PGS.TS. Vũ Thị Loan
Viện Khoa học Hành chính và Chính sách công
(Quanlynhanuoc.vn) – Biên giới quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, là ý chí và trách nhiệm tự thân của mỗi người dân đất Việt trong việc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không chịu từ bỏ mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá chúng ta, nhất là ở các khu vực biên giới đất liền. Cần nhận diện và phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân và các lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
Từ khóa: Hệ thống chính trị, Nhân dân, lực lượng chức năng, giữ vững chủ quyền, an ninh, biên giới đất liền.
1. Đặt vấn đề
Biên giới quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, là ý chí và trách nhiệm tự thân của mỗi người dân đất Việt trong việc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì lòng yêu nước và ý chí ấy lại trỗi dậy, kết thành sức mạnh vô song để chiến thắng mọi kẻ thù. Ngày nay, trong điều kiện đất nước hòa bình, phát triển ngày càng thịnh vượng nhưng các thế lực thù địch vẫn không chịu từ bỏ mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá chúng ta, nhất là ở các khu vực biên giới đất liền. Cần nhận diện và phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân và các lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
2. Nhận diện một số âm mưu, thủ đoạn phá hoại an ninh biên giới đất liền
Một là, âm mưu phá hoại chế độ chính trị là âm mưu bao trùm nhất.
Các thế lực thù địch tìm mọi cách bôi nhọ bản chất chế độ, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng. Phá hoại nền dân chủ, “phi chính trị hóa” Quân đội và Công an… gây tâm lý bất bình, kích động một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ, cả tin… Vì vậy, phải luôn tỉnh táo, nhận diện đúng, xem xét, phân tích, để vạch trần bản chất và có biện pháp chủ động phòng chống một cách hiệu quả; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong cuộc chiến “không khói súng” nhưng đầy cam go, quyết liệt này.
Hai là, âm mưu phá hoại nền kinh tế, đời sống nhân dân.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chương trình ưu tiên phát triển miền núi, vùng khó khăn… nhằm nâng cao đời sống, rút ngắn khoảng cách giữa vùng miền. Các thế lực phản động âm mưu phá hoại, xuyên tạc chính sách, tạo thói quen lười biếng, ỷ lại, trông chờ, đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước, không chịu lao động, sản xuất, chỉ muốn hưởng thụ, muốn làm những công việc “nhàn” nhưng thu nhập cao, buôn lậu, buôn bán ma túy… bất chấp pháp luật. Âm mưu phá hoại kinh tế của kẻ địch rất thâm độc nhằm làm cho đời sống của đồng bào vùng biên luôn khó khăn, đói nghèo, từ đó, chúng dùng các thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc bằng tiền, vật chất, hứa hẹn “đổi đời”, đưa bà con vào bẫy thu nhập cao, cuộc sống giàu có hơn…
Ba là, âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo cùng chung sống trên địa bàn.
Vùng biên giới đất liền thường là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, đan xen, vốn rất đoàn kết, thân thiện, sẻ chia, đùm bọc tạo nên một cộng đồng bền vững từ lâu đời, trở thành sức mạnh vô song đầy lùi các cuộc tấn công, xâm lược, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Trên vùng biên giới đất liền, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử tộc người, quan hệ giữa các dân tộc. Chúng cho rằng, việc phát triển các dự án kinh tế là nguyên nhân “đẩy” đồng bào các dân tộc lâm vào tình cảnh khốn khó, mất nguồn sinh kế, vì thế mà đời sống đồng bào luôn bị thiếu thốn, khó khăn, nghèo đói, khổ cực. Cùng với đó, chúng kích động mâu thuẫn, gây chia rẽ, hận thù giữa các dân tộc.
Bốn là, âm mưu phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới.
Trên các vùng biên giới đất liền, mặc dù cuộc sống của đồng bào trong các bản làng xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp, khó khăn nhu cầu và mức sống không cao nhưng an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được ổn định, bình an. Xuất phát từ thực tế đó, các thế lực phản động âm mưu kích động đồng bào đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước quá mức, ỷ lại, trông chờ mà không tự vươn lên. Mặt khác, chúng hứa hẹn, tuyên truyền lối sống hưởng thụ, lười biếng, xa vào nghiện ngập, rượu chè, bê tha… nhất là người trẻ, hay chúng dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận vào những hoạt động phi pháp, lừa đảo, buôn lậu, buôn người, đưa người qua biên giới trái phép gây mất trật tự, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội (trộm cắp, nghiện hút, buôn lậu…), làm mất an ninh, an toàn đời sống của đồng bào. Nhất là việc chúng âm mưu gây rối, kích động, chia rẽ giữa đồng bào với chính quyền, giữa đồng bào với các lực lượng bảo vệ biên cương, giữa đồng bào vùng biên của hai quốc gia…, gây mâu thuẫn, thậm chí gây hận thù làm xấu đi quan hệ giữa các quốc gia láng giềng
3. Các hoạt động chống phá an ninh biên giới
Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thế lực thù địch coi đây là hoạt động mũi nhọn, là con đường ngắn nhất làm xói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng các thông tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, các bài viết, các video, ấn phẩm, tài liệu phản động của một số các nhân tổ chức trong, ngoài nước chúng đưa tới từng nhà, từng người dân, từng ngày, từng tháng, mọi lúc, mọi nơi làm cho người dân nghi ngờ, không tin tưởng, thậm chí phản đối chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, hoạt động phá hoại kinh tế. Nổi bật là việc chúng lôi kéo đồng bào bỏ sản xuất, làm thuê cho các hoạt động buôn lậu (vận chuyển hàng lậu qua những lối mòn, hiểm trở để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng); thậm chí chúng lôi kéo người trẻ, người ham cuộc sống giàu sang vào buôn bán ma tuý; kích động, dụ dỗ người dân bán đất đai, ruộng vườn để lấy tiền tiêu sài, không còn tư liệu sản xuất, và phải cuốn vào sự dẫn dắt, chỉ huy theo mục đích của chúng. Những hoạt động phá hoại kinh tế theo dọc các khu vực biên giới đất liền ở nước ta được thống kê cụ thể, như:
(1) Hoạt động buôn lậu hàng hoá được tổ chức thành các đường dây buôn lậu hàng hóa dưới nhiều hình thức tinh, phức tạp và liều lĩnh qua biên giới để trốn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
(2) Phá hoại sản xuất nông nghiệp. Do điều kiện khó khăn và trình độ sản xuất thấp nên quy mô, khối lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Lợi dụng thực tế đó, các thế lực phản động đã có nhiều hành động phá hoại rất thâm độc, nguy hiểm, dã man như chúng tung tin giả về dịch bệnh khiến nhiều hộ chăn nuôi vội bán tháo gia súc, gây thiệt hại lớn, thậm chí có những hộ mất trắng cả sản nghiệp); đầu độc nguồn nước, phá hoại mùa màng ở các tỉnh biên giới; hoạt động nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng khá phổ biến, diễn ra thường xuyên trên phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
(3) Lợi dụng dự án đầu tư để trục lợi, chiếm đoạt đất đai. Một số tổ chức nước ngoài núp bóng doanh nghiệp, hợp tác xã để chiếm dụng đất đai vùng biên, lừa đảo người dân bằng các dự án “ma”, sau đó bỏ trốn, gây mất ổn định xã hội.
(4) Hoạt động rửa tiền qua biên giới. Hành động rửa tiền được một số tổ chức, cá nhân thực hiên bằng việc lập các công ty “vỏ bọc” ở khu vực biên giới để hợp pháp hóa nguồn tiền phi pháp, che đậy hành vi phạm pháp hoặc các hoạt động bất hợp được núp dưới công ty có pháp nhân; hoặc chúng sử dụng tiền từ buôn lậu, ma túy để đầu tư vào các dự án bất động sản, casino. Hoạt động rửa tiền không chỉ tác động đến nền kinh tế mà còn tạo nên nhiều hệ luỵ về mặt xã hội như: tệ cờ bạc, lừa đảo chiếm dụng tiền, trộm cắp, lũng đoạn thị trường tài chính…, tạo ra nhiều bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khu vực biên giới xảy ra hoạt động này nổi bật là các sòng bạc trá hình ở biên giới Campuchia. Nhiều đối tượng người Việt tham gia đánh bạc, sau đó rửa tiền thông qua chuyển khoản ngân hàng.
