TS. Trần Thị Thanh Huyền
Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Mahathir Mohamad là một chính trị gia và nguyên Thủ tướng của Malaysia. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir, Malaysia đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động và phát triển bậc nhất ở Đông Nam Á. Những nỗ lực của Mahathir đã để lại dấu ấn sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đất nước góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Malaysia sau này. Bài viết phân tích bối cảnh sắc tộc, tôn giáo cũng như cách giải quyết về vấn đề chính trị tại Kelantan dưới thời Thủ tướng Mahathir. Qua đó cho thấy bản lĩnh chính trị của Mahathir đối với sự phát triển của quốc gia này.
Từ khóa: Mahathir Mohamad; Malaysia; tộc người; tôn giáo; chính trị.
1. Đặt vấn đề
Malaysia là quốc gia có thành phần văn hóa đa chủng tộc, trong đó 55% dân số là người Malaysia và một số dân bản địa (Bumiputras); 34% là người Trung Hoa; 9% là người Ấn Độ; còn 22% thuộc các thành phần khác1. Do đặc điểm về bản sắc tộc người của Malaysia khá đa dạng và khác biệt cho nên sự thống nhất tộc người gặp không ít thách thức. Điều này đã gây ra nhiều cản trở đến việc xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ khi lên nắm quyền (năm 1981), Mahathir Mohamad – Thủ tướng Malaysia đã nhận , nếu muốn đấu tranh cho sự nghiệp và tương lai của quốc gia cần phải hiểu tường tận, sâu sắc về những tộc người ở bán đảo. Đồng thời, trong quá trình quản lý, Mahathir hiểu ra rằng bình đẳng tộc người, tôn giáo là điều kiện tiên quyết để hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.
Mahathir được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Malaysia hiện đại. Sự phát triển của Malaysia ngày nay mang dấu ấn không nhỏ trong thời gian ông đương chức. Vào tháng 4/2019, Mahathir được Tạp chí Time xếp hạng là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 20192 và tháng 5/2019, ông được xếp hạng thứ 47 trong danh sách 50 nhà lãnh đạo xuất sắc của Fortune Global 20193. Trong suốt 22 năm trên cương vị Thủ tướng của Malaysia và hơn 60 năm tham gia chính trường, Mahathir đã đưa đất nước từ một vùng đất thuộc địa lạc hậu thành một trong những con hổ của châu Á. Đó là lý do khi Mahathir từ chức vào năm 2003, ông đã được trao tặng danh hiệu danh dự của người Malaysia là “Tun” và được mệnh danh là Bapa Pemodenan “cha đẻ của Malaysia hiện đại”4.
Có thể nói, Mahathir đã kiến tạo một Malaysia thịnh vượng và ổn định về chính trị. Trọng tâm của thành tựu này là một nền kinh tế năng động và phát triển. Hơn nữa, ông đã giải quyết được vấn đề về sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt là những nhóm nhỏ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong nước bằng cách kết hợp giữa việc thu hút chính trị và sự cô lập trong bầu cử.
2. Sự phức tạp về tộc người ở Malaysia
Sau khi giành độc lập (năm 1957), Malaysia là nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, kinh tế phụ thuộc, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cao su và thiếc. Từ năm 1970 đến nay, kinh tế Malaysia phát triển nhanh chóng (ngoại trừ giai đoạn 1997 – 1998, khủng hoảng do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Á). Ngay từ khi độc lập, Malaysia đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, trong đó vấn đề sắc tộc là một trong những vấn đề vô cùng phức tạp. Sự tích hợp tộc người là một đặc điểm nổi bật của Malaysia. Chính phủ Mahathir ý thức được sức mạnh của sự thống nhất dân tộc như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Malaysia. Với sự cố gắng của chính quyền, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad, người dân Malaysia đã chấp nhận sự khác biệt giữa các tộc người, những phong tục tập quán của nền văn hóa bên ngoài và đã cùng nhau chung sống, cùng nhau chia sẻ sứ mệnh là công dân của Malaysia.
Tổ chức dân tộc thống nhất UMNO (tiếng Malay: Pertubuhan Kebangsaan Melayu Bersatu), là chính đảng lớn nhất của Malaysia dưới thời Mahathir đã tích cực đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng Malaysia trở thành quốc gia một dân tộc đa tôn giáo. Nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc mà UMNO đã nắm được quyền lãnh đạo đất nước và giành được sự ủng hộ của mọi thành phần tộc người ở Malaysia. UMNO dưới thời Mahathir cũng đã loại bỏ được những nguy cơ ly khai tiềm ẩn về tôn giáo, chính trị bằng cách tạo ra cộng đồng dân cư ủng hộ UMNO dưới chính sách nhập cư mở cửa cuối những năm 80 thế kỷ XX. Vị thế dân tộc mà Malaysia đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua là kết quả của một kế hoạch sáng suốt và niềm tin vững chắc của người đứng đầu quốc gia.
Từ khi mới lập quốc, người Malaysia đã tạo thành nhóm tộc người chiếm ưu thế ở bán đảo Malaysia và đóng góp số dân đáng kể tại hai bang Sabah và Sarawwak. Trước năm 1957, vùng đất Malaya dưới sự thống trị của người Anh, do người Malaysia có một vị trí đặc biệt đã dẫn tới uy quyền chính trị cao hơn đối với các cộng đồng người khác. Hầu như người Malaysia đều theo đạo Hồi. Việc trở thành người Hồi giáo cũng là điều kiện thiết yếu để trở thành người Malaysia. Hồi giáo là tôn giáo chính của Malaysia, được các thương nhân Guajarati đưa đến Bán đảo Malaysia sau thế kỷ XII5. Hồi giáo đã hấp thu tín ngưỡng bản địa ở các vùng ven biển, đến thế kỷ XV và trở thành tôn giáo chính ở Malaysia.
Từ đầu thế kỷ XVI trở đi, do việc mở rộng, khai thác thuộc địa của các nước phương Tây, dòng người di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ đến tham gia vào thị trường lao động của Malaysia ngày càng tăng. Những ngày đầu người Hoa chủ yếu sống tập trung tại trung tâm đô thị, thống trị quyền lực kinh tế ở Malaysia và kiểm soát các mỏ thiếc, công nghiệp cao su, đó là khu vực kinh tế chính. Nhóm người Hoa không phải là người bản địa chiếm ưu thế ở Malaysia. Người Hoa ở di cư tới bán đảo Malaysia thế kỷ XIX dưới thời nhà Thanh6.
Người Ấn Độ ở Malaysia hầu hết là hậu duệ của những người Hindu và những người nói tiếng Tamil ở miền Nam Ấn Độ di cư đến Malaysia dưới thời cai trị của thực dân Anh7 và cũng có một số ít người Sikh. Người Ấn Độ chủ yếu là những công nhân, sử dụng ngôn ngữ riêng của họ, giữ gìn truyền thống của Hindu giáo, Islam giáo hoặc Công giáo, Phật giáo và tham gia các tổ chức dân tộc nhằm thúc đẩy văn hóa – xã hội của riêng họ.
Trong khi đó, người dân bản địa tham gia vào sản xuất thương mại và về cơ bản vẫn nằm trong nền kinh tế tự cung tự cấp và không muốn làm các công việc được trả lương cố định. Do đó, ở nhiều khu vực mới được phát triển, người Malaysia trở thành nhóm người thiểu. Lực lượng lao động chủ yếu là người Hoa và người Ấn Độ nắm giữ phần lớn các hoạt động kinh tế thì những người Malaysia chủ yếu là những người nông dân trồng lúa và số ít trồng cao su, trồng dừa. Những sản phẩm được tạo ra từ người Hoa có chất lượng tốt hơn nhưng có giá thành rẻ hơn, khiến cho người Malaysia mất khả năng cạnh tranh. Sự thay đổi đó khiến cho họ khó thích nghi được với thời cuộc. Đặc biệt, những người Malaysia còn cảm thấy họ đang bị đứng ngoài cả những vấn đề chính trị, kinh tế của quốc gia. Điều đó cũng dẫn đến tâm lý những người Malaysia bản địa luôn có ý thức rằng, nếu không nắm lấy ngọn cờ chính trị ở Malaysia thì sẽ khó có thể bảo đảm được vị trí và quyền lợi của họ.
