Phát triển du lịch tâm linh bền vững tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam

ThS. Nguyễn Trường Huy
Học viện Phụ nữ Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Việc khai thác các giá trị văn hóa tâm linh để phát triển du lịch đã đóng góp và làm gia tăng lợi ích kinh tế cũng như việc làm cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc gia tăng lợi ích kinh tế chỉ là một phần trong các trụ cột của phát triển bền vững. Nếu chỉ tập trung khai thác giá trị này mà bỏ quên trách nhiệm bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường sẽ tạo nguy cơ gây tổn thương sâu sắc đến đời sống của cộng đồng dân cư tại chỗ, giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên gắn với không gian văn hóa tâm linh. Qua thực tiễn tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, bài viết đề xuất khuyến nghị và định hướng phát triển du lịch bền vững cho loại hình du lịch nhiều tiềm năng, thế mạnh này.

Từ khóa: Du lịch tâm linh, phát triển du lịch bền vững, chùa Tam Chúc.

1. Đặt vấn đề

Trước dư địa có tiềm năng phát triển lớn của ngành Du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, việc khai thác các giá trị văn hóa tâm linh phục vụ cho du lịch đã trở nên phổ biến và phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của các đơn vị lữ hành và nhà đầu tư. Theo đó, hàng loạt các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được trùng tu, mở rộng và xây mới để đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng nhiều của du khách, như: chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Yên Tử,…

Chùa Tam Chúc trong những năm gần đây đang nổi lên như một hiện tượng thu hút đông đảo du khách từ mọi miền về tham quan, chiêm bái bởi những giá trị tâm linh, cảnh quan đặc biệt hấp dẫn. Các hoạt động du lịch tâm linh khu du lịch này đang khai thác chủ yếu là: tham quan và tìm hiểu các công trình kiến trúc tôn giáo; tham dự các lễ hội tôn giáo; du lịch hành hương; du lịch thiền… bởi những tiềm năng du lịch tâm linh tại đây rất phong phú và đa dạng. Vấn đề cần quan tâm là việc khai thác các giá trị văn hóa tâm linh ngoài mục tiêu đóng góp mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế cần hướng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa cùng hệ thống cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn và giữ gìn ở các địa điểm tâm linh, chia sẻ hợp lý lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương để hướng tới phát triển du lịch bền vững.

2. Tình hình phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam thời gian qua

Tại Việt Nam, thuật ngữ “Du lịch tâm linh” tuy mới xuất hiện gần đây, nhưng trên thực tế hoạt động này đã diễn ra trên cả nước từ hàng trăm năm nay thông qua các lễ hội truyền thống của dân tộc, như: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội Nghinh Ông ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), lễ hội vía bà ở Châu Đốc (Tây Ninh)…

Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh, như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về kinh tế và xã hội thể hiện qua chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo cũng như phát triển du lịch tâm linh như là một giải pháp, đáp ứng đời sống tinh thần cho Nhân dân; đặc biệt là việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, nhân văn cao cả. Nhiều tôn giáo cùng tồn tại, đóng góp sức mình vào công cuộc xây và giữ nước với triết lý, giáo pháp, đức tin, những giá trị vật thể và phi vật thể là những ngôi chùa, tòa thánh, những công trình văn hóa gắn với di tích và lịch sử dân tộc là điều kiện thuận lợi để du lịch tâm linh phát triển.

Ở Việt Nam với truyền thống uống nước nhớ nguồn và thờ cúng tổ tiên là những giá trị tinh thần sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động tâm linh. Những phong tục này không chỉ duy trì mối liên kết giữa các thế hệ mà còn tạo ra một không gian để con người kết nối với quá khứ, với cội nguồn. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động tâm linh, như: hành hương, ngày lễ hướng về cội nguồn, với các nghi lễ truyền thống, nơi con người tìm về với những giá trị tinh thần và đạo lý của dân tộc.

