Các yếu tố ảnh hưởng công tác tư tưởng của đảng bộ các tỉnh khu vực Tây Bắc 

ThS Lê Chí Công
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tư tưởng là một bộ phận quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, có vai trò quyết định trong việc định hướng nhận thức, xây dựng niềm tin, củng cố đoàn kết nội bộ và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tâm lý xã hội thì công tác tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ khóa: Công tác tư tưởng; yếu tố ảnh hưởng; Đảng bộ; khu vực Tây Bắc.

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác tư tưởng của Đảng

a. Về nhóm yếu tố khách quan

Khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, ĐIện Biên, Lai Châu. Mỗi tỉnh có đặc điểm kinh tế – xã hội khác nhau, tác động đến cách thức triển khai công tác tư tưởng. Các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác tư tưởng.

Ở vùng Tây Bắc có điều kiện kinh tế phát triển tốt, công tác tư tưởng có thể triển khai mạnh mẽ nhờ vào hệ thống truyền thông hiện đại, đời sống người dân ổn định. Ngược lại, ở những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, dễ bị tác động bởi những luận điệu xuyên tạc, gây mất ổn định chính trị – xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, các vấn đề, như: xung đột khu vực, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và xu hướng phi truyền thống trong chính trị – tư tưởng đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác tư tưởng của Đảng nói chung và của các tỉnh Tây Bắc nói riêng.

Các yếu tố như đô thị hóa, công nghiệp hóa, phân hóa giàu nghèo, biến động lao động nhập cư… đã tạo ra những tác động nhiều chiều, ảnh hưởng đến công tác tư tưởng. Nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ dẫn đến tâm lý dao động, suy giảm niềm tin, nảy sinh tư tưởng tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân các tỉnh Tây Bắc. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã tạo ra những cơ hội và thách thức lớn đối với công tác tư tưởng. Trong thời đại số, thông tin được lan truyền nhanh chóng, khó kiểm soát, làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của người dân. Mặt tích cực, mạng xã hội là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp mở rộng kênh tiếp cận thông tin chính thống. Tuy nhiên, mặt tiêu cực lại là sự lan tràn của các thông tin xấu, độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, kích động chống phá, gây hoang mang dư luận. 

Bên cạnh đó, sự tác động của các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng và Nhà nước, trong đó mặt trận tư tưởng là một trong những lĩnh vực bị tấn công mạnh nhất. Các thủ đoạn của chúng chủ yếu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, kích động tư tưởng chia rẽ nội bộ, tạo tâm lý hoang mang, kích động chống đối trong Nhân dân. Đặc biệt, khu vực Tây Bắc có đặc thù đa dân tộc, tôn giáo, dễ bị các thế lực phản động lợi dụng để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, gây bất ổn chính trị. Công tác tư tưởng của Đảng bộ phải chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, nâng cao khả năng đề kháng trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Hội nhập quốc tế mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng kéo theo sự du nhập của các hệ tư tưởng, trào lưu chính trị – văn hóa khác nhau, dẫn đến sự phân hóa tư tưởng trong xã hội. Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, dễ bị ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây, có xu hướng xa rời hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Do đó, Đảng bộ luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường giáo dục chính trị – tư tưởng, định hướng tư duy cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về hội nhập, tiếp thu có chọn lọc, không để các giá trị ngoại lai tác động tiêu cực đến nhận thức chính trị – xã hội.

b. Về nhóm yếu tố chủ quan

Nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên đóng vai trò cốt lõi trong việc lan tỏa tư tưởng chính trị, định hướng dư luận xã hội và củng cố niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đến nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ khu vực Tây Bắc.

Công tác tư tưởng của Đảng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào phương thức tuyên truyền và giáo dục chính trị – tư tưởng. Khi phương thức tuyên truyền sinh động, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau, nội dung công tác tư tưởng sẽ được tiếp thu một cách chủ động, tích cực, góp phần hình thành nhận thức chính trị đúng đắn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thiểu số. Việc lựa chọn phương tiện truyền tải cũng là yếu tố quan trọng, vì trong thời đại công nghệ số, việc tận dụng các nền tảng truyền thông hiện đại sẽ giúp công tác tư tưởng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Công tác tư tưởng của Đảng bộ không thể tách rời khỏi hệ thống thiết chế tư tưởng và cơ sở hạ tầng tuyên truyền. Hệ thống này bao gồm các ban tuyên giáo, các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống giáo dục chính trị, các thiết chế văn hóa… có chức năng thực hiện nhiệm vụ truyền tải tư tưởng chính trị của Đảng đến các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Nếu hệ thống này vận hành đồng bộ, có sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, thì công tác tư tưởng sẽ được triển khai thống nhất, hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu giữa các thiết chế có sự rời rạc, thiếu gắn kết hoặc chưa được đầu tư đúng mức, công tác tư tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn, nội dung tuyên truyền không đồng nhất, dẫn đến sự gián đoạn trong việc quán triệt và phổ biến chủ trương, chính sách.

Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng có vai trò then chốt trong việc triển khai các nội dung tư tưởng chính trị của Đảng tại địa phương; quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng. Bằng các kỹ năng truyền đạt, phân tích, phản biện và xử lý thông tin nhanh nhạy, linh hoạt trong phương pháp truyền đạt, đội ngũ cán bộ này sẽ giúp định hướng tư tưởng một cách hiệu quả, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, cán bộ làm công tác tư tưởng cần có kỹ năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để mở rộng phạm vi và tăng cường hiệu quả tuyên truyền.

Công tác tư tưởng không chỉ là nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể, báo chí, truyền thông nhằm đưa nội dung tư tưởng chính trị của Đảng đến từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội.

Khi sự phối hợp này chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đồng bộ, công tác tư tưởng sẽ được triển khai toàn diện, đi vào thực tiễn, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Hệ thống báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc truyền tải kịp thời các thông tin chính thống, phản bác các luận điệu sai trái, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, nếu công tác phối hợp còn rời rạc, chưa đồng bộ; hệ thống truyền thông chưa phát huy hết vai trò, dẫn đến việc công tác tư tưởng triển khai thiếu hiệu quả, nội dung tuyên truyền bị phân tán, làm giảm sức ảnh hưởng đến nhận thức của quần chúng nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc.

2. Một số tiêu chí đánh giá công tác tư tưởng của đảng bộ các tỉnh khu vực Tây Bắc

Công tác tư tưởng của Đảng bộ cần được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Việc đánh giá một cách toàn diện dựa trên nhiều tiêu chí sẽ giúp các Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc định hướng chính sách đúng đắn, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của nhân dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, các tiêu chí đánh giá công tác tư tưởng của các Đảng bộ khu vực Tây Bắc có thể được nhìn nhận ở các góc độ sau:

Tiêu chí 1: Mức độ quán triệt và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư tưởng.

Nội dung của tiêu chí này bao gồm việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng tại các địa phương vùng Tây Bắc. Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc có trách nhiệm tổ chức các hội nghị, lớp bồi dưỡng chính trị để truyền đạt nội dung cốt lõi của các chủ trương, đường lối, giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ và thực hiện thống nhất.

Để đánh giá các tiêu chí có thể xem xét số lượng, chất lượng các đợt học tập, quán triệt nghị quyết; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập; mức độ chuyển hóa các nội dung nghị quyết vào thực tiễn công tác và sinh hoạt chính trị. Ngoài ra, các báo cáo tổng kết, đánh giá của các cấp ủy đảng trên địa bàn vùng Tây Bắc cũng là cơ sở quan trọng để xác định mức độ triển khai hiệu quả.

Tiêu chí 2: Chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị – tư tưởng.

Tiêu chí này thể hiện qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung chính trị – tư tưởng đến các đối tượng khác nhau trong xã hội, bao gồm: cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và người dân vùng Tây Bắc. Công tác tuyên truyền cần bảo đảm tính kịp thời, đúng định hướng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, có sức lan tỏa trong xã hội.

Để đánh giá, có thể xem xét các phương tiện, kênh tuyên truyền được sử dụng như báo chí, truyền hình, internet, hội nghị trực tiếp; số lượng và chất lượng nội dung tuyên truyền; mức độ tiếp cận của công chúng; phản hồi của người dân về công tác tuyên truyền. Việc ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội vào công tác tư tưởng cũng là một tiêu chí quan trọng phản ánh sự đổi mới trong phương thức truyền tải tư tưởng.

Tiêu chí 3: Hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị và bồi dưỡng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên các tỉnh vùng Tây Bắc.

Công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức, củng cố bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn vùng Tây Bắc, giúp họ có đủ khả năng tiếp thu, vận dụng sáng tạo tư tưởng chính trị của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống. Tiêu chí này có thể được đánh giá qua số lượng, chất lượng các khóa đào tạo lý luận chính trị; mức độ tham gia và kết quả học tập của cán bộ, đảng viên; mức độ vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác. Ngoài ra, có thể đánh giá tỷ lệ cán bộ, đảng viên được đào tạo lý luận chính trị so với yêu cầu; mức độ thường xuyên của các hoạt động sinh hoạt chính trị, học tập chuyên đề.

Tiêu chí 4: Mức độ thống nhất tư tưởng trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận của người dân.

Công tác tư tưởng có hiệu quả khi bảo đảm sự thống nhất cao trong tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, không có biểu hiện dao động, suy thoái tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng. Tiêu chí có thể được đánh giá thông qua kết quả điều tra dư luận xã hội về mức độ tin tưởng của người dân vào Đảng và Nhà nước; mức độ đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân đối với các chủ trương chính trị quan trọng; các biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng trong Đảng. Các báo cáo của cơ quan chức năng về tình hình tư tưởng, diễn biến dư luận xã hội, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bất đồng tư tưởng cũng là cơ sở để đánh giá tiêu chí này.

Tiêu chí 5: Khả năng phản bác, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Công tác tư tưởng không chỉ bao gồm việc tuyên truyền, giáo dục mà còn phải chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để đánh giá tiêu chí này, có thể xem xét số lượng, chất lượng các bài viết, tài liệu phản bác quan điểm sai trái, số lượng thông tin xấu độc được xử lý trên không gian mạng; mức độ tham gia của các lực lượng đấu tranh tư tưởng; kết quả công tác bảo vệ tư tưởng chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Ngoài ra, hiệu quả của các tổ chức bảo vệ tư tưởng như lực lượng dư luận viên, nhóm chuyên trách phản bác thông tin sai lệch cũng là một yếu tố quan trọng.

Tiêu chí 6: Tác động của công tác tư tưởng đến thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc.

Công tác tư tưởng không chỉ có tác dụng về mặt nhận thức mà còn phải góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định chính trị, an ninh trật tự. Tiêu chí được đánh giá qua mức độ tham gia của người dân vào các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội; mức độ ảnh hưởng của công tác tư tưởng đến tinh thần lao động, sản xuất của nhân dân; tác động đến cải thiện an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trên địa bàn vùng Tây Bắc.

Tiêu chí 7: Mức độ phối hợp giữa công tác tư tưởng với các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống báo chí, truyền thông.

Công tác tư tưởng không thể thực hiện hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống báo chí, truyền thông. Tiêu chí này xem xét sự liên kết giữa các cơ quan làm công tác tư tưởng, sự phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục chính trị; mức độ tham gia của các tổ chức vào hoạt động tư tưởng; tầm ảnh hưởng của báo chí, truyền thông trong việc lan tỏa tư tưởng chính trị. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, công tác tư tưởng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tác động rộng rãi đến nhiều tầng lớp nhân dân.

Việc đánh giá chính xác công tác tư tưởng theo các tiêu chí trên sẽ giúp Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc có cách nhìn toàn diện về hiệu quả triển khai, nhận diện được những mặt còn hạn chế để kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong giai đoạn mới.

3. Kết luận và đề xuất một số giải pháp

Công tác tư tưởng của đảng bộ các tỉnh khu vực Tây Bắc là một bộ phận quan trọng trong hệ thống công tác tư tưởng của Đảng, giữ vai trò then chốt trong việc định hướng nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương. Với đặc thù là khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa và dân cư đa dạng, công tác tư tưởng tại đây đòi hỏi phải có nền tảng lý luận vững chắc, vận dụng linh hoạt những nguyên lý tư tưởng của Đảng vào thực tiễn địa phương để bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với bối cảnh phát triển của vùng. 

Về mặt lý luận, công tác tư tưởng được xác định là một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, bao gồm các nội dung cốt lõi, như: giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh chống quan điểm sai trái và xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng và xã hội. Đối với khu vực Tây Bắc, công tác tư tưởng không chỉ dừng lại ở việc truyền bá hệ tư tưởng chính trị mà còn cần phải chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, để tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, công tác tư tưởng của Đảng bộ khu vực Tây Bắc cần chủ động nâng cao năng lực đấu tranh trên không gian mạng, tận dụng công nghệ để thực hiện tuyên truyền, phản bác kịp thời các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Qua nghiên cứu về công tác tư tưởng của Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc cũng cho thấy rằng, các yếu tố khách quan và chủ quan có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng. Các yếu tố khách quan như bối cảnh chính trị – kinh tế, tác động của công nghệ thông tin, đặc điểm dân cư – xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch đòi hỏi công tác tư tưởng phải có sự chủ động, linh hoạt và đổi mới không ngừng. Trong khi đó, các yếu tố chủ quan như nhận thức của cán bộ, đảng viên, phương thức tuyên truyền, hệ thống thiết chế tư tưởng, chất lượng đội ngũ cán bộ và sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị – xã hội đóng vai trò quyết định đến mức độ thành công của công tác tư tưởng tại địa phương.

Việc đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ các tỉnh Tây Bắc cần dựa trên các tiêu chí cụ thể, bao gồm mức độ quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chất lượng tuyên truyền, giáo dục chính trị – tư tưởng; sự thống nhất tư tưởng trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận của nhân dân; hiệu quả của công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; tác động của công tác tư tưởng đến phát triển kinh tế – xã hội; và mức độ phối hợp giữa công tác tư tưởng với các tổ chức chính trị – xã hội, hệ thống báo chí, truyền thông. Những tiêu chí này giúp Đảng bộ có cơ sở khoa học để đánh giá khách quan và điều chỉnh công tác tư tưởng một cách phù hợp với thực tiễn.

Nhìn chung, nghiên cứu cơ sở lý luận về công tác tư tưởng của Đảng bộ các tỉnh khu vực Tây Bắc không chỉ giúp làm rõ vai trò, nội dung, phương thức triển khai công tác tư tưởng trong điều kiện cụ thể của vùng mà còn đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong bối cảnh mới. Để công tác tư tưởng thực sự trở thành công cụ sắc bén trong lãnh đạo chính trị của Đảng tại khu vực Tây Bắc, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư tưởng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào tuyên truyền, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí, truyền thông trong công tác tư tưởng.

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, bài viết góp phần là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai các nghiên cứu thực tiễn về công tác tư tưởng tại các tỉnh Tây Bắc, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tư tưởng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực Tây Bắc trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2000). 70 năm công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng. Truyền thống vẻ vang, trách nhiệm to lớn. H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Trường Chinh (1962). Công tác tư tưởng của Đảng. H. NXB Sự thật.
3. Đại từ điển Tiếng Việt (1998). H. NXB Văn hóa – Thông tin, tr. 1.757.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X. H. NXB Chính trị quốc gia.
5. Nguyễn Thị Thu Hà (2022). Đổi mới công tác dân vận ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ Chính trị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 233 – 234.
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2016). Giáo trình cao cấp. H. NXB Chính trị quốc gia.
8. C. Mác (1971). Góp phần phê phán chính trị kinh tế học. H. NXB Sự thật, tr. 78.
9. Đào Duy Quát (2024). Công tác tư tưởng và những vấn đề đặt ra với công tác tư tưởng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
10. Phạm Minh Thế (2021). Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở vùng Tây Bắc (2001 -2021). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
11. Nguyễn Phú Trọng (2023). Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
12. Nguyễn Phú Trọng (2023). Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
13. Đào Duy Tùng (1999). Một số vấn đề về công tác tư tưởng. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 7 – 8.