(5) Lợi dụng thương mại điện tử, lừa đảo qua mạng. Hậu quả của việc này rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá trong nước, gây thất thu thuế cho ngân sách, không kiểm soát được chất lương hàng hoá, gay rối loạn giá cả, thị trường.
Thứ ba, hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo cùng chung sống trên địa bàn vùng biên giới. Các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo ở vùng biên giới để thực hiện các hoạt động phá hoại nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ nhân dân với chính quyền, chia rẽ dân tộc, tung tin giả, tin xấu độc, lập nhà nước Mông; lợi dụng tôn giáo để thực hiện những việc đi ngược lại lợi ích của quốc gia, kích động biểu tình hoặc gây bạo loạn… Mục đích rõ ràng của chúng là phá vỡ sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm làm suy yếu sức mạnh nội bộ, tạo điều kiện can thiệp từ bên ngoài; gây mâu thuẫn, xung đột sắc tộc, tôn giáo nhằm tạo cớ để quốc tế lên án, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, từ đó kích động biểu tình, bạo loạn, ly khai; tạo tiền đề cho các hoạt động chống phá khác, như khủng bố, ly khai…
Thứ tư, hoạt động phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới.
Hoạt động phá hoại an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới là một trong những vấn đề nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, ổn định và phát triển của quốc gia. Những hoạt động này diễn ra nguy hiểm, liều lĩnh, tinh vi và rất phức tạp dọc theo các tuyến biên giới.
(1) Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm xuyên biên giới. Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng địa hình hiểm trở để vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn người…
Nạn buôn người, đưa lao động bất hợp pháp đã xảy ra ở nhiều địa phương.Đặc biệt tại các khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Campuchia. Hàng nghìn người đã bị dụ dỗ, lôi kéo với những hứa hẹn đi lao động ở nước ngoài thu nhập cao, có nhiều cơ hội đổi đời. Hàng nghìn lao động Việt bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”, sau đó bị bắt làm lao động cưỡng bức tại sòng bạc.
(2) Hoạt động gây rối an ninh, xâm nhập trái phép, tuyên truyền chống phá. Đây là những hoạt động rất phức tạp, liều lĩnh của bọn tội phạm và các tổ chức phản động. Các đối tượng khủng bố, phần tử cực đoan lợi dụng đường biên để xâm nhập, gây rối, tuyên truyền xuyên tạc, kích động biểu tình, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết, gây hỗn loạn xã hội. Hoạt động này rất phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Nam, Tây Nguyên và Tây Bắc.
(3) Hoạt động khai thác tài nguyên trái phép, phá hoại môi trường, kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân. Các thế lực thù địch dùng nhiều chiêu trò, nhiều phương thức để trực tiếp hoặc kích động, tiếp tay cho một số đối tượng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép làm suy thoái môi trường, mất an ninh nguồn nước.
Từ đó, có thể khẳng định, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm cách chống phá, gây rối an ninh trật tự tại vùng biên giới đất liền của nước ta với những âm mưu và hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt.
4. Thực trạng hoạt động đấu tranh bảo đảm an ninh xã hội vùng biên giới của các lực lượng chức năng
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam hiện có tổng số xã biên giới: 2.172 xã thuộc khu vực biên giới đất liền, trong đó có 678 xã đặc biệt khó khăn (chiếm 31,2%); tổng số huyện biên giới: 204 huyện của 25 tỉnh có đường biên giới đất liền. Phân bổ theo khu vực, biên giới phía Bắc (giáp Trung Quốc): 852 xã biên giới, 82 huyện; biên giới phía Nam (giáp Campuchia, Lào): 1.320 xã biên giới 122 huyện.
Hoạt động đấu tranh để bảo đảm an ninh xã hội vùng biên giới là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của toàn bộ hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng, như: Bộ đội Biên phòng, Công an, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và Nhân dân trên địa bàn.
Hệ thống chính trị các xã có vai trò đặc biệt quan trọng, chủ chốt, cơ sở vững chắc của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh bảo đảm an ninh xã hội vùng biên giới.