Sự phát triển của các hoạt động tâm linh ngày càng được củng cố bởi nhu cầu tìm kiếm sự bình yên nội tâm và sự kết nối sâu sắc với các giá trị văn hóa. Du lịch tâm linh, từ đó, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá và trải nghiệm của du khách, không chỉ ở trong nước mà còn quốc tế. Ngoài ra, hội nhập và toàn cầu hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành Du lịch tâm linh. Việc thực hiện chính sách miễn visa nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đã giúp Việt Nam mở rộng cánh cửa giao lưu văn hóa, đồng thời tiếp cận với xu hướng phát triển du lịch tâm linh của thế giới. Điều này còn giúp du lịch tâm linh phát triển theo hướng bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

3. Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh tại chùa Tam Chúc, Hà Nam

Chùa Tam Chúc nằm trong quần thể khu du lịch quốc gia Tam Chúc, được xây dựng năm 2001 trên cơ sở ngôi chùa cổ được khởi lập từ thời nhà Đinh. Khu du lịch chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên… cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Điểm nhấn nổi bật của khu du lịch tâm linh Tam Chúc là diện tích quy hoạch lên tới 147 ha trên sườn núi phía Tây, trong đó mặt bằng xây dựng chùa Tam Chúc rộng 144 ha, gồm nhiều hạng mục ấn tượng: Tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, vườn cột kinh.

Tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, cách thành phố Phủ Lý khoảng 12 km, trên quốc lộ 21A tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Hà Nội. Chùa có khả năng kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng, như: chùa Hương (Hà Nội), Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương (Ninh Bình), khu du lịch chùa Tiên (Hòa Bình) ở khoảng cách rất gần. Với vị trí này, khu du lịch Tam Chúc thuận lợi cho việc khai thác các chương trình du lịch, kết nối các điểm du lịch tâm linh lân cận, như: chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) tạo thành trục du lịch tâm linh lớn, thu hút đông du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Quần thể di tích chùa Tam Chúc, bao gồm các điểm du lịch tâm linh chính: đình Tam Chúc, điện Tam Thế, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, Tháp Ngọc, vườn cột kinh. Với các bức phù điêu, tượng Phật và các tác phẩm điêu khắc khác… phản ánh sự tôn thờ Phật giáo, sự kính trọng đối với các giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam, mang lại cho du khách cảm giác an lành, thanh tịnh và thư thái khi ghé thăm nơi này.

Đình Tam Chúc: là một công trình kiến trúc được phục dựng trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ Tam Chúc, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ. Đình làng Tam Chúc xưa thờ Hoàng hậu nhà Đinh là Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã.

Điện Tam Thế: là công trình lớn nhất nơi đặt ba pho tượng Tam thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Công trình có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc giải thóat con người khỏi khổ đau và giúp họ tìm thấy con đường dẫn đến Niết Bàn. Những bức tượng này được chạm khắc cực kỳ tinh xảo, với các đường nét mềm mại nhưng vô cùng vững chãi, thể hiện sự hoàn hảo trong kỹ thuật điêu khắc và nghệ thuật tạo hình.

Điện Pháp Chủ: là nơi đặt tượng phật Thích Ca Mâu Ni nặng hơn 100 tấn bằng đồng, điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn. Mỗi chi tiết, mỗi cảnh vật trong các phù điêu này đều có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, mang lại một không gian tâm linh cho người chiêm bái và tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật.

Điện Quan Âm: nơi đặt tượng thờ Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, là một kho tàng phong phú với những tích chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật, thể hiện qua các lần ứng thân trải qua vô số kiếp luân hồi. Không chỉ có giá trị tôn giáo sâu sắc mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, kết hợp giữa điêu khắc và tâm linh. Các chi tiết trong tượng Quan Âm thể hiện trí tuệ và lòng từ bi vô hạn của Bồ Tát, đồng thời mang lại sự an lành và giải thóat cho người tín đồ.

Chùa Ngọc: có chiều cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ, trong tháp đặt pho tượng Phật bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn, đây không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chùa Ba Sao: là một trong những ngôi chùa cổ tại đây, là nơi thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người góp phần khôi phục Phật giáo Việt Nam. Truyền thuyết còn kể rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng ghé thăm và trùng tu ngôi chùa trong hành trình tìm hiểu Phật giáo Thiền tông.

Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng: lễ hội chùa Tam Chúc tổ chức thường niên vào ngày 12 tháng Giêng và kéo dài hết tháng Ba âm lịch. Đây chính là dịp để du khách thập phương có điều kiện hoà mình vào trong không gian linh thiêng của lễ hội, thực hành các nghi lễ tôn giáo hay chỉ đơn giản là tham quan, vãn cảnh tìm kiếm sự thanh tịnh trong tâm hồn tại một nơi linh thiêng.

Ngoài các điểm tâm linh và các hoạt động chính, tại đây còn có đủ các điều kiện sẵn sàng đón tiếp với hơn 1.000 nhân viên thường trực, mỗi năm đón khoảng hơn 1,5 triệu khách với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, khách sạn, nhà hàng đáp ứng cùng lúc hơn 500 khách…

Khu du lịch Tam Chúc cùng với những điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất Hà Nam trong những ngày đầu xuân là chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Ninh Tảo, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu với lượng khách du lịch tăng mạnh, đặc biệt, trong dịp đầu năm 2025, phần lớn du khách đến đây với mục đích tham quan, chiêm bái và khám phá văn hóa tâm linh, mong muốn trải nghiệm không gian thanh tịnh, kiến trúc độc đáo cùng các hoạt động lễ hội truyền thống. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam (2025), chỉ trong 3 tháng đầu năm, lượng khách đến Hà Nam đạt 957.000 lượt người, doanh thu du lịch đạt hơn 818 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú ước đạt 60%.

Trong các điểm đến du lịch tại Hà Nam, Tam Chúc dẫn đầu với 5.000 lượt khách/ngày, chiếm vị thế trung tâm nhờ quần thể chùa đồ sộ và cảnh quan hồ nước thơ mộng. Theo Ban quản lý chùa Tam Chúc, lượng khách năm nay tăng đột biến thống kê hai tháng đầu năm đã có hơn 100.000 du khách về đây tham quan, chiêm bái. Bên cạnh đó, nhu cầu về các dịch vụ hỗ trợ du lịch cũng ngày càng tăng cao. Du khách mong muốn có trải nghiệm thoải mái và tiện nghi, bao gồm dịch vụ ăn uống đa dạng, chỗ ở chất lượng và các hoạt động giải trí phong phú. Đặc biệt, xu hướng du lịch kết hợp trải nghiệm đang trở nên phổ biến, với nhu cầu tham gia các hoạt động như thiền định, yoga hay tìm hiểu về ẩm thực chay.

Du lịch tham quan các di tích tôn giáo. Du lịch tham quan, vãn cảnh kết hợp chiêm bái, cầu nguyện tại các địa điểm tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động này cũng khá phổ biến, du khách đến khu văn hóa tâm linh Tam Chúc có thể dâng hương tại Điện Tam Thế, chùa Ngọc và đình Tam Chúc kết hợp đi vãn cảnh chùa, chụp ảnh ở hồ Tam Chúc, núi Thất Tinh và chiêm ngưỡng những kiệt tác kiến trúc và những pho tượng Phật khổng lồ, các bức tranh tạo tác công phu gắn với những dấu ấn trong cuộc đời đức Phật.

Du lịch hành hương, lễ hội. Du lịch hành hương không chỉ là chuyến đi tham quan, còn là chuyến đi tâm linh như thắp hương, cầu bình an, sức khỏe, may mắn cho người thân, gia đình. Du lịch lễ hội tại chùa Tam Chúc diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Đây là hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, giàu truyền thống, với nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Du lịch trải nghiệm tâm linh (thiền, tu tập ngắn ngày…). Du lịch trải nghiệm tâm linh, như: thiền, tu tập ngắn ngày tại chùa Tam Chúc là để rèn luyện, cải thiện bản thân, giúp tịnh tâm như trong công việc giúp chúng ta có thể thư giãn và cân bằng lại cuộc sống. Mỗi năm cứ đến dịp hè, chùa Tam Chúc sẽ tổ chức khóa tu mùa hè cho các bạn trẻ đến tham gia và trải nghiệm. Ngoài các khóa tu thì chùa còn tổ chức các buổi thiền trong ngày cho du khách khi đến tham quan.

