Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính trong thực thi công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Liêm chính là một trong những yêu cầu hàng đầu nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Liêm chính là trong sạch, không tham lam; là nói không với tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính là vấn đề cốt yếu để hướng tới một nền công vụ trong sạch, phục vụ Nhân dân và dân tộc.

 

Công chức Cục Thuế tỉnh Đồng Nai hướng dẫn thủ tục cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh. (Ảnh: Đặng Ngọc)

Hồ Chí Minh luôn khẳng định đạo đức là gốc của mỗi người, là nền tảng của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang là phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên trên hết. Tinh thần liêm chính của Người vẫn luôn nguyên giá trị, mang tính thời sự, tính giáo dục và đậm chất nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thì mỗi cán bộ, công chức (CBCC) cần nghiêm túc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, trong đó chuẩn mực “liêm chính” là yêu cầu hàng đầu nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ CBCC nói riêng trong thực thi công vụ (TTCV).

Liêm chính, theo Hồ Chủ tịch là trong sạch, không tham lam; là nói không với tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. CBCC thực hành liêm chính để làm trong sạch Chính phủ, trong sạch nền công vụ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong quá trình lựa chọn CBCC “phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu”1. Điều này, một mặt, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, mặt khác, khẳng định rõ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đặt lợi ích của Nhân dân, dân tộc lên trên hết và trước hết: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy”2.

Xây dựng một đội ngũ CBCC liêm chính là vấn đề cốt tử để hướng tới một nền công vụ trong sạch, phục vụ Nhân dân và dân tộc. Công chức có vị trí càng cao càng phải nêu gương về liêm chính. CBCC liêm chính thì sẽ không tham nhũng và chống tham nhũng. CBCC giữ liêm chính là luôn ngay thẳng, trung thực: “Người có “liêm” có “sỉ” mới biết khiêm tốn mà thoái nhường; chọn lấy hay bỏ đi cái gì, đều vì đại cuộc”3.

Trong nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách làm cụ thể để có thể xây dựng được đội ngũ CBCC liêm chính vì Nhân dân: “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban”4. Người còn căn dặn trong Di chúc và nhấn mạnh yêu cầu “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”5. Theo đó, xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính phải xây dựng sự liêm chính từ thể chế, cơ chế vận hành nền công vụ cho đến phẩm chất của từng CBCC luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết… Đây không chỉ là yêu cầu khách quan của thời cuộc, mà còn là nhu cầu tự thân của nền công vụ Việt Nam hiện nay.

Ngày 11/5/2020, sau khi Tiểu ban Nhân sự báo cáo Bộ Chính trị lần 2 về dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) trước khi trình Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Lưu ý đến phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm,… phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…”6.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một quyết tâm mà Nhân dân luôn mong đợi, xây dựng đội ngũ CBCC, xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp: “Chính phủ thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, loại bỏ dần biện pháp mệnh lệnh – hành chính, xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển. Khẳng định Chính phủ là công bộc của dân, gắn bó với Nhân dân, phục vụ Nhân dân”7.

Thực tiễn trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng xây dựng một đội ngũ CBCC đông đảo về số lượng và từng bước được đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng trong TTCV. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì vẫn còn khá nhiều hạn chế, bất cập đối với đội ngũ CBCC. Vì vậy, cần phải tập trung xây dựng được đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV; xây dựng được một bộ máy hành chính trong sạch, có năng lực hành động trong thực tế; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của người dân, gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương và chấp hành pháp luật. Trong bộ máy đó, CBCC không tham ô, tham nhũng, biết chống lại bệnh quan liêu, lãng phí, không tham quyền cố vị, không lạm dụng quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng hoặc lợi ích cho “phe nhóm”.

Hiện nay, khi xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV vẫn còn một số khó khăn sau:

Một là, do năng lực và thực tế hoạt động công vụ của một bộ phận CBCC còn yếu kém, làm chậm tiến trình cải cách nền công vụ và giảm hiệu quả công tác, dẫn đến kết quả đạt được thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Thậm chí, những CBCC này sẵn sàng tham nhũng, có tư tưởng cậy quyền, ỷ thế, xúi bẩy, bao che cho người làm điều xấu, tổn hại đến thanh danh nền công vụ, uy tín của Đảng, Nhà nước.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thực tiễn mới. Do yêu cầu hội nhập quốc tế, yêu cầu của việc tiêu chuẩn hóa CBCC mà không ít CBCC chỉ đi học vì giữ vị trí hoặc để bổ nhiệm, chứ không phải do tự bản thân cần phải bổ sung kiến thức, kỹ năng. Đó là chưa kể đến sự trùng lặp giữa các chương trình đào tạo, nội dung đào tạo gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc cho Nhà nước và Nhân dân.