(1) Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị các xã biên giới. Hệ thống chính trị các xã biên giới triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa tệ nạn xã hội phát triển, gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn khu vực biên giới như tệ cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau, nghiện hút, buôn lậu, buôn người…; đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm, tội phạm buôn bán ma túy, buôn vũ khí, buôn người.
Bảo tồn văn hóa, ổn định dân cư, quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Hệ thống chính trị các xã luôn phải bảo đảm ổn định đời sống dân cư cả về vật chất và tinh thần, bảo tồn các giá trị văn hóa trường tồn tạo nên bản sắc của các dân tộc. Đó là việc phải quản lý tốt dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phát triển sản xuất, nâng cấp kết cấu hạ tầng (đường, trường, trạm, nước sạch), phát triển giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh. 80% xã biên giới có nhà văn hóa; hàng trăm lớp tiếng dân tộc được mở.
(2) Phát triển kinh tế – xã hội vùng biên giới. Đây là nhiệm vụ trung tâm của hệ thống chính trị các xã biên giới. Phát triển mạnh kinh tế – xã hội là tiền đề, cơ sở vững chắc để giữ vững an ninh, bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% (năm 2020) xuống 12% (năm 2023); phát triển kết cấu hạ tầng được đầu tư. Các chương trình, dự án của Chính phủ, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, những năm gần đây, kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất và đời sống của Nhân dân các xã vùng biên đã được cải thiện rõ rệt, kết cấu hạ tầng giao thông, đường xá, điện, trường, trạm phát triển vượt bậc.
(3) Xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh vững chắc.
Hệ thống chính trị các xã đã chủ động phối hợp nhiều phương thức để thực hiện nội dung, mục tiêu đấu tranh bảo đảm an ninh xã hội vùng biên giới. Hệ thống chính trị các xã đều xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa hệ thống chính trị địa phương với Quân đội, Công an, Biên phòng, tạo nên sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới.
Coi trọng công tác dân vận, vận động quần chúng, thường xuyên sát dân, gần dân, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng “Thế trận lòng dân”, thành lập “Tổ tự quản an ninh”, dựa vào già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động, tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân, thực hiện mục tiêu của Đảng, chính quyền.
Xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, ứng dụng khoa học công nghệ trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới, lắp đặt camera giám sát, xây dựng hàng trăm km hàng rào biên giới thông minh; sử dụng drone tuần tra đường biên, triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt tại nhiều cửa khẩu.
Hệ thống chính trị các xã biên giới rất coi trọng hợp tác, đoàn kết quốc tế. Hằng năm, chính quyền, quân, dân các vùng biên giới hai nước đã tổ chức nhiều buổi giao lưu đoàn kết, cùng liên hoan văn nghệ, chia sẻ tình cảm, hiểu biết lẫn nhau, thống nhất cùng nhau giải quyết tốt nhất những vấn đề này sinh giữa hai nước, cùng giữ gìn an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hoà bình, thân thiện… Tổ chức nhiều cuộc tuần tra chung/năm với Lào, Campuchia.
(4) Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân vùng biên giới.
Người dân sinh sống, lao động sản xuất từ đời này qua đời khác ở vùng biên cương là chứng nhân cho chủ quyền, khẳng định bờ cõi của đất nước. Đồng thời, họ là “pháo đài sống” bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn ai hết, người dân hiểu rõ nhất các đặc điểm, khó khăn, thuận lợi, những biến đổi, bất thường đang xảy ra ở khu vực biên giới. Người dân vùng biên giới có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc phát huy vai trò của họ cần đi đôi với nâng cao đời sống, từ đó tạo thế trận lòng dân vững chắc.
Những thành công trong đấu tranh chống phá hoại ở vùng biên giới đất liền là kết quả của sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, linh hoạt, kịp thời của Nhà nước với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, các biện pháp, chính sách hiệu quả; sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng, như: Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan cùng với sự đồng lòng của người dân kết hợp chiến lược giữa an ninh, kinh tế, ngoại giao.
Mặc dù đã đạt được những thành công, kết quả đáng mừng trong đấu tranh chống phá hoại ở vùng biên giới đất liền, song công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau:
(1) Công tác chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm còn yếu. Các thế lực thù địch sử dụng công nghệ cao (mạng xã hội, ứng dụng mã hóa) để tuyên truyền, gây chia rẽ, nhưng lực lượng chức năng chưa theo kịp xu thế. Khó phát hiện hoạt động tuyên truyền, kích động. Tình trạng xâm nhập trái phép vẫn xảy ra, một số khu vực địa hình hiểm trở, thiếu phương tiện giám sát hiện đại khiến đối tượng lợi dụng để vượt biên, buôn lậu.
(2) Năng lực của một số địa phương còn hạn chế. Thiếu cán bộ am hiểu địa bàn, một số cán bộ biên phòng, công an chưa thông thạo tiếng dân tộc, phong tục địa phương, dẫn đến khó tiếp cận, nắm bắt tình hình. Trang thiết bị chưa đáp ứng, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, hệ thống giám sát (camera, radar) còn thiếu hoặc lạc hậu, chưa đồng bộ.
(3) Đời sống kinh tế – xã hội vùng biên giới còn khó khăn. Tình trạng di cư tự do, buôn người còn diễn biến phức tạp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu việc làm, nghèo đói dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp hoặc bị kích động. Kết cấu hạ tầng cơ bản còn thiếu, lạc hậu, một số khu vực chưa có điện, đường, trường học, y tế đầy đủ, tạo kẽ hở để các thế lực xấu lợi dụng lôi kéo.
(4) Sự phối hợp giữa các lực lượng chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. Sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương, đôi khi còn xảy ra tình trạng chồng chéo, thiếu trao đổi thông tin kịp thời, dẫn đến hiệu quả đấu tranh giảm sút. Hợp tác quốc tế còn hạn chế ở một số khu vực, như một số nơi biên giới giáp với các nước có tình hình phức tạp, việc phối hợp tuần tra, chia sẻ thông tin chưa thường xuyên.
(5) Công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự hiệu quả. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa sâu sát, thiếu hấp dẫn, nhiều chương trình tuyên truyền về an ninh biên giới còn mang tính một chiều, chưa phù hợp với văn hóa địa phương, khiến người dân ít quan tâm. Cơ chế phản ánh thông tin từ cơ sở còn thiếu, dẫn đến người dân đôi khi ngại tố giác tội phạm do lo sợ bị trả thù; thiếu cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin.
5. Một số đề xuất
Trong bối cảnh mới, tình hình biên giới có nhiều diễn biến phức tạp, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ hiện đại, các thế lực thù địch và tội phạm ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi, để làm tốt hơn công tác đấu tranh chống phá của các thế lực thù địch nhằm bảo đảm an ninh xã hội vùng biên giới đất liền, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, đầu tư hệ thống giám sát thông minh (AI, drone, camera nhiệt) để phát hiện sớm hoạt động đáng ngờ.
Hai là, nâng cao năng lực cán bộ: đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, ngoại ngữ, văn hóa địa phương để tiếp cận người dân hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên giới, tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo để người dân không bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế phối hợp, xây dựng quy trình trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các lực lượng và hợp tác chặt chẽ với nước láng giềng.
Năm là, đổi mới công tác tuyên truyền, sử dụng đa dạng hình thức (mạng xã hội, truyền thông địa phương), nội dung tuyên truyền thiết thực, bổ ích để nâng cao nhận thức người dân.
Vấn đề an ninh biên giới luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm, bảo vệ vững chắc. Đây không chỉ là trách nhiệm vẻ vang của đồng bào và các lực lượng chức năng, tổ chức Đảng, chính quyền ở các khu vực biên giới mà còn là trách nhiệm chung của toàn đảng, toàn dân, toàn quân trên phạm vi cả nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ (2023). Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023.
2. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 Phê duyệt Danh mục xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
3. Nhận diện một số thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay của các thế lực thù địch”. https://nda.edu.vn/tin-tuc/chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-mot-so-thu-doan-chong-pha-cach-mang-vietnam-hien-nay-cua-cac-the-luc-thu-ich-1115.html.
4. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước. https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/nhan-dien-am-muu-thu-doan-cua-cac-the-luc-thu-dich-chong-pha-dang-nha-nuoc-p28727.html.
5. Nhận diện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù trong thời kỳ mới. https://hvctcand.bocongan.gov.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-cua-cac-the-luc-thu-trong-thoi-ky-moi-3869.