Du lịch sinh thái kết hợp tâm linh. Chùa Tam Chúc là điểm nhấn của khu du lịch Tam Chúc. Nơi đây được bao bọc bởi núi đá và các hồ nước nên rất phù hợp với du lịch sinh thái. Du khách có thể tham quan chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh để trải nghiệm cảm giác leo núi, tận hưởng bầu không khí trong lành và ngắm cảnh quan thiên nhiên hoặc cũng có thể trải nghiệm hoạt động du thuyền trên hồ Lục Nhạc, thả đèn hoa đăng để cầu nguyện, cầu bình an, may mắn cho người thân, bạn bè.

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh, cũng xuất hiện nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch bền vững tại chùa Tam Chúc và tập trung vào bốn trụ cột chính là: môi trường, kinh tế, văn hóa – xã hội, công tác quản trị. Theo đó, việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho nơi đây có thể phát triển loại hình du lịch bền vững. Chùa Tam Chúc nằm trong một quần thể khu sinh thái đặc biệt. Vì vậy từ vấn đề xả rác gây ô nhiễm nguồn nước đến nguy cơ phá vỡ cảnh quan tự nhiên hay việc gia tăng số lượng khách du lịch cũng có thể gây áp lực lớn đến môi trường nơi đây.

Phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, trong đó việc phát triển du lịch bền vững tại chùa Tam Chúc không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn phải bảo đảm lợi ích cho cả cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Theo thống kê, hiện tại Chùa Tam Chúc tạo ra công việc ổn định cho hơn 1.000 nhân viên thường xuyên. Đồng thời, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đến du lịch văn hóa, sẽ giúp chùa Tam Chúc có thể thu hút nhiều đối tượng du khách khác nhau đến từ nhiều nơi, có các chính sách nhằm hạn chế tính mùa vụ, tránh được tình trạng quá tải và khai thác quá mức một loại hình du lịch nào đó, qua đó cũng đem lại được nguồn lợi kinh tế lớn cho Nhà nước và địa phương.

Yếu tố văn hóa – xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển du lịch bền vững. Bảo tồn các di sản văn hóa, không làm biến tướng, thương mại hóa các lễ hội văn hóa truyền thống nơi đây. Chùa Tam Chúc không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là một trung tâm văn hóa, tâm linh, do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa là cách tốt nhất để giới thiệu và quảng bá hình ảnh của chùa Tam Chúc đến với du khách tham quan. Nâng cao nhận thức của du khách về vấn đề tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh của chùa Tam Chúc. Tham gia vào việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống để du khách hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như con người địa phương.

Việc xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch dài hạn, kiểm soát số lượng du khách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ trong du lịch là những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý trong vấn đề phát triển du lịch bền vững tại chùa Tam Chúc cần xây dựng, quy hoạch và phát triển du lịch dài hạn, bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn nền văn hóa nơi đây. Không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên du lịch, khuyến khích sự tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch nhằm phát triển du lịch bền vững tại chùa Tam Chúc.

4. Một số giải pháp phát triển du lịch bền vững loại hình du lịch tâm linh tại chùa Tam Chúc, Hà Nam

Thứ nhất, cần xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh,chú trọng xây dựng các sản phẩm tạo sự thuận lợi, tiện nghi, thu hút sự tham gia trải nghiệm của khách tham quan, như: nghi lễ thiền, ăn chay tại chùa, tình nguyện vì cộng đồng, bổ sung các dịch vụ (masage chân, tắm thuốc) để khách có thể thoải mái hơn khi cả ngày dài khám phá các địa hình phức tạp…

Thứ hai, tăng cường quảng bá xúc tiến hình ảnh. Để du lịch tâm linh được đông đảo du khách biết đến thì công tác tuyên truyền, quảng bá cần được triển khai đồng bộ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh dựa trên những đặc trưng riêng. Thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa tâm linh để thu hút khách và các nhà đầu tư, điều này tạo ra hiệu ứng truyền thông rất hiệu quả. Bên cạnh đó, tích cực tham dự hoặc tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ về xúc tiến quảng bá du lịch góp phần đưa hình ảnh về Khu Tam Chúc đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Thiết kế các tờ rơi, tờ gấp thông tin về sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các sự kiện cũng như các địa điểm để thu hút khách du lịch.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hướng đào tạo cần mang tính chuyên sâu, có bài bản nhằm nâng cao kiến thức về các điểm du lịch tâm linh để truyền tải đến du khách. Cần có những khóa học ngắn hạn giúp hướng dẫn viên hoàn thiện kiến thức về dân tộc, văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử các ngôi đền, chùa.

Thứ tư, bảo tồn tài nguyên du lịch tâm linh hiệu quả và bền vững, theo đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Chú trọng bảo tồn và tôn tạo các công trình kiến trúc tâm linh gắn với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, như: hồ Tam Chúc, núi đá vôi, hệ sinh thái rừng xung quanh là hết sức quan trọng nhằm giữ gìn không gian thanh tịnh và hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa – tín ngưỡng – Phật giáo gắn với Tam Chúc cần được sưu tầm, lưu giữ và truyền thông sâu rộng đến du khách, kết hợp với các hoạt động lễ hội, khóa thiền, khóa tu mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Cần kiểm soát lượng khách du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh tại nơi linh thiêng để tránh làm biến dạng không gian tâm linh.

Thứ năm, tổ chức, quản lý hoạt động du lịch tâm linh. Để tổ chức và quản lý hiệu quả hoạt động du lịch tâm linh tại khu du lịch Tam Chúc cần xây dựng một cơ chế quản lý đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ban quản lý khu du lịch, nhà chùa và các đơn vị kinh doanh dịch vụ.

Cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể, phân định rõ các khu chức năng như khu hành lễ, khu dịch vụ, khu nghỉ dưỡng để bảo đảm sự hài hòa giữa yếu tố tâm linh và du lịch. Đồng thời, xây dựng và phổ biến bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi linh thiêng, kết hợp phát hành tài liệu hướng dẫn, hệ thống biển chỉ dẫn đa ngôn ngữ để nâng cao nhận thức của du khách. Việc đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, am hiểu văn hóa – tín ngưỡng và kỹ năng phục vụ du khách là điều cần thiết. Đồng thời, Tam Chúc cần liên kết với các điểm du lịch tâm linh khác, như: chùa Hương, Bái Đính để mở rộng tour, tuyến, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lễ hội, quản lý dòng khách và phát triển bền vững.

5. Kết luận

Trên cơ sở hệ thống hóa lý luận về phát triển du lịch bền vững nói chung và du lịch tâm linh nói riêng. Nghiên cứu đã phân tích thực trạng phát triển du lịch tại khu du lịch Tam Chúc trên các khía cạnh: tài nguyên, hạ tầng, sản phẩm, hoạt động tổ chức quản lý, tác động đến kinh tế – xã hội – môi trường. Qua đó, chỉ ra các hạn chế và thách thức, như: sản phẩm du lịch chưa đa dạng, tính bền vững chưa cao, thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương và nguy cơ quá tải về môi trường – văn hóa. Xuất phát từ những tồn tại đó tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch tâm linh tại khu du lịch Tam Chúc theo hướng bền vững góp phần quan trọng vào việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho khu du lịch Tam Chúc, với mục tiêu không chỉ thu hút khách du lịch mà còn bảo đảm lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh của khu vực.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2016). Luật Tôn giáo tín ngưỡng năm 2016.
2. Nguyễn Đăng Duy (2008). Văn hóa tâm linh. H. NXB Văn hóa Thông tin.
3. Nguyễn Duy Hinh (2007). Tâm linh Việt Nam. H. NXB Từ điển Bách khoa.
4. Nguyễn Đăng Duy (2000). “Cần đính chính lại cách gọi tín ngưỡng dân gian”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1/2000.
5. Nguyễn Hùng Hậu (2010). Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia.
6. Lê Như Hoa (2001). Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. H. NXB Văn hóa Thông tin.
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2007). Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia.