Đẩy mạnh phát triển du lịch tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

(QLNN) – Tháng 9/2013, UBND tỉnh Yên Bái triển khai đề án: “Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 – 2020”, trong đó điểm mới quan trọng được đề án xác định, không chỉ xây dựng Nghĩa Lộ trở thành một thị xã văn hóa mà còn xây dựng thị xã trở thành một điểm du lịch của tỉnh Yên Bái, đồng thời góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

 

  1. Nghĩa Lộ nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, có diện tích tự nhiên gần 3.000 ha, dân số gần 30.000 người, với 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó 60% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ngày 15/5/1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái thành lập theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính trên cơ sở là thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc huyện Văn Chấn và là đô thị loại IV thuộc tỉnh Yên Bái, bao gồm: 7 đơn vị hành chính trực thuộc với 4 phường (Tây An, Trung Tâm, Pú Trạng, Cầu Thia) và 3 xã (Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc). Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo nhưng luôn song hành hoặc hòa quyện vào nhau, tạo nên một vùng đất văn hóa đặc sắc, đó là văn hóa Mường Lò.

Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 miền Bắc, sau Mường Thanh ở Điện Biên (Ảnh – Hoàng Đô)
Nhờ có định hướng đúng đắn trong việc phát triển văn hóa du lịch cộng đồng, Nghĩa Lộ đã bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch. Những năm qua, kinh tế – xã hội của thị xã có nhiều khởi sắc và đời sống của nhân dân Nghĩa Lộ được nâng cao. Từ năm 2003, Nghĩa Lộ là thị xã đầu tiên của cả nước được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện, khu vực miền núi vùng đồng bào DTTS.
Năm 2013, Nghĩa Lộ đã xây dựng thị xã văn hóa gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về: “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mô hình thị xã văn hóa bước đầu  được hình thành. Tháng 9/2013, UBND tỉnh Yên Bái triển khai đề án: “Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 – 2020”, trong đó điểm mới quan trọng được đề án xác định, không chỉ xây dựng Nghĩa Lộ trở thành một thị xã văn hóa mà còn xây dựng thị xã trở thành một điểm du lịch của tỉnh Yên Bái, đồng thời góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Những năm qua, thị xã luôn chú trọng đến việc bảo tồn các nhạc cụ, sưu tầm, giới thiệu giá trị về văn học, nghệ thuật của đồng bào thông qua các tác phẩm dịch chữ Thái cổ, nghiên cứu và giới thiệu các câu chuyện kể về truyền thuyết tâm linh, trường ca… Đặc biệt, ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái đã được quan tâm, bảo tồn và được truyền dạy cho người dân Nghĩa Lộ.Hằng năm, tổ chức các giải thi đấu, giao hữu các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, ném còn…; các trò chơi dân gian như: tó mắc lẹ, tát yến…
Văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường Lò cũng là một trong những điểm mạnh để thu hút khách du lịch. Hiện nay, thị xã chú trọng phát triển hình thức du lịch làng nghề, du lịch Homestay, mô hình nhà sàn phục vụ du lịch cộng đồng tại các xã, thôn, bản, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, thị xã còn quy hoạch, bảo tồn hai bản văn hóa Thái truyền thống, gắn liền với phát triển du lịch và xây dựng một trung tâm văn hóa – du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Lợi.
Ngoài thế mạnh là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có các di tích văn hóa lịch sử – văn hóa cấp quốc gia Căng Đồn Nghĩa Lộ, gắn liền với chiến dịch giải phóng Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ; khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Trong các dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần, thị xã đón một lượng khách đông đảo đến tham quan, tìm hiểu. Nếu như “năm 2012, thị xã chỉ đón và phục vụ 30 nghìn lượt khách trong và ngoài nước thì năm 2016, con số này đã là 63 nghìn lượt” {1}. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của việc hoàn thiện các hệ thống nhà hàng, khách sạn và các mô hình du lịch cộng đồng.
2. Thống kê cho thấy, “thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 24,06 triệu đồng/người/năm. Tăng trưởng kinh tế của thị xã năm 2016 là 15,7%, trong đó cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản: 29%, công nghiệp – xây dựng: 34,5%, dịch vụ: 36,5%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh: 83%. Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch: 85%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh: 56,4%”{2}.
Sự phát triển đáng ghi nhận ở thị xã Nghĩa Lộ còn được thể hiện qua lễ công bố quyết định phê duyệt Đề án thị xã văn hóa – du lịch và trình diễn màn đại xòe cổ xác lập kỷ lục Việt Nam, đền Cầm Hánh được công nhận là di sản văn hóa cấp tỉnh; 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Cụm 3 cây Đa tía được công nhận cây di sản…
Thị xã đã chú trọng công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở làm dịch vụ du lịch. Từ một thị xã ngày đầu mới tái thành lập, “có 600 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, đến nay, Nghĩa Lộ có 29 doanh nghiệp, 1.310 hộ kinh doanh thương mại, 62 cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú, 201 cơ sở hoạt động lĩnh vực ăn uống, 34 hộ hoạt động du lịch cộng đồng. Trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Cơ bản các phòng học kể cả nơi xa xôi nhất như Nà Vặng, Nậm Đông, xã Nghĩa An cũng được kiên cố hóa. 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia”{3}.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tăng cường cả về chiều sâu và chiều rộng. Trong đó, rõ rệt nhất về giáo dục trung học phổ thông: “Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT qua các năm đều đạt cao từ 96% trở lên. Số học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và các trường chuyên nghiệp chiếm 44,5%. Năm 2016, số đơn vị trường học tăng gấp 2,5 lần so với năm 1995, thị xã có 13/24 trường đạt chuẩn quốc gia”{4}. Quân sự quốc phòng ngày càng được được củng cố, xây dựng thị xã trở thành khu vực phòng thủ vững chắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm giữ vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: hệ thống giao thông kết nối với các huyện phía Tây của tỉnh, trong đó có Nghĩa Lộ đã xuống cấp, làm ảnh hưởng chung đến việc giao thương đi lại phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến với Nghĩa Lộ. Hiện nay một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, vấn đề vệ sinh môi trường… đang là những cản trở việc thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng thị xã văn hóa – du lịch.
  1. Để củng cố sự tin tưởng của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng bộ về triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Yên Bái đã xác định các nhóm giải pháp chính trong đề án “Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 – 2020”, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục đưa du lịch phát triển bền vững, trong đó xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các mô hình phát triển du lịch một số địa phương trong và ngoài nước để từ đó tạo sự phát triển hài hòa giữa việc bảo tồn văn hóa truyền thống với xây dựng một đô thị mới trong thời đại hội nhập hiện nay.
Thứ hai, cần chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và người dân trực tiếp làm du lịch, có các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn, gắn xây dựng thị xã văn hóa – du lịch với xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, tập trung hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho các hộ dân trực tiếp tham gia làm du lịch cộng đồng; sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, làm tốt công tác thu hút đầu tư, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu về Nghĩa Lộ – Mường Lò trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, coi trọng việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, như triển khai tập trung sưu tầm, giới thiệu các giá trị văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái; đặc biệt là khôi phục và bảo tồn 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái (đưa xòe cổ vào dạy trong chương trình ngoại khóa của các nhà trường, tổ chức trình diễn màn đại xòe cổ lớn nhất – xác lập kỷ lục Việt Nam) để thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng…
Thứ tư, cần đăng ký đề tài khoa học cấp tỉnh về nghiên cứu bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ để hướng tới mục tiêu là đưa xòe Thái Nghĩa Lộ – Mường Lò được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Những thành công ban đầu trong việc khai thác giá trị văn hóa của đồng bào DTTS để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân chính là những điều kiện thuận lợi để thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục phấn đấu trở thành đô thị loại 3 vào năm 2020. Chính quyền thị xã sẽ tiếp tục chú trọng tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn gìn giữ kiến trúc nhà sàn truyền thống, ra nghị quyết chuyên đề về giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc.
Chú thích:
1.Sở Công thương tỉnh Yên Bái. Báo cáo tình hình phát triển thương mại – dịch vụ thị xã Nghĩa Lộ năm 2016.
2, 3, 4. Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án Xây dựng Thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 – 2020 trong việc khai thác các giá trị văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch.
     
ThS.  Nguyễn Thị NQuỳnh
Học viện Hành chính Quốc gia