Hai là, do nhận thức và thiết kế bộ máy quản lý hành chính chồng chéo chức năng và nhiệm vụ; thiếu minh bạch, cùng với đó là một thể chế hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, quan liêu; hệ thống thủ tục hành chính chưa thực sự đơn giản, dễ dàng đối với người dân và doanh nghiệp,… Các quy định về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến dân sinh nằm rải rác ở nhiều bộ, ngành, địa phương nên khó tra cứu và bản thân các cơ quan chức năng áp dụng không thống nhất, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân. Với cách thiết kế này đã tạo ra kẽ hở do thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cụ thể về hoạt động công vụ nói chung, liêm chính của CBCC nói riêng làm giảm niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Nhất là khi CBCC lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong TTCV, tư lợi, trốn tránh trách nhiệm trong TTCV…

Ba là, do thiếu các quy định của pháp luật về đạo đức liêm chính đối với CBCC trong TTCV, hoặc có thì còn chung chung, khó áp dụng. Mặt khác, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hành pháp luật của bản thân một bộ phận CBCC chưa nghiêm túc.

Bốn là, do chế độ tiền lương – thu nhập của CBCC hiện nay thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên CBCC chưa chuyên tâm vào vị trí việc làm, càng khó khăn hơn khi giữ liêm chính trong TTCV.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính khi TTCV trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyển lựa CBCC, bảo đảm đầu vào là những người có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp. Việc tuyển dụng phải được tổ chức theo những trình tự, thủ tục khách quan, công bằng, minh bạch, bảo đảm dân chủ. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm CBCC vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng cần được tiến hành qua nhiều khâu, bảo đảm tính công khai trên nguyên tắc bố trí đúng người theo vị trí việc làm.

Lượng hóa những tiêu chí thích hợp theo từng vị trí việc làm để giữ được CBCC có năng lực và liêm chính ở lại nền công vụ, đồng thời thanh lọc CBCC không phù hợp ra khỏi nền công vụ. Song song với đó là thực hiện việc đánh giá CBCC khách quan, dân chủ, thường xuyên, tạo động lực cho CBCC có năng lực, giữ được liêm chính trong TTCV, thực sự yên tâm công tác. Mặt khác, thực hiện việc điều chỉnh các vị trí công tác cho phù hợp với trình độ năng lực của CBCC cũng như chế độ thưởng, phạt, đề bạt, bổ nhiệm dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực cho sự phấn đấu của từng CBCC.

Cần pháp luật hóa các giá trị đạo đức của CBCC thành những cam kết buộc CBCC thực hiện trong TTCV. Cam kết đạo đức của CBCC như một công cụ để tự kiểm soát bản thân trước những cám dỗ thường xuyên nhằm bảo đảm sự liêm chính trong TTCV: (1) Cam kết đạo đức của CBCC được phản ánh trong một khuôn khổ pháp lý cụ thể, là cơ sở để đưa ra những nguyên tắc và tiêu chuẩn áp đặt tối thiểu đối với hành vi của mọi CBCC trong TTCV; (2) Cam kết đạo đức của CBCC trong nền công vụ phải tường minh. CBCC phải nắm vững những nguyên tắc và tiêu chuẩn căn bản mà họ cần tuân thủ trong TTCV; (3) CBCC cần được biết quyền và nghĩa vụ của họ khi phát hiện hay nghi ngờ những hành vi vi phạm đạo đức trong TTCV;  (4) Quy trình thực hiện cam kết đạo đức của CBCC phải rõ ràng và công khai, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; (5) Thủ tục và các biện pháp xử phạt thích đáng đối với sự vi phạm các cam kết đạo đức của CBCC.

Thứ hai, muốn xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV, nhất thiết phải nâng cao chất lượng môi trường công vụ, tạo cơ sở cho việc thực hành liêm chính ở CBCC trong TTCV. Điều này đòi hỏi cải cách nền công vụ không chỉ theo hướng tinh gọn, tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, mà phải thanh lọc đội ngũ CBCC. Kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức những CBCC làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm, có phiếu tín nhiệm thấp mà không chờ tới hết nhiệm kỳ. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam hiện đại hóa nền công vụ trên cơ sở thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong doanh nghiệp và quản lý nhà nước, xây dựng chính phủ số là đột phá tác động trực tiếp đến xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV.

Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật về liêm chính, đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về liêm chính đối với CBCC trong TTCV. Đây là khâu quan trọng, quyết định đến hiện thực hóa xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV. Đồng thời, một mặt, chú ý đến các hình thức giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp đối với CBCC theo các vị trí việc làm khác nhau trong nền công vụ. Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, mục đích nhằm xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội, với đội ngũ CBCC trung trực, công tâm, liêm chính, tận tụy, chuyên nghiệp và được trả lương hợp lý; các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp được củng cố và phát triển.

Thứ tư, thay đổi toàn diện về nhận thức và thực hiện một chế độ tiền lương tiến bộ đối với CBCC. Hiện nay, chúng ta xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong bối cảnh còn nhiều vấn đề mà xã hội bức xúc, như tham nhũng, quan liêu, vô trách nhiệm, thiếu đạo đức trong TTCV của CBCC… Muốn khắc phục và xóa bỏ những hiện tượng trên nhằm làm cho đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV, trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội thì trước hết phải xóa được cơ sở kinh tế sinh ra những hiện tượng tham nhũng, thiếu đạo đức, vô trách nhiệm, bất liêm… trong TTCV của CBCC. Chính sách tiền lương phải bảo đảm được đời sống của CBCC, từ đó, mỗi CBCC mới có thể phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, có đạo đức liêm chính nhất.

Cần thừa nhận giá trị của sức lao động, tiền lương là giá cả của sức lao động trong nền kinh tế thị trường, theo đó, CBCC có quyền được trả lương đúng với giá trị sức lao động của họ trong mọi tương quan với thị trường lao động. Trong điều kiện kinh tế thị trường, tiền lương, thu nhập của công chức dù do ngân sách trả, vẫn phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến tình trạng CBCC tìm cách “xoay” trong TTCV để “bù đắp tiền lương” như quan liêu, tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để “đòi chia sẻ lợi ích”, làm lũng đoạn, méo mó thị trường và gia tăng tình trạng “chảy máu chất xám” từ nền công vụ ra khu vực thị trường.

Những CBCC được đào tạo ở trình độ cao, có tác động lớn đến các mặt của đời sống kinh tế – xã hội và đòi hỏi trách nhiệm rất cao…, do đó, cần tính đến các đặc thù trên, nhất là trả lương cho đúng, cho đủ thì sẽ làm giảm hiện tượng tiêu cực, tham nhũng đang xảy ra hiện nay. Thực hiện trả lương cho CBCC theo cơ chế thị trường là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần làm trong sạch nền công vụ.

Việc cải cách cơ chế tiền lương cần phải trở về đúng nguyên tắc “lương trả theo kết quả lao động” theo cơ chế thị trường đối với CBCC. Nếu làm được điều này, CBCC nhất định trở nên liêm chính và trách nhiệm phục vụ Nhân dân sẽ tốt hơn, đúng với bản chất của nền công vụ ở nước ta là nền công vụ phục vụ Nhân dân, có trách nhiệm với Nhân dân. Ngoài ra, thay vì căn cứ vào thâm niên công tác của CBCC để trả lương, nên xây dựng quỹ dưỡng liêm đối với từng cá nhân CBCC. Quỹ dưỡng liêm có thể được tính bằng thời gian gắn bó, đóng góp cho nền công vụ. Quỹ này không được trả thường xuyên cho CBCC, mà được tích lũy cho đến khi CBCC không còn tham gia phục vụ nền công vụ (về hưu, bệnh tật, thôi việc hợp pháp…) mới được trả. Nếu CBCC trong quá trình TTCV vi phạm pháp luật, đạo đức, bị kỷ luật… thì vĩnh viễn không được nhận khoản tiền này.

Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập quốc tế, đòi hỏi quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ. Điều này phản ánh những giá trị cốt lõi của nền công vụ Việt Nam – của dân, do dân, vì dân, mục đích trước hết, trên hết và duy nhất là phục vụ Nhân dân, dân tộc. Ở một bình diện khác, xây dựng đội ngũ CBCC liêm chính trong TTCV góp phần tạo nên hệ thống các giá trị cốt lõi của nền công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tham nhũng và chống tham nhũng.

Chú thích:
1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc. http://baochinhphu.vn, ngày 23/4/2020.
2, 4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 21, 21.
3. Cán bộ có liêm, có sỉ để Đảng mạnh dân tin. https://vietnamnet.vn, ngày 27/4/2020.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 611 – 612.
6. Trình phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. https://vietnamnet.vn, ngày 11/5/2020.
7. Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ: Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh. Bàn về Nhà nước và pháp luật. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
2. Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

TS. Cao Minh Công
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội