ThS. Đào Thu Hà
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, như: truyền thống yêu nước; tinh thần đoàn kết dân tộc và cố kết cộng đồng; tinh thần hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động; tinh thần nhân nghĩa, khoan dung… Trong bối cảnh hội nhập, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cần phải được bảo tồn và phát huy để phát triển văn hóa đất nước. Bài viết giới thiệu một số nội dung, cách thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong thời kỳ hội nhập nhằm phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao vị thế của nước nhà trên thế giới.
Từ khóa: Việt Nam, giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy, nội dung và cách thức.
1. Đặt vấn đề
Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế đã và đang diễn ra trên toàn cầu, đem lại cả thời cơ và những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là đánh mất giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập. Gìn giữ giá trị dân tộc, bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống góp phần nâng cao nét đẹp tinh hoa của dân tộc và sự khác biệt với các quốc gia khác. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp phát triển nền văn hóa, xây dựng đất nước theo hướng ổn định và bền vững, từ đó nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
2. Những nội dung cơ bản của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam
Giá trị văn hóa truyền thống là những giá trị cốt lõi, tinh túy được lưu truyền qua các thế hệ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Giá trị văn hóa truyền thống là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần đã được tập thể nhân dân sáng tạo, phát triển, khẳng định và chuyển giao qua các thế hệ nhằm hướng dẫn, điều chỉnh quá trình nhận thức và hành động thực tiễn theo hướng tích cực hơn.
Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam là những giá trị thể hiện những mặt tích cực và tinh hoa của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử nước nhà. Đây chính là những giá trị vô cùng quý giá của Việt Nam, là dấu ấn, là bản chất của dân tộc ta được xây dựng suốt bốn ngàn năm lịch sử. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta là những giá trị cốt lõi, gồm: lòng yêu nước – sợi chỉ đỏ xuyên suốt của dân tộc Việt Nam; tinh thần đoàn kết dân tộc và cố kết cộng đồng; truyền thống cần cù, hiếu học và sáng tạo của Nhân dân ta; tinh thần nhân nghĩa, khoan dung. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nếu đánh mất đi giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chẳng khác nào đánh mất chính mình, dân tộc đó sớm hay muộn cũng sẽ bị hòa tan với các quốc gia khác. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc là trên hết.
Thứ nhất, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước – sợi chỉ đỏ xuyên suốt của dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy, yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đã là người dân Việt Nam thì luôn mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước. Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là giá trị cơ bản nhất và được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Đúng như tác giả Vũ Khiêu đã khẳng định trong tác phẩm “Đạo đức mới”, truyền thống yêu nước chính là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta”1.
Trong thời kỳ chiến tranh, truyền thống yêu nước được thể hiện ở những trang sử hào hùng của dân tộc, những tháng năm đấu tranh, đánh đuổi quân xâm lược phía Bắc, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đã từ lâu, người dân Việt Nam được biết đến với tinh thần yêu nước nồng nàn “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đúng như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946). Đó là hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, là hình ảnh những người lính cụ Hồ với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của Nhà thơ Tố Hữu (năm 1970).
Trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, truyền thống yêu nước ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Yêu nước không chỉ là đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ biên giới quốc gia và chủ quyền đất nước, yêu nước còn là xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả lao động; nâng cao địa vị nước nhà để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” giống như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống yêu nước đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, kết nối những trang vàng lịch sử của nước nhà, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Như vậy, bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước đã trở thành sức mạnh tinh thần giúp Việt Nam vượt qua muôn vàn gian khổ để từng bước vươn lên, chuyển mình và đạt những thành tựu đáng tự hào trong thời kỳ hội nhập. Đây chính là giá trị bền vững, cốt lõi trong văn hóa truyền thống dân tộc cần được phát huy.
Thứ hai, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng tạo sức mạnh to lớn trong thời kỳ hội nhập.
Tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức cố kết cộng đồng của Nhân dân Việt Nam là truyền thống rất quan trọng, cần được bảo tồn và phát huy trong thời kỳ hiện nay. Đúng như khẳng định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò của tinh thần đoàn kết: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”2. Chính nhờ tinh thần đoàn kết, ý thức cố kết cộng đồng mà toàn thể dân tộc Việt Nam đã tạo nên sức mạnh hào hùng, đánh đuổi quân xâm lược với những chiến thắng vang dội, như: Cách mạng tháng Tám (năm 1945), Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi, Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975) đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là minh chứng tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết của dân tộc và từng bước gặt hái những thành công trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ chiến tranh, truyền thống đoàn kếtđã giúp dân tộc ta chiến thắng các kẻ thù ngoại xâm; đến nay, tinh thần đó được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đề cao vai trò của truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong Đại hội X (năm 2006), Đảng ta nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc cần lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc”3.
Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới”4. Kế thừa tinh thần đó, Đại hội XIII (năm 2021) Đảng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”5. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ ba, bảo tồn và phát huy truyền thống cần cù, hiếu học và sáng tạo trong lao động của dân tộc.
Cùng với tinh thần đoàn kết, truyền thống hiếu học, lao động cần cù và sáng tạolà những giá trị tiêu biểu của văn hóa nước ta. Có thể thấy, học tập và lao động chăm chỉ phải có phương pháp, kiên trì và sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ với thế hệ trẻ về vai trò của việc học tập rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”6.
Ngày nay, bảo tồn và phát huy truyền thống cần học, hiếu học và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam phát triển khoa học, công nghệ, rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển trên thế giới. Nhấn mạnh về vai trò của giáo dục, đào tạo, đổi mới và sáng tạo đối với sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta xác định: “Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh”7.
Có bảo tồn và phát huy được tinh thần cần cù, hiếu học và sáng tạo mới giúp Việt Nam nâng cao trình độ khoa học – kỹ thuật, phát triển ổn định kinh tế – xã hội, văn hóa. Ngày nay, khi mà máy móc dần thay thế cho con người thì tri thức là yếu tố quan trọng giúp nước ta phát triển trong tương lai. Việt Nam đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình này đã tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức không nhỏ cho nước ta.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (Al) với sự vượt trội đáng kinh ngạc có thể thay thế trí tuệ của con người thì tinh thần chăm chỉ, sáng tạo trong học tập và lao động lại càng cần được phát huy hơn nữa. Để có thể rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển, để có thể vươn mình trong kỷ nguyên mới thì chúng ta cần nỗ lực tiếp thu những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, như: trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big data), vạn vật kết nối (Internet of things),… đồng thời, tạo ra những thành tựu mới trong các lĩnh vực. Như vậy, bảo tồn và phát huy tinh thần cần cù, hiếu học và sáng tạo để phát triển nước nhà, từng bước gặt hái những thành tựu trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Thứ tư, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của Nhân dân.
Truyền thống nhân nghĩa là tinh thần đáng quý của dân tộc từ bao đời nay. Nhân nghĩa có nghĩa là yêu thương con người. Ông cha ta từ xưa đến nay luôn răn dạy: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Những bài học đó luôn được ghi nhớ trong mỗi người dân Việt Nam và trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhân dân luôn được biết đến với hình ảnh thân thiện, hiếu khách, yêu thương đồng bào và yêu thương nhân loại. Tình yêu thương này đã giúp đánh đuổi được quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập, tinh thần nhân nghĩa không chỉ là yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia với người dân trong nước mà còn là yêu thương cả những người dân cần lao trên thế giới, hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ấm no và hạnh phúc. trong đại dịch Covid-19, Việt Nam không ngại chia sẻ khó khăn với các quốc gia trên thế giới, tích cực tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, ủng hộ Nhân dân trên thế giới khắc phục hậu quả động đất, sóng thần, siêu bão, trợ giúp cho Nhân dân Cu Ba,… là những nghĩa cử cao đẹp của Nhân dân Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc.
Ngày nay, bước vào kỷ nguyên mới, có thể khẳng định giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cần phải được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, với quốc gia có nền kinh tế đang trên đà phát triển như Việt Nam, để phát triển ổn định và bền vững thì việc bảo tồn và phát triển văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
3. Một số cách thức cơ bản bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam
Một là, loại bỏ cái cũ, cái lỗi thời không còn phù hợp, đồng thời bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống được xã hội công nhận.
Bảo tồn không phải là giữ lại tất cả những truyền thống của dân tộc mà cần lựa chọn những mặt tích cực, mặt tốt, giá trị để bảo tồn và phát huy, như: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, cần cù, hiếu học, sáng tạo, lối sống tình nghĩa, yêu thương con người… Những truyền thống đã lỗi thời, tư tưởng lạc hậu không còn phù hợp với thời đại ngày nay cần phải loại bỏ. như: “Phép vua thua lệ làng”, “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, lối sống tự cấp tự túc, hay những hủ tục lạc hậu khác… Trong số những giá trị văn hóa cần bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục duy trì cũng cần thay đổi và mở rộng nội dung trong kỷ nguyên mới. Trong thời kỳ chiến tranh, yêu nước là đấu tranh giữ vững độc lập dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm. Ngày nay, yêu nước còn là phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, sẵn sàng mở rộng quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới nhưng vẫn giữ nguyên mục tiêu: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng biết điều chỉnh, chọn lựa, biến đổi để phù hợp với giá trị truyền thống của dân tộc.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam không phải là loại bỏ các yếu tố quốc tế. Đúng như tác giả Phan Ngọc đã khẳng định: “Duy trì bản sắc văn hóa không có nghĩa là đóng cửa lại, chỉ chấp nhận một cách giải thích, chỉ chấp nhận một quyển sách, dù đó là thánh kinh mà phải thích ứng với mọi sự thay đổi”8. Để phát triển nền văn hóa dân tộc, cần tạo điều kiện để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được giao lưu, tiếp biến với văn hóa bên ngoài, qua đó làm phong phú hơn cho nền văn hóa nước nhà.
Trên thực tế, có hai kiểu tiếp biến văn hóa: (1) Kiểu tiếp biến tiêu cực, du nhập cả những mặt trái văn hóa của nước khác như tư duy ích kỷ, hẹp hòi, thói bàng quan trước xã hội; (2) Kiểu tiếp biến tích cực, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nước ngoài trong khi vẫn giữ vững truyền thống quý báu của dân tộc, là những tiếp xúc tích cực, làm đa dạng và phong phú giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ba là, Nhân dân là chủ thể tích cực của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Quần chúng nhân dân là lực lượng quan trọng trong sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II ngày 11/02/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”9. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Nhân dân Việt Nam đang phát huy vai trò tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ tâm huyết của Nhân dân, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được hồi sinh và tỏa sáng, trở thành giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc ta.
Bốn là, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến các quốc gia khác mà vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị truyền thống văn hóa của nước nhà.
Ngày nay, Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập quốc tế cùng với Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành sức mạnh thu hút các nguồn lực từ các quốc gia trong khu vực và thế giới, “đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới” là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách truyền thông một cách khoa học thông qua các hoạt động, như: truyền thông báo chí, các chương trình giao lưu văn hóa, du lịch… Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, giữ gìn những giá trị cốt lõi, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh hội nhập có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
4. Kết luận
Giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam cần được tiếp tục được phát triển trong điều kiện mới, đó là bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước; khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng; phát huy tinh thần hiếu học, cần cù, sáng tạo; tinh thần nhân nghĩa, khoan dung. Những giá trị truyền thống này đã và đang được bổ sung, biến đổi và ngày càng đa dạng hơn trong bối cảnh hội nhập để hội nhập kinh tế quốc tế mà vẫn giữ được văn hóa đặc sắc của dân tộc, phát triển kinh tế nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa, nét đặc sắc riêng của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.
Chú thích:
1. Vũ Khiêu (1974). Đạo đức mới. H. NXB Khoa học Xã hội, tr. 74.
2. Nguyễn Phú Trọng (2023). Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 15.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Tập 65. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 156.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 159.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 34.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 35.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 138.
8. Phan Ngọc (2002). Bản sắc văn hóa Việt Nam. H. NXB Văn hóa Thông tin, tr. 137.
9. Hồ Chí Minh toàn tập (1996). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 453.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Huy (2005). Văn hóa và phát triển. H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (2024). Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Tập 2. H. NXB Tri thức.
3. Phan Ngọc (2002). Bản sắc văn hóa Việt Nam. H. NXB Văn hóa Thông tin.
4. Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Khmer ở TP. Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế – xã hội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/20/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-khmer-o-tp-ho-chi-minh-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/, truy cập ngày 21/4/2025.
5. Giữ gìn văn hoá truyền thống trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/17/giu-gin-van-hoa-truyen-thong-trong-boi-canh-hoi-nhap-kinh-te-o-tp-ho-chi-minh-hien-nay/, truy cập ngày 21/4/2025.
6. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống ở Bắc Ninh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/21/phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-truyen-thong-o-bac-ninh, truy cập ngày 21/4/2025.
7. Quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. https://vietnamhoinhap.vn/vi/quang-ba-hinh-anh-dat-nuoc-con-nguoi-viet-nam-den-voi-cong-dong-quoc-te-50342.htm, truy cập ngày 21/4/2025.