Sự đa dạng tộc người ở Malaysia đã diễn ra từ trước khi độc lập. Sự tích hợp về tộc người ở đây diễn ra trong lịch sử khi các tiểu quốc sống cận kề nhau dựa vào sự hùng mạnh kinh tế đã dần chinh phục các tiểu quốc khác. Tuy nhiên, trong vấn đề tộc người ở Malaysia, sự khác biệt quan trọng nhất là do lịch sử di cư mang lại. Một bước ngoặt lớn đã đưa xã hội Malaysia từ một xã hội có chủ thể sang một xã hội không chủ thể là có sự xuất hiện của người Hoa, người Ấn. Người Malaysia tuy giành ưu thế về chính trị và văn hóa nhưng lại đánh mất ưu thế. Lúc này, những người chiếm ưu thế về kinh tế tại Malaysia là người Hoa và người Ấn. Đây là một mối quan hệ cực kỳ nhạy cảm và phức tạp giữa dân tộc và tôn giáo mà Chính phủ Malaysia, nhất là dưới thời Mahathir Mahamad đặc biệt quan tâm.
Chính tôn giáo là yếu tố làm nên sự khác biệt sâu sắc giữa những tộc ở người Malaysia. Mặc dù họ cùng cư trú trên một địa bàn, cùng sử dụng một ngôn ngữ và cũng tham gia vào một môi trường văn hóa, nhưng tôn giáo lại là nguyên nhân lớn gây nên sự cản trở sự thống nhất trong cộng đồng. Chính phủ Malaysia dưới thời Mahathir Mohamad nhận thức rất rõ vấn đề tộc người và tôn giáo. Vì vậy, Chính phủ đã có những nỗ lực để khắc phục vấn đề còn tồn tại của đất nước, với phương châm phát triển kinh tế cùng quá trình nhất thể hóa về sắc tộc và thống nhất quốc gia. Bên cạnh đó, việc hình thành và tăng cường quyền lực của một liên minh cầm quyền là hết sức cần thiết, để có thể tổng hợp sức mạnh dân tộc cũng như điều phối nhu cầu của từng tộc người khác nhau trong một cơ cấu xã hội hòa hợp dân tộc.
3. Chính sách ôn hòa của Mahathir về tộc người và tôn giáo ở Kelantan
3.1. Tình hình tộc người và tôn giáo ở Kelantan
Kelantan là 1 trong 13 bang của Malaysia, với diện tích 15.099 km2. Thủ phủ của bang là Kota Bharu8. Vào ngày 01/02/1948, Kelantan trở thành một phần của Liên Bang Malaysia. Ngày 31/12/1957, Kelantan cùng với các bang khác giành được độc lập. Kelantan trở thành một bang của Malaysia vào năm 1963. Nền kinh tế của Kelantan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó người dân chủ yếu là trồng lúa. Do Kelantan là một bang chủ yếu phát triển về nông nghiệp, cho nên điều này đã giúp cho các nét văn hóa Malaysia truyền thống vẫn còn được bảo tồn ở nơi đây.
Người Malay ở Kelantan thuộc một nhóm riêng biệt. Không giống như những người Malay khác, họ có niềm tin là có nguồn gốc Malay cổ từ phía Bắc. Tuy nhiên, họ vẫn được phân loại và được xem như những người Malay thông thường. Phương ngữ ở Kelantan khác biệt với tiếng Malay chuẩn cũng như các phương ngữ Malay khác về hình thái ngôn ngữ, về phát âm và ngữ pháp. Chữ Jawi vốn không còn được dùng trên hầu khắp đất nước nhưng tại Kelantan, vẫn được sử dụng đáng kể. Dân số bang chủ yếu là người Malay.
Kelantan là bang của Malaysia có đông người Malay sinh sống nhất, đồng thời đây cũng là bang có tỷ lệ dân cư theo Hồi giáo cao nhất của liên bang. Người gốc Thái ở Kelantan hầu hết tập trung ở một khu vực quanh thành phố ven biển Tumpat và ở đây vẫn còn một số ngôi làng của người Xiêm. Người gốc Hoa ở đây có thể nói tiếng Kelantan lưu loát và tự gọi mình là Cina Kampung (Làng Tàu) hay Cina Bandar (Phố Tàu)… Kelantan là nơi diễn ra nhiều xung đột tôn giáo gay gắt, nhất là khi bang này đòi hỏi được áp dụng Luật Hồi, cũng như thiết lập những quy định khác biệt so với liên bang để phục vụ cho nhu cầu tôn giáo.
Đảng chính trị Hồi giáo ở Malaysia – PAS (Parti Islam Se-Malaysia) đã thống trị Kelantan từ năm 1959 – 1977 và từ năm 1990 đến nay. Trong phần lớn thời gian này, chính quyền tiểu bang Kelantan là phe đối lập. Ngày nay, PAS vẫn giữ được quyền kiểm soát chính quyền tại Kelantan và tiểu bang này vẫn đi ngược lại xu hướng quốc gia để ủng hộ PAS.
