TS. Trần Thị Thu Hương
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết đánh giá tính khả dụng của 6 công nghệ truy xuất nguồn gốc cho các chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam dựa trên việc phân tích đặc điểm công nghệ, ưu điểm và hạn chế của từng công nghệ, nguồn lực của các doanh nghiệp trong chuỗi và các điều kiện cần thiết khác. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra khuyến nghị về các công nghệ truy xuất nguồn gốc phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp và các giải pháp đối với từng thành viên của chuỗi nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam hiện nay.
Từ khoá: Công nghệ khả dụng, chuỗi cung ứng, thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Theo báo cáo của Bộ Y tế (2024)1, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 103 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.647 người mắc và 20 trường hợp tử vong. Trong năm 2024, tình hình ngộ độc thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp (doanh nghiệp), trường học và do thức ăn đường phố (Bộ Y tế, 2025). Cũng theo thống kê năm 2024 của Bộ Y tế, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong. Số vụ ngộ độc nhỏ và vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong. Trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm năm 2024, có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên; 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật, và 37 vụ chưa xác định được nguyên nhân2. Trước tình hình đó, năm 2024, Bộ Y tế đã tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Năm 2024, ngành Y tế tại Trung ương và địa phương đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22%; đã xử lý 9.043 cơ sở chiếm 41% số cơ sở vi phạm3, tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Trước thực trạng đáng báo động về ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm, việc xây dựng và triển khai một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đặt mục tiêu “đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa”. Không những thế, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; và Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; trong đó, nhấn mạnh “xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc”.
Thực hiện những chỉ thị, nghị quyết trên, từ tháng 10/2024, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia đã chính thức được đưa vào vận hành. Đến nay, Cổng đã có sự kết nối với 17/63 tỉnh thành phố, và 4.406 doanh nghiệp với 4.520 sản phẩm tham gia kê khai truy xuất nguồn gốc3. Con số này là quá nhỏ so với khoảng 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm đang hoạt động trên cả nước. Do đó, việc tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm Việt Nam là vấn đề cấp thiết để kết nối chuỗi giá trị thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
2. Khái quát về truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm
2.1. Khái niệm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Theo Tiêu chuẩn EC 178/2002, “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm được hiểu là khả năng theo dõi xuyên suốt quá trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm, thức ăn gia súc, thực phẩm chế biến cho động vật hoặc các chất dự kiến sử dụng để ăn uống”. Tiêu chuẩn Codex của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex Alimentarius Commission – CAC) cũng đưa ra khái niệm tương tự ““Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối”. Đơn vị sản phẩm trong khái niệm này chính là đơn vị truy xuất hay đơn vị được ghi lại thông tin truy xuất nguồn gốc cần theo dõi. Đơn vị sản phẩm có thể là một gói xoài sấy, một quả xoài, một cây xoài hay một vườn xoài… Việc xác định đơn vị sản phẩm trong truy xuất nguồn gốc đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ quyết định đến thông tin về đối tượng muốn quản lý hay truyền tải đến khách hàng, đối tác qua từng khâu của chuỗi cung ứng.
Như vậy, truy xuất nguồn gốc chính là giải pháp cho phép các thành viên trong chuỗi cung ứng ghi nhận tất cả các thông tin phát sinh trong dòng vận động của sản phẩm từ khi sản xuất đến khi tiêu dùng với mục đích để theo dõi và truy lại chính xác từng công đoạn, từng khâu, từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của một đơn vị sản phẩm. Mọi hệ thống truy xuất nguồn gốc đều phải đảm bảo nguyên tắc “một bước trước – một bước sau”, nghĩa là các thành viên trong chuỗi cung ứng phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện khâu sản xuất trước và khâu sản xuất tiếp theo sau trong suốt quá trình sản xuất – kinh doanh.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện ba chức năng cơ bản bao gồm: (1) Nhận dạng đơn vị sản phẩm truy xuất; (2) Thu thập dữ liệu tự động và (3) Ghi nhận và chia sẻ dữ liệu. Để thực hiện các chức năng này, đòi hỏi hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như: phải sử dụng mã nhận dạng duy nhất cho tất cả các đối tượng truy xuất, các bên liên quan và các vị trí trong chuỗi cung ứng; dữ liệu phải được mã hoá bằng các ngôn ngữ phổ biến để máy quét hay đầu đọc đều có thể đọc được; dữ liệu cần được lưu trữ và có thể truy cập, chia sẻ được.
2.2. Lợi ích của truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm mang lại lợi ích to lớn cho các thành viên trong chuỗi cung ứng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng cuối cùng.

Đối với tổng thể chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc hỗ trợ cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng bằng cách theo dõi sự di chuyển của thực phẩm để phát hiện những khâu, công đoạn trong chuỗi cung ứng có thể cải thiện được như giảm thời gian vận chuyển, đẩy nhanh tốc độ giao hàng, đảm bảo điều kiện dự trữ, bảo quản và giảm chi phí.
Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc cho phép quản lý, kiểm soát nhanh chóng thông tin sản xuất nội bộ và thông tin của tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng; nhờ đó kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm; dự báo, đề phòng, nhanh chóng xác định nguyên nhân và xử lý các rủi ro có thể xảy ra; phòng chống và phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng giúp doanh nghiệp đáp ứng được quy định nghiêm ngặt về sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của các quốc gia nhập khẩu trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật… từ đó mở rộng được thị trường, gia tăng năng lực cạnh tranh và thông quan hàng hoá dễ dàng hơn. truy xuất nguồn gốc mặt khác giúp gia tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp nhờ minh bạch hoá tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng; do đó đây cũng là công cụ marketing mạnh mẽ để doanh nghiệp quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Đối với người tiêu dùng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ cung cấp thông tin minh bạch về địa điểm và quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của sản phẩm; qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; tiết kiệm về thời gian và công sức khi lựa chọn mua các sản phẩm hàng hóa chất lượng.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua truy xuất nguồn gốc của các thành viên trong chuỗi cung ứng, có thể kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, quản lý được nguồn gốc của sản phẩm trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường; bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
3. Đánh giá tính khả dụng của các công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam
Cùng với quá trình phát triển của khoa học – công nghệ, đến nay, đã có 6 công nghệ truy xuất khả dụng khi triển khai trong các chuỗi cung ứng thực phẩm, bao gồm:
Mã vạch là một công nghệ truy xuất thực phẩm được sử dụng phổ biến, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm đóng gói. Dữ liệu được biểu thị dưới dạng mã vạch tuyến tính 1D (các vạch song song) hoặc mã vạch ma trận 2D (hình chữ nhật, tổ hợp các dấu chấm, hình lục giác và các mẫu hình học 2 chiều khác), có thể được đọc bằng thiết bị quang học. Mã vạch có chứa thông tin liên quan đến nguồn gốc, sản xuất và phân phối thực phẩm như số lô, số seri, quy trình xử lý sản phẩm sau thu hoạch. Mã vạch có thể nhận dạng và thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác; cho phép chia sẻ thông tin tới các thành viên trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Nhận dạng bằng tần số sóng vô tuyến (Radio Frequency Identification – RFID) là công nghệ sử dụng trường điện từ để tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ được gắn vào đối tượng truy xuất. Các thiết bị RFID có hai dạng thức là chủ động (có thể phát sóng vô tuyến) hoặc bị động (chỉ có thể phản xạ lại sóng vô tuyến). Công nghệ RFID có thể được áp dụng cho tất cả các khâu, các giai đoạn trong chuỗi cung ứng có nhu cầu theo dõi quá trình di chuyển hoặc biến đổi của thực phẩm. RFID được sử dụng chủ yếu đối với các sản phẩm sau thu hoạch nhưng có chi phí cao hơn mã vạch.
Công nghệ giao tiếp trường gần (Near Field Communications. – NFC) là công nghệ kết nối không dây tầm ngắn (4 – 10 cm), sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị, được phát triển dựa trên nguyên lý của công nghệ RFID. NFC kết hợp với hệ thống điện toán đám mây có thể được sử dụng trong mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, phân phối, bán lẻ và tiêu dùng. Muốn ứng dụng công nghệ NFC, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cần có năng lực tài chính và cơ sở hạ tầng hỗ trợ như hệ thống điện toán đám mây.
Ứng dụng di động có thể được tải xuống và truy cập thông qua thiết bị di động. Ứng dụng được sử dụng để ghi nhận và chia sẻ dữ liệu giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng hoặc sử dụng để quét mã và tiếp cận thông tin về thực phẩm đã được mã hoá. Ứng dụng di động khả dụng đối với phần lớn các loại rau quả khi triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc. Khi triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng ứng dụng di động, cần bảo đảm phạm vi phủ sóng internet rộng rãi để tất cả các bên liên quan có thể dễ dàng cài đặt và chia sẻ dữ liệu.
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được sử dụng để truy xuất thực phẩm bằng cách tạo ra một “sổ cái” kỹ thuật số ghi lại trên mạng máy tính hành trình của thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng mà bất kỳ thành viên nào có quyền đều có thể truy cập được. Mỗi giao dịch trong sổ cái này đều được liên kết với giao dịch trước đó, tạo thành một chuỗi thông tin không thể thay đổi hoặc xóa bỏ nên bảo đảm minh bạch và an toàn thông tin. Tuy nhiên, blockchain đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và có thể không tương thích với các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng hiện có của doanh nghiệp. Ngoài ra, blockchain vẫn yêu cầu mã vạch hoặc thẻ RFID để theo dõi dòng sản phẩm.

Công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things) có thể áp dụng cho các giai đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm có nhu cầu ghi nhận thông tin được cảm biến cần truy xuất, như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ PH… Các thông tin cảm biến này sẽ được trực tiếp ghi nhận vào cơ sở dữ liệu sẵn có mà không cần có sự can thiệp của con người. Công nghệ IoT cần nguồn vốn lớn để triển khai, do đó không khả thi đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Như vậy, mỗi công nghệ sẽ có những ưu điểm và hạn chế riêng về khả năng nhận dạng, tự động thu thập dữ liệu, ghi nhận và chia sẻ dữ liệu truy xuất khi ứng dụng trong các chuỗi cung ứng thực phẩm (Hình 3). Trong đó, các công nghệ mã vạch, thẻ RFID, thẻ NFC tập trung chủ yếu vào các chức năng nhận dạng, thu thập dữ liệu truy xuất; còn các công nghệ như ứng dụng di động, blockchain, cảm biến IoT tích hợp đầy đủ các chức năng liên quan đến nhận dạng, thu thập dữ liệu, ghi nhận và chia sẽ dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ truy xuất trong các chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, bao gồm:
Tính phức tạp của các chuỗi cung ứng thực phẩm: Chuỗi cung ứng thực phẩm với sự tham gia của nhiều thanh viên từ nhà sản xuất, chế biến, phân phối đến bán lẻ thực phẩm. Đồng thời, ngành công nghiệp thực phẩm cũng có tính chất toàn cầu hoá cao với việc sản xuất và phân phối tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Điều này gây khó khăn cho việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và đảm bảo thống nhất áp dụng công nghệ giữa tại các thành viên khác nhau trong chuỗi cung ứng.
Tiêu chuẩn đa dạng về truy xuất nguồn gốc: Hiện các quốc gia, khu vực có các quy định, tiêu chuẩn khác nhau về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Điều này có thể gây khó khăn cho các thành viên của chuỗi cung ứng thực phẩm trong việc triển khai đồng bộ các hệ thống truy xuất nguồn gốc tuân thủ nhiều tiêu chuẩn một cách hiệu quả.
Nguồn lực hạn chế để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc: Việc triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm đòi hỏi nhiều nguồn lực về tài chính, công nghệ, nhân lực… Đây luôn là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam.
Do đó, cần đánh giá tính khả dụng thông qua việc phân tích các yêu cầu năng lực để triển khai các công nghệ truy xuất nguồn gốc đối với các thành viên trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam. Một công nghệ truy xuất nguồn gốc có tính khả dụng cao khi đảm bảo được 6 yếu tố: (1) Cấu phần của công nghệ thực hiện đầy đủ chức năng của hệ thống truy xuất nguồn gốc; (2) Khả năng dễ sử dụng đối với người dùng; (3) Khả năng liên thông với hệ thống khác để kết nối và trao đổi thông tin truy xuất giữa các khâu trong chuỗi cung ứng; (4) Hỗ trợ truy cập và bảo vệ thông tin của các bên liên quan để ngăn chặn truy cập trái phép dẫn đến bị sửa đổi hoặc mất dữ liệu; (5) Độ tin cậy bảo đảm khả năng nhận dạng đầy đủ, chính xác và sẵn có của dữ liệu truy xuất; (6) Phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Bảng 1: Yêu cầu năng lực để triển khai các công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam
Công nghệ | Yêu cầu năng lực để triển khai |
Mã vạch | Dễ sử dụng với chi phí thực hiện thấp.Là công nghệ phổ biến tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. |
RFID | doanh nghiệp cần có năng lực tài chính mạnh để đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư do chi phí triển khai RFID tương đối cao.Đội ngũ triển khai cần có kiến thức về công nghệ RFID để có khả năng tư vấn xây dựng hệ thống tổng thể và triển khai cho các khâu trong chuỗi cung ứng. |
NFC | Yêu cầu chuyên môn về kỹ thuật và năng lực tài chính để triển khai. Cần có hạ tầng hỗ trợ triển khai NFC, chẳng hạn như hệ thống điện toán đám mây. |
Ứng dụng di động | Điện thoại thông minh được sử dụng phổi biến tại Việt Nam với giá thành hợp lý nên công nghệ này khả dụng đối với phần lớn các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam. Cần bảo đảm phạm vi phủ sóng internet rộng rãi để các bên dễ dàng cài đặt và chia sẻ dữ liệu.Cần trang bị kiến thức về công nghệ cho các bên liên quan để bảo đảm hiệu quả của ứng dụng. |
Blockchain | Lưu trữ và khả năng mở rộng là 2 vấn đề kỹ thuật được doanh nghiệp quan tâm nhất khi triển khai blockchain.Yêu cầu bảo đảm khả năng bảo mật thông tin người dùng, đặc biệt khi người dân Việt Nam nhận thức về bảo mật thông tin còn thấp.Cần có đội ngũ triển khai chuyên biệt có kiến thức về blockchain, do công nghệ này chưa phổ biến tại Việt Nam. |
Cảm biến IoT | Cần cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho các thành viên trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông hộ; cần bảo đảm hệ thống được vận hành đơn giản và thân thiện với các bên sử dụng.Cần nguồn vốn lớn để triển khai, do dó không khả thi đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. |
Trên cơ sở những phân tích trên, có thể đưa ra đánh giá tính khả dụng của các công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm với từng nhóm doanh nghiệp có nguồn lực khác nhau như sau (Hình 4):

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên lựa chọn ứng dụng các công nghệ như mã vạch và ứng dụng di động để bảo đảm phù hợp với nguồn lực tài chính hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và năng lực kỹ thuật không cao.
Đối với các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm, có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, nguồn lực tài chính tốt và cơ sở hạ tầng chuỗi đảm bảo đáp ứng yêu cầu có thể triển khai một trong sáu công nghệ kể trên tùy thuộc vào mục tiêu kiểm soát truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm của doanh nghiệp như thế nào.
3. Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong các chuỗi cung ứng thực phẩm
Trước bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch trong sản xuất, chế biến thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trở thành yêu cầu bắt buộc tại nhiều thị trường xuất khẩu, việc ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc được coi là “chìa khóa” tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và chinh phục thị trường quốc tế. Các giải pháp cơ bản được đề xuất nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam hiện nay bao gồm:
Đối với hộ nông dân sản xuất nông sản. Đây là thành viên có nhiều rào cản nhất khi triển khai áp dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm do hạn chế từ nhận thức đến hành động. Do đó, cần vận động, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của nông dân về vai trò của truy xuất nguồn gốc phục vụ sản xuất và xuất khẩu thực phẩm. Ngoài ra, các hợp tác xã hay Hội Nông dân tại địa phương cần huấn luyện nông dân thay đổi hành vi từ ghi chép nhật ký đồng ruộng, gia trại bằng giấy sang ghi chép bằng thiết bị điện tử thông minh, kết nối với hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) để tạo nên hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Đối với doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Cần lựa chọn công nghệ truy xuất nguồn gốc phù hợp với mục tiêu chiến lược và nguồn lực của doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai cần đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc chi tiết, chính xác, cập nhật, ổn định để khách hàng dễ dàng truy cập và tra cứu; đồng thời cải thiện tính bảo mật để tăng độ tin cậy, an toàn của hệ thống truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng dịch vụ truy xuất nguồn gốc thông qua xây dựng kênh chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, hỗ trợ nhanh chóng khi có vấn đề phát sinh liên quan đến truy xuất nguồn gốc; tăng cường hợp tác giữa các bên trong chuỗi cung ứng để chia sẻ thông tin và tạo ra một hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ.
Đối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ thực phẩm. Cần phối hợp với nhà sản xuất, chế biến thực phẩm triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc tới người tiêu dùng cuối cùng; hỗ trợ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích sức khỏe mà thực phẩm truy xuất nguồn gốc mang lại, thông qua việc tăng cường truyền thông về giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn an toàn và quy trình sản xuất khép kín của thực phẩm truy xuất nguồn gốc tới người tiêu dùng.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ban hành các quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, nhà nước có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính như trợ cấp, vay ưu đãi hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc; khuyến khích hoặc bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đối với một số ngành hàng có rủi ro cao như thịt, sữa, thủy sản. Hơn thế nữa, nhà nước cần tăng cường công tác giám sát và kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt các khâu sản xuất, vận chuyển và phân phối thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi gian lận hoặc làm giả thông tin truy xuất nguồn gốc; nâng cao nhận thức của NTD thông qua các chiến dịch truyền thông và giáo dục; học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, như EU, Mỹ, Nhật Bản trong xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc tập trung.
Chú thích:
1. Bộ Y tế (2024). Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
2. Bộ Y tế (2025). Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
3. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia – nền tảng số phục vụ quản lý và minh bạch thông tin sản phẩm, hàng hóa. http://chicuctdc.gov.vn/cong-thong-tin-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-quoc-gia-nen-tang-so-phuc-vu-quan-ly-va-minh-bach-thong-tin-san-pham-hang-hoa.html, ngày 18/4/2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2021). Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2022). Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
3. Đào Hà Trung (2021). Truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm. TE-Food.
4. Nghị viện và Hội đồng châu Âu (2002). Quy định số 178/2002 ngày 28/01/2002 thiết lập nguyên tắc và yêu cầu chung của hệ thống pháp luật thực phẩm, thành lập Cơ quan Thẩm quyền châu Âu về an toàn thực phẩm, và quy định những thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm, Tiêu chuẩn EC 178/2002.
5. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.