Chấm điểm để xử lý cán bộ kém – Bài học từ Thanh Hóa

(QLNN) – Thời gian gần đây dư luận hết sức ủng hộ quyết định xử lý mạnh tay dựa trên kết quả “chấm điểm” mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người đứng đầu các cơ quan ở tỉnh Thanh Hóa. Bài viết sau sẽ giới thiệu cụ thể hơn về kinh nghiệm này của tỉnh Thanh Hóa.

 

Kể từ năm 2011, nhằm cụ thể, định lượng rõ ràng năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân người đứng đầu và các cơ quan công quyền trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xây dựng quy định về chấm điểm mức độ hoàn thành công việc Chủ tịch UBND tỉnh giao. Quy chế này được hoàn thành trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi ở cơ sở và công khai minh bạch. Theo khung điểm quy định, nếu trong hai năm liên tục, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ (dưới 50 điểm), hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp (từ 50 – 70 điểm) sẽ điều động công tác khác, kể cả buộc thôi việc. Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập Tổ thẩm định chấm điểm do Giám đốc Nội vụ làm Tổ trưởng, cùng tham gia có lãnh đạo các sở Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh…

Năm 2012, Thanh Hóa bắt đầu chấm điểm mức độ hoàn thành công việc của Chủ tịch UBND tỉnh giao ở khối các cơ quan cấp tỉnh. Năm 2013 đối tượng được mở rộng đến các trường cao đẳng, đại học thuộc tỉnh. Đến năm 2014 quy chế chấm điểm được mở rộng thêm các chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở, cơ quan ngang sở, lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, các cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp, công lập trong toàn tỉnh. “Năm 2013, Thanh Hóa có hơn 300 lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức bị xem xét từ phê bình, khiển trách cho đến buộc thôi việc do vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ ở ngành được phụ trách, cơ quan nơi làm việc. Riêng năm 2014 có khoảng 396 công chức, viên chức trên địa bàn không hoàn thành nhiệm vụ đang chờ quyết định xử lý cụ thể của UBND tỉnh”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc triển khai đánh giá về mức độ hoàn thành công việc từ cấp giám đốc các sở, cơ quan ngang sở, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho đến nhân viên trực thuộc các ban, ngành UBND tỉnh Thanh Hóa được triển khai cách đây bốn năm nhưng còn quá chung chung, định tính. Từ năm 2013, UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, các cơ quan liên quan phải chấm điểm đánh giá mức độ hoàn thành công việc cụ thể theo từng đầu công việc và phải định lượng chính xác đến từ 0,5 điểm (bảng điểm 100).

Đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ (tức số điểm dưới 50) sẽ bị xử lý nghiêm theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, kể cả lãnh đạo các sở, cơ quan ngang sở sẽ bị điều chuyển hoặc chuyển đổi công việc nếu trong một nhiệm kỳ có hai năm không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Dũng cũng khẳng định, không có chuyện dù là con cháu, thân tín với ai mà toàn bộ quy trình chấm điểm, đánh giá đều phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ.

Đến nay tất cả đơn vị thừa nhận việc chấm điểm là đúng, xử lý chính xác, khoa học và khách quan. Đặc biệt, kể từ khi có Quyết định số 4129 ngày 25/11/2014 về việc ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa việc chấm điểm không đơn thuần là chấm điểm hoặc dựa trên báo cáo của các đơn vị để trình chủ tịch UBND tỉnh mà tổ thẩm định có trách nhiệm làm rõ đến từng điểm.

Khi trừ điểm thì phải có cơ sở căn cứ, lý do cụ thể. việc cho thêm điểm cũng phải chứng minh được năng lực biểu hiện bằng việc làm ra sao chứ không thể tùy tiện nâng lên hạ xuống. Những người trong tổ thẩm định phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. Sau khi có kết quả sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện đại chúng để người dân được biết. Kết quả này cũng được gửi đến các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Việc đưa ra các tiêu chí xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhằm bảo đảm tính kịp thời, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng tình hình hoạt động chỉ đạo, điều hành, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, tránh phô trương, hình thức, chạy theo thành tích, che giấu khuyết điểm… Việc chấm điểm được chia thành bốn nhóm theo thang điểm 100. Theo đó, mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên 90 điểm sẽ được khen thưởng, ngược lại dưới 50 điểm bị xem xét trách nhiệm và hai năm liên tiếp sẽ bị điều chuyển, chuyển đổi công tác.

Việc chấm điểm và có hình thức xử lý cụ thể đối với cán bộ mới chỉ là bước đầu nhưng đã có những chuyển biến tốt. Tới đây việc này sẽ đi vào thực chất hơn, với các tiêu chí đánh giá sát sườn chức năng của từng sở, từng ngành. Ví dụ như, Sở GTVT thì tiêu chí được người dân quan tâm nhiều là vấn đề an toàn giao thông; Sở Nông nghiệp thì quan tâm an toàn dịch bệnh, chất lượng vật tư nông nghiệp, vấn đề an toàn thực phẩm…

Kết quả cụ thể năm 2014, Thanh Hóa đã gặt hái được thành công toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Đây là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ chỉ tiêu, kế hoạch đề ra (16/16 chỉ tiêu giao). Đó là kết quả của sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, của doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất là năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh ở việc đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Ví như việc thắt chặt kỷ cương ở nhiều lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, giao thông, tài chính, tuyển dụng,…

Việc chấm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh giao là một trong những việc làm thiết thực trong công tác cải cách hành chính, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Qua việc chấm điểm, tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức viên chức đã được nâng lên rõ rệt. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong tỉnh cũng được nâng cao thêm một mức. Cùng với các cơ chế, chính sách khác của tỉnh, quy chế chấm điểm đã góp phần đáng kể cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Thanh Hóa vào tốp đầu các địa phương có môi trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

ThS. Lương Ban Mai
Học viện Hành chính Quốc gia