3.2. Giải quyết vấn đề chính trị, tộc người và tôn giáo ở Kelantan
Malaysia được biết đến là một quốc gia Hồi giáo. Trong Hiến pháp của Malaysia đã khẳng định: Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Liên bang. Nhưng các tôn giáo khác cũng có thể được hoạt động một cách hòa bình và hòa hợp trong bất kỳ phần lãnh thổ nào của Liên bang9. Theo Hiến phápMalaysia (Điều 160), một người được công nhận là người Malay phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) Theo đạo Hồi (đây là điều kiện bắt buộc. Một người không theo đạo Hồi sẽ không được coi là người Malay theo pháp lý); (2) Nói tiếng Malay (Bahasa Melayu) thường xuyên; (3) Theo phong tục tập quán Malay; (4) Là công dân Malaysia10. Điều này có nghĩa là khái niệm người Malay ở Malaysia không chỉ dựa trên yếu tố sắc tộc mà còn gắn chặt với tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa.
Ở Kelantan, danh tính người Kelantan có thể là người Malay, có thể không là người Malay nhưng chỉ dành cho những người có ít nhất một trong những điều kiện sau: (1) Những người sinh ra ở Kelantan và có bố là người Malay; (2) Những người sinh ra ở bất kỳ nơi đâu nhưng có bố là người Malay và sinh ra ở Kelantan; (3) Những người sinh ra ở bất kỳ nơi đâu nhưng bố mẹ đều là người Malay và đã sinh sống ở Kelantan ít nhất 15 năm; (4) Những người sinh ra ở Kelantan và có bố là người Hồi giáo và có mẹ là người Malay; (5) Những người sinh ra ở Kelantan và có bố cũng sinh ra ở Kelantan11. Từ những quy định trên cho thấy, Kelantan càng ngày bị bó hẹp trong không gian của Hồi giáo. Đồng thời, những quy định khắt khe này cũng gây ra không ít cản trở cho người không phải Hồi giáo đến Kelantan làm việc và sinh sống.
Từ cuối năm 1977, trước khi Mahathir trở thành Thủ tướng, UMNO và PAS đã có nhiều rạn nứt. Khi Mahathir trở thành Thủ tướng thì bang Kelantan đã gia nhập vào liên minh cầm quyền Barisal National gọi tắt là BN. Vào năm 1987, mối quan hệ giữa Mahathir và Kelantan gây được sự chú ý khi Tengku Razaleigh (một thành viên của Hội đồng hoàng gia Kelantan) trở thành đối thủ thách thức chức vị chủ tịch UMNO mà Mahathir đang đương nhiệm. Tuy nhiên, trong cuộc tuyển cử, Razaleigh đã không thành công và rời bỏ UMNO. Sau khi rời UMNO, Razaleigh thành lập Semangat 46 – Tinh thần năm 46 (viết tắt là S46). Khi đó, S46 đã lấy Kelantan làm cơ sở. Nhiều thành viên của UMNO trong bang này cũng đã gia nhập S46.
Năm 1990, ba năm sau cuộc tổng tuyển cử, nhiều cử tri Kelantan đã tập hợp lại ủng hộ cho Razaleigh và đảng PAS. Lúc này, Mahathir đã hạ quyết tâm khắc phục những trở ngại về chính trị, để có thể mở đường cho sự phát triển về văn hóa và tôn giáo. Theo Mahathir, có như vậy, mới đạt được sự đồng thuận trong những vấn đề liên quan đến Hồi giáo ở Kelantan. Tuy nhiên, các mối đe dọa từ lực lượng đối lập, khiến cho tình hình chính trị ở Kelantan liên tục bất ổn. Hơn nữa, chính quyền liên bang càng không muốn Kelantan nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Nhưng Kenlantan dù bị cắt giảm viện trợ hay bị áp dụng các biện pháp trừng phạt vẫn kiên định ủng hộ PAS. Trong các cuộc bầu cử năm 1995 và 1999, PAS vẫn tiếp tục được tín nhiệm. Đứng trước tình hình đó, UMNO và S46 phải thực hiện những cuộc đàm phán bí mật. Sau cuộc đàm phán, PAS phải chấp thuận một số điều kiện thỏa hiệp với UMNO. Tháng 10/1996, S46 giải thể và Razaleigh trở lại ủng hộ đảng UMNO, còn PAS vẫn tiếp tục kiên định trên mặt trận chính trị Malaysia.
4. Những vấn đề được giải quyết nhằm giữ vững sự ổn định và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước Malaysia hiện nay
Dưới thời Mahathir, Hồi giáo đã được đưa lên hàng đầu ở Malaysia. Mahathir đã áp dụng chiến lược hai mũi nhọn để chống lại PAS.
Một là, tự coi mình là những người bảo vệ tiến bộ và ôn hòa của Hồi giáo đúng đắn, trái ngược với phe đối lập Hồi giáo là những người bảo thủ, cấp tiến và thậm chí là những người ủng hộ sai lầm của Hồi giáo.
Hai là, Mahathir đã cố gắng bảo vệ sự nghiệp Hồi giáo thông qua các chính sách và chương trình của chính phủ.
Đối với trường hợp của Kelantan, Mahathir nhận thức được bang này có những phong tục tập quán khác biệt. Người dân ở Kelantan luôn coi mình là khác biệt và tuân thủ đạo Hồi với những quy chuẩn sùng bái nghiêm ngặt hơn các vùng khác, đã tạo ra một nền văn hóa độc nhất và khu biệt với cộng đồng Malaysia. Đây là một xã hội khép kín, nơi mà văn hóa bản địa kết hợp với đạo Hồi đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chính trị của bang. Nếu có vần đề xảy ra ở Kelantan, UMNO ở đây sẽ giải quyết các vấn đề trước, còn Mahathir chỉ can thiệp khi cần thiết, như khi Kelantan rơi vào tay của PAS, Mahathir phải tự bổ nhiệm mình làm Ủy viên liên lạc của UMNO ở Kelantan. Tuy nhiên, khi S46 giải thể và Razaleigh trở lại ủng hộ đảng UMNO, Mahathir lập tức bổ nhiệm Razaleigh vào vị trí này và để những vấn đề của Kelantan cho người Kelantan giải quyết.
Trên thực tế, PAS chỉ kiểm soát tình hình tại Kelantan trên danh nghĩa, còn Mahathir và UMNO vẫn nắm thực quyền tại đây. Cho dù Mahathir không can thiệp sâu vào vấn đề nội bộ từng bang nhưng từ cách giải quyết trên cho thấy Mahathir đã quản lý và giải quyết các vấn đề rất hiệu quả. Đối với ông, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được ưu tiên hàng đầu.
5. Kết luận
Trong quá trình lãnh đạo quốc gia, Mahathir không chỉ giữ vững được sự ổn định về mặt chính trị mà ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng sắc tộc và tôn giáo tồn tại lâu dài ở Malaysia. Dưới sự dẫn dắt của Mahathir, tình hình sắc tộc và tôn giáo cũng như xung đột giữa chính quyền trung ương và chính quyền bang ở Kelantan chịu nhiều tác động từ chính sách của ông. Đặc biệt nhờ các biện pháp đúng đắn trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, Mahathir đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình đối với sự phát triển của Malaysia. Những nỗ lực này không chỉ giúp Malaysia giữ vững sự ổn định mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau này.
Chú thích:
1, 11. Hà Anh, Phước Thịnh (biên dịch) (2013). Tun Dr Mahathir Mohamad – Hồi ký chính trị. Alpha Books và H. NXB Thế giới, tr. 5, 334.
2. Malaysiakini (2019). Dr M listed in Time’s 100 most influential people. https://www.malaysiakini.com/news/472705
3. Boo su-lyn (2019). Fortune lists Dr M among world’s 50 greatest leaders. https://www.malaymail.com/news/malaysia/2019/05/05/dr-m-listed-among-worlds-50-greatest-leaders/1750003
4. Pramitpal Chaudhuri Visionary. “who nurtured an Asian ‘tiger’”. https://web.archive.org/web/20080306004703/http://www.hindustantimes.com/news/specials/leadership2006/ht_091106.shtml
5. Marshall Cavendish Corporation (2008). The world and its people: Eastern and Southern Asia. Vol.9, New York, 1177.
6, 7. Many faces of Southeast Asia (2010). ASIAPAC books, Singapore, tr. 69, 69.
8. Department of Statistics, Malaysia (2010). Population and Housing Census of Malaysia, Preliminary count report 2020.
9, 10. Quốc hội Malaysia (1963). Hiến pháp Malaysia năm 1963.