33%) (Vecom, 2024).

Về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, trong số các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp thì khai báo thuế điện tử được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất (84% có sử dụng), tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh (68% có sử dụng). Các dịch vụ khác vẫn có mức sử dụng rất thấp. Nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là 95% và cao hơn một chút so với tỷ lệ 93% sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (Vecom, 2024).
5. Giải pháp
Để dịch vụ công trực tuyến phát triển theo chiều sâu trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ toàn trình, cần tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, đơn giản hóa tối đa các thủ tục. Rà soát, kịp thời cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục có liên quan đến giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan…; sửa đổi những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phát hiện khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Cùng với đó, Chính phủ cần tăng cường đàm phán với các đối tác thương mại của Việt Nam để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn; công nhận lẫn nhau đối với dữ liệu/chứng từ thương mại, chứng từ hành chính điện tử… nhằm thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực phục vụ cho dịch vụ công trực tuyến hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, cải thiện chất lượng dịch vụ và khả năng tương thích của dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến cần được cải tiến giao diện, dễ sử dụng, tương thích với các hệ thống mà doanh nghiệp đang sử dụng. Dịch vụ công trực tuyến cần đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và tăng cường tính minh bạch, thuận lợi, đơn giản trong quy trình xử lý; thúc đẩy thanh toán điện tử, hồ sơ số hóa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Đồng thời, các dịch vụ công trực tuyến cần được liên kết đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, giúp doanh nghiệp không phải thực hiện lại các thủ tục hành chính khi thay đổi cơ quan hoặc lĩnh vực liên quan.
Thứ ba, đầu tư cho cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tập trung kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu, có các giải pháp đầu tư về nền tảng công nghệ, bảo mật dữ liệu, thực hiện các thủ tục số hóa liên quan đến hải quan; kiểm soát chặt chẽ thu thuế, hoàn thuế trên môi trường số… Áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm lệ phí, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn miễn phí.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp: cần đào tạo đội ngũ nhân viên có kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm các kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và quản lý hồ sơ điện tử. Tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các khóa học trực tuyến về sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến; có các chương trình tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp để liên tục cải thiện các quy định.
Thứ năm, thực hiện thanh tra, kiểm tra tạo môi trường công khai, minh bạch. Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cần kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, công chức viên chức có hành vi tiêu cực hoặc làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ, yêu cầu không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số.
6. Kết luận
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển chính phủ số toàn diện, với sự tích hợp chặt chẽ giữa các hệ thống dữ liệu và dịch vụ công, mang lại lợi ích tối đa và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong môi trường số hóa. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ mới. Với những giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2011). Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
2. Chính phủ (2022). Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam-Vecom (2024). Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam hướng tới xuất khẩu trực tuyến.
4. VCCI và Lazada (2023). Báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững – Động lực thúc đẩy nền kinh tế số.
5. Thủ tướng chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-chuyen-de-nang-cao-hieu-qua-cung-cap-va-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-102240901082922917.htm
6. Triển khai dịch vụ công trực tuyến chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu. https://www.mod.gov.vn/vn/chi-tiet/sa-ttsk/sa-tt-qpan/trien-khai-dich-vu-cong-truc-tuyen-chuyen-sang-giai-doan-phat-trien-theo-chieu-sau
7. Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, thứ 71 thế giới, thứ 5 trong ASEAN. https://vneconomy.vn/viet-nam-tang-15-bac-ve-xep-hang-chinh-phu-dien-tu-thu-71-the-gioi-thu-5-trong-asean.htm
8. Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến của cơ quan quản lý nhà nước. https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-day-manh-dich-vu-cong-truc-tuyen-cua-co-quan-quan-ly-nha-nuoc.html