Nguyễn Đức Lượng
NCS của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ nghĩa Mác – Lênin thừa nhận sự tồn tại khách quan của các hình thức sở hữu khác nhau, trong đó có kinh tế tư nhân, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế tư nhân được xem là một bộ phận có vai trò nhất định trong phát triển lực lượng sản xuất, giải quyết việc làm và thúc đẩy đổi mới, nhưng cần đặt dưới sự quản lý và định hướng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên nền tảng lý luận đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo, từng bước phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới đến nay. Bài viết tập trung phân tích cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng.
Từ khóa: Chủ nghĩa Mác – Lênin; kinh tế tư nhân; định hướng xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản Việt Nam; phát triển kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Trong tiến trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế tư nhân và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là nội dung có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã luận giải một cách toàn diện về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý đó vào thực tiễn, nhất là từ sau Đại hội VI (năm 1986), khi kinh tế tư nhân được thừa nhận là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân theo quan điểm của Mác – Lênin và quan điểm của Đảng là yêu cầu cấp thiết.
2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về kinh tế tư nhân
2.1. Quan điểm của C.Mác – Ph.Ăngghen về kinh tế tư nhân
Trong các tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen, tuy không sử dụng trực tiếp thuật ngữ “kinh tế tư nhân” như hiện nay nhưng các khái niệm liên quan như “sở hữu tư nhân”, “chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa” và “lao động tư nhân” được phân tích sâu sắc, đặc biệt trong nghiên cứu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Các ông khẳng định bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư của người lao động.
Tuy nhiên, trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” (1847), Ph.Ăngghen cũng nhấn mạnh rằng không thể xóa bỏ chế độ tư hữu ngay tức thì khi lực lượng sản xuất chưa đạt đến trình độ cần thiết. Ông viết: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Trả lời: Không, không thể được… cuộc cách mạng vô sản chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần”1. Điều này phản ánh lập trường biện chứng của các nhà kinh điển: sở hữu tư nhân có thể tồn tại trong thời kỳ quá độ, miễn là được định hướng và cải tạo trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội.
2.2. Quan điểm của V.I.Lênin về kinh tế tư nhân
V.I.Lênin đã vận dụng sáng tạo những luận điểm của Mác – Ăngghen vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười. Trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” (1921), ông viết: “Chúng ta hãy kể ra những thành phần kinh tế ấy: 1) kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; 2) sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); 3) chủ nghĩa tư bản tư nhân; 4) chủ nghĩa tư bản nhà nước; 5) chủ nghĩa xã hội”2. Lênin không chỉ thừa nhận mà còn khẳng định vai trò tất yếu của kinh tế tư nhân trong giai đoạn quá độ nhằm khôi phục nền sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất.
Đặc biệt, chính sách kinh tế mới (NEP) do Lênin đề xướng là một minh chứng cho sự linh hoạt của nhà nước cách mạng khi cho phép phát triển có kiểm soát kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thương mại, đồng thời từng bước xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ông viết: “Phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc đi qua chủ nghĩa tư bản nhà nước tiến lên chủ nghĩa xã hội… bằng cách khuyến khích lợi ích cá nhân, bằng sự quan tâm thiết thân của cá nhân, bằng cách áp dụng chế độ hạch toán kinh tế”3.
3. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát triển kinh tế tư nhân
Thứ nhất, giai đoạn trước đổi mới (1945 – 1986).
Trong giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước Đại hội VI (1986), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, còn kinh tế tư nhân chủ yếu được coi là tàn dư của chế độ cũ, cần cải tạo để tiến tới nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội III (1960) nêu rõ: “Nhiệm vụ kinh tế cơ bản ở miền Bắc là xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh”4. Sau các đợt cải tạo công – thương nghiệp và cải cách ruộng đất, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh dần bị thu hẹp, nền kinh tế vận hành theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp.
Kinh tế tư nhân không còn được xem là hợp pháp trong hệ thống kinh tế quốc dân. Việc đồng nhất sở hữu tư nhân với bóc lột tư bản dẫn đến những hạn chế lớn trong phát triển lực lượng sản xuất, làm suy giảm động lực tăng trưởng và cản trở huy động nguồn lực xã hội. Đến giữa những năm 80 thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài đã cho thấy những bất cập của mô hình cũ, đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới tư duy kinh tế.
Thứ hai, giai đoạn đổi mới và hội nhập (1986 đến nay).
Đại hội VI của Đảng (1986) là dấu mốc quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế. Đảng đã chính thức thừa nhận sự tồn tại khách quan và cần thiết của nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, nhằm khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định và mở rộng trong các kỳ đại hội sau.
Từ Đại hội IX (2001), Đảng ta đã có bước chuyển quan trọng trong nhận thức khi chuyển từ quan điểm “khuyến khích” sang “tạo điều kiện thuận lợi” cho kinh tế tư nhân phát triển. Đến Đại hội X (2006), lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng, tạo nền tảng cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển khu vực kinh tế này. Tiếp nối tinh thần đó, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) (2017) về phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện bước tiến mới trong tư duy và định hướng chính sách khi nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”5. Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”6. Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII)đã có bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận, khi xác định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”7. Quan điểm này thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và đánh giá đúng tầm về vai trò trung tâm, tiên phong của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng vào thành phần kinh tế này trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và chính sách ngày càng hoàn thiện nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho kinh tế tư nhân phát triển. Tiêu biểu như: Luật Doanh nghiệp năm2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn kiện chiến lược như “Chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
4. Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra
Những năm gần đây, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, thể hiện qua sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn đầu tư, sự đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động và đóng góp ngày càng lớn vào GDP, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp kinh tế tư nhân không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ, chế biến chế tạo, xây dựng, logistics và thương mại điện tử.
Số liệu từ năm 2018 – 2022 cho thấy, số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đã tăng từ 591.499 lên khoảng 710.664 doanh nghiệp, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7,9%/năm -phản ánh sức sống mạnh mẽ và tiềm năng phát triển bền vững của kinh tế tư nhân. Song song với đó, quy mô vốn đầu tư cũng không ngừng mở rộng: từ 881.760 tỷ đồng năm 2015 (chiếm 50,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) lên tới 1.919.670 tỷ đồng năm 2023 (chiếm 56,1%). Tỷ trọng đầu tư luôn duy trì trên 50%, cho thấy vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong tổng thể chiến lược đầu tư quốc gia8.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tỷ lệ đóng góp trên 50% GDP cả nước, qua đó, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc trong nền kinh tế quốc dân. Việc giá trị đóng góp tăng từ 3,9 triệu tỷ đồng lên hơn 5,2 triệu tỷ đồng không chỉ thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô mà còn phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt, phục hồi nhanh và mở rộng hoạt động hiệu quả của kinh tế tư nhân9.
Kinh tế tư nhân còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giải quyết việc làm, khi liên tục duy trì tỷ trọng lao động chiếm từ 81,8 – 85% tổng số lao động có việc làm toàn xã hội trong giai đoạn 2015 -202310. Tỷ lệ cao và ổn định này không chỉ thể hiện năng lực tạo sinh kế bền vững mà còn khẳng định vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Những kết quả tích cực này là minh chứng thuyết phục cho sự đúng đắn và hiệu quả của các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đã kiên trì triển khai trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, năng lực quản trị yếu, khả năng đổi mới công nghệ và tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai còn hạn chế. Liên kết giữa kinh tế tư nhân với các thành phần khác như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả. Một số hiện tượng tiêu cực như trốn thuế, đầu cơ, vi phạm pháp luật lao động vẫn tồn tại và chưa được xử lý triệt để.
Những tồn tại này đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và công cụ quản lý phù hợp. Việc phát triển kinh tế tư nhân phải gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với mục tiêu công bằng, hiệu quả, tiến bộ và bền vững; đồng thời phát huy tối đa vai trò động lực nội sinh của kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, thống nhất nhận thức lý luận về kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thống nhất nhận thức lý luận về kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp thiết, nhất là khi thực tiễn đang biến đổi nhanh chóng và đa dạng. Trên nền tảng tư tưởng Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cần xác định rõ rằng không phải mọi hình thức sở hữu tư nhân đều mang tính bóc lột, mà ngược lại, có những hình thức sở hữu tư nhân tiến bộ, đóng vai trò tích cực trong phát triển lực lượng sản xuất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Nhà nước giữ vai trò định hướng, điều tiết và hỗ trợ sự phát triển đúng đắn của kinh tế tư nhân, bảo đảm kinh tế tư nhân phát triển trong khuôn khổ pháp luật, phục vụ lợi ích chung và phù hợp với mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội. Đồng thời, cần đưa các nội dung lý luận về kinh tế tư nhân vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo lý luận chính trị, tạo sự thống nhất về tư duy và quan điểm trong toàn hệ thống chính trị, qua đó nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách phù hợp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc định hướng, điều tiết và bảo đảm sự phát triển lành mạnh của kinh tế tư nhân. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, cần tăng cường vai trò của Nhà nước thông qua hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, ổn định và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Việc rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, đầu tư công – tư và đấu thầu công là một trong những giải pháp nền tảng nhằm tháo gỡ các rào cản thể chế hiện hữu đối với doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết và thiết lập cơ chế hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận dễ dàng hơn với vốn vay, mặt bằng sản xuất, công nghệ và thông tin thị trường. Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp kinh tế tư nhân là hết sức cần thiết. Đồng thời, Nhà nước phải phát huy vai trò điều tiết đối với các ngành nghề có nguy cơ gây rủi ro lớn đến kinh tế – xã hội và an sinh như tài chính, bất động sản, năng lượng và môi trường.
Một nội dung không thể thiếu là việc thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các chủ thể kinh tế tư nhân. Các hiện tượng tiêu cực như trốn thuế, chuyển giá, đầu cơ, thao túng thị trường hay bóc lột lao động không chỉ làm méo mó thị trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, Nhà nước cần củng cố hệ thống thanh tra, kiểm tra, kết hợp với công nghệ quản lý hiện đại để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân trong dài hạn.
Ba là, phát triển kinh tế tư nhân gắn với lợi ích quốc gia – dân tộc.
Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân cần được định vị không chỉ là một trụ cột tăng trưởng mà còn là lực lượng quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc. Điều này đòi hỏi phải gắn sự phát triển của kinh tế tư nhân với các yêu cầu về công bằng xã hội, tiến bộ, nhân văn và chủ quyền kinh tế. Trên cơ sở đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp kinh tế tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghiệp nền tảng, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực tự chủ quốc gia.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các liên kết kinh tế nội địa vững chắc giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là hết sức cần thiết nhằm hình thành chuỗi giá trị trong nước có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đây cũng là giải pháp quan trọng để tránh phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Đồng thời, kinh tế tư nhân cần đề cao vai trò và trách nhiệm xã hội trong thực hiện nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi người lao động và góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nhân văn.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy các phong trào doanh nghiệp vì cộng đồng, vì an sinh xã hội, vì chủ quyền kinh tế quốc gia sẽ không chỉ nâng cao hình ảnh doanh nghiệp kinh tế tư nhân mà còn góp phần lan tỏa các giá trị đạo đức kinh doanh và tinh thần dân tộc. Đây chính là nền tảng để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ với các lợi ích lâu dài của đất nước và dân tộc Việt Nam.
5. Kết luận
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, kinh tế tư nhân được thừa nhận là một hình thức sở hữu tồn tại khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển lực lượng sản xuất và thúc đẩy đổi mới kinh tế. Trên nền tảng lý luận đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo, đặc biệt từ sau công cuộc đổi mới, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những kết quả nổi bật đạt được trong thực tiễn không chỉ minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương này mà còn đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản trị nhà nước và định hướng phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đặc biệt là bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc phát triển kinh tế tư nhân một cách toàn diện, bền vững, công bằng và hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hiện đại.
Chú thích:
1. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập (1995). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 469.
2. V.I.Lênin toàn tập (2005). Tập 43. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 248.
3. V.I.Lênin toàn tập (2006). Tập 44, H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.189.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 124.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 97.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 240.
7. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
8, 9, 10. Cục Thống kê (2024). Niên giám thống kê năm 2023. H. NXB Thống kê.