Hiệu quả từ chính sách xây dựng, triển khai mô hình chính phủ điện tử tại Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam

ThS. Phạm Ngọc Lam Giang
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính phủ điện tử là một bước tiến tất yếu trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử với nhiều mô hình và chính sách thành công. Những thành tựu này của Hoa Kỳ sẽ là bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam để Việt Nam thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử tại một cách hiệu quả và bền vững1.

Từ khóa: Chính phủ điện tử; bài học kinh nghiệm; EGDI; chuyển đổi số; dịch vụ công.

1. Đặt vấn đề

Chính phủ điện tử không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý nhà nước mà còn là sự thay đổi căn bản phương thức làm việc, tương tác giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong xây dựng và triển khai mô hình chính phủ điện tử và đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Việt Nam với quyết tâm xây dựng một nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ cũng đã và đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó chính phủ điện tử là một trụ cột quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết tập trung phân tích chính sách xây dựng và triển khai mô hình chính phủ điện tử tại Hoa Kỳ, từ đó rút ra những kinh nghiệm có giá trị; đồng thời đề xuất các khuyến nghị chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững. 

2. Hiệu quả từ chính sách xây dựng, triển khai chính phủ điện tử tại Hoa Kỳ 

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng xây dựng chính phủ điện tử (năm 1990) với mục đích cải cách toàn bộ nền hành chính công thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.  Trong thời gian này, hàng loạt tổ chức trong Chính phủ Mỹ thành lập các trang web riêng của mình và bắt đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho người dân. Các tên miền chung của 30 cơ quan Liên bang, như: students.gov, seniors.gov và business.gov lần lượt được ra đời và liên kết tới FirstGov.gov, đây là website duy nhất của Chính phủ2. Tại đây, cổng thông tin điện tử này cho phép người dùng truy cập tất cả thông tin trực tuyến của chính phủ 24/7, tìm kiếm theo từ khóa hay chủ đề thay vì theo riêng từng cơ quan; đồng thời, sự phát triển của “chìa khóa hạ tầng công cộng” (Public Key Infrastructure) cũng đã giúp các công ty thứ ba cung cấp các chữ ký số nhằm tăng tính bảo mật cho các website chính phủ. Các trang web chính phủ cho phép người dân tương tác với chính quyền giống như cách thức hoạt động thương mại điện tử ngày nay. Ví dụ, 20.000 người đã sử dụng thẻ tín dụng để nộp thuế online qua trang web của liên bang vào năm 1999. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (The Environmental Protection Agency) cung cấp số liệu và quy định về môi trường cho người dân trên Internet, nhờ vậy theo ước tính cơ quan này đã tiết kiệm được khoảng 5 triệu USD/hàng năm3.

Đặc biệt, kể từ khi Đạo luật Chính phủ Điện tử năm 2002 được ra đời dưới thời Tổng thống G.W.Bush, chính phủ điện tử tập trung vào tính liên kết và khả năng tương tác giữa các cơ quan để đạt được hiệu suất và hiệu quả cao với 24 dự án được gọi là “Sáng kiến Tốc độ” (Quicksilver Initiative) do Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Hoa Kỳ (Office of Management and Budget – OMB) đảm nhận. Tiếp đó, chính phủ điện tử được phân chia thành 4 nhóm dịch vụ: “Chính phủ đến Công dân” (Government to Citizen: G2C); “Chính phủ đến Doanh nghiệp” (Government to Business: G2B); “Chính phủ đến Chính phủ”(Government to Government: G2G) và “Hiệu quả nội bộ chính phủ” (Internal Efficiency and Effectiveness: IEE), qua đó đã đạt được một số thành tựu nhất định. Một số kết quả của 4 nhóm dịch vụ Chính phủ điện tử, như: (1) Dịch vụ G2C: có hơn 301.875 lượt truy cập, cung cấp hơn 118.579 lượt giới thiệu/tháng cho các chương trình lợi ích cho cơ quan (agency benefits programs); 3,9 triệu người khai thuế online qua việc sử dụng website IRS Free File (https://www.irs.gov/); (2) Dịch vụ G2B: các biểu mẫu được sử dụng cho việc nộp các loại thuế (tiền lương, thu nhập doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh, báo cáo lương…) đã được đăng trên internet. Tuy nhiên, chỉ có 9% mẫu thuế thu nhập doanh nghiệp được nộp điện tử; (3) Dịch vụ G2G: tất cả 26 cơ quan chính phủ đều dùng trang Grants.gov để đăng hơn 1.000 chương trình quỹ tài trợ, nhưng mức độ hài lòng của khách hàng chỉ là 56%; (4) Dịch vụ IEE: những người tìm việc liên bang tạo hồ sơ xin việc trực tuyến với độ hài lòng là 77%4.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, kế hoạch tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Internet và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải cách chính phủ điện tử nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, sáng tạo và hiệu quả hơn trong hoạt động của chính phủ. Vì vậy, ngày 21/1/2009, Tổng thống Barack Obama gửi Bản Ghi nhớ đến Lãnh đạo của các ban, bộ, ngành (The Heads of Executive Department and Agencies) cam kết của ông về sự công khai, sự minh bạch, sự tham gia và hợp tác của công dân5. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama đã thay đổi chính sách của “Đạo luật Tự do Thông tin” (Freedom of Information Act, 2005) và nỗ lực tạo ra một chính phủ “cởi mở” nhất chưa từng có với “Sáng kiến Chính phủ Mở” (the Open Government Initiative). Kết quả là, bộ dữ liệu trang Data.gov của Hoa Kỳ đã tăng từ 47 đến hơn 200.000 bộ dữ liệu6Nhiều nước trên thế giới nhanh chóng học tập chương trình này của Hoa Kỳ, như: Vương quốc Anh có trang data.gov.uk với bản chạy thử vào tháng 9/2009 và chạy chính thức vào tháng 1/2010; Ấn Độ với India.gov.in ra mắt vào năm 2012. Thêm vào đó, hàng loạt “Sáng kiến Dữ liệu Mở” (Open Data Initiatives) được triển khai ở nhiều lĩnh vực: y tế, năng lượng, khí hậu, giáo dục, tài chính, an toàn cộng đồng và phát triển toàn cầu. 

Tổng Thống Donald Trump ký “Đạo luật Trải nghiệm kỹ thuật số tích hợp Thế kỷ XXI” (The 21st Century Integrated Digital Experience Act: IDEA) vào năm 2018 với mục đích cải thiện trải nghiệm kỹ thuật số cho người dân đối với các website chính phủ và củng cố những yêu cầu hiện có với website của liên bang. Kết quả vào năm 2019, đã có hơn 14 tỷ phiên truy cập và 38 tỷ lượt xem trên các website liên bang7mức độ hài lòng của người dân với các trang web chính phủ ở mức 75%8Sự ra đời chính phủ điện tử đã giúp cho công việc của các cơ quan liên bang trở nên hiệu quả, gọn gàng, công khai và minh bạch hơn. Năm 2011, ước tính có hơn 2000 website cơ quan liên bang với tên miền “.gov” như WhiteHouse.gov; USDA.gov; USASpending.gov; NOAA.gov và USA.gov; khoảng 24.000 trang thông tin được thiết kế với nhiều mục đích và khả năng truy cập khác nhau9Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội như Facebook, MySpace và LinkedIn còn là phương tiện giúp các trang thông tin của chính phủ điện tử, như: EPA (http://www.epa.gov); NASA (http://www.nasa.gov);CIA (http://www.cia.gov) và USGSA (http://www.gsa.gov) quảng bá tin tức; cung cấp dịch vụ và đăng thông tin tuyển dụng, điều này đã mở rộng khả năng tiếp cận của chính quyền đến người dân. 

Bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy cải cách chính phủ điện tử theo hướng tăng cường hiệu quả và minh bạch trong hoạt động công vụ. Trong số đó, đáng chú ý là Sắc lệnh hành pháp có tên “Stopping Waste, Fraud, and Abuse by Eliminating Information Silos” (Đạo luật về Xóa bỏ tình trạng phân mảnh dữ liệu nhằm phòng ngừa lãng phí, gian lận và lạm dụng). Mục tiêu trọng tâm của sắc lệnh là tăng cường chia sẻ và tích hợp dữ liệu liên cơ quan nhằm tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống chính quyền liên bang10. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng ban hành sắc lệnh thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE) với nhiệm vụ trung tâm là cải tổ bộ máy hành chính và số hóa các hoạt động của chính phủ liên bang 11Đây là bước đi mang tính cải cách mạnh mẽ, thể hiện định hướng chiến lược trong việc hiện đại hóa hệ thống hành chính liên bang thông qua ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI). 

Đánh giá tổng quát, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thành công trên thế giới về phát triển chính phủ điện tử. Hoa Kỳ đạt chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức 0.9194, xếp thứ 19 toàn cầu và thuộc nhóm các quốc gia có mức phát triển “rất cao”. So với khu vực và thế giới, Hoa Kỳ thể hiện sự vượt trội rõ rệt: chỉ số EGDI cao hơn khoảng 1,3 lần so với trung bình khu vực châu Mỹ (0.6935) và 1,5 lần so với trung bình toàn cầu (0.6102). Bên cạnh đó, cả ba chỉ số thành phần cấu thành EGDI bao gồm: chỉ số dịch vụ công trực tuyến (Online Service Index – OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index – TII), và chỉ số vốn con người (Human Capital Index – HCI) đều đạt mức rất cao, phản ánh năng lực toàn diện của Hoa Kỳ trong việc triển khai CPĐT một cách hiệu quả và bền vững. (United Nations Department of Economic and Social Affairs12. Số liệu trên càng khẳng định, Hoa Kỳ luôn là quốc gia đi đầu trong xây dựng, phát triển chính phủ điện tử khi luôn vượt trội so với các nước trong khu vực châu Mỹ và thế giới trong giai đoạn 2010 – 2024; đồng thời, không ngừng đổi mới và cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chất lượng dịch vụ công. Một số quốc gia đã học được các kinh nghiệm từ sự thành công này: (1) Cải thiện về dịch vụ trực tuyến đa kênh, như: “Chiến lược xã hội tri thức quốc gia” của Phần Lan; (2) Tích hợp dịch vụ công lẫn tư nhân trong kế hoạch 5 năm của Đan Mạch; (3) Hiệu quả minh bạch hoạt động của Chính phủ và nâng cao hài lòng của người dân của Hàn Quốc.

3. Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ những thành công của Hoa Kỳ trong xây dựng, triển khai chính phủ điện tử, Việt Nam có thể tham khảo các kết quả này nhằm định hướng và triển khai các giải pháp phát triển chính phủ số một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước để đạt được mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ và phát triển.

Một là, xây dựng Luật Chính phủ điện tử. Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ đã sớm đưa ra chính sách về chính phủ điện tử với Đạo luật Chính phủ điện tử năm 2002. Từ Đạo luật này đã hình thành cơ quan chuyên trách cùng với nguồn ngân sách dồi dào để triển khai các dự án chính phủ điện tử; đồng thời, tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc và thống nhất cho việc triển khai chính phủ điện tử. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có một luật cụ thể về chính phủ điện tử, việc điều chỉnh vấn đề chính phủ điện tử vẫn chủ yếu là các nghị quyết và nghị định liên quan, gồm: Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa  liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, sự phát triển gần đây của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ AI dẫn đến việc hình thành một cấu trúc quản trị quốc gia bao trùm sẽ vô cùng khó khăn nếu thiếu bộ luật cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin (Big Data, điện toán đám mây, AI và Internet)13 vào lĩnh vực quản trị công như chính phủ điện tử. Vì vậy, Việt Nam có thể tham khảo cách làm này của Hoa Kỳ để ưu tiên xây dựng và ban hành một luật riêng về chính phủ điện tử nhằm tạo ra sự đồng bộ và rõ ràng trong việc triển khai.

Hai là, tập trung vào người dân và trải nghiệm người dùng: Hoa Kỳ đã sớm chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, thể hiện qua việc thành lập các trang web chuyên biệt và cổng thông tin duy nhất FirstGov.gov. Việt Nam cần đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử. Việc thiết kế các dịch vụ trực tuyến cần dựa trên nhu cầu thực tế của người dùng, bảo đảm tính dễ sử dụng, thân thiện và mang lại giá trị gia tăng.

Ba là, Hoa kỳ ưu tiên tính liên kết và khả năng tương tác giữa các cơ quan: sáng kiến tốc độ (Quicksilver Initiative) tập trung vào việc tăng cường liên kết và tương tác giữa các cơ quan để nâng cao hiệu suất và hiệu quả. Bên cạnh đó, Sắc lệnh “Stopping Waste, Fraud, and Abuse by Eliminating Information Silos” (Đạo luật về xóa bỏ tình trạng phân mảnh dữ liệu nhằm phòng ngừa lãng phí, gian lận và lạm dụng) tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ và tích hợp dữ liệu liên cơ quan. Kinh nghiệm cho Việt Nam là cần tập trung vào việc xây dựng các nền tảng tích hợp, cho phép các hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu trùng lặp, nâng cao hiệu quả phối hợp và cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Bốn là, Hoa Kỳ thúc đẩy minh bạch và công khai thông tin: các sáng kiến như (Chính phủ Mở) và việc phát triển cổng dữ liệu Data.gov cho thấy cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc tăng cường tính công khai và minh bạch của chính phủ. Kinh nghiệm cho Việt Nam là cần đẩy mạnh việc công khai dữ liệu của Chính phủ trên các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng. Điều này góp phần tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng.

Năm là, thiết lập cơ chế đánh giá và đo lường hiệu quả: việc theo dõi số lượng truy cập website, mức độ hài lòng của người dân và chỉ số EGDI (chỉ số phát triển chính phủ điện tử) của Liên hiệp quốc cho thấy Hoa Kỳ chú trọng đến việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử. Kinh nghiệm cho Việt Nam là cần xây dựng các hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả của việc triển khai chính phủ điện tử một cách khách quan và toàn diện, từ đó có những điều chỉnh và cải thiện kịp thời.

Sáu là, ứng dụng AI. Trong đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đã áp dụng AI nhằm cung cấp dịch vụ nhanh hơn, giảm khối lượng công việc cho con người. Các cơ quan như Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, Viện Y tế Quốc gia và Sở Thuế vụ đã sử dụng Tự động hóa Quy trình Robot (Robotic Process Automation: RPA) để giúp nhân viên giải quyết hiệu quả nhu cầu tăng đột biến đối với các dịch vụ quan trọng14. Đây là một trong những cách để Việt Nam có thể áp dụng AI vào mô hình chính phủ điện tử giúp đề phòng và đối phó với những khủng hoảng chưa từng có do thảm họa thiên tai, đại dịch gây ra, qua đó, thích ứng được việc chuyển mọi hoạt động sang trực tuyến, giải quyết nhu cầu dịch vụ tăng đột ngột.

4. Kết luận

Sau gần hai thập kỷ xây dựng và triển khai, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Việt Nam và Hoa Kỳ đang xây dựng quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực. Do vậy, Việt Nam có thể tham khảo các kinh nghiệm thành công của Hoa Kỳ trong xây dựng và triển khai mô hình chính phủ điện tử, trong đó chú trọng vào pháp lý, người dùng, công nghệ và dữ liệu mở là nguồn tham khảo rất giá trị cho Việt Nam. Việt Nam cần chọn lọc và vận dụng linh hoạt để rút ngắn khoảng cách trong tiến trình xây dựng một chính phủ hiện đại, số hóa vì người dân.

Chú thích:
1. Bài viết là sản phẩm của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Việt Nam trong cục diện thế giới hiện nay: Thành tựu, hạn chế và cơ hội, thách thức đặt ra” giai đoạn 2023-2025 do Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.
2. Chadwick, A. & Howard, P.N. (2010). Routledge Handbook of Internet Politics. United Kingdom: Routledge. pg.103. 
3. International Telecommunication Union (ITU). (2015). Measuring the Information Society Report 2015. https://www.itu.int/en/ITU, ngày truy cập: 28/9/2021. 
4. Office of Management and Budget Expanding. (2006).  E-Government Making a Difference for the American People Using Information Technology. https://www.hsdl.org/?view&did=468481, ngày truy cập: 12/8/2021. 
5. Obama, Br. (2009). Fact Sheet: White House Forum on Modernizing Government.https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/default/files/Fact_Sheet_WH_Forum_on_Modernizing_government.pdf, ngày truy cập: 31/8/2021. 
6. Kim Hyon. (2019).  Data.gov at Ten and the OPEN Government Data Act. https://www.data.gov/meta/data-gov-at-ten-and-the-open-government-data-act/, ngày truy cập: 31/8/2021.
7. Heckman, J. (2020). New federal website design standards emphasize ‘continuous improvement’. https://federalnewsnetwork.com/technology-main/2020/01/new-federal-website-design-standards-emphasize-continuous-improvement/, ngày truy cập: 01/9/2021. 
8. ACSI. (2021). Federal Government Report 2020: Citizen Satisfaction With Federal Government Service Plunges to Five Year Low. https://www.theacsi.org/news-and-resources/customer-satisfaction-reports/reports-2020/acsi-federal-government-report-2020, ngày truy cập: 01/09/2021. 
9. Phillips, M. (2011). Too Many Websites.gov. https://obamawhitehouse.archives.gov/blog/2011/06/13/toomanywebsitesgov, ngày truy cập: 02/9/2021.
10. Newman, L. H. (2025). Trump’s executive order wants to smash government “information silos” — at what cost? Wired. https://www.wired.com/story/plaintext-trump-executive-order-information-silos-privacy/, ngày truy cập: 04/4/2025.
11. The White House. (2025). Establishing and implementing the President’s Department of Government Efficiency. https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/01/establishing-and-implementing-the-presidents-department-of-government-efficiency, ngày truy cập: 04/4/2025.
12. UN DESA (United Nations Department of Economic and Social Affairs). (2024). E-Government Survey 2024. https://publicadministration.un.org, ngày truy cập: 04/4/2025.
13. Jun, M. (2018). Blockchain government – a next form of infrastructure for the twenty-first century. Journal of Open Innovation, 4, (7). https://doi.org/10.1186/s40852-018-0086-3. Pg 5-10.
14. Sullivan, M., Bellman, J.,  Sawchuk, J. & Mariani, J. (2021). Accelerated digital governmentCOVID-19 brings the next generation of digitization to government. Truy cập ngày 18/10/2021 từ https://www2.deloitte.com/us/en/insights/industry/public-sector/government-trends/2021/digital-government-transformation-trends-covid-19.html.